Friday, April 26, 2024

Niềm vui mùa Hè tại California

 

Bút ký của Ðoàn Thanh Liêm

Hồi giữa tháng 6 năm 2013 này, lúc tôi đang thăm viếng bà con ở Texas, thì thời tiết ở đây đã bắt đầu lên tới 90-95 độ F (cỡ 35 độ C). Dịp này mấy bạn hỏi thăm tôi bên California lúc này ra sao, chắc là không có nóng bức như ở bên Texas chúng tôi đấy nhỉ.

Tôi gật đầu, và trả lời các bạn đại khái ở thành phố Costa Mesa nơi gia đình tôi cư ngụ, thì gần kề bãi biển Huntington Beach, Newport Beach – mà nhờ có gió biển thổi nên vào mùa Hè khí hậu cũng tương đối mát mẻ dễ chịu – trung bình cỡ 70-80 độ F vào ban ngày, còn ban đêm thì nhiệt độ xuống cỡ 60-65 độ thôi. Tại nhà tôi, thì ít khi phải mở máy lạnh vào mùa Hè, mà cũng chẳng mấy khi phải mở máy sưởi vào mùa Ðông nữa. Các bạn nghe vậy, thì đều trầm trồ khen ngợi và nói rằng: “California của anh quả thật là thiên đường dưới thế đấy!”

Thật vậy, suốt tháng 7 vừa qua, tại miền Nam California, thì ít khi trời nóng quá 86 độ F (30 độ C). Và tại miền Bắc như ở San Jose, thì cũng ít khi nhiệt độ lên tới quá 90 độ. Mà riêng ở San Francisco, thì luôn luôn mát mẻ, buổi sáng sớm mùa Hè có khi còn lạnh cỡ 50-60 độ F nữa.

Nhưng điều hấp dẫn nhất tại miền Nam California vào mùa Hè, đó là cái bãi biển dài đến ba trăm cây số – kéo dài suốt từ Santa Barbara qua Orange County xuống đến phía cực Nam là San Diego.

Mà riêng Huntington Beach lại còn được gọi là thành phố lướt sóng trên thế giới nữa (surf city of the world). Cao điểm là vào dịp nghỉ Lễ Ðộc Lập (July Fourth), thì bãi biển Huntington Beach có thể thu hút đến cả triệu lượt du khách từ nhiều nơi xa đến nghỉ mát và tham gia các thứ sinh hoạt ngoài trời – như môn thi trượt sóng, biểu diễn lăn xe nghệ thuật, thi đấu beach volleyball, đốt lửa trại vào ban đêm, câu cá trên cầu tàu (pier) v.v… Nói chung, thì Huntington Beach luôn tìm cách thu hút đủ thứ khách du lịch vào mùa Hè, dù là từ phương xa hay từ khu vực lân cận mà tìm đến nơi đây. Và lớp già cũng như lớp trẻ đều thoải mái sử dụng những tiện nghi thật là đa dạng phong phú do thiên nhiên cũng như do con người luôn luôn hào phóng cống hiến cho bất kỳ ai muốn đến thưởng ngoạn không khí trong lành mát dịu tại bãi biển đày cát mịn trải dài đến cả mấy dặm này.

1-Bãi biển buổi sáng sớm được dành riêng cho người già. Còn lại buổi trưa và chiều thì thường là nơi sinh hoạt ưa thích của giới trẻ.

Số đông bà con người Việt cư ngụ trong khu vực Little Saigon, thì cũng khá gần với các thành phố có bãi biển thật đẹp như Huntington Beach, Newport Beach, Laguna Beach… Lái xe riêng, thì chỉ mất cỡ 15-20 phút, còn đi xe bus thì cũng chỉ hết cỡ 30-50 phút là bà con đã có thể đi tới bờ biển được rồi. Riêng xe bus, thì có đến ít nhất là 10 tuyến đường thuộc hệ thống chuyên chở công cộng địa phương điều hành (Orange County Transportation Authority = OCTA) chạy từ khu vực nội ô để đi ra bãi biển. Ðiển hình như xe số 25 chạy theo đường Golden West, xe số 29 chạy theo đường Beach, xe số 33 chạy theo đường Magnolia, xe số 35 chạy theo đường Brookhurst, xe số 47 chạy theo đường Fairview… Ðặc biệt xe số 1 chạy dọc bờ biển dài đến 20 dặm – theo đường Pacific Coast Highway (PCF) suốt từ Long Beach xuống tận San Clemente là thành phố cực Nam của Quận Cam. Rõ ràng là xe bus là phương tiện được nhiều người lớn tuổi ưa thích nhất – để mà đi tới các bãi biển vào mùa Hè nắng ấm tại miền Nam California của chúng tôi vậy đó.

-Vào buổi sáng sớm, khoảng từ 7 giờ trước khi mặt trời mọc – thì rất đông người lớn tuổi kéo nhau ra đi bộ dọc theo bãi biển. Cứ mỗi một toán chừng năm ba người vưa đi vừa rôm rả chuyện trò tâm sự – mà vì trời còn lạnh, nên ai nấy đều phải khoác thêm áo ấm với mũ đội đầu. Nhiều buổi sáng ra bãi biển Huntington Beach, tôi thường gặp lại các cặp bạn già ở vào lứa tuổi bát tuần như các anh chị Nguyễn Bảo Trị, Phạm Văn Hoàng, Nguyễn Khoa Khương… Gần như không ngày nào mà các bạn cao tuổi này lại không dành ra một hai giờ để cùng dắt nhau tản bộ dọc theo bờ biển, nghe sóng vỗ rì rầm và nhất là để được hít thở không khí trong lành trong khoảnh khắc tinh khôi đầu ngày. Có bạn còn cởi giày đi chân trần trên cát ướt để chữa bệnh nữa.

-Vào buổi trưa, thì bãi biển gần như chật kín những người trẻ cỡ tuổi 50 trở xuống – với cả gia đình gồm vợ chồng và lũ con nhỏ. Một số thì lội xuống tắm biển hay trượt sóng (surfing), một số thì nằm phơi mình trên bãi cát. Rất nhiều thanh niên rủ nhau chơi bóng chuyền – được gọi là Beach Volleyball – tại hàng chục các khu có lưới căng sẵn. Mỗi bên chỉ cần 2 người là đã có thể bắt đầu trò chơi thể thao rất ư phổ biến này. Tính ra có đến hàng trăm những sân chơi bóng chuyền như thế dọc theo các bãi biển ờ miền Nam California. Buổi chiều tối, thì lại có màn “đốt lửa trại” nơi các lò xây cất bằng ciment rải rác trên bãi cát – chỉ cần vài ba bó củi là có thể đốt thành ngọn lửa cháy nổ bập bùng mà tỏa độ ấm cúng cho cả nhóm trại viên giữa bầu trời đã bắt đầu lạnh lẽo vì gió biển vào buổi tối khuya.

Quả thật, bầu không khí dịu mát và không gian thông thoáng của bãi biển đã giúp cho mọi lớp tuổi già trẻ có được những giờ phút sinh sống thật là lành mạnh và thoải mái. Nhìn ngắm các bạn trẻ vui cười hồn nhiên trên bãi biển, người lớn tuổi cũng cảm thấy mình được tăng thêm cái phần nô nức phấn chấn – được lây nhiễm cái vui tươi rạng rỡ đó – như trong câu ngạn ngữ tiếng latinh “Gaudens gaudentibus” (Vui với người vui).

2-Câu chuyện trao đổi với cháu Lucy ngoài bãi biển.

Nhân tiện, tôi cũng xin kể về chuyện gặp gỡ trao đổi với cháu Lucy trong một quán giải khát trên bãi biển Huntington Beach vào một buổi trưa hồi cuối tháng 7 mới đây. Lúc tôi mang ly cà rem đến ngồi chung bàn với Lucy, thì cháu đang say mê đọc một cuốn sách dày cộm. Tôi lên tiếng trước và hỏi cháu đang đọc cuốn sách gì mà lớn thế. Lucy nói là đang đọc Kinh Thánh (Bible), cháu vào khoảng 21-22 tuổi và đang học về cơ khí tại một trường đại học. Kỳ hè này, cháu dành 4 ngày trong tuần lái xe đi giao bánh pizza để dành tiền trang trải cho việc học. Lucy cho biết vào ngày Thứ Sáu, thì kiếm được nhiều tiền hơn cả, vì phải đi giao bánh cho 9-10 thân chủ – và ngoài tiền công do chủ tiệm bánh trả, thì cháu còn nhận thêm được tiền tip do các gia chủ tặng riêng cho cháu nữa. Cháu cho biết mỗi tuần có thể kiếm được cỡ $400. Lucy vẫn còn ở chung với cha mẹ là người gốc từ Nam Mỹ mà đến nhập cư đã lâu tại Mỹ.

Ðến lượt Lucy hỏi tôi về nghề nghiệp, gia đình,… thì tôi cho cháu biết tên tôi là Liêm nghĩa là Honesty, mà tôi làm nghề luật sư nay đã nghỉ hưu. Như vậy, các bạn Mỹ thường gọi tôi là Lawyer Honesty đấy. Lucy cười lớn tiếng và nói: “That’s so funny!” Tôi cho cháu biết thêm chi tiết: Tên của tôi là do cha mẹ chọn lựa mà đặt cho tôi, chứ không phải do tôi tự ý mà chọn lựa cho mình được. Vì thế mà tôi phải cố gắng sống lương thiện theo đúng với sự ước mong của cha mẹ tôi (I have to be honest – living up to my parents’ expectations. That’s it – in spite of myself!).

Lucy gật đầu, tỏ ý thông hiểu. Và cháu cũng giải thích cho tôi biết tên Lucy có nghĩa là Ánh sáng (Light từ gốc tiếng Latinh Lux). Tôi nói: Như vậy thì cháu cũng có nhiệm vụ phải góp phần làm cho cuộc sống được tươi sáng hơn có đúng như thế không? (the light has to be shining, is that right?)

Trước khi chia tay với Lucy, tôi còn hát câu: “You are my sunshine, you are my sunshine…” Lucy cười thật tươi và nói: “Good bye, Mr Honesty.” Thật là một kỷ niệm đẹp đẽ dễ thương đáng nhớ vậy đó.

3-Sinh hoạt tập thể rất phong phú đa dạng của các hội đoàn.

Mùa Hè nắng ấm, học sinh được nghỉ, nên bà con người Việt mình từ nhiều nơi xa – thường kéo nhau về California để vừa thăm viếng thân nhân, vừa du lịch tham quan danh lam thắng cảnh và nhất là đi tắm biển. Vì thân nhân của họ ở tập trung nhiều nhất tại khu vực Little Saigon ở miền Nam và tại khu vực San Jose ở miền Bắc, nên họ có nhu cầu di chuyển hai chiều giữa hai khu vực này qua một lộ trình dài đến trên 400 dặm. Mà nhờ có hệ thống Xe Ðò Hoàng, nên việc đi lại giữa hai khu vực rất là tiện lợi, mau lẹ mà lại với giá tương đối thật rẻ – so với xe chuyên chở của người Mỹ như hãng Greyhound vừa tốn thời giờ, vì phải ngừng tại rất nhiều trạm, hoặc phải chuyển đổi xe mà lại phải giá cao hơn nhiều nữa.

Nhưng sinh hoạt nhộn nhịp khởi sắc nhất vào mùa Hè là do các hội đoàn lớn nhỏ rất đông ở California. Ðó là những hội ái hữu cựu học sinh các trường ở miền Nam Việt nam, hội đồng hương các tỉnh, các địa phương, tổ chức của các tôn giáo, hội ái hữu của các đơn vị thuộc quân đội, cảnh sát v.v… Riêng tại California, thì con số các hội đoàn như thế có thể lên đến cả ngàn đơn vị: đó là cơ sở nòng cốt của Xã hội Dân sự trong cộng đồng người Việt tại đây. Hình thức sinh hoạt phổ biến nhất là các buổi cắm trại ở ngoài bãi biển hay trong các công viên – lối sinh hoạt ngoài trời như thế vừa thoải mái hấp dẫn, lôi cuốn được mọi giới già trẻ, lớn bé – mà lại cũng ít tốn phí nữa.

-Ðiển hình như vào ngày Chủ Nhật cuối tháng 7, có đến 26 hội cựu học sinh các trường của Việt Nam Cộng Hòa cùng hợp chung với nhau để tổ chức một buổi picnic tại khu vực công viên Mile Square Park thuộc thành phố Fountain Valley – thu hút được đến cả ngàn người tham dự. Từng nhóm bạn bè thân hữu, bạn đồng môn đều tay bắt mặt mừng gặp gỡ hàn huyên tâm sự với nhau và cùng hăng say tham gia trình diễn những màn văn nghệ thật hấp dẫn ngộ nghĩnh như các mục tân cổ nhạc, múa tập thể, ngâm thơ hoặc say sưa với mấy trò chơi thể thao phổ thông như kéo dây, đánh cầu, v.v…

-Cũng ở miền Nam California, Ban Tù Ca Xuân Ðiềm vào ngày Chủ Nhật, 21 tháng 7, đã tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ để kỷ niệm năm thứ 20 ngày thành lập và cũng để gây quỹ nhằm yểm trợ các tù nhân lương tâm ở Việt Nam hiện nay. Buổi sinh hoạt đã lôi cuốn được khoảng 600 người đến tham dự để thưởng ngoạn những màn văn nghệ thật mới lạ, độc đáo – đặc biệt có cả một vở kịch diễn tả sự tàn ác đối với các thân nhân của các tù nhân bị giam giữ khắc nghiệt trong các trại giam được gọi là “trại cải tạo.”

-Tại miền Bắc California, thì cũng có rất nhiều sinh hoạt do các hội đoàn tổ chức mà cũng đặc sắc không thua kém gì so với ở miền Nam. Ðiển hình là đại nhạc hội “Cảm Ơn Anh” để gây quỹ yểm trợ các thương phế binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – được tổ chức vào cuối tháng 7 và đã đạt được sử ủng hộ nhiệt thành của bà con đồng hương tại đây với kết quả thu nhập lên tới gần 700,000 dollar.

-Ðặc biệt còn phải kể đến buổi trình diễn văn nghệ vào ngày Chủ Nhật đầu tháng 8 – do các nghệ sĩ khuyết tật sáng tác và biểu diễn trong chương trình có tên gọi là “Ngọc Trong Tim.” Nhạc sĩ Hà Chương hoàn toàn khiếm thị mà sáng tác và trình bày những bản nhạc thật độc đáo, cụ thể như bài “Cõng Mẹ Ði Chơi.” Cô ca sĩ Thủy Tiên bị ngọng câm từ nhỏ mà do nghị lực phi thường đã vượt qua được tật nguyền để trở thành người hát rất hay – cô được khán giả yêu cầu trình diễn nhiều bài ca quen thuộc của Trịnh Công Sơn như bài “Diễm Xưa”, “Mưa Hồng”. Người ca sĩ này làm cho tôi nhớ lại chuyện của nhà hùng biện nổi danh thời xưa của Hy Lạp: đó là ông Demosthènes đã dày công luyện tập bằng cách ngậm hạt sỏi để tập nói giữa không gian mênh mông ngoài bãi biển. Nhờ đó mà ông đã vượt qua được chứng bệnh nói lắp.

-Người nhạc sĩ bị cụt hết cả cánh tay mặt, ấy thế mà vẫn có thể đánh đàn guitare và thổi harmonica một cách rất điêu luyện. Ðó là anh Thế Vinh. Nhạc sĩ này còn mở cả một trung tâm đào tạo dành riêng cho các người khuyết tật, nuôi ăn và luyện thi cho nhiều học viên thi đậu vào các đại học với tỷ lệ 100%. Trung tâm này có tên là Hướng Dương tọa lạc trong tỉnh Bình Dương – mà trong dịp này đã được nhiều khán giả góp tiền để yểm trợ. Trong số này, phải kể đền một người có tấm lòng vàng, đó là bà Kiều Ðông Phương – nhà hảo tâm này đã cam kết yểm trợ cho Trung Tâm Hướng Dương trong một năm liền 12 tháng với số tiền mỗi tháng là 1,000 dollar – kể từ tháng 8 năm 2013 này.

-Tính ra có đến hàng trăm những buổi sinh hoạt quy tụ số đông người tham dự đại khái như thế vào các ngày nghỉ cuối tuần, ở khắp nơi có người Việt cư ngụ tại California. Nhiều hội đoàn còn tìm cách lôi cuốn thế hệ con, cháu thuộc gia đình các thành viên gọi là “lớp hậu duệ” – để các cháu tiếp nối và phát triển thêm khởi sắc cái truyền thống sinh hoạt tập thể và liên đới tương trợ của thế hệ cha anh. Ðây là một cố gắng nhằm duy trì cái bản sắc dân tộc nơi thế hệ hậu duệ vốn có khuynh hướng “hội nhập quá nhanh chóng vào dòng chính của xã hội sở tại – mà lại dễ dàng quên đi cái cội nguồn văn hóa dân tộc của cha ông mình.” Rõ ràng đây là một sự thử thách đày cam go đối với những phụ huynh có sự quan tâm sâu sắc đến tương lai của lớp con, lớp cháu hiện đang định cư ở hải ngoại vậy.

Vấn đề khá bao quát và tế nhị phức tạp, tôi xin phép được thảo luận chi tiết hơn trong một dịp khác vậy.

MỚI CẬP NHẬT