Thursday, March 28, 2024

Gia Đình Hải Quân Trần Hưng Đạo OCS đón ‘Mùa Hè Rực Rỡ’ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Vận nước điêu linh, các chiến sĩ Hải Quân VNCH trôi dạt khắp bốn phương trời. Gia Đình Hải Quân Trần Hưng Đạo OCS Nam California qua gần nửa thế kỷ vẫn tìm về bên nhau trong “Mùa Hè Rực Rỡ” 2019 tại Little Saigon trong mối thâm tình keo sơn gắn bó.

Nhiều màu áo sặc sỡ, hoa lá cành ẩn hiện trong dạ tiệc “Mùa Hè Rực Rỡ” do Gia Đình Hải Quân Trần Hưng Đạo OCS Nam California tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, tại nhà hàng Majesty, Santa Ana.

Ngoài quan khách, các gia đình những chiến hữu tại California còn có nhiều gia đình của những chiến hữu đến từ những tiểu bang xa như Michigan, Texas, Washington, North Carolina về tham dự.

OCS (Officer Candidate School) là một Học Viện Quân Trường Hải Quân Hoa Kỳ. Trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, khoảng đầu thập niên 1970, Quân Chủng Hải Quân VNCH vì nhu cầu chiến tranh phải tăng quân số từ 10,000 lên đến 40,000, nên một số sinh viên sĩ quan Hải Quân sau khi được huấn luyện Anh Ngữ, được đưa sang Hoa Kỳ học trường OCS, tổng cộng có hơn 700 người, từ khóa 1 đến khóa 12.

Dạ vũ nhiều sống động. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau khi tốt nghiệp, các tân Hải Quân Sĩ Quan trở về Việt Nam phục vụ trong các đơn vị Hải Quân Quân Lực VNCH, từ các giang đoàn, các hải đội tuần duyên trên sông ngòi và những vùng ven biển, đến các chiến hạm ngoài biển khơi.

OSC là một Học Viện Quân Trường Hải Quân nổi tiếng, từng có sáu vị tổng thống Hoa Kỳ xuất thân từ trường này, đó là các cựu Tổng Thống John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, và George H. W. Bush.

Sau gần nửa thế kỷ, từ khi vào trường OCS cho đến nay, các cựu sinh viên sĩ quan OCS kẻ còn người mất tản mạc nhiều nơi trên thế giới, gặp nhau trong “Mùa Hè Rực Rỡ” 2019 tại Little Saigon trong tình chiến hữu. Vì vậy, từ truyền thống 1980 đến nay, cứ hai năm có một lần đại hội. Năm 2020, Đại Hội OCS sẽ được tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washington.

Hải Quân Nguyễn Thành Trạng, cựu sinh viên sĩ quan Khóa 6 OCS, trưởng ban tổ chức, và ông cũng là một trong những chiến sĩ của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 tử chiến Hoàng Sa, nhưng ông được may mắn thoát chết. Trong phần khai mạc, ông ngỏ lời chào mừng quan khách và gia đình các chiến hữu đồng môn đến dự.

Hải Quân Kính Phạm và bà xã (đứng). (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Hương Phạm, cư dân South Pasadena, trên tay cầm chai rượu chát đỏ thật to, cho biết rượu này là do người em trai của chị tặng Hội Hải Quân OCS. “Chồng tôi là một sĩ quan Hải Quân OCS. Ngày xưa tôi gặp chồng tôi trong trường hợp ngẫu nhiên. Lúc đó anh mới mang lon trung úy chạy chiếc xe Jeep đến trường học của chúng tôi để đưa hơn 10 nữ sinh của những trường Trung Học Marie Curie, Virginia Francis vào một quán cà phê. Vì chị em nữ sinh chúng tôi đông quá nên anh không đủ tiền trả, mới cầm chiếc nhẫn kỷ niệm của khóa học Hải Quân của anh lại cho người chủ quán cà phê. Cũng vì thâm tình đó, nên sau này tôi trở thành vợ của người Hải Quân trung úy này,” bà kể.

Hải Quân Kính Phạm, cựu sinh viên sĩ quan Khóa 6 OCS, chồng bà Hương, kể: “Gần cuối Tháng Tư, 1975, tôi đóng quân tại căn cứ Hải Quân Năm Căn, Cà Mau. Sau đó, tôi được lệnh đi về Sài Gòn. Tôi là người cuối cùng đưa chiếc Hải Vận Hạm HQ 402 ra khỏi Sài Gòn lúc 2 giờ 30 trưa, vì nghe biết là có hạm đội Mỹ đang chờ ngoài đảo Côn Sơn thì chúng tôi mới chạy thẳng về Côn Sơn. Nhưng vừa gần đến hải phận quốc tế thì chúng tôi gặp Hạm Đội Hải Quân Việt Nam cũng đang đợi ở đó. Lúc đó chiếc Hải Vận Hạm 402 của tôi cũng vừa bị hư máy, nên chúng tôi cho thủy táng chiếc này. Sau đó, chúng tôi lên chiếc West 1 rồi đi đến chiến hạm thuộc Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ đưa chúng tôi đến đảo Guam. Sau đó, chúng tôi được một hội nhà thờ bảo lãnh gia đình chúng tôi đến tiểu bang Michigan. Vài năm sau gia đình tôi sang định cư tại California cho đến bây giờ.”

Gia đình Hải Quân Danh Âu (trái) và gia đình Hải Quân Đào Ngọc Hải. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số khách mời đến dự, ông Duy Tài, cư dân Reseda, California, là người tặng chai rượu chát to cho Hội OCS tâm tình: “Sở dĩ tôi tặng chai rượu này cho ban tổ chức vì để tưởng nhớ và cám ơn đến những chiến sĩ trong Quân Lực VNCH, nhất là các chiến sĩ Hải Quân, vì anh rể của tôi cũng là một chiến sĩ Hải Quân. Cùng đi với tôi là vợ của tôi.”

Hải Quân Thái Sơn, cư dân Garden Grove, kể: “Những bạn bè của tôi cũng có một số người trong ban tổ chức này, nên họ mới mời gia đình chúng tôi đến dự dạ tiệc hôm nay. Ngày xưa, tôi là một chiến sĩ Hải Quân của chiếc Dương Vận Hạm HQ 505, Nha Trang. Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, vì bận bịu gia đình nên tôi mới còn kẹt lại ở Việt Nam. Đến năm 1984, gia đình tôi vượt biên từ Vũng Tàu, rồi sau đó được định cư tại Hoa Kỳ. Sau mấy mươi năm sống trên xứ người, anh em Hải Quân chúng tôi dù bất cứ đơn vị nào, nếu có dịp họp mặt với nhau đó là chứng tỏ sự đoàn kết của Quân Chủng Hải Quân VNCH. Chúng tôi hy vọng những lớp trẻ sau này sẽ làm việc khá hơn chúng tôi nhiều, và nhất là chúng nó phải biết nghĩ đến nguồn cội của mình là Việt Nam.”

Sau cuộc đổi đời bi đát vào cuối Tháng Tư, 1975, có nhiều chiến sĩ Hải Quân được rời quê hương, nhưng cũng có những người đã từng là hạm trưởng cũng phải bị kẹt và bị vào tù Cộng Sản.

Các nàng dâu của Gia Đình Hải Quân Trần Hưng Đạo OCS. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Hải Quân Nguyễn Ngọc Nam, cựu sinh viên sĩ quan Khóa 6 OCS, tâm tình: “Vừa chấm dứt chiến tranh thì tôi bị vào tù Cộng Sản, đến cuối Tháng Mười Hai, 1980, tôi được ra tù. Ngày xưa, tôi là hạm phó chiếc HQ 490, và ông anh của tôi là hạm trưởng chiếc HQ 504, thế mà hai anh em chúng tôi đều bị tù của Cộng Sản, đó chỉ là số phận mà thôi. Thật ra thì tôi cũng có ý định đưa gia đình cùng đi vượt biên, nhưng lúc đó bà xã tôi đã mang bầu hơn bảy tháng, nên chúng tôi muốn sang chiếc chiếc HQ 505 do anh tôi làm hạm trưởng để cùng đi, vì chiếc tàu của anh tôi lớn hơn chiếc của tôi. Nhưng cuối cùng anh của tôi đổi ý không mang tàu để vượt biên. Vì thế, chúng tôi kẹt lại. Sau khi mãn tù, chúng tôi vượt biên đến lần thứ tư thì mới thoát, và được định cư tại Hoa Kỳ vào Tháng Tư, 1984.”

Còn Hải Quân Danh Âu, Khóa 6 OCS, kể rằng: “Đơn vị cuối cùng của tôi đóng quân tại cửa Đại Ngãi, Sóc Trăng, ứng chiến đến giờ phút cuối cùng theo lệnh của cấp chỉ huy. Nhưng rồi cấp chỉ huy của chúng tôi đều ra khơi còn chúng tôi đều bị kẹt lại, trong đó có Duyên Đoàn 36, Lực Lượng Thủy Bộ và Tuần Giang Yểm Trợ 36. Tôi bị đi tù Cộng Sản hết sáu năm. Khi mãn tù, tôi vượt biên bằng đường bộ và được định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1982.”

Hải Quân Đào Ngọc Hải, cũng thuộc Khóa 6 OCS từ Seattle, Washington về, cho biết: “Đơn vị cuối cùng là Duyên Đoàn 42, An Thới, Phú Quốc. An Thới là Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 5 Duyên Hải, nên Việt Cộng không bao giờ dám đụng tới. Chúng tôi ứng chiến đợi lệnh của cấp chỉ huy đến giờ phút cuối cùng. Nhưng đến đêm 30 Tháng Tư, 1975, sau khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng trên radio thì chúng tôi mới đau lòng vượt biển rời xa quê hương mình.” (Lâm Hoài Thạch)

MỚI CẬP NHẬT