Tổng Thống Trump than phiền về lãi suất

Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống Donald Trump nói nhiều lần rằng ông chủ trương phải giữ lãi suất thấp. Những người làm địa ốc đều thích lãi suất thấp, vì họ luôn vay tiền để mua hay để xây dựng nhà cửa, khách sạn, khu giải trí hoặc sòng bài. Trong mười năm qua, từ khi nước Mỹ rớt vào cuộc đại suy thoái 2007-08, là một thời kỳ vàng son vì lãi suất được Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) giữ ở mức thấp nhất, có lúc gần sát số không.

Cho nên không ai ngạc nhiên khi Tổng Thống Trump mới than phiền rằng Fed đang tính tăng lãi suất. Điều ngạc nhiên là ông nói lên điều đó hai ngày tiền. Hôm Thứ Năm, 19 Tháng Bảy, ông Trump chỉ trích Fed tăng lãi suất khiến mọi người sửng sốt; bởi vì từ năm 1992 đến giờ chưa một vị tổng thống Mỹ nào tỏ ý can thiệp vào các quyết định tiền tệ, để tôn trọng tính độc lập của ngân hàng trung ương. Ngay sau đó, Tòa Bạch Ốc đã ra thông cáo rằng Tổng Thống Trump hoàn toàn ủng hộ quy tắc ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ.

Nhưng sang ngày Thứ Sáu, ông Trump lại “tuýt” những ý kiến chống việc tăng lãi suất, giải thích một cách rõ ràng mạnh mẽ hơn trước. Ông viết: “Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và các nước khác đã manh mún tiền tệ của họ với lãi suất thấp hơn, trong khi nước Mỹ tăng lãi suất và đồng đô la Mỹ mạnh hơn mỗi ngày. Đây là một cuộc chơi không công bằng.”

Ông Trump bực mình có lý do. Lãi suất ở Mỹ lên xuống có thể ảnh hưởng đến giá cả, do đó, cũng ảnh hưởng trên cán cân thương mại giữa Mỹ và các nước khác.

Khi lãi suất ở Mỹ tăng, đồng đô la lên giá vì những người có tiền khắp nơi đem cho người Mỹ và chính phủ Mỹ vay. Họ phải dùng tiền nước họ mua đô la để cho vay. Do đó, đô la lên, các đồng tiền khác xuống.

Lý do chính khiến ông Trump khó chịu, là khi đô la Mỹ có giá trị cao hơn, hàng hóa Mỹ sẽ tăng giá khi xuất cảng. Thí dụ, một món trị giá $100, trước kia bán giá 85 là đủ. Bây giờ đô la tăng giá, mỗi đô la đổi được 89, thì cũng món hàng đó sẽ phải bán với giá 89, đắt hơn ba đồng.

Như vậy thì hàng Mỹ xuất cảng sẽ khó bán hơn; ngược lại, hàng các nước khác sẽ rẻ hơn khi nhập cảng vào Mỹ. Hậu quả là cán cân mậu dịch của Mỹ sẽ thâm thủng nặng hơn; hoàn toàn trái với mục tiêu của Tổng Thống Trump khi mở cuộc chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc và các nước đồng minh Châu Âu cũng như Canada, Mexico.

Một hậu quả khác của việc tăng lãi suất là sẽ khiến các xí nghiệp vay tiền khó hơn khi muốn đầu tư thêm; người tiêu thụ cũng khó vay tiền mua hàng; hoạt động kinh tế giảm bớt. Các nhà địa ốc biết rõ điều này hơn ai hết.

Ông Trump đã tố cáo chương trình tăng lãi suất lên dần dần đã “làm hư tất cả những gì chúng ta đã thực hiện.”

Người điều chính phủ Trump đã thực hiện là cắt thuế các công ty để thúc đẩy kinh tế lên; và tăng thuế nhập cảng để giảm bớt thâm thủng mậu dịch.

Lãi suất tăng sẽ khiến cả hai mục tiêu đó gặp trở ngại.

Nhưng tại sao ngân hàng trung ương Mỹ lại tính chuyện tăng lãi suất?

Vì họ muốn làm bổn phận, theo luật định. Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve System, tức Fed) mới ra đời được 105 năm. Luật ấn định nhiệm vụ đầu tiên của họ là giữ giá cả ổn định. Người ta lập ra ngân hàng trung ương này sau khi đã chứng kiến nạn lạm phát gây hại cho đời sống kinh tế toàn dân; và biết thêm rằng nếu giá cả không lên mà lại xuống, gọi là giảm phát, còn tai hại hơn nữa. Hiện nay các ngân hàng trung ương ở Mỹ cũng như đa số các nước tiên tiến đều cho rằng mức lạm phát 2 phần trăm một năm là giúp kinh tế ổn định nhất.

Một khí cụ dùng để các ngân hàng trung ương ổn định giá cả là lãi suất. Khi lo lạm phát lên cao, người ta tăng lãi suất để giảm bớt số tiền đem cho vay, do đó giá cả sẽ không tăng nhanh quá.

Từ năm 2009 đến nay, lãi suất căn bản ở Mỹ rất thấp, vì lạm phát cũng rất thấp. Nhưng trong vài năm qua, lạm phát bắt đầu ló dạng đang lên. Ngân hàng trung ương có bổn phận ngăn ngừa. Chúng ta có thể đoán trước lạm phát sẽ lên khi thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm, số người mất việc giảm, các xí nghiệp tuyển công nhân khó khăn hơn. Các công ty phải tăng lương. Họ sẽ phải tăng giá hàng bán ra. Những người được tăng lương sẽ tiêu tiền nhiều hơn, cũng khiến giá cả lên cao.

