Thursday, April 18, 2024

Máy bay Skyraider của phi công Nguyễn Văn Chuyên ‘được’ Việt Cộng dàn chào

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Sau ba tháng quân trường Quang Trung, chàng trai Nguyễn Văn Chuyên vào Khóa 1/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tốt nghiệp Chuẩn Úy xong thì ông thuyên chuyển qua Không Quân, theo nghiệp bay cho tới ngày cuối cùng cuộc chiến.

Thiếu Tá James Ingalls, thầy dạy bay, tại lễ gắn cánh ở trường bay Keesler AFB năm 1971 cho khóa sinh Nguyễn Văn Chuyên. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Là một trong 150 người được tuyển chọn qua Quân Chủng Không Quân, ông được đưa qua Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang để theo học các ngành nghề của Quân Chủng Không Quân, rồi sang Mỹ du học.

Khi về nước ông được phân bổ về Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa. Lúc đó ở Việt Nam chỉ còn ba phi đoàn bay loại máy bay Skyraider, đó là các Phi Đoàn 514, 518 ở Biên Hòa và 530 ở Pleiku.

Ông kể: “Thông thường trước khi xuất phát phi vụ, chúng tôi hay nói đùa là Skyraider luôn được phòng không địch quân dàn chào bằng những dàn đại liên không giật 12 ly 7, 23 ly, hoặc 37 ly. Ở mỗi chiến trường, địch đặt nhiều loại súng trên những cao độ khác nhau, để khi mình lao xuống thả bom, sẽ bị trúng phòng không từ những nơi khác nhau đó, khó né tránh kịp! Xui nhất là khi gặp hỏa tiễn SA-7, lúc mới phóng lên còn chậm nhưng sau đó vọt tới rất nhanh, nhắm vào bốn ống khói của Skyraider ngay trước mặt phi công, chui vào đó nổ tung.”

“Để tránh tối đa những tổn thất, Skyraider luôn bay hai chiếc để trông chừng cho nhau, báo cho nhau biết những hướng đạn bay tới, hoặc thông báo cho chiếc kia cố gắng bay về hướng quân bạn dưới đất khi trúng đạn để nhảy dù ra, lúc đó chỉ còn sống chết cận kề,” ông kể tiếp.

Phi công Thiếu Úy Nguyễn Văn Chuyên trên cánh máy bay Skyraider trước phi vụ yểm trợ mặt trận Rạch Bắp năm 1972. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Riêng tại chiến trường Tống Lê Chân, khi Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân bị bao vây 510 ngày đêm, nằm trong khu trách nhiệm của Sư Đoàn 3 Không Quân Biên Hòa, nên hai Phi Đoàn 514 và 518 thường được gọi lên đó để giải vây. Nhiều khi ông còn rượt đuổi xe tăng địch từ Cambodia tấn công sang, và trong một phi vụ ở đó khiến ông suýt chết, không phải do phòng không của địch mà do trở ngại kỹ thuật của chiếc Skyraider ông đang bay.

Trong phi vụ đó, ông Chuyên cho biết thường trong lúc tác chiến, Skyraider có thể mang 12 trái bom nổ, nhưng lần đó vì là bom napal “mập” hơn nên chỉ mang được tổng cộng sáu trái, tức mỗi cánh mang ba trái.

“Khi tôi giật cần thả bom, đúng ra là sáu trái bom phải rơi ra cùng một lúc, nhưng khi cánh bên phải rơi xuống đủ ba trái, thì cánh bên trái chỉ rơi ra có một, còn hai trái vẫn dính lại bên cánh. Ngay lập tức máy bay mất thăng bằng, nhào lộn quay tít trên trời,” ông kể.

