Thursday, April 25, 2024

Trung Tá Phạm Minh Đức vào binh nghiệp nhờ học cụ Huỳnh Thúc Kháng

Văn Lan/Người Việt

LONG BEACH, California (NV) – Tấm gương hoạt động của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà trí thức yêu nước biết áp dụng kiến thức trong công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, đã thôi thúc tinh thần học hỏi nơi chàng thanh niên Phạm Minh Đức từ thuở thiếu thời cho cho đến suốt cuộc đời mình, luôn coi trọng việc trau dồi kiến thức, học hỏi để phục vụ tổ quốc.

Ông Phạm Minh Đức (thứ năm, trái) cùng các chiến hữu tại Đại Hội Võ Bị Đà Lạt Toàn Cầu Thế Giới năm 2018 tại Little Saigon. (Hình: Phạm Minh Đức cung cấp)

Ông Đức quê quán Quảng Ngãi, học tiểu học Gò Đỗ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành. Đang khi học lớp 5 ở trường Lê Khiết, sau trận dội bom của Pháp bị tan nát nên phải nghỉ học. Hai năm sau ông vô lớp 6 và lên lớp 7 trường trung học xã Hành Đức.

Ông cho biết năm 1952 cả làng bị đói, lúc đó thuộc Liên Khu 5, Việt Minh lấy danh nghĩa chống Pháp chưa lộ diện là Cộng Sản. Giống như bao nhà khác, ông vừa đi học vừa chăn bò, đi mò cua, bắt ốc, hái rau kiếm ăn cho cả nhà, hoặc ăn củ chuối thay cơm và ăn lá mì non. Khi cha ông theo Việt Minh kháng Pháp, lúc ấy ông Đức mới 5 tuổi thì xảy ra Nhật đánh Pháp năm 1945, chiến tranh liên miên nên ông phải theo gia đình tản cư về xã Hành Dũng (Hố Bầu), nơi có nhiều đồng bào Thượng sinh sống.

Kể nguyên nhân vì sao một chàng thanh niên nơi quê nghèo phải vào đời sớm, vất vả kiếm sống lại quyết chí thi vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, ông Đức kể: “Ở Quảng Ngãi có hai họ Phạm gồm Phạm Viết và Phạm Văn, ba của tôi thuộc dòng Phạm Viết, sống bằng nghề thương mại và kinh doanh ngay thị xã Quảng Ngãi, đặt tên cho tôi là Phạm Viết Minh Đức. Sau chiến tranh mất hết giấy tờ, năm 1956 phải làm lại giấy khai sinh để đi học, bỏ thiếu mất chữ Viết.”

Năm 1944, cha của ông khi ấy đang làm phó giám đốc Sở Cá Nha Trang (hiện nay là Viện Hải Dương Học Nha Trang), đã nghe theo lời kêu gọi của nhóm thanh niên trí thức miền Nam nên gia nhập lực lượng Việt Minh vì khi ấy họ chưa ra mặt là Cộng Sản.

“Tôi ở lại Nha Trang với má tôi đến năm 1945 thì theo mẹ và em gái ra Quảng Ngãi sống với ba trong gia đình bên nội. Đến 1945, Nhật đánh Pháp, chiến tranh xảy ra, tôi phải về làng quê xã Hành Dũng (Hố Bầu) gần đồng bào Thượng, thuộc quận Nghĩa Hành,” ông Đức kể.

Sinh Viên Sĩ Quan Phạm Minh Đức, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Do hai năm lớp 2 và lớp 3 luôn đứng nhất, năm 1947 tôi được ông hiệu trưởng Bùi Xuân Văn chọn tôi làm đại diện xã Hành Dũng đi dự đám tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, một trong những người lãnh đạo phong trào Duy Tân, để đưa cụ dưới làng từ sông Trà Khúc lên an táng tại đỉnh núi Thiên Ấn. Khi ấy đoàn người đưa tang rất đông, và lúc đó mới 7 tuổi, tôi đã biết khóc thương khi nghe người dân trong đám tang xì xầm nói về người đã ra tay giết cụ,” ông nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Tôi luôn nhớ lời cụ Huỳnh dạy: ‘Xin có lời chính cáo với người nước ta rằng, đồng bào ta, người nước ta ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào là chi bằng học.’ Và chính cụ dùng tờ báo Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên ở miền Trung do cụ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút hoạt động từ 1927 đến 1943, đã góp phần vào việc giáo dục dân chúng đấu tranh công khai, tố cáo chính sách thống trị của Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng, để đòi hỏi dân chủ dân sinh.”

Chính cuộc đời hoạt động của cụ Huỳnh và khí thế của người dân khi đưa tang cụ Huỳnh đã gieo vào tâm hồn chàng thiếu niên hiếu học một niềm xúc động vô cùng, thương tiếc một nhà cách mạng Việt Nam đã bôn ba khắp chốn để chiến đấu dành độc lập cho quê hương dân tộc.

Và cũng chính lòng yêu nước của cụ Huỳnh đã dấy lên lòng yêu nước trong lòng người thiếu niên mới 7 tuổi với tinh thần hiếu học, khiến đưa đến con đường binh nghiệp để cứu nước giúp đời sau này của chàng trai Phạm Minh Đức.

Ở làng Hố Bầu, ông Đức làm trưởng ban văn nghệ xã Hành Dũng, và ở làng An Định, tỉnh Quảng Ngãi, ông đã gặp nhạc sĩ Phạm Duy để nhờ soạn nhạc cho những bài do ông Đức viết lời để dạy múa hát cho thanh niên trong làng.

Năm 1954 ông Đức rời quê nội để về quê ngoại ở Nha Trang, khi cha mẹ ông phải vất vả kiếm sống nuôi 10 đứa con nhỏ dại, ông là anh cả phải đi làm nghề thợ hình ở các tiệm hình Mai Ngôn và Hà Trang để giúp gia đình. Đến năm 1956 khi bắt đầu đi học lại, với sức học khá nên ông được thi nhảy ba lớp, từ đệ lục (lớp 6) lên đệ tam (lớp 10) sau đó lên luôn đệ nhị (lớp 11), và thi đậu Tú Tài I năm 1958.

Cậu bé Phạm Minh Đức (đứng trước, phải), thợ chụp hình của tiệm hình Hà Trang, Nha Trang, năm 1955. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Thi vào Trường Võ Bị Đà Lạt, bắt đầu đời quân ngũ

“Ngay sau đó, cuối năm 1959 tôi thi vào Khóa 16 Trường Võ Bị Đà Lạt, khóa đầu tiên của trường được chính thức mang tên Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Theo lịch sử của trường có ba giai đoạn theo thứ tự của trường, Khóa 1 và Khóa 2 ở Huế, và Khóa 3 dời lên Đà Lạt, từ Khóa 3 cho đến Khóa 14 trường Võ Bị có tên là Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Khóa 15 là khóa thí nghiệm chương trình bốn năm chỉ có 50 sinh viên sĩ quan,” ông Đức kể.

Ông cho biết: “Với Sắc Lệnh số 317/QP/TT ngày 29 Tháng Bảy, 1959, cải tổ Trường Võ Bị Liên Quân thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và Khóa 16 chính thức mang tên trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đặt nền móng cho chương trình huấn luyện mới được cải tổ lại, chuyển hướng từ chế độ ‘Liên Quân’ sang chế độ huấn luyện ‘Võ Bị Quốc Gia’ với một chương trình huấn luyện mới học bốn năm, hệ thống tổ chức mới cùng những tiện nghi mới, và là khóa đầu tiên đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch cho ba Quân Chủng Hải, Lục, và Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”

Khóa 16 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam được mang tên “Khóa Ấp Chiến Lược,” dưới sự chủ tọa lễ mãn khóa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, với 226 Sinh Viên Sĩ Quan tốt nghiệp, và sinh viên thủ khoa Bùi Quyền được vinh dự là người giương cung bắn bốn mũi tên về bốn hướng mang ý nghĩa chí làm trai ngang dọc khắp bốn phương trời.

Sau khi ra trường, ông Đức được giữ lại làm cán bộ huấn luyện, với nhiều chương trình huấn luyện sinh viên sĩ quan của trường, đặc biệt là bắt đầu từ Khóa 16 với nhiều đổi mới trong chương trình đào tạo. Bằng tốt nghiệp của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có chữ ký của Bộ Trưởng Quốc Phòng và Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, với phương châm “Tự Thắng Để Chỉ Huy,” tương đương với văn bằng cử nhân đại học.

Trung Úy Phạm Minh Đức tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam năm 1964. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Vào đời quân ngũ, thoát chết lần đầu

Năm 1970 Đại Úy Phạm Minh Đức về Sư Đoàn 2, vùng trách nhiệm thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Tín, do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Toàn là tư lệnh sư đoàn, và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật tư lệnh phó, ông Đức được giao làm trưởng toán tại trung tâm hành quân Sư Đoàn.

“Vì là đại úy thâm niên trong ba vị đại úy trưởng toán, nên tôi được giao phụ tá cho Trung Tá Hoàng Mộng Lân, làm trung tâm trưởng trung tâm hành quân Sư Đoàn 2, lúc đó tình hình chiến sự khá nặng, gần tới năm 1972 ‘Mùa Hè Đỏ Lửa,’” ông Đức nhớ lại.

