Thursday, April 18, 2024

VN sẽ phải làm gì sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng

TS Đinh Xuân Quân


Chuyến đi của Tổng Bí Thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng (NPT) đã gây nhiều tranh cãi. Một trong những lý do bề ngoài là đàm phán về PTT, nhưng trong thâm sâu, vẫn là vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Khi Hoa Kỳ xoay trục về Thái Bình Dương (TBD) người Việt Nam từ Hải Ngoại hay Quốc Nội đều “hồ hởi-phấn khởi,” thấy ngay Mỹ lại “cứu Việt Nam.”

Sau khi TBT Trọng có dịp gặp các giới chức Mỹ, ra tuyên bố chung với Tổng Thống Obama, thì liệu có phải Việt Nam đang xoay trục về phía Hoa Kỳ – “ĐCSVN tự diễn biến” theo người đứng đầu ĐCSVN? Chuyến đi của TBT Trọng và các ủy viên Bộ Chính Trị khác đến Hoa Kỳ đã giúp ĐCSVN đánh giá về xu hướng tương lai của mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và đánh giá của họ về việc có thể coi Hoa Kỳ như là một đối tác đáng tin cậy. Nay ĐCSVN sẽ phải làm gì?

Tình hình Biển Đông (BĐ) trong nhiều năm qua cho thấy ĐCSVN gắn liền với ý đồ bá quyền của Trung Quốc (TQ). Trong nhiều năm khi TQ phá và cướp các tàu đánh cá Việt Nam (và còn tiếp tục làm chuyện này) thì chính quyền đã im lặng trong khi dân Việt Nam rầm rộ xuống đường biểu tình, đốt phá các doanh nghiệp TQ gây căng thẳng giữa ĐCSVN và TQ. Tột đỉnh là việc TQ kéo giàn khoan HD 981 vào hải phận Việt Nam – làm nhục chính quyền CSVN, không tiếp chuyện TBT NPT qua điện thoại,  những sự kiện như thế phải chăng là giọt nước làm tràn ly?

Đối với ASEAN thì mặc dù TQ đã ký DOC nhưng vẫn tiếp tục lấn áp các nước nhỏ và còn hơn nữa đang cố gắng thay đổi nguyên trạng của BĐ qua việc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa và trên các bãi đá chiếm của Philippines.

Câu hỏi đầu tiên là cái gì đã làm cho TBT Trọng thăm Hoa Kỳ? Không phải tự nhiên Việt Nam thay đổi thái độ, mà phải qua một quá trình diễn biến như thế nào để đưa đến chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng?

Câu hỏi thứ hai là sau khi đi Hoa Kỳ thì TBT Trọng và phía Việt Nam sẽ làm gì? Bài này sẽ dựa trên tình hình BĐ để cố gắng vạch lối đi cho tương lai.

Quy trình “xoay trục của ĐCSVN”

Việt Phương – một cố vấn của Tổng Thống Phạm Văn Đồng và của Tổng Thống Võ Văn Kiệt đã có câu thơ mỉa mai phản ánh ý thức của ĐCSVN “…Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…” tức là dưới mắt của người Cộng Sản Việt Nam trước đây, cái gì của Trung Quốc cũng là nhất. Chuyến đi Mỹ của TBT Trọng (phải chăng mang ý muốn thoát Trung?) đã gây phần nào hào hứng – kỳ vọng trong nước. Trước đây Hoa Kỳ là xấu xa nhưng nay ĐCSVN đã xoay 180 độ – TQ mới xấu xa và Hoa Kỳ mới là đồng minh?

TQ đã có những hoạt động trên BĐ từ lâu và họ đã lấn áp Việt Nam một cách trắng trợn. Vào tháng 7, 2015, TQ ra một thông cáo cấm bất cứ tàu bè của một quốc gia nào khác đi vào khu vực này trong 10 ngày vì cuộc tập trận với hơn 100 chiến hạm và phi cơ của TQ bắn đạn thật trong khu vực tranh chấp ở BĐ trong một cuộc tập trận mà các nhà phân tích cho là rõ ràng có tính khiêu khích. Theo tờ Financial Times ở London thì “ …Sự biểu diễn hỏa lực có vẻ là nằm trong tính toán nhằm khẳng định chủ quyền của TQ trong vùng, nơi mà một số quốc gia láng giềng cũng dành chủ quyền. Theo Giaó Sư Rory Medcalf của Viện Đại Học Quốc Gia Úc “Một cuộc tập trận với tầm cỡ này ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) có vẻ như là một sự phô trương lực lượng quá mức cần thiết. Nó có thể có phản ứng ngược cho quyền lợi của TQ trong việc trấn an các quốc gia láng giềng…”

Theo BBC (1) sự căng thẳng về chính trị và quân sự ngày càng gia tăng qua những hoạt động xây đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa, cách cư xử hung hăng của TQ tại BĐ và biển Hoa Đông đã gây sự lo ngại cho các nước trong vùng. Tranh chấp BĐ đã trở nên phức tạp và ĐCSVN đã phải dần dần “xoay trục” và có lẽ cuộc khủng hoảng giàn khoan HY-981 là giọt nước làm tràn ly khiến cho nhiều thành viên BCT đã lên đường thăm Hoa Kỳ (ông Phạm Quang Nghị – bí thư thành ủy Hà Nội và Tướng Công An Trần Đại Quang viếng Mỹ vào 2014).

Không phải một mình TBT Trọng có thể đơn phương quyết định mà các yếu tố “xoay trục-chuyển hướng” của ĐCSVN đã dẫn đến cuộc gặp gỡ Trọng-Obama. Đây là một quyết định tập thể do Bộ Chính Trị (BCT) quyết định và đa số đã ngả về biện pháp thiên Mỹ. Trung thực hơn thì BCT đã “giảm bớt sự lệ thuộc với TQ” sau khi đã bị nước này “hạ nhục” làm BCT ĐCSVN mất mặt nhiều lần như việc ông NPT không được Tập Cận Bình tiếp đón cho đến khi có tin là NPT đi Washington DC.

Năm 2013 Tong Thống Obama và Chủ Tịch Trương Tấn Sang đã ký thỏa thuận “Quan hệ Đối tác toàn diện.” Đây là tài liệu khung quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ. Đầu năm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã ký tuyên bố “tầm nhìn chung tại Hà Nội” với Đại Tướng  Phùng Quang Thanh, văn bản này đề ra 12 lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong tương lai.

Mọi hiểu biết đạt được trong chuyến thăm của ông Trọng sẽ là nền móng cho quan hệ Việt-Mỹ trong dự kiến tổ chức Đại Hội Đảng (ĐHĐ) thứ 12 vào đầu năm 2016. ĐHĐ sẽ thông qua các văn kiện chính sách chiến lược quan trọng cho 5 năm tới, do đó cực kỳ quan trọng.

Cuộc gặp gỡ Obama-Trọng đã được hai bên Mỹ-Việt chuẩn bị kỹ càng từ 2014. Chuyến đi Mỹ của tướng công an Trần đại Quang không phải không có lý do. Ông này có nhiệm vụ giải trình cho CIA, FBI, v.v.. về vấn đề nhân quyền và các vấn đề liên quan đến cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ. Do đó kỳ này NPT không còn huênh hoang tuyên bố một cách “ngây thơ” là người Việt tại Hoa Kỳ là “con dân” của Việt Nam nữa, bớt bị hớ và tránh chọc tức họ. Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng ghé thăm California giúp thêm việc giải thích quan hệ mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Cựu Tổng Thống Clinton thăm Việt Nam vài ngày trước khi ông Trọng thăm Hoa Kỳ cũng là cùng hướng đi.

Quan trọng là quyết định “xoay trục” của phía ĐCSVN là quyết định của đa số BCT và từ nay quan hệ giữa hai nước sẽ gần gũi hơn với chính sách của chính phủ Obama.

 

Tình hình mới tại Biển Đông

 

Trong thời gian gần đây (2) ta thấy chính quyền Mỹ thể hiện một thái độ cứng rắn trong vấn đề BĐ bằng lời nói và việc làm. Theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học G. Mason thì chính quyền Mỹ, cả Quốc Hội lẫn Hành Pháp, đều đã “bị thức tỉnh” trước các hành vi hung hăng bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn quân sự mà TQ đang tiến hành tại BĐ. Dấu hiệu rõ nhất phản ánh sự chuyển đổi thái độ của Hoa Kỳ là phát biểu hôm 21tháng 7, 2015 của ông Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tức là người trực tiếp chịu trách nhiệm hồ sơ Châu Á tại Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Tại trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, ông Russel đã nhấn mạnh trở lại lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Theo ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ thì Mỹ “không trung lập khi nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế” tại BĐ, thậm chí sẽ “hành động mạnh mẽ để buộc các bên tuân thủ luật lệ.” Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình trong đó có việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, và nói chung là một trật tự quốc tế dựa trên sự tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình mà không dùng đến sự đe dọa hay vũ lực và quyền tự do lưu thông không chỉ cho riêng Mỹ.

Ngoài ra tư lệnh hạm đội 7 Hải Quân Mỹ đã có cuộc bay thị sát trên một máy bay tối tân Poseidon 8 của Mỹ, ở trên vùng BĐ mà TQ không biết. Hơn nữa Mỹ đang có những hành động thắt chặt liên minh, với Nhật, với Philippines và nước này đã mở căn cứ Subic Bay cho phép Mỹ sử dụng phương tiện đó để tập trận chung, thao diễn hải quân chung, tuần tra chung, v.v… Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ “tuần tra” trên BĐ với sự hậu thuẫn của Philippines khi dùng căn cứ Subic tiếp tế cho hải quân Nhật Bản. Khi Mỹ-Nhật bắt tay “tuần tra” trên BĐ thì cán cân lực lượng ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông đã hoàn toàn nghiêng về phía Mỹ-Nhật và hai nước vào thế trận với tư cách của những cường quốc kinh tế và quân sự.

Trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, TQ vô tình thúc đẩy việc “cởi trói” Nhật Bản với sự đồng tình của Mỹ. Luật an ninh mới của Nhật đã cho Lực lượng phòng vệ có tầm vóc của một cường quốc quân sự. “…Quân đội Nhật có thể tác chiến bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai khi an ninh của Nhật, của đồng minh, bạn bè của Nhật bị tấn công, đe dọa…” Hơn nữa sách trắng quốc phòng Nhật năm 2015 đã chỉ rõ cái “đích” mà mũi tên hướng đến.

Áp lực chính trị và các hoạt động hung hăng của TQ xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) cộng với thái độ hung hăng của Bắc Hàn đã đưa đến một sự kiên quyết hơn của Nhật trên lãnh vực quốc phòng. Chính phủ Abe đang xin thay đổi Hiến Pháp – thực hiện chương trình nhằm nâng cao khả năng chiến đấu di động của quân đội và chuyển trọng quân lực về miền Tây Nam Nhật. Hiện nay Hạ Viện Nhật Bản đã thông qua luật cho phép quân đội nước này can thiệp vào các chiến trường ngoài Nhật.

Quân đội Nhật là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á, Nhật luôn luôn được ưu đãi trong việc mua vũ khí. Hiện nay quân đội Nhật có thể được xem là quân lực hiện đại nhất ở Đông Á.

Theo hãng tin Kyodo (3) của Nhật thì giới chức Việt-Nhật đang chuẩn bị cho chuyến thăm của TBT CSVN tới Nhật vào tháng 9, 2015 trong bối cảnh cả hai nước Việt Nam và Nhật đều đang có căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ với TQ.

Trước đây, TBT Nông Đức Mạnh, hồi tháng 4, 2009 và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật đã nói cho phía Nhật ý nguyện thăm nước này của ông TBT. Nhật là nước cấp viện lớn nhất cho Việt Nam đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ tư sau TQ, Hoa Kỳ và Nam Hàn. Quan hệ Nhật-Việt đặc biệt gần trong các lĩnh vực kinh tế và cả chính trị. Khi ông Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản hồi năm ngoái, ông đã thống nhất rằng quan hệ hai bên phải được nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” và hai bên đang ráo riết thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải kể cả việc Tokyo cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra. Gần đây, tàu và máy bay do thám MSDF P-3C của Nhật đã ghé Việt Nam.

Kết luận

 

Tình hình đã thay đổi rất nhiều từ năm 2010. Trước đó Việt Nam chỉ nói là “tàu lạ” đã cướp của-phá tàu của ngư phủ Việt Nam.

ĐCSVN đã “xoay trục – tự diễn biến” để thiên nhiều về phía Mỹ và Nhật. Đây là quyết định của BCT (không phải chỉ phe thân TQ hay thân Mỹ) vì các hành vi hạ nhục Viet Nam và vì dàn khoan HY 981 – giọt nước đã làm tràn ly và sức chịu đựng của phía Việt Nam. Các chuyến đi của Trần Đại Quang tướng công an làm việc với CIA và các cơ quan an ninh Mỹ, các chuyến đi của Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng sang Nhật cho thấy phía Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược vừa ngoại giao vừa quân sự từ từ thoát khỏi Trung Quốc. Tới giờ này Việt Nam đã thành công phần nào trong việc “quốc tế hóa tranh chấp BĐ,” hợp sức với Philippines và ASEAN trong mưu đồ “thoát Trung.”

Trong ba con đường: 1. Tiếp tục đi con đường trước sau đến ngày nay (Đảng Cộng Sản tiếp tục cầm quyền. Đối nội, trong nước quản trị độc đảng, độc tài, bịt miệng dân. Đối ngoại, ngoại giao đu dây giữa Mỹ và Tàu); 2. Con đường thứ hai là hoàn toàn theo Tàu, bán cái toàn bộ đất nước cho Tàu. 3. Con đường xoay trục. Thì chúng ra có thể thấy, thừa cơ hội Tàu đang bị khủng hoảng kinh tế, chứng khoán, đồng thời có thái độ gây hấn và hạ nhục mình, Việt Nam đang tiến đến việc xoay trục sang Mỹ, Nhật và có thể liên kết một cách cụ thể với Nhật.

Sự chuyển đổi – xoay trục của ĐCSVN hơi trễ nhưng vẫn hơn là không làm. Trong tương lai gần có nhiều xác suất Việt Nam sẽ gần với Nhật hơn là Hoa Kỳ (vì yếu tố tâm lý – để tránh giải thích việc ba triệu lính Cộng Sản chết trong trận chiến với miền Nam trước đây là họ đã bị lừa). Nếu quan hệ Việt-Nhật được nâng lên thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” thì nó sẽ cho thấy là ĐCSVN đã quyết định thoát Trung. Nó sẽ đòi hỏi thời gian để trở thành một hiện thực.

(1) NXVĩnh “Bàn cờ quân sự Đông Á và cuộc chạy đua” BBC 27 tháng 7 2015
(2) Mỹ ‘thức tỉnh’ trước hiểm họa Trung Quốc tại Biển Đông, RFI 27 tháng 7, 2015
(3) TBT Nguyễn Phú Trọng ‘sắp thăm Nhật’, 29 tháng 7 2015

MỚI CẬP NHẬT