Kinh tế Mỹ đang trong tình trạng đó sau chín năm phát triển, từ năm 2009. Đó là một tin mừng cho tất cả mọi người nhưng là một mối lo cho các người có bổn phận giữ giá cả ổn định. Đó là Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ của Fed. Ủy ban này, gọi tên FOMC, Federal Open Market Committee nhưng không nên dịch nguyên văn cái tên là “thị trường mở,” gồm ông chủ tịch Jerome Powell, do Tổng Thống Trump bổ nhiệm năm ngoái với các vị thống đốc và năm vị chủ tịch Fed địa phương, từ các ngân hàng thương mại.

Giữa những người quyết định chính sách tiền tệ và các nhà chính trị thường hay xung đột vì mục tiêu khác nhau. Các nhà chính trị đang cầm quyền muốn được tái cử. Trong một năm dân đi bỏ phiếu, họ muốn kinh tế phát triển hơn, càng nhiều người tiêu tiền càng tốt! Còn ngân hàng trung ương thì phải lo ổn định giá cả. Nếu ngân hàng trung ương làm theo ý các ông bà tổng thống và các đại biểu quốc hội thì họ có thể sao lãng trách nhiệm.

Vì vậy, các nước tiên tiến đều theo một quy tắc là để cho ngân hàng trung ương độc lập với chính quyền, với tất cả các nhà chính trị. Các thống đốc và chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ do tổng thống để cử những phải được Thượng Viện phê chuẩn. Nhiệm kỳ của bảy vị thống đốc là 14 năm, của vị chủ tịch là bốn năm. Các chủ tịch Fed địa phương không do tổng thống bổ nhiệm.

Các vị tổng thống Mỹ thường vẫn tôn trọng tính chất độc lập của ngân hàng trung ương, Fed. Gần đây nhất, chỉ có một vụ George H.W. Bush, trong năm ông tái tranh cử, đã tuyên bố ông muốn Fed giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Vị chủ tịch Fed lúc đó, ông Alan Greenspan, do Tổng Thống Reagan mới bổ nhiệm năm năm trước, đã cắt lãi suất 0.25%, hai lần. Nhưng ông Bush (41) vẫn thất cử. Sau này ông Bush vẫn hận rằng ông Alan Greenspan không cắt lãi suất mạnh sớm hơn, sau khi nước Mỹ vừa trải qua cơn suy thoái 1990-91. Nhưng tính độc lập của ông Alan Greenspan vẫn được mọi người kính trọng, ông được các vị tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ lưu nhiệm cho tới năm 2006.

Vị chủ tịch Fed hiện nay, ông Jerome Powell đang họp ở Buenos Aires, Argentina, trong lúc Tổng Thống Trump than phiền về chính sách tiền tệ của Fed. Nhưng ông Powell được tiếng là người độc lập. Khi được bổ nhiệm, ông đã được 84 nghị sĩ đồng ý phê chuẩn, thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Ông đã tuyên bố Fed phải làm việc đúng tinh thần độc lập, quyết định dựa trên các tin tức và phân tích kinh tế, minh bạch và công khai. Sau khi nhậm chức, ông Powell chưa gặp Tổng Thống Trump lần nào nữa.

Tổng Thống Trump than rằng “Châu Âu theo chính sách tiền tệ dễ dàng (lãi suất thấp gần số không), đồng tiền của họ đang xuống… Trung Quốc, đồng tiền của họ cũng đang rớt nhanh như cục đá. Đồng tiền của nước ta thì lên! Rất bất lợi!”

Nhưng đồng tiền các nước khác xuống không phải chỉ vì ảnh hưởng của lãi suất.

Ngay trong ngày Thứ Sáu, sau cuộc phỏng vấn Tổng Thống Trump, đồng nguyên của Trung Cộng lại rớt nữa, sau khi đã rớt suốt tháng qua. Lý do vì mối lo chiến tranh mậu dịch ông Trump đang đe dọa đánh trên nước Tàu. Đồng euro của Châu Âu cũng xuống thấp vì kinh tế vùng này không phát triển mạnh như kinh tế Mỹ, rồi lại bị chính phủ Mỹ đánh thuế thép, nhôm, và đe dọa sẽ tăng thuế xe hơi! Ông Trump chỉ chú ý đến ảnh hưởng lãi suất, cho nên muốn Fed ngưng không tăng nữa.

Nhưng ông Trump có thể gây phản ứng ngược lại.

Trong phiên họp tới, thành viên Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ (FOMC) có thể cảm thấy bị áp lực phải chứng tỏ họ độc lập với Tòa Bạch Ốc. Với các tin tức kinh tế, nếu họ phân vân giữa hai lựa chọn, hoặc tăng lãi suất hoặc không tăng, họ có thể nghiêng về quyết định tăng. Giữa quyết định tăng một hay hai lần từ nay đến cuối năm, họ cũng có thể muốn làm mạnh hơn! Nếu các tin tức cho thấy kinh tế yếu đi, do chiến tranh mậu dịch gây ra, họ sẽ phân vân không biết nên cắt giảm lãi suất để kích thích hay không. Vì việc cắt giảm có thể bị hiểu lầm là do áp lực của hành pháp!

Tình trạng này có thể khiến các người nắm chính sách tiền tệ trong tay không quyết định một cách khách quan nữa. Nếu họ quyết định sai, vì thể diện, thì có thể gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ!

Những lời than phiền của ông Trump về lãi suất có thể gây bất lợi cho chính ông! (Ngô Nhân Dụng)