Friday, April 26, 2024

Mũ Đỏ Nguyễn Ngọc Trọng với mật danh ‘Kim Trọng’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Chấp hành lệnh động viên 1967, trên 1,900 tân sinh viên sĩ quan nhập Khóa 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Trọng, quê Quảng Trị.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng và vợ tại Houston, Texas. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Khóa khai giảng đầu Tháng Năm, 1967, và mãn khóa cuối Tháng Mười Hai, 1967. Các tân sĩ quan vừa mới ra trường thì gặp phải biến cố Tết Mậu Thân 1968 được khởi động do quân Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tổng tấn công lãnh thổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Gia nhập binh chủng Nhảy Dù

Sắp đến ngày mãn khóa, đại diện của binh chủng Nhảy Dù, Quân Lực VNCH vào quân trường Thủ Đức để tuyển mộ một số tân sĩ khóa 25 về phục vụ cho các tiểu đoàn của binh chủng này. Cựu sinh viên sĩ quan Nguyễn Ngọc Trọng đã ghi danh tình nguyện về binh chủng Nhảy Dù và ông đã được toại nguyện sau khi được gắn lon chuẩn úy.

Ông về trình diện Bộ Tư Lệnh của binh chủng Nhảy Dù Tại trung tâm huấn luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, Sài Gòn. Lúc này, vị tư lệnh của Nhảy Dù là Tướng Dư Quốc Đống.

Vị sĩ quan trưởng Phòng 3 của Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù đã vào gặp những tân sĩ quan vừa mới trình diện khoảng trên 30 người, trong đó có ông Trọng. Sau cuộc trò chuyện thân mật với các tân sĩ quan, vị sĩ quan trưởng Phòng 3 mới hỏi là trong số các tân sĩ quan có ai đã từng là quân nhân tác chiến thì sẽ được Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù cho ra đơn vị ngay để chiến đấu. Vì trong lúc này, Cộng Quân đang tấn công vào Sài Gòn, Gia Định và nhiều nơi trên lãnh thổ miền Nam, nên việc tuyển chọn những tân sĩ quan có kinh nghiệm chiến trường là đều cần thiết nhất.

Ông Trọng kể: “Trong số tân sĩ quan có một người trước kia là một hạ sĩ quan có nhiều năm kinh nghiệm chiến trường, nên mới được quân đội cho đi thụ huấn khóa sĩ quan đặc biệt, anh này được trưởng Phòng 3 Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù chọn ra tác chiến lập tức tại kho đạn Gò Vấp, thì chỉ trong ba tiếng sau, chúng tôi nghe tin anh này đã tử trận. Đây là một chứng tích rất đau lòng cho những anh em tân sĩ quan khi mới về trình diện binh chủng Nhảy Dù.”

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (ngồi, thứ ba từ trái) và Đại Đội 91, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù tại Cảnh Dương, Huế, năm 1973. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Nhậm chức trung đội trưởng Trung Đội 1, Đại Đội 91, Tiểu Đoàn 9

Vài ngày sau, các tân sĩ quan được phân phối về các tiểu đoàn. Riêng ông Trọng được về Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Lúc đó tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã. Tiểu đoàn này đang đóng quân tại trại Hoàng Hoa Thám. Ông Trọng được nhậm chức trung đội trưởng Trung Đội 1, Đại Đội 91, Tiểu Đoàn 9. Đại đội trưởng đầu tiên là Đại Úy Lê Văn Mễ.

Sau khi Quân Lực VNCH dẹp tan vụ tổng tấn công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân, thì cuối Tháng Tư, 1968, Cộng Quân lại xâm nhập vào tỉnh Gia Định và thủ đô Sài Gòn, nhằm tìm những kẽ hở để đột nhập vào những điểm phòng thủ bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh đến lục soát địch quân đang tiến vào những nơi phòng thủ của khu tứ giác Ngô Tùng Châu, Lê Quang Định và Hoàng Hoa Thám.

Sau đó, Đại Đội 91, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh hành quân ở Gia Định và những vùng ven biên thủ đô Sài Gòn. Đơn vị của ông Trọng đã thường chạm địch trong những trận lẻ tẻ không lớn mấy, vì phần nhiều, địch là những du kích quân chớ không phải quân chính quy Bắc Việt. Tháng Năm, 1969, ông Trọng được thăng cấp thiếu úy.

Sau thất bại trận Tết Mậu Thân, Cộng Quân rút về các mật khu ở Tây Ninh. Vì thế, chiến trường ven biên Tây Ninh bùng phát vào năm 1969. Các quân, binh chủng Quân Lực VNCH được lệnh tham chiến để càn quét địch quân, trong đó có Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Đơn vị của ông Trọng đã có dịp tham dự nhiều trận chiến ở Mật Khu Dương Minh Châu, Mật Khu Bời Lời, Long Giang, Trà Võ, Vên Vên, Bến Đá, Bến Sỏi, Bến Cồ Nổi…

Cuối năm 1970, ông được thăng cấp trung úy, và được chuyển sang Đại Đội 92, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (trái) và các chiến hữu bạn trong buổi Đại Hội Nhảy Dù tại Tampa, Florida. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Tham chiến trận Hạ Lào

Sau đó, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù do Trung Tá Trần Ngọc Trí là tiểu đoàn trưởng được lệnh rút về trấn thủ Đông Hà, Quảng Trị, để chuẩn bị tham chiến cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719 được khởi động từ những ngày đầu Tháng Hai, 1971.

Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh hành quân tại căn cứ hỏa lực đồi 30. Đơn vị của ông Trọng nằm giữa chừng đồi để kiểm soát địch quân thường di chuyển. Lúc đó, ông Trọng là một sĩ quan tương đối có kinh nghiệm chiến trường nhất trong đại đội, nên đơn vị của ông được giao trách nhiệm nằm ngoài căn cứ của đồi 30 để bảo vệ căn cứ này.

Ông Trọng kể: “Nơi này có những đường mòn mà du kích quân của địch thường xuyên di chuyển. Những toán du kích có nhiệm vụ sẽ hướng dẫn đường tiến quân của những đơn vị chính quy Bắc Việt để đánh chiếm căn cứ 30. Đại Đội 92 có nhiệm vụ là vừa bảo vệ căn cứ 30 và vừa chận đường di chuyển của địch. Trong nhiệm vụ này, đơn vị của chúng tôi thường đặt nhiều mìn bẫy để khi địch xuất hiện thì những trái mìn claymore và lựu đạn sẽ được các chiến sĩ Nhảy Dù kích hoạt.”

Ông Trọng cũng cho biết thêm là khi những trái mìn claymore được kích hoạt, thì có những lúc Cộng Quân bỏ xác tại hiện trường không ít.

Ông nhớ lại: “Cũng may, lúc đó đơn vị chúng tôi chỉ đụng với những toán dọ thám, nhưng nếu đụng với các đơn vị cấp trung đoàn của Bắc Việt, thì chúng tôi khó thoát với lực lượng hùng hậu của địch quân. Ngay sau đó, chúng tôi phải di chuyển đóng quân vào những nơi khác, và cứ liên tục đổi chỗ đóng quân hằng ngày để tránh địch quân phát hiện quân mình.”

Trong những chuyến hành quân này, Đại Đội 92 cũng phát giác được nhiều kho chứa hàng chục chiếc xe đạp để địch dùng vận chuyển trên đồi, và những quân trang, quân dụng khác.

Một thời gian sau, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được về Bộ Tư Lệnh Nhảy Dù ở Bà Quẹo, Sài Gòn, để dưỡng quân và bổ túc quân số. Ông Trọng được nhậm chức đại đội trưởng Đại Đội 93, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, và ông cũng là đại đội trưởng trẻ nhất của Tiểu Đoàn 9, với mật danh hành quân là “Kim Trọng.”

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (phải) và cựu Đại Úy Phán, Thủy Quân Lục Chiến, tại Austin, Texas. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Tham chiến trận đánh vào Cục R

Đầu năm 1972, Tiểu Đoàn 9 được lệnh hành quân tham chiến trận đánh vào Cục R (mật danh của Căn Cứ Trung Ương Cục Miền Nam của Việt Cộng) tại phía Bắc tỉnh Tây Ninh, nằm cận biên giới Việt-Miên, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60 cây số. Trận chiến tại Cục R được Bộ Tổng Tham Mưu điều động nhiều đơn vị của Quân Lực VNCH, kể cả chiến xa, đại pháo và không quân. Trước đó, Pháo Đài Bay B-52 của Hoa Kỳ đã ném hàng loạt bom tấn xuống Cục R, rồi sau đó Quân Đội VNCH mới tấn công. Vì thế, căn cứ này coi như nằm trong biển lửa. Sau đó, Cộng Quân rút khỏi Cục R, và địch chỉ để lại một số ít quân để án ngữ cuộc tiến quân của VNCH.

Ông Trọng kể: “Theo kế hoạch hành quân thì trực thăng vận sẽ đổ quân của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù cùng lúc hai đại đội. Nhưng sau đó, bộ chỉ huy hành quân đổi ý là đổ quân từng một đại đội, và Đại Đội 93 của tôi được đổ quân đầu tiên. Khi chúng tôi vào địa điểm hành quân thì Căn Cứ Cục R đã bị bom của B-52 phá hủy tan tành. Quân chính quy Bắc Việt đã rút toàn bộ mà chỉ còn những thương binh không đi được và xác chết. Sau đó, chúng tôi được lệnh tiếp tục hành quân diệt những chốt của địch đang còn nằm ở bên ngoài vòng đai của Cục R.”

Bên ngoài Cục R chằng chịt rừng cây, Cộng Quân đóng từng “chốt” nhỏ trên cao. Trên đường hành quân, Đại Đội 93 dẫm phải rất nhiều đường dây điện thoại của địch. Các chiến sĩ Dù bèn cắt những đường dây điện thoại đó, và cứ mỗi lần dây liên lạc của chúng thì đã bị địch phát giác nên chúng bắt đầu báo động và nổ súng vào những địa điểm mà những chiến sĩ Dù đang cắt những đường dây này. Nhưng vì chúng đóng “chốt” quá xa nên đại đội của ông Trọng không bị ảnh hưởng đến tầm đạn của địch.

Ông kể tiếp: “Tối đến, chúng tôi bắt đầu ngưng hành quân để tìm nơi dưỡng sức. Nhưng đến gần nửa đêm thì địch bắt đầu bao vây đại đội chúng tôi. Cũng may là quân của địch toàn là du kích, không phải quân chính quy Bắc Việt, nên các anh em chiến sĩ của Đại Đội 93 chỉ bị tổn thất nhẹ. Sau đó, tôi liên lạc với bộ chỉ huy của tiểu đoàn để xin yểm trợ pháo binh. Nhưng vì địa điểm chạm địch quá phức tạp do rừng cây chằng chịt, đồi núi hiểm trở, nên pháo binh không thể yểm trợ chúng tôi được, vì không thể xác định mục tiêu an toàn của chúng tôi và điểm của địch quân. Sau đó, chúng tôi được lệnh rút quân.”

Cũng theo ông kể, đại đội của ông có hai chiến sĩ tử thương cùng một số ít thương binh và tìm cách mở đường ra ngoài. Khi rút quân, ông cũng ra lệnh đem xác của chiến sĩ đã hy sinh cùng những anh em thương binh trên đường rút quân, và đã được Đại Đội 94, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, Đại Úy Thành Râu là đại đội trưởng đến tiếp viện để đưa đại đội của ông ra khỏi vòng chiến. Sau đó, đại đội của ông được lệnh về hậu cứ tiền phương của Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù đang đóng quân tại Tây Ninh.

Khoảng tuần sau, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù được lệnh sang biên giới Việt Nam-Cambodia lần nữa, và đóng quân trên trục lộ từ biên giới Tây Ninh sang lãnh thổ của Cambodia qua những địa danh Kraek, Krong Suong, Kampong Cham… để giữ an ninh cho những đoàn thiết giáp, quân xa tiếp tế lương thực, súng đạn, quân số… cho những đơn vị của Quân Lực VNCH đang tham chiến tại Cambodia. Lúc đó, Đại Đội 93 của ông Trọng không đụng những trận lớn với Cộng Quân, mà chỉ có những trận lẻ tẻ với du kích quân của địch.

