Friday, April 19, 2024

Trung Tá Phạm Minh Đức kể những chiến thuật hữu hiệu trong tác chiến

Văn Lan/Người Việt

LONG BEACH, California (NV) – Trong buổi họp giữa năm 1973 tại trung tâm hành quân Sư Đoàn 2, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Đoàn II, giao Sư Đoàn 2 giải quyết trận Sa Huỳnh, nơi Việt Cộng tập trung ba sư đoàn chuẩn bị đánh chiếm Mộ Đức.

Ông Phạm Minh Đức kể về những chiến thuật hữu hiệu do ông trình bày, được áp dụng trong trận Sa Huỳnh của Sư Đoàn 2 năm 1973. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Lúc đó Thiếu Tá Phạm Minh Đức trình Đại Tá Trần Văn Nhựt kế hoạch để tránh bớt thương vong vì ta chỉ có một sư đoàn trong khi địch tập trung ba sư đoàn. Theo ông, cách tốt nhất nên đánh theo kiểu Mỹ, là dồn hỏa lực tối đa tiêu diệt địch trước, khi địch chịu không nổi bỏ chạy, bộ binh đi sau thu chiến lợi phẩm.

Cũng nên nói thêm là Sa Huỳnh là vùng đất hẹp thuộc quận Đức Phổ, nằm về phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, mặt lưng giáp dãy Trường Sơn, mặt trước phình ra biển. Mục đích chiếm Sa Huỳnh của Việt Cộng là cắt đứt đường vận chuyển tiếp tế Nam-Bắc trên quốc lộ 1, gây khó khăn cho đường vận chuyển cả quân sự và dân sự, đặc biệt là Sa Huỳnh có một hải cảng quan trọng cho tiếp liệu từ mặt biển.

“Tôi trình bày kế hoạch đánh theo kiểu Mỹ, tức là tập trung hỏa lực tối đa tiêu diệt địch, đánh bằng hải pháo trước, tiếp theo là phi pháo, rồi tới pháo binh sư đoàn gồm bốn pháo đội, một pháo đội 155 ly của sư đoàn, ba pháo đội 105 ly của ba trung đoàn. Tất cả hỏa lực tập trung bắn vào đỉnh núi Sa Huỳnh, nơi 3 sư đoàn Việt Cộng tập trung, sau đó là Biệt Động Quân và Địa Phương Quân chận các đường thoát để tiêu diệt,” ông Đức nhớ lại.

Kế hoạch đánh trận Sa Huỳnh này được đa số các chỉ huy trưởng trong cuộc họp đồng ý, và tôi đề nghị Trung Tá Võ Vàng, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 5 chỉ huy từ quốc lộ 1 tiến vào Sa Huỳnh tịch thu chiến lợi phẩm. Sau buổi họp, Đại Tá Đào Mộng Xuân, tỉnh trưởng Quảng Tín, thấy ông Đức trình kế hoạch đánh trận Sa Huỳnh hợp lý và có hiệu quả bèn xin cho ông về Quảng Tín.

“Đại Tá Trần Văn Nhựt chấp thuận, điều tôi về Quảng Tín, tôi nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 133 Địa Phương Quân, đó là năm 1973, với nhiệm vụ mở đường, khai hoang nơi địa phương Kỳ Trà, phía Nam Quảng Ngãi. Mùa Hè năm đó, tôi đưa Tiểu Đoàn 113 về Trung Tâm Huấn Luyện Hòa Cầm để tái huấn luyện và dưỡng quân,” ông Đức kể.

Trung Tá Phạm Minh Đức, phụ tá Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn I, năm 1974. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Chiến thuật “Liên Hoàn Chốt” tại Núi Gai

Khi ông Đức về tăng phái cho Trung Đoàn 2 Bộ Binh, Sư Đoàn 3, Trung Tá Hướng, trung đoàn trưởng Trung Đoàn 2, giao ông đóng tại Núi Gai nằm về phía Tây quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín, là tiền đồn của Trung Đoàn 2/3, án ngữ ngay trước mặt Trung Đoàn 48 Việt Cộng.

“Năm 1973 là lúc đình chiến, không bắn nhau và hai bên ra sức lấn đất giành dân, đi đến đâu cắm cờ đến đó. Núi Gai không thể đi đường bộ lên được mà phải dùng trực thăng thả quân, Tiểu Đoàn 113 Địa Phương Quân có khoảng 600 người, tôi nhảy xuống đợt đầu tiên, chỉ huy lính đào hầm ếch trong núi để tránh pháo kích, vì tiểu đoàn trước đó ngày nào cũng có vài xác lính chở về, nên tôi phải đề phòng bọn Việt Cộng đáng lén trong lúc đình chiến,” ông kể.

Về chiến thuật quân sự, ông Đức nhớ lại: “Tại Núi Gai tôi suy nghĩ kế hoạch ‘Liên Hoàn Chốt’ theo hình thức ‘Tổ Tam Tam’ của Việt Cộng, cứ ba người trong một tổ yểm trợ cho nhau. Mà tiểu đoàn của tôi khá đông người, nếu biết liên kết theo kiểu này với hỏa lực mạnh, với nhiều chốt ‘tam tam’ đóng rải rác khắp nơi thì địch cũng khó mà tấn công được. Tôi còn cho bố trí bộ chỉ huy tiểu đoàn ở hầm trong núi, có cả hầm truyền tin, máy móc bàn ghế.”

“Ngược lại, nếu bố trí theo kiểu quân chính quy mình thường áp dụng là tuyến phòng thủ theo vòng tròn tập trung, bộ chỉ huy ở giữa, ba đại đội bao quanh, nếu địch tấn công hoặc pháo kích thì khó tránh nhiều thương vong. Vậy nếu mình phân tán ra theo từng chốt ba người, liên hoàn kết chéo với nhau thành một mạng lưới nhện rất mạnh, núp dưới các hố chiến đấu, mỗi đại đội có bốn chốt, mỗi chốt ba người ở nhiều vị trí khác nhau, địch không biết hết được ta ở đâu nên có thể vừa chiến đấu, vừa yểm trợ nhau, sẽ bảo vệ được một địa bàn rất rộng,” ông Đức kể.

Ông Phạm Minh Đức giám xạ cuộc thi bắn súng trường tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, năm 1964. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Theo kế hoạch ‘Liên Hoàn Chốt’ ở Núi Gai, ba ngày sau thì tôi đã hoàn tất các điểm phòng ngự của tiểu đoàn. Khi Trung Tá Hướng lên thị sát, ông bèn trở về đưa ba vị tiểu đoàn trưởng của Trung Đoàn 2 Sư Đoàn 3 lên để học kinh nghiệm phòng thủ này. Thiếu Tướng Hinh, tư lệnh Sư Đoàn 3, sau đó biết được việc phòng thủ này, cho biết giống như cách của Đài Loan để tránh bị Trung Cộng pháo kích vào Kim Môn, Mã Tổ năm xưa. Thiếu Tướng Hinh cũng bay lên quan sát, về báo lại Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng bay lên xem ba lần nữa,” ông kể tiếp.

Ông Đức cho biết cũng tại Núi Gai, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín vào năm 1973 khi đào hầm bộ chỉ huy, ông phát giác ra một mỏ đất sét trắng rất lớn, loại tốt nhất, và báo lên cấp trên. Cũng vì có một số huy chương trước đó và cũng đúng vào thời hạn thăng chức, sau đó ông được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng thăng cấp trung tá kèm Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với nhành dương liễu. Một tháng sau ông về nhận nhiệm vụ mới ở trung tâm hành quân Quân Đoàn I ở Mỹ Khê cho đến ngày tàn cuộc chiến.

