Thursday, March 28, 2024

Phải chăng chính Mỹ và Âu Châu đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc?

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Tây phương, tức Thế Giới Tự Do, khởi sự từ năm 1947 sau Đệ Nhị Thế Chiến khi Liên Bang Xô Viết tiếp tục chiếm đóng một số nước Đông Âu mà họ đã giải phóng khỏi tay Đức Quốc Xã để thành lập khối Cộng Sản Đông Âu.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Diễn Đàn Vành Đai và Con Đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 27 Tháng Tư, 2019. (Hình minh họa: Valery Sharifulin/Sputnik/AFP via Getty Images)

Đến năm 1991, khi Liên Xô cùng với Cộng Sản Đông Âu tan rã, dẫn đến sự ra đời của Liên Bang Nga cùng các quốc gia Đông Âu cũ, trong tư cách mới là những quốc gia tự do, dân chủ. Đứng về phía bên này chiến tuyến trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh là Liên Xô, Cộng Sản Trung Hoa và các quốc gia Cộng Sản Đông Âu, và ở bên kia chiến tuyến là Hoa Kỳ cùng các nước thuộc Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương và các đồng minh khác của họ, như Úc và New Zealand chẳng hạn.

Nhưng đến ngày nay, thế giới lại đang phập phồng lo sợ về một cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới (gồm một cuộc đối đầu giữa Nga và các nước Tây phương và một cuộc đối đầu khác giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Trung Hoa) lúc nước Nga dân chủ càng ngày càng bị Hoa Kỳ và Âu Châu coi là thù địch, nhất là sau khi Nga thình lình sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của họ (hồi năm 2014), để rồi bị Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế nặng nề, khiến Tổng Thống Vladimir Putin phải chọn đường lối liên kết chặt chẽ hơn với Cộng Sản Trung Hoa trong nỗ lực đối kháng với các nước Tây phương.

Cũng vào thời điểm này, Cộng Sản Trung Hoa vừa ra sức tăng cường võ trang vừa nỗ lực quân sự hóa những hòn đảo và bãi đá tại Biển Đông, với ý đồ biến vùng biển này thành cái hồ nước riêng của mình, đe dọa quyền tự do hàng hải của các quốc gia Đông Nam Á giáp giới với Biển Đông và luôn cả các quốc gia Tây phương (như Mỹ, Nhật, Úc, Nam Hàn…) và cả Ấn Độ nữa.

Nhưng tại sao chưa đầy ba thập niên sau khi cuộc Chến Tranh Lạnh kết thúc mà thế giới dường như lại đang lao đầu vào một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới, với Hoa Kỳ và Âu Châu đối địch với Nga và Cộng Sản Trung Hoa, chẳng khác gì các liên minh thù địch nhau sau Đệ Nhị Thế Chiến? Tại sao nước Nga, đã trở thành một quốc gia tự do, dân chủ nhờ đảng Cộng Sản Liên Xô cáo chung rồi, nay lại phải chung vai, sát cánh với một nước Cộng Sản “thứ thiệt” như Trung Hoa để chống lại quyền lợi của Hoa Kỳ và Âu Châu, hay nói chung là Thế Giới Tự Do?

Có thể nói rằng chính những sai lầm chiến lược của Tây phương, tức là từ phía Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, và sau đó là do lòng tự ái dân tộc quá lớn của ông Putin, đã đưa đẩy nước Nga dân chủ vào vòng tay của Cộng Sản Trung Hoa, kẻ mà nếu không có Nga làm bầu bạn thì sẽ rất cô đơn trên đấu trường thế giới vì những hành động bất chấp luật pháp quốc tế cũng như vì lề thói bá quyền nước lớn của họ.

