Trump đành ở lại Afghanistan

Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống Donald Trump đành chấp nhận di sản Afghanistan, giống Tổng Thống Obama trước đây 8 năm. Trong năm ngoái, 6,000 binh sĩ Afghanistan tử trận, cao hơn tổng số 3,500 quân Mỹ trong 16 năm từ khi cựu Tổng Thống Goerge W. Bush bắt đầu. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 11 quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Tổng Thống Trump có vẻ “bất đắc dĩ” phải tăng thêm quân số trong cuộc chiến hiện đã kéo dài lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Năm 2012, ông viết: “Afghanistan hoàn toàn vô bổ! Ðã tới rút rút về!” Năm 2013, khi giới tướng lãnh phản đối dự định rút bớt quân, ông Trump viết: “Tôi đồng ý với Tổng Thống Obama! Chúng ta nên rút gấp! Tại sao phí phạm bao nhiêu tiền!…”

Ngày Thứ Hai tuần này, ông Trump lên ti vi nói trước 2,000 quân nhân Mỹ tại Fort Myer, “Nếu rút quân vội quá, sẽ để lại một chỗ trống cho bọn khủng bố, kể cả ISIS và Al Qaeda!” Ðó là một sự thật mà hai ông tổng thống Mỹ phải công nhận. Năm 2009, sau khi đắc cử với lời hô hào rút khỏi Afghanistan, ông Obama đã phải đồng ý với Ngũ Giác Ðài tăng thêm 30,000 quân. Trong những năm sau, quân số Mỹ lên tới 100,000; giảm xuống còn hơn 4,000 khi ông Obama mãn nhiệm. Nay ông Trump đồng ý với các tướng lãnh sẽ gửi thêm 4,000 quân sĩ mới.

Một tháng trước, ông Trump đã được nghe giới tướng lãnh thân cận thuyết trình về dự án tăng quân mà họ đã đề nghị từ ba tháng trước. Tổng thống Mỹ hiện chịu ảnh hưởng mạnh nhất của ba vị tướng hồi hưu: John Kelly, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc; Jim Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng (cả hai gốc Thủy Quân Lục Chiến); và H.R. McMaster, bộ binh, là cố vấn an ninh. Ông Mattis đã chỉ huy trận chiến và ông McMaster làm cố vấn chính phủ Afghanistan chống tham nhũng. Khi nghe các tướng lãnh trình bày dự án tăng quân, ông Trump đã phản đối ngay. Ông không tin giới quân sự: “Bên mình đang thua!” Ðó cũng là những ý kiến của cố vấn Bannon, trước khi ông ta được mời ra khỏi cửa. Ngày Thứ Hai, sau khi theo dõi diễn văn của ông Trump. Bannon đã công khai đặt câu hỏi không biết làm cách nào 4,000 binh sĩ mới sẽ giải quyết được cuộc chiến này? Tháng trước, ông Trump nghe các vị tướng đề nghị xong, cũng hỏi các họ: “Khi nào thì mình biết rằng mình thành công?”

Ông Bannon vốn đối nghịch với các vị tướng chung quanh ông Trump. Giờ ông thấy tổng thống của mình phải theo ý các ông tướng! Bannon đã phản ứng bằng việc công bố ngay một cuộc phỏng vấn với Erik D. Prince, người sáng lập công ty Blackwater Worldwide. Ðó là một trong những công ty tuyển một “chuyên viên,” đấu thầu cho quân đội Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Theo Bannon và Prince, vì Mỹ không thể rút quân, mà tăng quân cũng vô ích, họ chủ trương một giải pháp thứ ba: Mỹ nên đem quân về, trao mặt trận cho CIA phụ trách, và CIA sẽ thuê các “chuyên viên” (thường gọi là lính đánh thuê) của các công ty tư như Blackwater. Ông Mike Pompeo, giám đốc CIA thì không muốn cơ quan tình báo quốc gia nhúng tay vào những mặt trận bí mật mới!

Những câu hỏi “bao giờ thấy thành công?” “làm sao giải quyết?” là lối nhìn của các nhà chính trị với nhãn quan giới hạn trong thời gian giữa hai cuộc bầu cử. Họ cần những “thành tích” cụ thể và nhanh chóng, để có thể lên ti vi phô trương với các người ủng hộ mình!

Các chính phủ Mỹ thường chú trọng những kế hoạch hành động ngắn hạn, với kết quả cụ thể, mặc dù họ biết cần có những chương trình dài hạn. Vì các vị tổng thống và đại biểu Quốc Hội Mỹ thường rất “sốt ruột.”

