Wednesday, April 24, 2024

Mũ Đỏ Nguyễn Ngọc Trọng kể chuyện tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV)Tháng Năm, 1969, ông Nguyễn Ngọc Trọng được thăng cấp thiếu úy, tham chiến trận Hạ Lào, trận đánh vào Cục R, trận Đắk Tô.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (đứng, phải) và các chiến hữu trong Đại Hội Nhảy Dù tại Houston, Texas. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Sau trận Đắk Tô vào Tháng Tư, 1972, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù của ông Trọng được lệnh trở về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân thì hành quân diệt quân Bắc Việt tại phía Tây Tân Cảnh, Kon Tum.

Vào khoảng trung tuần Tháng Sáu, 1972, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh đến Quảng Trị cùng nhiều đơn vị khác để tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng. Tiểu Đoàn 9 và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đổ quân hai bên bờ sông Mỹ Chánh. Đại Đội 93 nằm phía Tây Nam sông con sông này.

Ông Trọng kể: “Lúc bấy giờ, Cổ Thành Quảng Trị đã bị thất thủ, Trung Đoàn 44 của Bắc Việt đã vào Quảng Trị, Sư Đoàn 32 Sao Vàng cũng đang hiện diện tại vùng Tây Bắc Mỹ Chánh, địch quân đã chiếm đầy hết trên các đồi núi và chân đồi. Nhưng lúc đó, chúng tôi không biết tại sao tình báo của mình vẫn chưa biết. Đơn vị của chúng tôi đang đóng quân trên đồi, chúng tôi thấy địch quân dưới suối rất nhiều và chúng nó đang chặt cây để làm phòng thủ, đi đứng tự nhiên như đang đi chợ vậy.”

Lệnh rút quân

“Chúng tôi liên liên lạc với cấp chỉ huy về tình trạng mà chúng tôi đã phát giác Cộng Quân rất đông đang ở xung quanh Đại Đội 93. Lập tức, bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 9 lệnh cho chúng tôi phải rút quân khỏi địa điểm ngay. Khi rút quân, Đại Đội 93 phải tắt máy truyền tin, vì sợ Việt Cộng có thể tìm ra tần số truyền tin của mình để nghe lén, thì chúng sẽ biết điểm của Đại Đội 93 đang hành quân, rồi chúng sẽ bao vây để tấn công chúng tôi rất dễ dàng, vì địch quá đông,” ông kể thêm.

Những ngọn đồi dọc theo sông Mỹ Chánh tuy không cao lắm, nhưng rất khó di chuyển vì có rất nhiều dây mây, cây cối thấp um tùm. Cũng không có nhiều cây cao lắm, nên khi di chuyển, đơn vị của ông Trọng dễ bị địch phát hiện.

Ông kể tiếp: “Chúng tôi bắt đầu rút quân theo địa hình, một trung đội đi trước để khi phát giác địch thì họ sẽ báo cho tôi biết, hai trung đội đi hai bên tôi, và một trung đội đi sau tôi. Lúc này, máy truyền tin cũng được hoạt động. Đi đến đâu thì cũng thấy địch đang ở xung quanh mình, trên đồi cũng có, dưới suối cũng có. Lúc đó, hai khinh binh đi đầu của trung đội đi trước báo cho tôi biết là có rất nhiều đường dây điện thoại của địch để chúng liên lạc với nhau từ ngọn đồi này sang những ngọn đồi khác.”

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (thứ năm từ trái) và Đại Đội 91 Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù tại Cảnh Dương, Huế, năm 1973. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Sau đó, ông Trọng mới lệnh cho trung đội đi trước cắt những đường dây điện thoại đó. Mỗi lần cắt dây điện thoại thì địch không liên lạc được nữa, nên chúng cứ nổ súng loạn xà ngầu, vì chúng biết có quân đội của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã đến, mặc dù chúng không biết Đại Đội 93 đang hiện diện ở đâu.

Đi được khoảng hai cây số, do đường di chuyển hiểm trở, mà không thể đi trên những con đường mòn, vì sợ địch gài mìn, nên trung đội đi đầu báo cáo với ông Trọng là xin tạm dừng chân, vì họ không thể đi được nữa do quá mệt.

