Friday, April 19, 2024

Lê Nguyễn Thiện Truyền xếp bút nghiên ‘xả thân trang trải nợ tang bồng’

Văn Lan/Người Việt

Đường vào binh nghiệp của cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (kỳ 2)

STANTON, California (NV) – Tháng Mười Hai, 1963, chàng trai 21 tuổi Lê Nguyễn Thiện Truyền từ quê hương miền Tây sông nước chính thức giã từ đời học sinh để thi vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đó cũng là niềm ước mơ ấp ủ từ lâu của ông để phục vụ quê hương đất nước, và cũng để thỏa ước mơ thầm kín là được gặp lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Sau thi đậu vào trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, thuộc Khóa 20 Nguyễn Công Trứ, chàng sinh viên sĩ quan đã nhanh chóng hòa nhập vào những chuỗi ngày khổ nhọc, thử thách cam go tưởng chừng khó vượt qua, để rồi với ý chí quyết tâm đã qua được tám tuần huấn nhục, kết thúc bằng cuộc hành quân leo núi chinh phục đỉnh Lang Biang cao nhất Đà Lạt, tiếp theo là học về văn hóa, quân sự, lãnh đạo chỉ huy. Với những chương trình huấn luyện khít khao, hai năm sau đó, 405 chàng trai trẻ đã vinh dự ra trường với cấp bậc thiếu úy.

Ngày ấy các tân thiếu úy đã cùng quỳ xuống, nhận lời huấn thị của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, với phương châm “Tự Thắng Để Chỉ Huy,” để rồi từ đó mỗi người mỗi ngã, cùng chí hướng bảo vệ tự do cho đất nước, đem lại cuộc sống an lành cho người dân miền Nam.

Con đường binh nghiệp 

Vừa khi ra trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trong 405 tân thiếu úy được theo học Khóa 23 Cán Bộ Hành Quân Biệt Động Rừng Núi Sình Lầy tại Dục Mỹ, chỉ có 100 người được cấp bằng “Cán Bộ Hành Quân Rừng Núi Sình Lầy,” trong đó có Thiếu Úy Truyền.

Sau đó Thiếu Úy Lê Nguyễn Thiện Truyền về trình diện Sư Đoàn 21 Bộ Binh, thuộc Khu 42 Chiến Thuật, chịu trách nhiệm an ninh lãnh thổ thuộc sáu tỉnh miền Tây gồm Cần Thơ, Chương Thiện, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Là cấp chỉ huy có thời gian chiến đấu liên tục ngoài chiến trường suốt giai đoạn chiến tranh, từ 1966 đến 1975, ông Truyền cho biết đến đầu năm 1966 đã thấy rõ những biến cố, những diễn tiến của chiến trường có thể chia ra làm mấy giai đoạn, gồm “Tìm và truy diệt địch,” trong đó có biến cố nổi bật là Tết Mậu Thân 1968, đến năm 1972 là “Mùa Hè Đỏ Lửa,” khắp toàn quốc có những biến cố sôi động, rồi tới 27 Tháng Giêng, 1973, ký Hiệp Định Paris, cho đến 30 Tháng Tư, 1975.

Trong giai đoạn tìm và truy diệt địch, ngày nào cũng giống ngày nào, Sư Đoàn 21 Bộ Binh “hết ướt tới khô, hết khô tới ướt,” muỗi mòng, đỉa vắt, rắn rít, hành quân liên miên, hết chiến dịch này tới chiến dịch khác, ăn bờ ngủ bụi, khi thì đi khắp các hang ổ Việt Cộng ở Cần Thơ, khi thì về miệt Sóc Trăng, rồi tới Cà Mau, Bạc Liêu, Chương Thiện, Rạch Giá, chuyển quân bằng tàu, hành quân trực thăng vận, hoặc bằng quân xa.

Mục tiêu chiến trận chính là những căn cứ tiếp tế hậu cần (từ địa phương và miền Bắc đưa vô) ở Gành Hào, Cà Mau, Ba Động, Vĩnh Bình, để phá hủy những hợp tác xã ở Lịch Hội Thượng, Nhu Gia, Sóc Trăng. Một trong những trận lớn trong thời gian đó là trận đánh nát tiểu đoàn cơ động địch ở Ba Rinh, Sóc Trăng năm 1966 do Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Sư Đoàn 21 chỉ huy. Đến Tháng Mười, 1967, cùng với Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân (Cọp 3 Đầu Rằn) do Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt chỉ huy, đánh nát trung đoàn Cộng Sản từ U Minh kéo lên chuẩn bị cho trận Mậu Thân.