Sau đó, Tiểu Đoàn 9 được lệnh rút quân về Sài Gòn dưỡng quân và chờ lệnh mới.

Cựu Đại Úy Nguyễn Ngọc Trọng (đứng, thứ hai từ trái) trong buổi họp mặt Nhảy Dù tại Houston, Texas, năm 2016. (Hình: Nguyễn Ngọc Trọng cung cấp)

Đại Đội 93, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù và trận Đắk Tô

Tháng Tư, 1972, Đại Tá Lê Quang Lưỡng, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, điều động ba Tiểu Đoàn 1, 8 và 9 đổ quân bằng không vận đến phi trường Cù Hành, Pleiku, rồi sau đó sẽ hành quân tiến vào vào Đắk Tô, Tân Cảnh, nhằm giải tỏa áp lực của quân Bắc Việt đang bao vây căn cứ 5.

Lúc bấy giờ, Thiếu Tá Trần Hữu Phú là tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Đại Đội 93, Tiểu Đoàn 9 của ông Trọng có nhiệm vụ giữ an ninh cho căn cứ Pháo Binh của Sư Đoàn 22 tại Đắk Tô, cập bên phía Tây sông Pôkô. Căn cứ Đắk Tô do Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 22 Bộ Binh trấn thủ cùng nhiều đơn vị bộ binh chiến đấu khác. Lúc bấy giờ, Đại Tá Lê Đức Đạt là tư lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh.

Ông Trọng cho biết: “Có một đêm, đặc công của địch tấn công đơn vị của chúng tôi. Lúc đó các chiến sĩ Nhảy Dù đều nằm dưới hầm hố cả và đã đặt mìn bẫy rất nhiều xung quanh điểm của chúng tôi đóng quân. Vì thế, khi mìn nổ là chúng tôi biết địch đang tấn công. Một số đặc công đã bị tiêu diệt khi chúng đạp mìn, còn một số bò vào bên trong đều bị chúng tôi bắn chết.”

“Vài ngày sau, Đại Đội 93 được lệnh lên đỉnh cao Phượng Hoàng, với nhiệm vụ đi vòng bên ngoài đỉnh núi cao này để yểm trợ cho căn cứ Đắk Tô và quan sát các chiến xa hay bộ binh của địch đang di chuyển. Vì đỉnh này rất cao nên có thể nhìn xuống đến bên kia Hạ Lào. Khi phát hiện địch đang di chuyển thì chúng tôi báo cho bộ chỉ huy của tiểu đoàn để họ gọi Không Quân hay Pháo Binh tiêu diệt địch,” ông cho biết thêm.

Sau đó, vì lực lượng của địch tấn công mãnh liệt hơn, với trên năm trung đoàn bộ binh, nhiều chiến xa, nhiều pháo binh, nên Thiếu Tá Nguyễn Đức Tâm, trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, có lệnh cho đại đội của ông Trọng mở đường để các chiến sĩ bộ binh và bộ chỉ huy của Sư Đoàn 22 di tản chiến thuật.

Sau trận Đắk Tô, Tiểu Đoàn 9 được lệnh trở về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân được hai tuần. Kế tiếp, Bộ Tổng Tham Mưu lệnh cho Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù với sự tham chiến của nhiều tiểu đoàn, trong đó có Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù cùng tăng viện cho Quân Đoàn 2 để hành quân diệt quân Bắc Việt tại phía Tây Tân Cảnh, Kon Tum.

Tháng Sáu, 1972, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù về đóng quân tại bộ chỉ huy của Nhảy Dù ở Tao Đàn, Sài Gòn, để bảo vệ cho Phủ Tổng Thống, đôi khi cũng đi hành quân trong vùng Biệt Khu Thủ Đô. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Kỳ cuối: Mũ Đỏ Nguyễn Ngọc Trọng kể chuyện tái chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng

MỚI CẬP NHẬT