Bị địch tấn công bất thần

Ông Trọng kể: “Lúc bấy giờ, tôi mới cho đại đội không đi nữa. Nhưng vì muốn lấy tin thần anh em, tôi và một anh mang máy truyền tin đi đến trung đội phía trước để khuyến khích tin thần của anh em. Nhưng khi gặp trung đội phía trước thì trung đội đi phía sau của tôi đã bị Việt Cộng tấn công bất thần. Tôi rất đau lòng vì nguyên trung đội này đã hy sinh. Đại đội của tôi đã bị mất một trung đội!”

“Sau này, tôi mới biết, quân Bắc Việt đã bám sát chúng tôi khi trên đường rút quân, nhưng vì chúng muốn đánh vào toán chỉ huy của đại đội, nên chúng mới khai hỏa quét sạch trung đội đi sau tôi. Cũng may, tôi đã lên phía trước, nên tôi mới còn sống sót,” ông nói tiếp.

Ông Trọng ra lệnh bất cứ giá nào, ba trung đội còn lại cũng phải tiến về phía trước để rút quân theo lệnh cấp chỉ huy của tiểu đoàn. Đến gần tối, Đại Đội 93 đến một ngọn đồi nhỏ, nhờ màn đêm xuống dần, nên dễ tìm nơi an toàn để cố thủ. Ông Trọng cho đại đội ngừng lại dưỡng quân. Tình trạng các chiến sĩ Nhảy Dù lúc này đã thấm mệt, vì trên đường rút quân còn phải kè theo một số anh em đã bị thương. Các anh em chiến sĩ Dù vì quá mệt đều nằm xoải người.

Ông Trọng chia sẻ: “Lúc đó, tôi mới bò đến gần từng anh em để khuyến khích họ hãy cố gắng, không được lơ đãng vì địch vẫn còn bám sát mình. Trong khi đó thì tiếng la ‘Xung phong! Xung phong!’ của địch vẫn còn gần bên chúng tôi. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì chúng không dùng kế sách đông người để đánh chúng tôi nữa, do chúng sợ tôi sẽ  gọi pháo binh hay phi cơ tác chiến đến để tiêu diệt chúng nó. Vì thế, địch chỉ dùng những toán du kích nhỏ bám theo chúng tôi để hù dọa bằng những tiếng la ‘xung phong’ nhằm áp đảo tin thần của các chiến sĩ Nhảy Dù.”

Nhưng, ông Trọng vẫn gọi về bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 9, xin lệnh cấp chỉ huy cho những khẩu Pháo Binh của tiểu đoàn cứ nã đạn pháo trên đầu điểm của Đại Đội 93 đang dừng quân, vì nơi nào cũng đều có địch cả. Các chiến sĩ Dù đều xuống hầm hố ẩn núp trước khi đạn Pháo Binh Dù đồng loạt ném xuống. Địch quân hoảng sợ khi đạn pháo liên tục nổ tứ phía, nên chúng không còn bám theo Đại Đội 93 nữa.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng cùng vợ và hai đứa con gái tại Houston, Texas. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Tiếp viện quân đến yểm trợ Đại Đội 93/Tiểu Đoàn 9 Dù

Sáng đến, bộ chỉ huy hành quân của Tiểu Đoàn 9 mới điều một đại đội và vài chiếc thiết giáp lên đồi để yểm trợ cho Đại Đội 93. Nhưng đoàn quân đến yểm trợ lên chưa được nửa đường thì trên đồi, Cộng Sản đã bắn những quả đạn hỏa tiễn tầm nhiệt do Liên Xô cung cấp. Những chiếc thiết giáp trúng hỏa tiễn tầm nhiệt, nên không còn di chuyển được nữa, và đại đội lên yểm trợ cũng không thể tiến quân, vì đạn pháo của địch.

Ông Trọng nói: “Đại Đội 93 vẫn tiếp tục di chuyển xuống đồi, nhưng gặp phải những ‘chốt’ của địch đang chận đường. Vì chúng biết thế nào Đại Đội 93 cũng rút quân theo đường này, mà không còn đường nào khác cả. Một anh trung sĩ của đại đội mới xin lệnh của tôi để anh ta bò lên dùng lựu đạn để phá ‘chốt’ của địch.”

Anh trung sĩ này đã diệt được vài ‘chốt’ của địch bằng nhiều quả lựu đạn.