Nhờ có hỏa lực hùng hậu, tuy một đánh ba thắng lớn trận đó nhưng Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt đã hy sinh tại Bà Đầm, Thát Lát, cả quân dân miền Tây đều thương tiếc, và ông Truyền cũng bị thương nặng trên đường về.

“Mình chủ động đánh địch, chiến sĩ luôn có tinh thần hăng hái chiến đấu nên đánh lớn nhỏ gì cũng thắng trận, dân miền Nam lúc nào cũng tin tưởng và ủng hộ quân đội, thành ra câu ‘Tình dân quân như cá với nước’ thật đúng nghĩa. Điều đặc biệt phải thấy là dân chúng không bao giờ hỗ trợ cho địch, mà còn tiếp tay với quân đội VNCH tiêu diệt địch,” ông Truyền nhớ lại.

Đến Tết Mậu Thân 1968 ngay trong ngày đầu năm, Việt Cộng đã lợi dụng lệnh hưu chiến trong ngày Tết, vi phạm lệnh ngưng bắn do hai bên đã thỏa thuận, tấn công ồ ạt tràn ngập tất cả các tỉnh thành của miền Nam. Riêng lãnh thổ Sư Đoàn 21 Bộ Binh, chỗ nào cũng có địch tấn công, hầu hết nhà cửa đều bị cháy sạch, từ xóm Cầu Cả Đài cho tới khu Đại Học Cần Thơ đều cháy tiêu, dân chúng chết nhiều do bị Việt Cộng sát hại, trong đó có nhà của gia đình ông Truyền, mà theo lời ông thì đó là lần “homeless” thứ ba trong đời. Trong trận đánh bật Việt Cộng ra khỏi Cần Thơ, Sư Đoàn 21 Bộ Binh đã có tới năm tiểu đoàn trưởng tử trận, trong đó có Thiếu Tá Trần Lam Thanh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2/33.

Trận đó dân quân đều nức lòng chiến đấu, phải nói là quân đi trước là dân theo sau ủng hộ hết mình. Dân quân miền Nam cùng chiến đấu ngày đêm, sau trận Mậu Thân phải gần một năm sau mới bình định lại được vì cầu bị giựt sập, đường sá bị phá hủy hư hại, nhà cửa dân chúng hầu hết phải xây dựng lại.

Gia đình ông Truyền. Từ phải, Trung Úy Lê Nguyễn Thiện Truyền, bà Nguyễn Thị Sồ Oanh – mẹ ông Truyền, ông ngoại, em gái, em trai Lê Nguyễn Thiện Ngôn – giáo sư trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Nhiều cái chết oan nghiệt 

Nói về tình người trong cuộc chiến, dù bản chất Việt Cộng luôn gây hận thù và tàn ác, nhưng tính nhân bản trong cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều thể hiện rõ, qua chuyện kể khi đơn vị ông Truyền đóng quân tại nghĩa trang chôn bộ đội Cộng Sản, cả tiểu đoàn phải lùi ra xa khoảng 200 mét, đề phòng địch từ bên sông bắn B40 qua.

Để thấy lòng nhân hậu của dân quân miền Nam như thế nào, ông Truyền kể, đầu năm Kỷ Dậu 1969, cả tiểu đoàn ông đóng quân tại ngã tư Thạnh Đông, vùng ngoại ô Cần Thơ, thuộc quận Cái Răng. Đây là vùng hoang vu không một bóng người, anh em binh sĩ phải gối đất nằm sương cạnh một nghĩa trang, ngày đêm đánh địch bật ra khỏi ngoại ô, giữ căn cứ đồn bót ở đó để giao lại cho địa phương quân.

Ông Truyền nói: “Tôi bảo anh em dù gì cũng ba ngày Tết, thấy mồ của những người lính bên kia nằm hoang lạnh, dù sao cũng là người đã chết rồi, mình cũng nên làm cỏ sạch sẽ, đốt vài nén nhang nguyện cầu họ mau siêu thoát. Còn đối với lính Việt Cộng, có bắt sống được cũng chẳng đánh đập gì, dân miền Nam với bản chất hiền hòa, còn cho ăn uống đầy đủ, ngược lại lính mình nếu bị bắt được là chỉ có bị giết chết một cách tàn bạo.”

“Vậy mà lợi dụng mọi người đang vui Tết Mậu Thân, bọn người dã man lại tấn công, giết sạch những ai không theo chúng. Ngoài Huế còn khủng khiếp hơn với hơn 5,000 người bị giết hoặc chôn sống tập thể, bây giờ lịch sử đã minh chứng rõ những chuyện này, nhất là những người lính VNCH đã từng ở chiến trường, ai cũng đều biết,” ông Truyền nói tiếp.