Những diễn biến làm một nước Nga mới cảm thấy bị Mỹ và Âu Châu coi nhẹ và cô lập

Nhà báo David Rohde, trong bài viết nhan đề “How the U.S. made its Putin problem worse” (“Bằng cách nào mà Hoa Kỳ làm cho những khó khăn với Putin trở nên tệ hại hơn”) do thông tấn xã Reuters phổ biến hồi Tháng Tư, 2014, tức là chỉ một tháng sau khi Tổng Thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga, đã kể ra khá đầy đủ những sai lầm của Hoa Kỳ và Âu Châu dẫn tới tình trạng thù địch ngày càng gia tăng giữa một nước Nga đang trên đường dân chủ hóa và các quốc gia tự do, dân chủ lâu đời ở hai bên bờ Đại Tây Dương.

Thứ nhất, nước Nga của ông Putin không thể nào hiểu nổi tại sao, sau khi Nga hết là một nước Cộng Sản rồi và Thỏa Ước Warsaw (mà Cộng Sản Việt Nam ưa gọi là Hiệp Ước Hữu Nghị, Hợp Tác và Tương Trợ Vác-sa-va) đối địch với NATO đã giải thể rồi mà Hoa Kỳ và Âu Châu lại vẫn duy trì sự hiện diện của NATO sát nách Nga. Đã thế, hồi năm 2002, NATO lại còn mời thêm bảy  nước Đông Âu cũ, từng nằm trong quỹ đạo của Nga, gia nhập NATO để bành trướng khối liên minh quân sự này về phía Đông Âu Châu nữa.

Thứ nhì, Nga cảm thấy bị Hoa Kỳ phản bội khi họ chỉ coi trọng và ve vãn Cộng Sản Trung Hoa (vì cho rằng nước Cộng Sản Á Châu này là một cường quốc đang lên) trong khi vẫn coi Nga như là một quốc gia “kèo dưới” bị thất thế sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, mặc dù Nga đã ra sức giúp Mỹ chuyển tiếp liệu quân sự sang Afghanistan để trả thù cuộc tấn công khủng bố giáng vào Mỹ quốc vào ngày 11 Tháng Chín, 2001, qua việc cho phép máy bay Mỹ sử dụng các phi trường tại Nga trên đường tiến vào Afghanistan.

Thứ ba, nước Nga cảm thấy hờn ghen khi tư bản Mỹ và Âu Châu thiếu hăng hái đổ vốn vào đầu tư tại Nga để vực dậy nền kinh tế yếu kém của họ thời hậu-Chiến Tranh Lạnh so với mức độ lớn lao mà các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, hăm hở đầu tư vào Cộng Sản Trung Hoa để làm cho quốc gia Cộng Sản này – từng đánh nhau với Liên Xô hồi năm 1969 trong thế kỷ trước vì tranh chấp biên giới – ngày càng trở nên hùng mạnh và ngày càng muốn làm bá chủ thế giới.

Thứ tư, Hoa Kỳ – dưới thời Tổng Thống George W. Bush – và Khối NATO tiếp tục có những hành động bị nước Nga của Tổng Thống Putin coi là thù địch, trong đó có việc Mỹ, hồi cuối năm 2001, tuyên bố rút khỏi Hiệp Ước Chống Hỏa Tiễn Đạn Đạo (Anti-Ballistic Missile Treaty) đã ký với Nga thời Cộng Sản (hồi năm 1972), nhằm xây dựng một hệ thống hỏa tiễn phòng thủ cho NATO trên lãnh thổ các nước Cộng Sản Đông Âu cũ mà nay đang nằm trong quỹ đạo của Tây phương. Hành động của Mỹ và Khối NATO tiếp tục chiêu dụ các quốc gia láng giềng của Nga gia nhập NATO  -kể cả Georgia và Ukraine – phải chăng là nhắm mục đích cô lập hóa Nga để làm cho quốc giá này thất thế trên trường quốc tế?

Tổng Thống Mỹ Donald Trump (phải) có cuộc gặp bên lề với Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 ở Osaka, Nhật, hôm 28 Tháng Sáu, 2019. (Hình minh họa: Mikhail Klimentyev/AFP via Getty Images)

Cái giá phải trả cho tầm nhìn phiến diện của Tây phương

Cái giá phải trả cho lối suy nghĩ thiếu chín chắn và hành động “trịch thượng” của Tây phương đối với một nước Nga đang trên đường dân chủ hóa là Hoa Kỳ và Âu Châu đang phải đối đầu với một liên minh “ma quỷ” khác sau thời Chiến Tranh Lạnh, tức là lúc liên minh Nga-Trung Quốc làm cho Mỹ và Âu Châu phải nơm nớp lo sợ và hao tiền, tốn bạc khi phải ráng sức chạy đua võ trang để phòng thủ.

Thay vì chỉ phải đương đầu với một nước Cộng Sản Trung Hoa ngày càng hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự và với một đảng Cộng Sản Trung Hoa ngày càng gia tăng tham vọng bá chủ thế giới qua việc gây hấn với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku (mà Trung Hoa gọi là Điếu Ngư), rồi đòi dùng võ lực sát nhập Đài Loan, kế đó là thực hiện kế hoạch độc chiếm Biển Đông cũng bằng võ lực nếu cần, Hoa Kỳ và các đồng minh, nhất là các đồng minh Âu Châu, nay đang phải đương đầu luôn với cả nước Nga của ông Putin nữa, coi như phía Tây phương đang ở vị thế “lưỡng đầu thọ địch” một khi xung đột võ trang nổ ra trên quy mô toàn cầu.

Thay lời kết

Thật không hợp luận lý chút nào khi một nước Nga dân chủ trẻ trung lại không thể “sống chung hòa bình” với các nền dân chủ kỳ cựu tại Âu Châu và Mỹ Châu mà lại phải ngồi chung chiếu với một nước Cộng Sản “thứ dữ,”cỡ nước Trung Hoa của “Hoàng Đế Đỏ” Tập Cận Bình ngày nay.

Điều mỉa mai là dân Nga bây giờ không phải ai cũng yêu thích gì dân Trung Hoa cho lắm, nhất là sau cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước Cộng Sản anh em hồi thế kỷ trước, khi họ thấy ông bạn láng giềng khổng lồ này lúc nào cũng chăm chăm dòm ngó lãnh thổ và biển, đảo của các nước khác.

Thực tế là Hoa Lục thì quá đông dân mà lại thiếu tài nguyên, còn Nga thì đất đai quá lớn – lớn nhất thế giới – mà tài nguyên thì lại bao la, với toàn bộ vùng Siberia của họ chưa hề được khai thác đúng mức từ thời Sa Hoàng qua thời Cách Mạng Vô Sản cho tới ngày nay. Dải đất hình chữ S phía dưới chân của Hoa Lục, nhỏ bé như thế mà Bắc Kinh còn thèm rỏ dãi nữa huống hồ lãnh thổ bao la của Nga nằm trên đầu con dân Đại Hán?

Có ít nhất là hai dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Putin rất sợ ngày sau Cộng Sản Trung Hoa sẽ quay lại thôn tính nước Nga. Đó là việc nhà lãnh đạo Nga, viện lý do có đại dịch COVID-19, đã ngưng không tiếp tục giao hàng hệ thống hỏa tiễn phòng không tối tân S-400 mà Nga đã bán cho Trung Quốc chỉ vì sợ người mua sẽ ăn cắp luôn kỹ thuật chế tạo loại hỏa tiễn đáng sợ này để cải tiến thành những thứ võ khí tàn độc hơn, và chuyện Nga và Cộng Sản Trung Hoa chọn hai phe khác nhau trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Rõ ràng là Putin đã chọn kẻ nào chống Bắc Kinh quyết liệt nhất, bất kể hậu quả ra sao. (Vann Phan) [qd]

MỚI CẬP NHẬT