“Ngày xưa khi học bay tuy đã học tình huống này rồi nhưng trong chiến trường, lúc đạn của địch dưới đất bắn lên rợp trời và máy bay quay tít thì bình tĩnh là yếu tố cứu nguy tốt nhất. Trong hoàn cảnh nguy cấp đó, tôi cố gắng bằng mọi cách tự cứu nguy, làm rơi được hai trái còn lại xuống đất, sau đó cũng may còn đủ cao độ để lấy lại thăng bằng để bay lên. Thoát chết trong gang tấc, tôi chỉ biết thầm cảm ơn trên đã cứu mạng,” ông nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Chuyên (hàng đứng, thứ hai, phải) cùng phu nhân và các chiến hữu trong ngày kỷ niệm ra trường Hội Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang tại Little Saigon năm 2012.(Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Chuyện thoát chết nhớ đời khi quay tít trên không

Ông kể: “Ngày xưa khi bị phòng không bắn, muốn thoát hiểm phải trèo ra khỏi buồng lái, chui xuống cánh bên phải để sức gió của cánh quạt hất mình văng xuống rồi giật dù bung ra, chứ nếu nhảy bên cánh trái sẽ bị sức gió của cánh quạt hất văng lên va vào thân tầu hoặc cánh quạt thì sẽ tử vong. Sau này khoảng năm 1972 Mỹ đã chế ra loại ghế thoát hiểm gọi là Yankee Seat, khi gặp khẩn cấp, giật mạnh khoen điều khiển thì nguyên chiếc ghế sẽ được một hỏa tiễn có thể nâng một sức nặng 700 pound phóng ra khỏi máy bay, lúc đó tiếp tục giật dù bung ra sẽ thoát hiểm.”

“Điều cần nhất là phải quan sát trước khi nhảy, cố gắng bay về hướng quân bạn rồi hãy nhảy dù. Đã có trường hợp phi công nhảy dù ra, đang lơ lửng trên trời đã bị bắn chết, hoặc bị rơi vào vùng đất địch, là những trường hợp không thể biết trước trong chiến trường, khi mọi việc đều có thể xảy ra,” ông nói.

“Đêm Tháng Ba, 1974, trong phi vụ tấn công địch đang bao vây tiền đồn Tống Lê Chân, hai chiếc Skyraider Phi Đoàn 514 bay trước, và hai chiếc của Phi Đoàn 518 tiếp theo. Tôi theo sau Đại Úy Nghĩa bay lòng vòng Biên Hòa, lên cao chừng 8,000 bộ rồi dọc theo quốc lộ 13 bay về hướng Chơn Thành, chờ phi cơ C-47 lên thả trái sáng ở trận địa để tấn công mục tiêu. Bỗng nhiên trong đêm tối, tôi cảm nhận một cái gì đó như hiện tượng Vertigo (cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng), lúc đó tôi bị mất phương hướng, trời đất lẫn lộn, không định hướng được. Thay vì bay sát cùng anh Nghĩa, tôi đã mất liên lạc với anh. Khi lên tiếng hỏi thì nghe anh Nghĩa trả lời coi chừng tôi bị ‘Vertigo,’” ông kể.

Ông nhớ lại: “Tôi la lớn cho anh Nghĩa biết là tôi bị Vertigo, và báo cho biết sẽ nhảy dù để thoát nạn. Khi tôi giật khóa bung dù, phòng lái nổ bung ra và hỏa tiễn phía sau lưng nổ tung để phóng chiếc ghế bay ra khỏi máy bay. Lúc quyết định nhảy, tôi đã quên mất toàn vùng đó là Cộng Sản, từ Chơn Thành, Lai Khê, cho tới An Lộc, Minh Thạnh…”

“Nhưng chiếc ghế bay chỉ phóng lên ngang kính chắn gió phía trước máy bay rồi cái hỏa tiễn bay mất trong khi tôi còn vướng lại, đang đứng thẳng người nửa trong nửa ngoài buồng lái, trong khi chiếc máy bay đang rơi tự do, quay tít. Nhìn vào đồng hồ cao độ tôi mới biết đang ở 10,000 bộ cao. Khi còn học ở trường bay, phải làm sao cho máy bay dúi đầu trở xuống để cánh bay có sức nâng trở lại thì máy bay mới tiếp tục bay được,” ông kể tiếp.

Lúc đó vì nằm ngoài phi cơ, ông không thể kiểm soát được tình hình nguy kịch này, và sau khi rơi tự do xuống còn khoảng 2,000 bộ thì may mắn thay, máy bay tự lấy lại được tốc độ và thăng bằng. Khi phòng lái nổ văng đi, đã làm cho chiếc ăng ten liên lạc phía sau phi cơ bị gãy, nên người khác nói thì ông nghe nhưng khi ông trả lời thì không ai nghe được gì cả.

Phi Đoàn 518 Phi Long tại phi trường Biên Hòa năm 1972. Phi công Thiếu Úy Nguyễn Văn Chuyên (hàng ngồi, đầu tiên, từ trái). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“May mắn là nhờ sợi dây seat belt đã giữ hai chân lại nên tôi không bị văng ra ngoài. Khi mon men vào được vị trí, tôi ngồi vào ghế lái, từ trên cao thấy hướng đèn sáng biết chắc đó là Biên Hòa, tôi bèn hạ máy bay xuống thấp gần ngọn cây, nhắm hướng đó bay về,” ông kể.

“Khi về tới phi trường Biên Hòa, tôi nghe đài kiểm soát yêu cầu cho biết danh hiệu, tôi liên tục trả lời nhưng không ai nghe được gì. Tôi phải bay vào đường phi đạo và lắc cánh, nên dưới đất bắn flare màu xanh lá cây cho phép tôi được đáp xuống,” ông nói.

Ông kể lại chuyện năm xưa: “Vừa qua cơn thoát chết trong gang tấc, tôi đưa máy bay lết về nằm trước phòng hành quân Không Đoàn, với 10 trái bom vẫn còn dính trong cánh. Đó là điều trái với nguyên tắc an phi là sau khi hành quân, không được mang bom trở về đáp. Lúc đó tôi thầm cảm ơn trên đã cứu mạng, chứ nếu máy bay rơi xuống đất, tôi đã chết tan xác khi 10 quả bom phát nổ cùng lúc, hoặc nếu nhảy dù xuống được thì cũng nát thây ngay trên phần đất Việt Cộng đã chiếm giữ.”

“Lúc xuống khỏi máy bay tôi mới kinh hoàng khi nhìn thấy chiếc phi cơ thật tang thương, hệ thống thủy điều bị bể chảy dầu tung tóe khắp nơi, ăng ten gãy, phòng lái văng mất, chỉ còn chiếc ghế bay dính nửa trong nửa ngoài. Tôi được đưa xuống bệnh xá, may sao kiểm soát thấy không bị thương tích gì. Sự việc chỉ diễn ra chưa đầy 20 phút, từ khi còn quay tít trên trời cho đến khi đáp xuống đất! Đó là một kỷ niệm sống chết trong đời bay của mình,” ông bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Chuyên tiếp đón cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb và phái đoàn tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster, trong dịp lễ truy điệu và an táng 81 hài cốt tử sĩ Nhảy Dù Quân Lực VNCH năm 2019. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đào thoát khỏi Việt Nam trong giờ phút cuối cuộc chiến

Kể về những giờ phút cuối cuộc chiến, khi phi trường Tân Sơn Nhứt bị Việt Cộng đánh bom chiều 28 Tháng Tư và bị pháo kích dữ dội bằng hỏa tiễn 130 ly rạng sáng 29 Tháng Tư, ông cho biết: “Các máy bay cũng như các cơ sở của ta bị bốc cháy, sau khi chiếc ACK-119 bị bắn rơi ở Gò Vấp thì coi như cuộc di tản trong phi trường bắt đầu. Nhiều máy bay có thể cất cánh được, nhưng cũng có nhiều chiếc nằm trong phi trường cũng như những phi đạo đều bị địch pháo kích trúng.”

Sau khi đã trú ngụ qua đêm tại nhà riêng của Thiếu Tướng Huỳnh Bá Tính, tư lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân, ông Chuyên và một số anh em tìm thấy một chiếc C-119 còn tốt, mọi người đều lên chiếc đó chạy ra phi đạo, sau khi vị thiếu tá lái chiếc máy bay đó cho biết rằng trên tần số bắt được, Mỹ đang kêu gọi tất cả các phi công Việt Nam nếu đào thoát được thì hãy bay ra các chiến hạm Mỹ đang ở ngoài khơi Việt Nam, hoặc bay đến phi trường U-Tapao, là căn cứ của Hải Quân Hoa Kỳ trên đất Thái.

“Tôi lúc đó có một con nhỏ và vợ, cùng một đứa em trai 5 tuổi đi theo, tất cả có bốn người không thể đi được bằng Skyraider vì chỉ có một chỗ ngồi, tôi phải mang cả gia đình lên chiếc ACK-119. Khi phi cơ đang trên đường ra phi đạo, tôi bỗng thấy có một người lính chạy xe gắn máy có chở một người ngồi phía sau, tôi xin vị phi công dừng lại và tôi đã kéo ông ấy lên máy bay đi luôn, mới biết đó là Đại Tá Hoàng Thanh Nhã, Tư Lệnh Không Đoàn 23 Chiến Thuật của phi trường Biên Hòa, là sếp lớn của tôi. Máy bay đã đáp xuống phi trường U-Tapao lúc khoảng 2 giờ trưa 29 Tháng Tư 1975,” ông nhớ lại.

Ngồi tại nhà ở Foutain Valley, ông Chuyên kể lại đời binh nghiệp của mình không bao giờ phai mờ trong ký ức, dù đã trôi qua nửa thế kỷ. Ông bồi hồi nói: “Những ngày cuối cuộc chiến, khi Cộng Sản tràn vào miền Nam bằng những đoàn xe Molotova, hoặc hàng đoàn quân tiến vào Sài Gòn, tôi không nghĩ mình sẽ mất nước, chỉ nghĩ rằng tạm lánh nạn đâu đó để tiếp tục chiến đấu.”

Ông Nguyễn Văn Chuyên (trái) cùng các chiến hữu Không Quân trong ngày Không Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Nam California năm 2018. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Trong cuộc chiến Việt Nam, các phi công Phi Đoàn Skyraider nói riêng và các chiến sĩ Không Quân VNCH nói chung, từ các anh kỹ thuật viên, các anh cơ phi, xạ thủ, các phi công đủ mọi phi đoàn, cho dù hỏa lực phòng không của địch có mạnh mẽ bao nhiêu cũng không thể nào ngăn cản được các anh dũng cảm lao mình vào lửa đạn, chiến đấu trong mọi tình huống để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó,” ông nói.

Trong cơn xúc động tột cùng, khi tưởng nhớ đến đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, cũng là lúc ông kính lời xin chia buồn đến các gia đình, các bà mẹ, những người vợ lính, những người con của lính và những người yêu của lính về những mất mát tột cùng không thể tránh được trong chiến tranh. Những người thân yêu của quý vị đã hy sinh là những vị anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã hy sinh vì lý tưởng tự do cho quốc gia dân tộc. Tổ Quốc và Dân Tộc Phải Tri Ân Họ. (Văn Lan) [qd]

Xem lại kỳ trước: Phi công Nguyễn Văn Chuyên và Phi Đoàn 518 Skyraider trên chiến trường Việt Nam


Ông Nguyễn Văn Chuyên quê gốc Ninh Bình, theo gia đình di cư vào Nam 1954.

Cựu học sinh trường trung học Trường Sơn, Sài Gòn.

Cựu sinh viên sĩ quan Khóa 1/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Thuyên chuyển sang Không Quân, theo học các khóa huấn luyện bay tại Hoa Kỳ.

Về nước 1972, thuộc Phi Đoàn 518 Phi Long, từng bay vào các chiến trường khắp miền Nam để yểm trợ và giải vây cho đồng đội.

Cấp bậc cuối cùng là Thiếu Úy Phi Công thuộc Phi Đoàn Skyraider 518 Phi Long, trực thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Cùng đồng đội vượt thoát bằng phi cơ ACK-119 tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào ngày cuối cùng cuộc chiến.

Hiện là phó chủ tịch ngoại vụ Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Nam California.

Hội viên thường trực Hội Ái Hữu Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Miền Trung California.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT