Friday, April 26, 2024

Ba tôi, người có công ‘dí cách mạng’

Độ Phan

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem

***

Giữa đêm khuya giọng ca vọng cổ như được truyền thêm cảm xúc sâu lắng, lay động lòng người.

“Hò …ơ…ơ…ơi

Lòng con thảo như giọt sương hạt bụi

Công mẫu từ như ngọn núi Thái Sơn

Có cha có mẹ thì hơn

Không cha không mẹ …

Hò…ơ… ơ…ơi

Không cha không mẹ như đờn đứt dây”

Sau câu hò lối là tiếp câu vọng cổ: “Rảo bước qua mấy nhịp cầu tre về nơi mái lá thì con mới hay mẹ đã… qua… đời…”

Xuống câu vọng cổ là nỗi đau thương của ba như vỡ òa, giọng ca nghe da diết buồn thương, lời bài hát như là nỗi lòng của ba, người con hiếu thảo, đến ca dứt câu cuối bản vọng cổ “Mẹ đà khuất bóng ngàn dâu/Biết ai lau hộ dòng châu thâm tình” thì không còn kìm nén cảm xúc nữa, ba tui phủ phục trước quan tài của bà nội khóc ngất, mặc cho cảm xúc thương tiếc mẹ hiền tuôn trào. Lối xóm, bà con dự đám tang nhiều người cũng xúc động, lau vội dòng lệ tràn mi.

Bà nội tui mất. Đêm đó là đêm cuối nội còn ở nhà, hôm sau di quan rồi. Ngày sau là xa bà nội mãi mãi nên ba đau buồn lắm. Bài hát “Nhớ mẹ” của soạn giả Viễn Châu được ba hát như trút lời tâm sự lần cuối với nội. Mấy ngày nay, ba phải chạy vạy ngược xuôi vay mượn để có thể lo được cho bà nội một cỗ áo quan vì gia cảnh ngặt nghèo hay nói đúng là quá ngặt nghèo nên tiền mua một cỗ quan tài cũng rất lớn. Đến lúc này, đưa nội về cõi vĩnh hằng, ba cũng mãn nguyện vì đã lo chu toàn hậu sự cho nội, tròn bổn phận của người con hiếu thảo, nên có thể trải lòng bên cỗ quan tài của nội trong khoảng thời gian ngắn ngủi.

Ba tui là thương binh phe có công “dí cách mạng” bị thương trên chiến trường cánh tay phải bị đứt gân do đạn pháo nên bị liệt hẳn, cánh tay trái may mắn không sao. Cuộc sống sau 1975 rất nghèo khó mà nhà có bà nội bịnh và 4 đứa con trai, bộ “tứ quý” này ăn không ít đâu nên cuộc sống càng cơ cực. Ba tui vẫn chịu khó làm việc, cực nhọc không một lời thở than.

Công việc của ba tui là đi gom rác sinh hoạt. Hàng ngày đẩy chiếc xe ba bánh (xe ba gác) đi từ xóm Cống Bà Xếp nổi tiếng tới khu đường Nguyễn Minh Chiếu, lòng vòng khu Tân Cảnh, tòa nhà Tecasin, khu đối diện công viên Hoàng Văn Thụ và khu vực chợ Ông Tạ. Bắt đầu công việc là một tay ba tui dựng 4 miếng bửng lên (4 miếng thiếc có nẹp cây gỗ dựng cho thành xe ba gác cao lên) và rao lên “Đổ rác đi!”

Rác sinh hoạt thì ai cũng biết rồi, để một ngày là bốc mùi kinh khủng, rất mất vệ sinh và đầy dẫy những mầm bệnh nguy hiểm. Mùa nắng thì nóng nực, đổ mồ hôi ròng ròng khi làm việc, rồi mùi hôi thối bốc lên. Mùa mưa thì dầm mưa kéo chiếc xe như nặng gấp đôi ngày nắng vì nước thấm vào rác, người thì ướt sũng nước mưa, gió lạnh làm cả người run cầm cập, mà cứ phải tiếp tục công việc vì ngưng là nhà người ta rác bốc mùi thúi, ngưng thì “4 chiếc tàu há mồm” ở nhà đói sao! Mà đâu phải đổ lên xe rồi kéo đi mà leo lên dùng sức người để dậm cho rác nén xuống để tiếp tục công việc, còn phải bươi trong đống rác để lượm ve chai, nào là bọc ni lông, chai nhựa, chai sành hũ chao, lông vịt, đồ nhựa hư bỏ đi, giấy phế liệu… rồi cuối ngày mang mớ ve chai đó bán cho chỗ thu mua ve chai để lấy tiền mua gạo, đồ ăn cho gia đình, tiền quần áo, tiền thuốc… nhiều thứ tiền được trả từ mới mớ ve chai và tiền công lao động của ba.

Đi càng gần cuối tuyến đổ rác thì chiếc xe như chậm lại, dáng người cao gầy của ba còng thấp xuống khi dùng sức kéo chiếc xe, dáng cao gầy hơn 1m8 của ba như thấp bớt lại vì còng lưng kéo chiếc xe. Người càng thấm mệt thì chiếc xe ngày càng nặng hơn. Người bình thường hai tay làm việc này đã rất vất vả, ba tui chỉ còn một tay thì chắc chắc cực hơn gấp đôi. Rồi nào là tai nạn nghề nghiệp, bị rách tay, rách chân khi làm việc, rồi nhiều khi xe rác nặng quá kéo qua chỗ gập ghềnh thì bị xe nhổng bánh lật đè chấn thương nặng…

Đi làm việc nặng nhọc nhưng về nhà ba cũng “chia lửa” với má tui những việc nhà như giặt quần áo, chẻ củi, gánh nước, nấu cơm, làm cá, nấu đồ ăn, ủi đồ, vá bánh xe bể… thậm chí ba làm nhanh và gọn nữa. Rồi cũng chiếc xe ba gác đạp ba chở xà bần, chở đất đắp cho nền nhà cao lên để nhà khỏi phải ngập nước khi mưa lớn. Ba làm quần quật để lo cho bà nội bị bịnh và “tứ quý” được đến trường học hành đầy đủ.

Vậy mà ba tui vẫn sống vui vẻ, hòa đồng, thi thoảng rảnh rỗi cuối tuần thì tụ tập bạn bè gần đó uống rượu cho vui mà mỗi lần nhậu giải trí là có văn nghệ vui vẻ. Nhậu chỉ để thư giãn sau những ngày làm việc vất vả chứ không say bét nhè nên tới khi “sương sương” là người nhậu trở thành “nghệ sĩ “ gõ muỗng, gõ chén bát, tiếng trống thì có cái xô nhựa đựng nước trưng dụng, cây đàn ghi-ta cộng với cái bo thường khiến bàn nhậu thành sân khấu ca nhạc tạp kỹ nho nhỏ: tân nhạc thì có nhạc bolero và nhạc trước 1975, cổ nhạc có, tân cổ giao duyên cũng có, nhạc chế cũng có, kể chuyện hài rất vui, diễn tuồng cải lương cũng có nữa… Những khi đó, đám con nít xóm tui rất khoái bu tới thưởng thức màn “văn nghệ quần chúng” hiếm hoi.

Ba tui sống bình dị như vậy đó, như hàng triệu người cha khác, làm việc rất vất vả để nuôi gia đình, không than phiền trước nghịch cảnh, luôn tìm cách để vượt qua trở ngại, gian khổ, lo lắng cho gia đình con cái, hiếu đạo với cha mẹ, lạc quan yêu đời trong cảnh nhà khốn khó, tận nhân lực trong cảnh cơ hàn để nuôi con. Sống bình dị thôi, không giàu có, không địa vị, chức quyền, không quyền quý cao sang nhưng sống là người có ích cho gia đình cho xã hội. Tôi được học hành đầy đủ, có cuộc sống tốt hơn cũng là do những nhọc nhằn vất vả của ba ngày đó tạo thành.

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, tui thường nghĩ về ba tui để lấy đó làm nguồn phấn đấu. Tui luôn tự nhủ: “Không thành tài thì cũng thành nhân, phải ráng vượt qua khó khăn để sống tốt vì con là con của ba và tự hào vì làm con của ba, người cha yêu dấu.”

Con luôn thương ba dù không nói ra thành lời trước mặt ba. (Độ Phan)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT