Wednesday, April 24, 2024

Phạm Văn Thành, người Quân Cảnh thời chiến

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

ANAHEIM, California (NV)Ông Phạm Văn Thành, quê Long Xuyên, là một trong những quân nhân Quân Cảnh trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa của chính quyền Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ông Phạm Văn Thành (đứng), hội trưởng Hội Ái Hữu Quân Cảnh Nam California, trong diễn hành Tết 2019. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Ngành Cảnh Sát Quân Sự là tiền thân của binh chủng Quân Cảnh được hình thành từ thời Quân Đội Liên Hiệp Pháp tiếp đến thời kỳ Quân Đội Quốc Gia. Binh chủng này chính thức được thành lập vào năm 1959, nền Đệ Nhất Cộng Hòa của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ngành Quân Cảnh được khởi nguồn từ 1959 đến 1975 là một binh chủng trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Binh chủng này được thành lập để thừa hành thực thi quân luật và duy trì quân phong quân kỷ của Quân Đội VNCH. Chỉ huy trưởng đầu tiên của ngành Quân Cảnh là Đại Úy Nguyễn Ngọc Thiệt (cấp bậc sau cùng là đại tá).

Thụ huấn khóa Căn Bản Quân Sự, Chi Lăng

Ông kể: “Tháng Tám, 1971, sau khi thi xong bằng tú tài 1, lúc đang chờ kết quả thì tại Trung Tâm 4 Quân Cảnh, Cần Thơ, có tuyển mộ cho những ai muốn gia nhập vào ngành Quân Cảnh. Tôi đã nộp đơn xin vào đơn vị này ngay, với lý do vì Cần Thơ cũng gần xứ sở Long Xuyên của mình, mà trong thời chiến nếu đã là quân nhân được phục vụ tại gần quê nhà mình là điều may mắn nhất.”

Khóa học này đặc biệt dành cho những tân binh Quân Cảnh, nên có trên 500 thí sinh từ 17 tỉnh miền Tây đến ghi danh để được trở thành những quân nhân Quân Cảnh của Quân Lực VNCH. Các thí sinh phải trải qua một kỳ thi về khảo sát văn hóa, gồm một bài luận văn và một bài toán cấp trung học. Sau đó, các thí sinh trúng tuyển về văn hóa sẽ được hội đồng y khoa chứng nhận có thể lực và sức khỏe tốt đúng theo tiêu chuẩn vóc hình của người Quân Cảnh.

Ông Thành là một trong 100 thí sinh được tuyển chọn trong khóa này.

“Sau khi trúng tuyển, tôi được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng, Châu Đốc, để thụ huấn khóa căn bản quân sự gồm tám tuần lễ. Sau ngày mãn khóa, tôi được đưa về Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh tại Sài Gòn để chờ lệnh,” ông cho biết.

Quân Cảnh Phạm Văn Thành ở Trại Giam Phú Quốc, 1972. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Thụ huấn Khóa 7/71 Căn Bản Quân Cảnh, Vũng Tàu

Vài ngày sau, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh đưa ông về trình diện Trường Huấn Luyện Quân Cảnh, Vũng Tàu, để thụ huấn Khóa 7/71 Căn Bản Quân Cảnh.

Ông nhớ lại: “Sau ba tháng huấn luyện, các học viên Quân Cảnh phải trải qua một kỳ thi vào cuối khóa. Những người đậu hạng cao thì sẽ được ưu tiên chọn về phục vụ tại nguyên quán của mình, còn số còn lại sẽ được bốc thăm để về phục vụ trong những đơn vị Quân Cảnh trên bốn vùng chiến thuật tại miền Nam, trong đó có Trại Giam Tù Binh Công Sản, Phú Quốc, với chỉ huy của Quân Cảnh Trung Ương, Trại Giam Phú Quốc. Trong số này có khoảng 40 Quân Cảnh của Thủy Quân Lục Chiến (202) thì họ được về binh chủng của họ.”

Tại miền Nam lúc đó, trên bốn vùng chiến thuật, mỗi vùng đều có một tiểu đoàn Quân Cảnh và có một chỉ huy trưởng Quân Cảnh Quân Khu. Riêng tại Sài Gòn thì có Tiểu Đoàn 6 Quân Cảnh, cơ hữu Biệt Khu Thủ Đô và hai Tiểu Đoàn Tổng Trừ Bị là Tiểu Đoàn 5 và 12 Quân Cảnh. Tại Vùng II có Tiểu Đoàn Trừ Bị 11. Mỗi quân khu đều có một trại giam do những tiểu đoàn Quân Cảnh đảm trách canh giữ. Riêng vùng II thì có thêm một trại giam phụ nữ ở Quy Nhơn. Tại Trại Giam Tù Binh Cộng Sản Phú Quốc thì có bốn tiểu đoàn Quân Cảnh gồm 7, 8, 9 và 14.

Ông Phạm Văn Thành và gia đình tại trại tị nạn Bataan Philippines, năm 1989. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Những ngày tháng đầu trong ngành Quân Cảnh

Cuối năm 1971, sau ngày mãn khóa 7/71 Quân Cảnh, Vũng Tàu, tân Quân Cảnh Phạm Văn Thành được về phục vụ tại Tiểu Đoàn 6 Quân Cảnh, Sài Gòn. Đúng vào lúc những ngày gần Tết, ông được biệt phái về Đặc Khu 2 (Quận Nhì) để phối hợp với các đơn vị Quân Cảnh bạn và Cảnh Sát trong những toán hành quân tuần tiễu hỗn hợp để giữ an ninh, trật tự trong những ngày Xuân về Tết đến tại nhiều nơi thuộc Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn.

Ông Thành chia sẻ: “Trong toán tuần tiễu, ngoài chúng tôi là những Quân Cảnh thuần túy của quân đội, còn có các anh em cảnh sát, cùng những quân nhân Quân Cảnh bạn của nhiều quân, binh chủng như Hải Quân (201), Không Quân (203), Nhảy Dù (204), Thủy Quân Lục Chiến (202), Kiểm Soát Biệt Động Quân…”

Theo ông Thành, tại Sài Gòn và Gia Định có những nơi làm việc của Quân Cảnh gồm Quân Vụ Thị Trấn, những đặc khu, và những trạm kiểm soát ven đô, còn ở các tỉnh lỵ thì được gọi là đồn Quân Cảnh Quân Trấn.

Ông nói: “Tùy theo địa điểm hành quân tuần tiễu hỗn hợp, có lúc họ phải dùng phương tiện bằng xe tuần tiễu trong những khu vực quan trọng, đôi khi cũng phải tuần bộ từng toán nhỏ trong những khu vực quá đông người, như khu chợ búa, vì sợ kẻ gian có thể đột nhập vào để cướp giựt đồng bào đang đi chợ Tết. Khi có sự hiện diện của toán tuần tiễu, thì ít khi xảy ra những vụ quấy phá hay cướp giựt.”

“Nhưng thỉnh thoảng cũng có những quân nhân phạm kỷ luật quân đội, nhất là về quân phong, quân kỷ, như quân phục không chỉnh tề, râu tóc để dài, xuất trại không có sự vụ lệnh, không có giấy nghỉ phép… Vì là một Quân Cảnh chưa có kinh nghiệm nhiều, nên trong những ngày đầu tiên làm việc, tôi cũng đã hiểu biết thêm nhiều từ những kinh nghiệm của nhiều quân nhân Quân Cảnh cùng đi chung toán với tôi,” ông nói thêm.

Gia đình ông Phạm Văn Thành ở trại tị nạn Bataan Philippines năm 1989. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Học cách cư xử với những quân nhân phạm kỷ luật quân đội

Ông Thành nhớ lại: “Lúc đang thụ huấn tại trường Quân Cảnh, ngoài những bài học căn bản về luật lệ bắt giữ những quân nhân phạm kỷ luật, thì người Quân Cảnh còn có khả năng giao tiếp với những đối tượng để thi hành nhiệm vụ của mình. Nếu gặp những quân nhân phạm kỷ luật ít thì người Quân Cảnh phải khuyên bảo để họ tự sửa sai sau này, chớ không phải bất cứ lúc nào mình phải bắt giữ họ. Còn đối với những quân nhân phạm kỷ luật mà còn cự nự, không chịu nhận lỗi của mình, thì bắt buộc chúng tôi phải bắt giữ họ để đưa về đồn Quân Cảnh hoặc Quân Vụ Thị Trấn. Ngoài học về luật lệ của quân đội, chúng tôi còn được học về kiểm lưu, võ thuật, chống rối loạn, và hướng dẫn xa đoàn…”

Trong những trường hợp phải ứng biến trong những cuộc bạo động lớn, như biểu tình, những quân nhân vô kỷ luật quậy phá, ấu đả lẫn nhau có thể gây nên sự rối loạn trong thành phố. Ông Thành nói tiếp: “Trong những trường hợp này thì những toán tuần tiễu Quân Cảnh ngoài vấn đề thi hành luật pháp quân đội, họ còn phải có lòng can đảm để đối phó với những quân nhân phạm kỷ luật này. Vì những người gây rối loạn quá đông.”

Cũng theo ông Thành, không phải chỉ có một số ít binh sĩ, hạ sĩ quan phạm kỷ luật quân đội, mà đôi khi cũng có một vài sĩ quan đã phạm luật này. Theo luật bắt giữ, thì nhân viên Quân Cảnh có thể bắt giữ những quân nhân từ hàng binh cho đến cấp tá đã có hành vi vô kỷ luật.

Khi đối phó với những sĩ quan vô kỷ luật, mà còn coi luật pháp của quân đội không ra gì, thì những quân nhân Quân Cảnh phải có những ứng biến thật tế nhị để chinh phục những người đó. Nếu những cấp sĩ quan mà không tuân hành kỷ luật quân đội và luật pháp quá trầm trọng thì người Quân Cảnh có thể bắt giữ họ, rồi đưa họ về đồn Quân Cảnh hay Quân Vụ Thị Trấn để lập biên bản. Sau đó, những quân nhân này sẽ bị tạm giữ trại kỷ luật, để chờ đơn vị của họ đến bảo lãnh. Nếu tội nặng thì hồ sơ kỷ luật của họ sẽ chuyển sang ngành Quân Cảnh Tư Pháp để thụ lý.

Ông Thành nhớ lại vụ có một quân nhân thuộc một binh chủng tổng trừ bị, không có mang cấp bực tại một quán nhậu ở Ngã Sáu, Sài Gòn. Người quân nhân này đã uống rất say, rồi không chịu trả tiền còn đặt quả lựu đạn trên bàn để hăm dọa chủ quán.

Ông kể: “Lúc đó, chủ quán mới gọi nhóm tuần tiễu của Quận Nhì đến giải quyết. Tôi và một vài anh em Quân Cảnh khác đến hiện trường, vì thấy người quân nhân này quá say nên chúng tôi chỉ dùng khả năng tế nhị thuyết phục anh ta để chúng tôi tịch thu quả lựu đạn. Sau đó, vì sợ chúng tôi bắt anh ta về đồn Quân Cảnh, và gọi cấp chỉ huy của anh đến để xử lý về tội vô kỷ luật, anh ta mới nghe lời Quân Cảnh là lấy tiền trả và xin lỗi chủ quán, rồi hứa với chúng tôi là sẽ không tái phạm nữa.”

Trong lúc đang phục vụ tại Đô Thành Sài Gòn, thỉnh thoảng, ông Thành được tuyển chọn để đi làm dàn chào tiếp đón những vị cao cấp của Bộ Quốc Phòng hay các tướng lĩnh trong quân đội, mỗi khi họ xuất hiện trong những cuộc đại lễ hay hội nghị.

Hội Trưởng Quân Cảnh Phạm Văn Thành (phải) và Quân Cảnh Trần Hải trong buổi Tất Niên 2018 tại Westminster. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Về Tiểu Đoàn 7 Quân Cảnh để giữ tù binh Cộng Sản tại Phú Quốc

Khoảng Tháng Ba, 1972, ông Thành được lệnh gọi về bộ chỉ huy của Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh để bốc thăm cho ra đơn vị chính thức, sau ba tháng tập sự ở Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn. Năm người đậu hạng cao thì được về nguyên quán của họ, những người còn lại, trong đó có ông Thành sẽ được bốc thăm để về đơn vị chính thức.

Ông Thành được về Tiểu Đoàn 7 Quân Cảnh thuộc Trại Giam Tù Binh Cộng Sản Phú Quốc. Lúc đó ở Phú Quốc có bốn tiểu đoàn Quân Cảnh, đó là các Tiểu Đoàn 7, 8, 9 và 14. Mỗi tiểu đoàn canh giữ bốn khu tù binh, và một khu Tân Sinh Hoạt.

Khi mới đến trại giam tù binh Phú Quốc, ông Thành được bổ sung quân số đến Đại Đội B Trừ Bị của Tiểu Đoàn 7 Quân Cảnh. Đại đội này thường dẫn một số tù binh thuộc khu Tân Sinh Hoạt lên rừng lấy củi để khi về cho tất cả tù binh tự nấu ăn. Vì khu Tân Sinh Hoạt gồm những tù binh muốn ra hồi chánh, nên họ được quân đội canh giữ dễ dàng hơn.

Ông Thành kể: “Sau khi được bổ sung về Đại Đội B Trừ Bị thì tôi có nghe một số anh em kể lại rằng, khoảng trước đó vài tháng, có những xe Quân Cảnh thuộc Đại Đội Trừ Bị đang đưa một số tù binh lên rừng lấy củi thì bị du kích quân của Việt Cộng tấn công, có vài anh em Quân Cảnh bị tử thương, nên một số tù binh đã dùng súng của Quân Cảnh tử thương để chống lại những người Quân Cảnh còn sống sót. Vì thế, trận này cũng có nhiều tù binh bị đánh gục và anh em Quân Cảnh cũng có nhiều người bị tử thương, và bị thương trầm trọng.”

Hội Ái Hữu Quân Cảnh Nam California tổ chức Tất Niên 2018 tại Westminster. (Hình: Phạm Văn Thành cung cấp)

Vì thế, khi mới ra Phú Quốc, ông có lệnh về bổ sung cho Đại Đội B Trừ Bị. Sau đó, ông được qua Đại Đôi D, thuộc Khu 2 mà những anh em Quân Cảnh gọi là khu “Đầu Sỏ,” vì ở đây chuyên giam giữ những tù binh chính trị của Cộng Sản.

Lúc bấy giờ, trại giam tù binh Phú Quốc có 12 khu giam giữ tù binh Cộng Sản và nhiều phòng giam giữ những tù binh đặc biệt. Tổng cộng có khoảng trên 28,000 tù binh. Mỗi tháng, mỗi tù binh được phát 21 kg gạo và những thực phẩm để họ tự nấu món ăn.

Thỉnh thoảng, các tù binh cũng nổi loạn. Cứ vài tháng thì xảy ra những cuộc nổi loạn. Có lúc chỉ có một trại nổi loạn, có khi cũng có nhiều trại cùng nổi loạn. Trong những trường họp này, các toán Quân Cảnh canh giữ tù binh cũng tìm cách để tù binh không được nổi loạn. Nhưng nếu có những người tù binh nào “quậy quá” thì họ chuyển qua phòng biệt giam để “trị” những tù binh này.

Ông Thành kể: “Chính tôi đã chứng kiến tù binh đã hủy bỏ cơm, cá rất nhiều, vì họ đã tự nấu quá dư, đến khi ăn không hết thì họ đổ bỏ. Gạo để phát cho tù binh còn trắng tốt hơn gạo của chúng tôi đi mua ở ngoài chợ Phú Quốc, còn cá thịt, nước mắm, đường muối… tất cả đều loại mắc tiền, vì chính phủ Hoa Kỳ đã ký giao kèo với các nhà thầu thực phẩm hỗ trợ cho tù binh toàn là những thứ đắt tiền. Kể cả kem, bàn chải đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt đồ… và những vật dụng cần thiết khác, họ cũng được cung cấp đầy đủ hằng tháng.” (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Kỳ cuối: Quân Cảnh Phạm Văn Thành kể chuyện giữ an ninh tại Sài Gòn

MỚI CẬP NHẬT