Khi biết tin Việt Cộng tấn công vào thành phố Cần Thơ ngay ngày đầu năm, Tiểu Đoàn 2/33 được lệnh chuyển quân, nhảy trực thăng đánh ngay vô Viện Đại Học Cần Thơ, nơi Việt Cộng đã chiếm những tòa cao ốc làm vị trí chiến đấu.

Ông Truyền kể: “Lúc đó tôi chỉ huy Đại Đội 2 của Tiểu Đoàn 2 Trung Đoàn 33 chủ động trận đánh, không để máy bay ném bom giải quyết chiến trường, sẽ thiệt hại rất lớn, thành phố sẽ thành bình địa. Sau mấy trận xung phong ác liệt, vẫn chưa đến gần được vì hỏa lực địch rất mạnh, trên cao bắn xuống như mưa. Tôi quyết định phải đánh cận chiến, đợt đầu áp vô quăng lựu đạn, điều quân chạy khắp các vị trí để khỏi bị bắn sẻ, vì mình trần thân trụi, không có gì che chắn.”

“Trong trận này khi tiến vô Đại Học Cần Thơ, tôi nhớ mãi Hạ Sĩ Thọ, pháo binh ‘đề lô’ mang máy truyền tin đã bị bắn bể nát, đang chạy xung phong, bất ngờ Thọ xô tôi té sấp xuống đất, lựu đạn nổ vang trời. Thì ra Hạ Sĩ Thọ quăng lựu đạn vào đám cây um tùm, phóng vô chụp cây AK đưa lên, giết chết tên Việt Cộng núp trong đó bắn ra. Thật xúc động hết biết khi anh hạ sĩ đã ra tay kịp lúc, cứu mạng cả hai thầy trò chúng tôi trong tích tắc!” ông kể tiếp.

“Nhưng trong trận mạc, lằn tên mũi đạn không chừa một ai, đời lính chiến có nhiều cái chết oan nghiệt đến mà không ai biết tử thần thích chọn ai,” ông bồi hồi kể.

Sau đó theo đường Tạ Thu Thâu, Tiểu Đoàn 2/33 tràn qua cầu Tham Tướng, chiếm lại đài phát thanh Cần Thơ, đạn hai bên nổ như bắp rang, chúng tôi phải đi men theo các tàng cây lớn để nhờ che chở đạn từ trên cao bắn xuống.

“Tôi ‘bắt’ tiểu đoàn trưởng của tôi là Thiếu Tá Trần Lam Thanh, ông có vợ con lui ra phía sau, để tôi độc thân xung phong lên trước, cùng Hạ Sĩ Thọ và một đồng đội lớn con, vác khẩu 57 ly không giật, tràn vô chiếm một gò mả lớn, có nhiều ngôi mộ đá che chắn, để tiến vô đài phát thanh Cần Thơ,” ông Truyền kể.

“Nhưng kế bên có ngôi chùa Cao Đài bị Việt Cộng chiếm làm bộ chỉ huy, phải tấn công vô chùa trước mới tới đài phát thanh được. Phải làm sao thanh toán bên trong chùa, lúc đó đạn từ bên trong bắn ra như mưa bấc, nhờ khẩu 57 ly không giật bắn hỗ trợ từ gò mả, tôi cùng Thiếu Úy Võ Văn Rắt, đại đội trưởng, và cả Đại Đội 2 tràn vào chùa, đánh bằng lựu đạn từng phòng,” ông kể tiếp.

“Bất ngờ anh Thọ, pháo binh ‘đề lô’ đi theo tôi từ đầu, ôm ngực từ trong chùa chạy ngược ra, máu phun thành vòi, chỉ kịp la lớn ‘Trong tay em có lựu đạn rút chốt rồi.’ Thiếu Úy Rắt vội chụp tay Thọ, giật quả lựu đạn ra quăng về hướng địch, đúng lúc Thọ ngã gục chết, máu thấm ướt cả người tôi. Đây là lần đầu tiên tôi khóc, tiếc thương người chiến sĩ can trường, và hình ảnh bi tráng này theo tôi suốt đời,” ông xúc động nói.

Cùng lúc đó bên trái góc chùa Cao Đài, Hạ Sĩ Nhất Mẫn đang nhả đạn về phía địch, bỗng nhiên tôi thấy anh nghiêng hẳn đầu qua một bên, gục chết máu lênh láng cả sân chùa. Suốt đời tôi không bao giờ quên những hình ảnh bi hùng này, và luôn cầu nguyện cho các chiến sĩ QLVNCH đã xả thân để bảo vệ non sông.

Hình ảnh tư liệu của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam năm 1964. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu – chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, cùng Đại Tá Lâm Quang Thơ – chỉ huy trưởng của trường, đến thị sát buổi thao dượt “Trung đội tấn công đêm.” Sinh viên sĩ quan Lê Nguyễn Thiện Truyền đứng hàng đầu bên trái. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Quận trưởng kiêm chi khu trưởng Quận Phong Thuận 

Tháng Ba, 1968, ông Truyền là đại đội trưởng Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 2/33, được trực thăng vận đổ xuống giải tỏa thành phố Bạc Liêu bị Việt Cộng đốt cháy rụi. Hai trận đánh lớn với Việt Cộng tại Cầu Sập, cách thị xã Bạc Liêu khoảng 4 km, Việt Cộng chận đường xuống Cà Mau, treo cờ Mặt Trận Giải Phóng, đào hầm hố rất kiên cố. Tiểu Đoàn 2/33 chia ra hai cánh vào chiến trường, một cánh đi đường bộ, cánh khác với hai đại đội được trực thăng vận đổ xuống phía sau tuyến phòng thủ của Việt Cộng.

“Sau khi đánh bằng pháo binh và trực thăng võ trang của Hoa Kỳ, Tiểu Đoàn 2/33 tràn lên đánh bằng lựu đạn, thanh toán từng hầm hố, tiêu diệt số lớn Việt Cộng, tuyến đường Quốc Lộ 4 từ Bạc Liêu đi Cà Mau được khai thông. Rất tiếc có vài quân nhân tử trận, trong đó có Chuẩn Úy Nguyễn Văn Quan, sĩ quan trợ y, người cùng quê Cần Thơ với tôi, cựu học sinh Phan Thanh Giản, đã anh dũng hy sinh, bỏ lại người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng,” ông Truyền bồi hồi kể.

“Cánh A của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Trần Lam Thanh và hai đại đội còn lại được trực thăng vận đổ xuống khu gò mả phía sau cách phòng tuyến địch khoảng 200 mét để cố thủ. Tôi xin pháo binh bắn đạn khói vào phòng tuyến Việt Cộng, dùng khói mù để che chắn các thương binh rút về phía quân mình. Tôi trình tiểu đoàn xin trực thăng võ trang Mỹ là vị cứu tinh, thần kỳ tiếp ứng, nhưng đáng tiếc là bị kẹt khắp nơi. Kế đó tiểu đoàn của tôi lại bị đánh hỏa công, Việt Cộng ở phía trên cho đốt rơm rạ ngoài đồng lửa cháy tràn lan làm nổ lựu đạn của các thương binh, làm một số bị thương vong, chúng tôi kịp thời nhổ rơm rạ chung quanh để cô lập lửa nên không bị rối loạn,” ông Truyền kể.

Gần cuối 1969, ông Truyền là đại úy hành quân chiến đoàn B Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 21 Bộ Binh, phụ tá cho Thiếu Tá Hồ Ngọc Cẩn, là chiến đoàn trưởng bình định vùng Bà Đầm, Thát Lát, từ khi là một vùng hoang tàn không một bóng người, chỉ một năm sau khi Sư Đoàn 21 Bộ Binh về trấn ở đó, đã cho xây dựng lại căn cứ hỏa lực pháo binh để yểm trợ cho liên ranh các tỉnh Cần Thơ, Chương Thiện, Rạch Giá.

Ông Truyền kể thêm: “Trong thời gian đó tôi và Thiếu Tá Hồ Ngọc Cẩn lưu động khắp nơi, không ở cố định chỗ nào. Đến năm 1970, chúng tôi cùng tham dự chiến dịch bình định U Minh Thượng và U Minh Hạ, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hết sức quan tâm đến vùng này, khi ông muốn thành lập một hải cảng lớn có bốn căn cứ tại đây, với ý định cắt vùng U Minh để thành lập thêm nhiều quận nữa, phát triển khu vực này vững mạnh, không để Cộng Sản ẩn nấp trong vùng nhằm quấy rối miền Nam.”

