Thursday, April 25, 2024

Sư Đoàn 9 Bộ Binh hội ngộ, ấm mãi tình huynh đệ chi binh

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Gặp nhau với những câu hỏi thăm hết sức chân tình trong nỗi vui mừng gặp lại chiến hữu, rồi kể cho nhau nghe về những dấu chân binh lửa, kỷ niệm buồn vui người trai thời loạn… Tất cả hiện diện trong ngày hội ngộ đầy cảm xúc do các chiến hữu Sư Đoàn 9 Bộ Binh tổ chức vào hôm Thứ Bảy, 7 Tháng Chín, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Tại đây, bài ca “Sư Đoàn 9 Hành Khúc” được cất lên hùng hồn với sự trình bày của các chiến hữu và các phu nhân Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cùng Ban Hùng Sử Việt San Diego. Trước đây, bản hành khúc này do Thiếu Tướng Trần Bá Di chỉ định soạn thảo, đã phổ biến rộng rãi và đã được phát thanh trên Đài Tiếng Nói Quân Đội Sài Gòn trình bày hợp ca và hòa âm, được thu băng dùng mở đầu trong chương trình phát hình và phát thanh rộng rãi của Sư Đoàn 9 Bộ Binh tại Cần Thơ, từ đó được coi như là bản hành khúc chính thức của Sư Đoàn.

Trong ngày hội ngộ, cô Trần Quế Hương, ái nữ của cố Thiếu Tướng Tư Lệnh Trần Bá Di, mang món quà nhỏ trao tặng đến cựu đại tá tư lệnh phó sư đoàn, ông Nguyễn Đình Vinh, vắng mặt vì sức khỏe. Đó là bức hình xưa rất hiếm có, trong đó có Tư Lệnh Trần Bá Di, Đại Tá Nguyễn Đình Vinh, và Thiếu Tá Đỗ Dũng.

Cựu Đại Tá Huỳnh Văn Chính và cựu Trung Tá Trần Văn Hoạch niệm hương trước bàn thờ tổ quốc trong ngày hội ngộ Sư Đoàn 9 Bộ Binh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cựu Đại Tá Huỳnh Văn Chính, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 16, Sư Đoàn 9, nói: “Rất xúc động khi thấy quý vị thương mến Sư Đoàn 9 mà đến dự hôm nay. Vị Thiếu Tướng Trần Bá Di về chỉ huy Sư Đoàn đều được mọi người kính phục thương mến. Sau này khi gặp lại, ông không cho gọi bằng thiếu tướng, chỉ được gọi là Anh Ba thôi.”

Nhớ về những kỷ niệm xưa, cựu Trung Tá Trần Văn Hoạch, nguyên trưởng Phòng 3 Sư Đoàn, cho biết ông có rất nhiều kỷ niệm cùng đồng đội trong thời gian phục vụ. “Nhưng tôi nhớ nhất là vị chỉ huy Sư Đoàn 9 Bộ Binh lúc đó là Thiếu Tướng Trần Bá Di, một nhân cách lớn được mọi người thương mến và quý trọng. Ông là một người nhân hậu và giản dị, bình dân hết sức,” ông kể.

“Thường ông cho mang theo lên trực thăng những gói xôi để chia cho mọi người. Đặc biệt là mỗi khi đến các tỉnh, trong khi các vị sĩ quan vào trong dinh tỉnh trưởng, riêng ông và chúng tôi cùng ngồi bay trên trực thăng, không xuống đất vì sợ mất thì giờ tiếp đón của các đơn vị. Thường ông cho mang theo bánh mì cùng nhau ăn trong chuyến bay, một lối sống rất giản dị, hết sức ngay thẳng, sẵn sàng chỉ dẫn thuộc cấp đến từng chi tiết quan trọng. Ông là một vị chỉ huy tài ba, giàu lòng nhân hậu, luôn coi trọng chiến hữu và đồng đội, thật đáng kính trọng!” ông xúc động kể về vị Tư Lệnh Sư Đoàn 9, Thiếu Tướng Trần Bá Di.

Một câu chuyện hội ngộ giữa hai chiến hữu thật ly kỳ tưởng chừng khó xảy ra, được kể lại sau 46 năm xa cách, của ông Nguyễn Kim Sơn, từ Florida về, và ông Nguyễn Thụy Lân, từ Colorado về.

Hai cựu sĩ quan pháo binh năm xưa gặp lại sau 46 năm trong ngày vui hội ngộ: ông Nguyễn Kim Sơn (trái) và ông Nguyễn Thụy Lân. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Sơn thuộc Khóa 17 Thủ Đức, ra trường năm 1964 phục vụ tại Tiểu Đoàn 91 Pháo Binh, Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Đến năm 1970 ông là pháo đội trưởng Pháo Đội A Tiểu Đoàn 92 Pháo Binh. Ông Nguyễn Thụy Lân là trung đội trưởng Pháo Đội A. Trong suốt cả cuộc chiến “tả xung hữu đột” từ Chương Thiện, Long Định, Cái Bè, khi tăng phái cho Sư Đoàn 7, rồi qua tới Cambodia, anh em đều sát cánh chiến đấu bên nhau.

“Vì là pháo đội lưu động trừ bị của Sư Đoàn, nên chúng tôi di chuyển khắp nơi, từ tăng cường cho Sư Đoàn 21 mặt trận Chương Thiện, rồi tới Kiên Long, Gò Quao, trở về Đồng Tháp Mười, vô Mỹ An, Cao Lãnh, rồi trở ra quốc lộ 4, đánh ở Long Định, Tân Hiệp, Gò Công, Chợ Gạo, Hồng Ngự. Rồi chúng tôi tăng phái cho Sư Đoàn 21, Sư Đoàn 7, khắp nơi đều có dấu chân của chúng tôi. Chính lúc đi khắp các chiến trường, cực khổ sống chết có nhau nên chúng tôi thương nhau nhiều lắm!” ông Sơn hào hứng kể tiếp.

“Đến 1973, anh em bị gián đoạn vì tôi điều qua học khóa cao cấp, nên phải bàn giao lại cho một vị sĩ quan khác, lúc đó Lân cũng chuyển qua một đơn vị khác nữa. Anh em đã xa nhau từ 1973, không còn gặp lại nhau, suốt trong cả thời gian dài tôi tìm mãi vẫn không thấy người em trung đội trưởng thương mến này với nhiều kỷ niệm,” ông bùi ngùi nói.

“Sau biến cố 1975, nào ai biết được ai còn ai mất có khi trong tù, lúc vượt biển, hay khi bệnh hoạn, tôi hoàn toàn mất liên lạc với Lân mấy mươi năm trường, từ 1973 đến nay 2019 là sau 46 năm mới gặp lại. Đúng là ‘tha hương ngộ cố tri,’ tình cờ năm rồi họp mặt Sư Đoàn 9 Bộ Binh tại San Jose, có một chiến hữu hỏi tôi có biết Trung Úy Nguyễn Thụy Lân không? Mừng không thể tả khi biết được Lân đã qua Mỹ, như vậy sẽ có ngày gặp được,” ông kể tiếp.

Các chiến sĩ Sư Đoàn 9 Bộ Binh năm xưa vui mừng gặp lại nhau trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Sơn cho biết: “Sau khi biết Lân ở Colorado, tôi có gọi cho anh Nguyễn Trọng Cường, hội trưởng Hội Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại Colorado để hỏi thăm, nói rõ thêm Nguyễn Thụy Lân là em nhà văn Nguyễn Thụy Long. Nhưng vẫn bặt tăm. Cho đến khi Lân gặp anh Thân của Pháo Binh Dù, quen biết với tôi, thì sau đó chúng tôi có cuộc điện thoại ngắn. Hôm ấy là một ngày không quên trong đời, sau gần nửa thế kỷ chúng tôi mới gặp lại nhau thật là kỳ ngộ.”

“Nhờ những cuộc hội ngộ như thế này, có cơ hội gặp đủ mọi quân binh chủng của Quân Lực VNCH, anh em chiến hữu ngày xưa mới tìm lại được với nhau. Xin cảm ơn Ơn Trên đã cho anh em còn sức khỏe để có ngày gặp lại, nhớ lại những ngày xưa với biết bao kỷ niệm sống chết có nhau. Anh em trong pháo đội rất thương nhau, mà tôi thương nhất là chú Lân đây,” ông xúc động nói.

Không còn nỗi xúc động nào hơn, ông Nguyễn Thụy Lân kể: “Mấy hôm nay tôi không ngủ được, cứ náo nức đợi chờ ngày gặp lại anh Sơn. Trước đó mấy ngày nghe tin bên Florida có bão, lại càng hồi hộp không biết có gặp lại được không. Hôm nay gặp được rồi mới toại nguyện ước mơ sau 46 năm nay!”

Những chiến hữu, đồng đội và cấp chỉ huy Sư Đoàn 9 Bộ Binh năm xưa trong bức hình kỷ niệm. Người đứng hàng đầu (thứ bảy, trái) là cựu Đại Tá Huỳnh Văn Chính phát biểu trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phùng Văn Nguyên, cựu sĩ quan báo chí Sư Đoàn, MC trong ngày hội ngộ, chia sẻ: “Rất vui khi gặp lại đồng đội từ thời trai trẻ cho đến hôm nay, gặp lại nơi xứ người với mái tóc đã phai màu thời gian. Tuổi cao sức yếu, anh em còn gặp nhau ngày nào hãy cứ vui ngày đó, cố gắng gặp nhau để ôn lại những hào hùng của người trai thời loạn hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc.”

Theo phần tiểu sử của Sư Đoàn 9 Bộ Binh, do cựu sĩ quan báo chí Sư Đoàn tuyên đọc thì Sư Đoàn 9 Bộ Binh là một trong ba đại đơn vị Sư Đoàn Bộ Binh chủ lực của quân lực, trực thuộc Quân Đoàn 4 và Quân Khu 4, và là một trong mười một sư đoàn bộ binh tinh nhuệ của Quân Lực VNCH. Sư Đoàn 9 Bộ Binh được thành lập vào ngày 1 Tháng Giêng, 1962, tại Phú Thạnh, Bình Định, theo Nghị Định số 004-QP/NĐ, do Đại Tá Bùi Dzinh làm tư lệnh.

Trong biến cố 1 Tháng Mười Một, 1963, Sư Đoàn 9 Bộ Binh là đơn vị duy nhất đưa quân về tiếp cứu thủ đô Sài Gòn nhưng nhiệm vụ đã không hoàn thành.

Những chiến tích đáng ghi nhớ mang lại danh tiếng cho Sư Đoàn 9 là cuộc hành quân Toàn Thắng của Quân Đoàn 4 tại vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt nằm sát biên giới Việt Miên vào đầu năm 1970. Và các cuộc hành quân Long Phi càn quét hậu cần Cộng Sản tại Ba Thu, đánh tận sào huyệt, triệt đường chuyển quân và tiếp vận cho công trường 9 Cộng Sản, mưu toan xâm nhập đồng bằng Cửu Long, đánh tận sào huyệt Cộng Sản ngay trên đất Cam Bốt, giải tỏa áp lực cộng sản tại vùng biên giới. Từ đó Sư Đoàn 9 Bộ Binh được mệnh danh là “Sư Đoàn Mũi Tên Thép.” (Văn Lan)

MỚI CẬP NHẬT