Trong khi đó thì các lực lượng đối nghịch với Mỹ luôn luôn nhắm các kế hoạch lâu dài. Tại Afghanistan, ngoài lực lượng Taliban đã bị quân Mỹ đuổi khỏi thủ đô năm 2003, nay lại có thêm những đám quân Quốc Gia Hồi Giáo (IS) từ và dư đảng al-Qaeda vẫn còn hoạt động. Cả ba đều theo đuổi mục đích đưa người theo giáo phái Sun Ni lên địa vị thống ngự trong thế giới đạo Hồi, và các tín đồ tôn giáo của họ sẽ đứng ngang với, nếu chưa đứng trên, tín đồ các tôn giáo khác. Chương trình này, họ sẽ theo đuổi trong nhiều thế kỷ.

Gần đây, lực lượng Taliban và IS cùng chiếm một cứ điểm chiến lược ở thung lũng Mirza Olang, và ngay sau đó hàng trăm người theo phái Shi A đã bỏ chạy, nói rằng họ bị quân theo phái Sun Ni tàn sát.

Tại Afghanistan hiện nay Taliban và IS có thể chờ bao nhiêu năm cũng được, để theo đuổi giấc mộng của họ. Họ mới hợp tác cùng tấn công một địa điểm của quân chính phủ. Không những thế, Taliban còn thay đổi “biến bạn thành thù” trong ngắn hạn để mưu chuyện lâu dài!

Khi còn nắm quyền, Taliban vốn là kẻ thù không đợi trời chung với chính phủ Iran, một nước theo phái Hồi Giáo Shi A mà phái Sun Ni coi là phản giáo. Nga Xô vốn là kẻ thù, bị quân Taliban đuổi ra khỏi nước họ, chấm dứt chế độ đô hộ, trước đây 27 năm. Nhưng mấy năm gần đây, cả Nga và Iran đều được vận động giúp Taliban vũ khí, nhiên liệu và quân nhu, lương thực. Họ kết thân với nhau vì cùng chống Mỹ!

Năm ngoái, sau nhiều tháng chuẩn bị, quân đội Mỹ đã dùng máy bay không người lái phục kích bắn chết Giáo Sĩ Akhtar Muhammad Mansour, lãnh tụ Taliban, trong lãnh thổ Pakistan. Ông ta đang trên đường từ Iran trở về mật khu ở Pakistan và Afghanistan. Vụ mưu sát đó là thông điệp của tình báo quân đội Mỹ, cho các địch thủ nghe: “Chúng tôi biết hết rồi!” Nhưng chính phủ Mỹ sẽ làm gì trước một mặt trận, trong đó những nước thù nghịch như Nga và Iran, cùng với một nước “bạn” là Pakistan, cả ba cùng giúp nhóm Taliban? Rõ ràng, đây là một cuộc cờ sẽ kéo dài nhiều thế hệ, nếu không tính bằng thế kỷ!

Hiện nay Taliban đã kiểm soát 48 trong số 400 vùng của nước Afghanistan. Trung bình mỗi ngày có 31 binh sĩ chính phủ bị giết. Trong khi đó, ở Kabul vẫn là một chính phủ “liên hiệp” khó đồng ý với nhau, và các lãnh chúa địa phương vẫn xưng hùng. Quân Taliban mới tấn công thủ phủ tỉnh Helmand, thủ đô ma túy của cả nước, nơi có hai ông tướng của chính phủ đang bị điều tra về tham nhũng và cả tỉnh đang lo lọt vào tay quân Taliban!

Kế hoạch Afghanistan của chính phủ Donald Trump hiện do các vị tướng quyết định, Ngoại Trưởng Rex W. Tillerson và Bộ Ngoại Giao hầu như không có tiếng nói nào! Ông Trump cho tới nay vẫn chưa bổ nhiệm những chức còn khuyết trong Bộ Ngoại Giao. Ông mới bãi bỏ một chức vụ chuyên phụ trách về Pakistan và Afghanistan. Ông chưa đề cử ai làm đại sứ ở Kabul.

Nhưng Afghanistan là một vấn đề lâu dài, và cần chính trị, ngoại giao nhiều không kém gì các giải pháp quân sự. Những nhà chính trị với cách nhìn ngắn hạn khó thay đổi được. Trong khi dân chúng Mỹ không quen sống với những cuộc chiến tranh kéo dài. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục “vá víu” một chiến lược ở Afghanistan, không biết đến bao giờ mới xong!

Mời độc giả xem bình luận “Nội chiến 152 năm trước vẫn còn tác động nước Mỹ”(Phần 1)