Cũng trong năm 1970, ông Hồ Ngọc Cẩn được thăng cấp trung tá, được điều động làm trung đoàn trưởng Trung Đoàn 15, Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Còn ông Truyền sau khi bị thương nặng lần thứ hai với  miểng đạn trong phổi và xương sống, trở về làm tiểu đoàn truởng, chỉ huy trưởng căn cứ hỏa lực Bà Đầm, Thát Lát, Cần Thơ để bình định vùng này rất thành công. Một chi tiết nhỏ trong đời lính chiến là dù luôn giáp mặt với trận mạc, cái chết đến bất cứ lúc nào, nhưng Thiếu Tá Truyền là người ăn uống rất giản dị, đặc biệt không bao giờ bia rượu, cờ bạc, thuốc lá.

Thời gian này ông Truyền cho thành lập xã Lệ Tâm, những chiến sĩ mình ai có trình độ đều cho ra ứng cử hội đồng xã, an ninh trật tự được lập lại, các vị sếp lớn đều khen ngợi, và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Đoàn 4, trợ giúp chương trình khẩn hoang lập ấp, để ổn định tình hình địa phương, từ đó an ninh trật tự được ổn định.

Đến giai đoạn 1971-72 “Mùa Hè Đỏ Lửa,” chiến tranh Việt Nam đến hồi khốc liệt, Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền chỉ huy Tiểu Đoàn 407 Lưu Động của Tiểu Khu Cần Thơ, chạm trán Việt Cộng ngày đêm khắp lãnh thổ Cần Thơ, Chương Thiện, đối đầu trực tiếp với Quân Khu 9 do Tướng Việt Cộng Lê Đức Anh làm tư lệnh, đánh nát Tiểu Đoàn 307 của Việt Cộng tại Cầu Trắng, Cần Thơ, bắt sống bốn Việt Cộng.

Trận này ông thắng lợi lớn, được Chuẩn Tướng Chương Dzềnh Quay, tư lệnh Sư Đoàn 21, gọi điện thoại trực tiếp ngợi khen ngay trong đêm, tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng. Sau đó Tiểu Đoàn 407 rút ra đánh tiếp trận Tầm Vu, sát nách Cần Thơ, đánh nát Trung Đoàn D1 do Tướng Việt Cộng Dương Tử chỉ huy, phá hủy 40 chiếc xuồng dùng để xâm nhập.

Sau những xông pha trận mạc, năm 1971 ông Truyền được Quân Đoàn điều động về làm quận trưởng kiêm chi khu trưởng Quận Phong Thuận, ngoài ra ông còn kiêm Thẩm Phán Tòa Hòa Giải Quận Phong Thuận, kiêm phụ tá Biện Lý Tòa Thượng Thẩm Cần Thơ, thành viên bồi thẩm đoàn Tòa Án Mặt Trận Vùng 4 Chiến Thuật, Cần Thơ.

Quận Phong Thuận là vị trí ác liệt, nằm trên đường giao liên miền của quân Bắc Việt với nỗ lực quyết thanh toán cho bằng được, đồn bót bị bao vây, cả đơn vị của ông Truyền tả xung hữu đột trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, lần hồi bị suy sụp, và Thiếu Tá Truyền đã nhiều lần xin trở về quân đội để cùng anh em ra mặt trận chiến đấu nhưng không được chấp thuận.

“Lúc đó tôi nhận định rằng cuộc chiến này là cuộc tranh chấp quốc tế trên chiến trường giới hạn gồm Việt Nam, Lào, và Cambodia, và vận mệnh đất nước mình không do chính người Việt Nam quyết định, dù người lãnh đạo quốc gia tài giỏi và đạo đức. Chính Hiệp Định Paris 27 Tháng Giêng, 1973, đã bức tử VNCH, nếu không phải là ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì cũng là ngày khác, khi cuộc chiến đấu anh dũng chống Cộng Sản xâm lăng của quân dân miền Nam đã kéo dài hơn dự định của Hoa Kỳ,” cựu Thiếu Tá Truyền nói.

Chuyện chiến đấu trong đời binh nghiệp của cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền sẽ còn rất dài, nhưng “Cả cuộc đời tôi từ lúc đã vào trường Võ Bị Đà Lạt là đã xác định hướng đi của mình, chỉ có một hướng duy nhất là ‘Xả thân trang trải nợ tang bồng,’ lúc nào chuyện quê hương đất nước cũng canh cánh bên lòng, luôn giữ lời thề ‘Tự Thắng Để Chỉ Huy’ của người sĩ quan QLVNCH,” người chiến sĩ trên mặt trận ngày nào vẫn còn nhớ mãi lời thề năm xưa khi bước chân vào đời binh nghiệp. (Văn Lan)

Kỳ cuối: Ở tù Cộng Sản, vượt biên tìm tự do

MỚI CẬP NHẬT