Ông nói thêm: “Nhờ diệt được những ‘chốt’ ngăn chặn của địch, nên đại đội đến yểm trợ mới tiến lên được gần bên chúng tôi. Đại đội này đã nổ súng để yểm trợ cho Đại Đội 93 lại tiến lên đồi lần nữa để tản thương và đưa những xác của đồng đội ra khỏi vùng đã hành quân, bằng cách tôi gọi những trực thăng cứu thương đến đưa họ về hậu cứ tiền phương của tiểu đoàn.”

Trong lúc ông Trọng điều động truyền tin cho trực thăng đáp xuống khoảng trống để tản thương thì bên kia đồi cách ông không xa mấy, Cộng Quân đã bắn một quả 73 ly không giật (SPG-9 của Nga Xô) về hướng của ông đang đứng gọi trực thăng, vì chúng cố tình muốn giết đại đội trưởng.

Ông tâm tình: “Nhờ trời vẫn còn thương mình, nên khiến quả đạn đó không trúng tôi mà trúng vào gốc cây cách tôi không xa lắm. Nhưng, những mãnh đạn nhỏ của quả đạn này đã trúng vào lưng của tôi. Tôi đã bị thương, nhưng vẫn chưa hay biết gì cả. Đến khi anh em đồng đội thấy sau lưng áo của tôi đã nhuộm đầy máu, thì họ đến cởi áo tôi ra để băng bó vết thương cho tôi.”

Sau đó, ông Trọng được đưa về bệnh viện dã chiến của tiểu đoàn để băng bó vết thương, rồi trực thăng đến ‘bốc’ ông về bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Huế.

Trấn thủ Quảng Trị sau Hiệp Định Paris

Sau năm tháng nằm trị vết thương, ông Trọng được về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn làm việc và được thăng cấp đại úy. Đến khi Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973, ông được bổ nhiệm làm đại đội trưởng Đại Đội 91 Tiểu Đoàn 9. Sau đó, Tiểu Đoàn 9 được lệnh ra Quảng Trị lần nữa. Thời gian này là lúc đình chiến. Đại Đội 91 trấn giữ cách khu vực nhà thờ La Vang khoảng bốn cây số, với trách nhiệm xem như để “giữ nhà” chớ không có chiến đấu.

Theo ông Trọng, có lẽ Bộ Tổng Tham Mưu lệnh cho đơn vị Tổng Trừ Bị như Nhảy Dù ra trấn thủ Quảng Trị, vì họ e rằng, các sư đoàn chính quy Bắc Việt sẽ vượt sông Bến Hải để tấn công Quảng Trị lần nữa. Nhưng thật ra thì nhiều sư đoàn chính quy Bắc Việt đã tràn vào Quảng Nam để tấn công chi khu Thường Đức.

Tham chiến trận Thường Đức, Quảng Nam

Gần cuối Tháng Bảy, 1974, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh về tham dự trận đánh tại quận Thường Đức, Quảng Nam.

Địa điểm Thường Đức nằm trên đỉnh núi cao với nhiều dốc đứng rất hiểm yếu về mặt quân sự. Ngọn đồi 1,062 mét coi như là địa thế quan trong nhất của Thường Đức. Vì thế, quân Bắc Việt muốn đánh chiếm ngọn đồi này với nhiều sư đoàn chánh quy, nhiều chiến xa, đại pháo và quân địa phương. Quân Lực VNCH cũng sẵn sàng tham chiến với nhiều lực lương của tổng trừ bị, kể cả Biệt Động Quân, Bộ Binh, Thiết Giáp, Pháo Binh, Địa Phương Quân… để đánh tái chiếm ngọn đồi 1062.

Tiểu Đoàn 9 đổ quân bằng không vận xuống Đại Lộc, rồi đổ bộ đi lên chi khu Thường Đức, Quảng Nam. Đơn vị của ông Trọng đóng quân dọc theo sông Vu Gia, Thường Đức.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (hàng giữa, thứ tư từ trái), và các chiến hữu Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù trong Đại Hội Nhảy Dù 2018 tại Tampa, Florida. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Ông Trọng kể: “Sau khi tham chiến vài trận lẻ tẻ tại Thường Đức. Đang lúc được dưỡng quân thì trên đồi 1062, lệnh của bộ chỉ huy tiền phương của Lữ Đoàn thông báo với bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 9 là, đại đội trưởng Đại Đội 33, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù và một sĩ quan De-lo Pháo Binh (sĩ quan tiền sát Pháo Binh) bị Cộng Quân tấn công và đã bỏ xác trên ngọn đồi 1062. Lúc đó, tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 9 là Trung Tá Nguyễn Văn Nhỏ lệnh cho đại đội của tôi phải lên ngọn đồi này để mang xác của hai sĩ quan của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù xuống đồi 1062.”

“Nghe lệnh này thì tôi nghĩ, tôi sẽ không còn gặp mặt vợ con của tôi nữa! vì hỏa lực của cộng quân trên đồi rất mạnh, và tại đây cũng đã có nhiều tiểu đoàn của ta đã hy sinh nhiều chiến sĩ trên đỉnh đồi này, mà quân ta cũng không thể mang xác của họ về được. Nhưng vì lệnh của cấp trên, dù nguy hiểm mấy thì tôi cũng phải thi hành,” ông kể thêm.

Đại đội của ông Trọng đã gặp được vị thiếu tá, chỉ huy phó của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù tại điểm hành quân. Ông này cho biết là địch quân đã đóng quân dày đặc trên ngọn đồi này, và chúng thường tấn công bằng những đại pháo, B-40 hay 73 ly không giật. Vì thế, vị thiếu tá này nói với ông là đơn vị của ông Trọng chỉ lên thám thính xem địa điểm của địch đang đóng quân, rồi gọi pháo binh hay oanh tạc cơ để tấn công địch, còn vấn đề khi chạm địch để tác chiến là phần của Tiểu Đoàn 3.

Ông Trọng kể: “Tôi cho một trung đội đi trước để thám thính tình hình đóng quân của địch, và nghiên cứu lộ trình để tấn công tái chiếm đồi 1062. Đến khi trung đội này báo cáo các điểm của địch đang đóng quân, thì tôi liền gọi pháo binh của tiểu đoàn cứ nã pháo vào những điểm mà tôi đã biết có địch đang ẩn núp, và sẵn sàng chiến đấu.”

“Nhưng khi pháo binh của ta nã đạn thì pháo binh của địch cũng nã đạn pháo vào điểm của chúng tôi. Cũng may là pháo của địch không trúng vào đơn vị của chúng tôi, vì địa hình của đồi 1062 xung quanh là vách đá thẳng đứng, nên đạn pháo của chúng chỉ nổ bên sườn đồi hoặc qua khỏi đỉnh đồi chớ không rơi vào điểm hành quân của chúng tôi. Nhờ vậy mà đại đội của tôi may mắn được thoát chết,” ông kể thêm.

Tuy vậy, nhưng ông Trọng vẫn xin bộ chỉ huy của tiểu đoàn tặng viện cho ông thêm một đại đội nữa để đóng quân trước mặt đại đội của ông. Vì ông cho rằng, Cộng Quân sẽ dùng hỏa lực biển người để tấn công Đại Đội 91 đang chiếm đỉnh đồi 1062. xác của hai sĩ quan của Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù có lẽ vì bị đạn pháo dập tan xác, nên không tìm thấy được.

Những tháng năm cuối cùng sau cuộc chiến

Trong lúc đóng quân tại đồi 1062 thì có một tin vui đến, Bộ Tự Lệnh Nhảy Dù đã lệnh cho ông Trọng được về làm trưởng Ban 3 của tiểu đoàn mới thành lập, đó là Tiểu Đoàn 12 Nhảy Dù do Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm là tiểu đoàn trưởng.

Hậu cứ của cuối cùng của Tiểu Đoàn 12 Nhảy Dù được đóng quân trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Trước đó là căn cứ an ninh phi trường của quân đội Hoa Kỳ để lại.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, toàn lãnh thổ miền Nam bị thất thủ. Sau tám năm trong các trại “cải tạo” của Cộng Sản từ Nam ra Bắc, ông được về đoàn tụ gia đình vào cuối năm 1983.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng và gia đình được định cư tại California, Hoa Kỳ vào đầu năm 1993, theo diện HO 15. Sau đó gia đình di chuyển về Houston, Texas, cho đến bây giờ. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Xem lại kỳ trước: Mũ Đỏ Nguyễn Ngọc Trọng với mật danh ‘Kim Trọng’

MỚI CẬP NHẬT