“Muốn phát triển phải luôn lấy tri thức làm đầu”

Ông Đức bị bắt làm tù binh tại Trung Tâm Hành Quân Mỹ Khê, ngày 29 Tháng Ba, 1975, và trải qua tám năm tù “cải tạo” tại các nhà tù Điện Bàn, Kỳ Sơn, A30. Ra tù, ông về nhà làm nghề mỹ nghệ. Sau đó qua Mỹ theo diện HO.

Năm 1995 khi cùng gia đình đến Mỹ, tuy đã lớn tuổi, ông vẫn chọn học ngành kiến trúc tại đại học Cal State Long Beach, quyết chí học lại để làm gương cho các con nuôi chí ăn học thành tài. Hiện nay gia đình ông có hai người con đạt học vị tiến sĩ, và bốn người con là kỹ sư.

Ông Phạm Minh Đức (thứ hai từ phải) cùng các sĩ quan Khoa Vũ Khí, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Nhớ về đời binh nghiệp của mình, ông Đức cho biết trong cương vị huấn luyện viên của Trường Võ Bị Đà Lạt, ông đã tham gia đào tạo tám khóa sĩ quan, từ Khóa 18 đến Khóa 25, mục tiêu là đào tạo sĩ quan của cả ba quân chủng Hải, Lục, Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với ông, việc trang bị về kiến thức cho người sĩ quan là phải có tài, trí, đức là mối quan tâm hàng đầu.

“Phát triển về mặt kiến thức cho công dân trở thành người ưu tú, đào tạo người cán bộ quốc gia có trí thức, có lý tưởng chiến đấu và đào tạo cấp lãnh đạo và người chỉ huy tài giỏi, với kế hoạch phát triển quân đội hoàn chỉnh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, luôn là niềm mong ước của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng rất tiếc là đã không thành,” ông chia sẻ thêm.

“Suốt đời tôi luôn nhớ lời dạy của cụ Huỳnh Thúc Kháng nên rất chuyên tâm vào việc học hỏi, mở mang kiến thức, đem kiến thức đến với mọi người, và luôn khuyên dạy các con tôi phải coi trọng việc học, do vậy hiện nay các con tôi đều thành công trên nhiều lãnh vực tại xứ người. Và tôi mong các thế hệ con cháu muốn phát triển phải luôn lấy tri thức làm đầu, đem tài năng giúp ích nước nhà!” người thầy năm xưa tại Trường Võ Bị Đà Lạt nói. (Văn Lan) [qd]

Xem lại kỳ trước: Trung Tá Phạm Minh Đức vào binh nghiệp nhờ học cụ Huỳnh Thúc Kháng

Ông Phạm Minh Đức quê nội Quảng Ngãi, quê ngoại Khánh Hòa.

Tốt nghiệp Khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, được giữ lại làm sĩ quan cán bộ, huấn luyện về chiến thuật khi ra trường.

Năm 1970 về Sư Đoàn 2, làm trưởng toán hành quân của Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn.

Năm 1972 học khóa Bộ Binh Cao Cấp Thủ Đức, ra trường về lại Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 2.

Năm 1973 là tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 113 Địa Phương Quân, Quảng Tín.

Năm 1974 tăng cường làm tiền đồn cho Trung Đoàn 2, Sư Đoàn 3 Bộ Binh.

Năm 1974 là trung tá thực thụ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 133 Địa Phương Quân.

Giữa năm 1974, sĩ quan dự trữ của Quân Đoàn I.

Bị bắt làm tù binh ngày 29 Tháng Ba, 1975. Qua tám năm bị CSVN bắt đi “cải tạo” ở các trại tù Điện Bàn, Kỳ Sơn, A30.

Đến Mỹ diện HO, 1995. Học về kiến trúc tại đại học California State University Long Beach.

Hiện sinh sống tại Long Beach, California.

MỚI CẬP NHẬT