Trong trận đi lục soát làng Bình Thủy, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, từ sáng sớm tiểu đoàn tùng thiết M113 từ Bình Sơn chạy từ hướng Tây xuống hướng Đông, từ quốc lộ 1 đi về bờ biển Quảng Ngãi. Từ quận Bình Sơn xuống làng Bình Thủy toàn là đường đất đỏ, Việt Cộng gài nhiều mìn dưới đường, tiểu đoàn trưởng Đại Úy Nguyễn Văn Thuật đi xe sau, chi đoàn trưởng là Đại Úy Việt với ông Đức là tiểu đoàn phó đi xe đầu tiên.

“Đáng lẽ Đại Úy Việt đi xe phía sau là yên rồi, nhưng ông ấy lại đi xe đầu chung với tôi. Bỗng Đại Úy Thuật từ xe sau gọi vô tuyến kêu tôi đổi chỗ đi về xe phía sau để ông ấy ra xe trước đi với Đại Úy Việt. Xe dừng lại, tôi leo xuống đi về phía sau để đổi chỗ cho Thuật,” ông Đức kể.

“Mới đi bộ về phía sau hơn chục thước tôi nghe một tiếng nổ rất lớn sau lưng, bụi cát tung bay mù mịt, thì ra xe của Đại Úy Việt chạy tới trước cán phải mìn của Việt Cộng gài dưới đường nổ tung, Việt bị đứt cả hai chân, còn Thuật bị bể sọ, tôi nhờ rời khỏi xe khá xa nên không bị hề hấn gì. Lần đầu ra trận coi như thần chết tha mạng tôi!” ông Đức nhớ lại.

Ông Phạm Minh Đức (hàng đầu, thứ tư, trái) cùng các sinh viên sĩ quan của Khóa 18 Võ Bị Đà Lạt. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Trận Đồn An Hải gần mũi Batangan (Ba Làng An), tử thần tha mạng lần hai

Một buổi chiều Tháng Năm, 1971, trực thăng bốc ông Đức lên thả ở đồn An Hải, khi ông vừa muốn xuống tắm ở hồ nước dưới làng, Đại Úy Thăng, tiểu đoàn phó, cho biết ông không được xuống dưới làng vì có rất nhiều du kích Việt Cộng ở mật khu Phụng Hoàng, trong dãy núi lớn ở Quảng Ngãi. “Đại Úy Thăng còn giỡn với tôi khi nói tiểu đoàn này có huông (xui xẻo), ai làm tiểu đoàn phó thường là sẽ chết!” ông nói.

“Sau một đêm yên tĩnh, mới 5 giờ sáng là hàng loạt đạn pháo Việt Cộng từ mật khu Phụng Hoàng pháo tới tấp vào đồn, lửa sáng đỏ trời! Trước đó tôi đã được giao chỉ huy hai cây đại liên phòng thủ ở tuyến đầu phía trước đồn. Còn Đại Úy Thăng giữ mặt sau với hai khẩu cối 81,” ông Đức kể.

“Vừa dứt tiếng pháo, địch ở dưới chân đồi chuẩn bị tấn công lên, ngay lập tức tôi nghe lính báo  Đại Úy Thăng vừa trúng đạn pháo tử trận. Tôi bàng hoàng khi thấy mình ở tuyến đầu rất nguy hiểm, trong khi Đại Úy Thăng ở mặt sau thế mà đạn pháo lại bay vượt qua đầu tôi mà tìm đến ông ấy. Thế mới biết súng đạn vô tình, hay là thần chết tha mạng tôi lần thứ hai!” ông nhớ lại.

Ông Đức buồn rầu kể: “Tôi chạy vô gọi máy khẩn cấp, được trả lời tiếp viện sẽ tới ngay. Vì tôi là trưởng toán trung tâm hành quân của Sư Đoàn 2, nên có tần số của không lực bèn gọi ngay, may mắn là bạn tôi Thiếu Tá Giàu và một trung úy bên Không Quân nghe được tần số. Trong tích tắc, hai con chim sắt F5 xuất hiện, khạc lửa tới tấp xuống đám Việt Cộng còn đang lúc nhúc phía dưới chuẩn bị tràn lên đồi. Bọn Việt Cộng bỏ chạy tán loạn, bị lính trên đồi bắn tràn xuống, may trận đó mình chỉ có một người thương vong! Nhờ Không Quân đến kịp thời nếu không cả đồn cũng nguy ngập! Sau đó Tướng Toàn xuống thị sát, tôi được gắn một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng.”

Năm 1972, ông Đức lên Thiếu Tá, đi học lớp Bộ Binh Cao Cấp ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, cùng với Thiếu Tá Lâm Quang Thới. Sau khóa học ông trở về lại đơn vị cũ là Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn 2 để thay thế Trung Tá Hoàng Mộng Lân. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Trung Tá Phạm Minh Đức kể những chiến thuật hữu hiệu trong tác chiến

MỚI CẬP NHẬT