Thursday, March 28, 2024

Về Biển

Vũ Nam (Germany)



Tháng 10 năm ngoái tôi có dịp đến biển miền Nam Cali. Đây cũng là biển Thái Bình Dương, nhưng là biển nước lạnh, và biển của những người dân giàu có gần bậc nhất thế giới, trong đó có người Việt Nam.



Biển bát ngát xanh trong, biển lồng lộng, đổ vào bờ những cơn sóng nhỏ. Trên không những con chim biển đang bay, xa xa một hai giàn khoan dầu đứng khuất mờ trong màn sương biển.






Huntington beach. Hình minh hoạ. Nguồn: Huntingtonbeachca.gov



Người em tên Thanh của chị bạn học chung lớp từ hồi còn ở quê nhà, chị Lan, đã chở tôi đến biển, khi hỏi tôi muốn biết nơi nào nhất ở miền Nam Cali này. Tôi chưa đến biển ở đây nên nhờ Thanh chở đi. Như ngày nhỏ, sống ở thị xã, thành phố, khi có dịp cuối tuần cuối tháng là trở về vùng biển ở quê nhà để được tung tăng vẫy vùng trong đó.



Biển ở Nam Cali này đẹp quá, nhưng lạnh, không tắm được như nhiều người bạn VN đã nói. Nơi đây trong ánh nắng chiều vàng nhạt, gần chiếc cầu, dẫn ra một nhà hàng, mà chung quanh rải rác những người đàn ông đang đứng câu, như chỉ câu để mà chơi chớ không phải vì mưu sinh, vì cuộc sống. Đứng trên cầu nhỏ này nhìn ra chung quanh chỉ thấy vài ba anh chị chơi lướt sóng mà trên mình mặc một bộ đồ da đen thật kín. Cảnh quang chung quanh khoáng đạt. Những dinh thự, hotel to lớn, lòng đường xe rộng rãi và những chiếc xe mới toanh đang lăn bánh trên đường.



Tôi từng đứng trên hay tắm trong những bãi biền Nice, Marseille… của miền nam nước Pháp, từng tắm ở Ý, ở Hòa Lan nên chuyện tắm biển trong mỗi mùa hè cũng là chuyện bình thường ở Âu Châu này. Nơi đây, xứ sở Âu Châu, cũng ồn ào, cũng giàu sang như những định hình từ lâu của họ.



Nhưng ở biển vùng Cali có khác. Nó không phải là Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Adria… mà là Thái Bình Dương, nơi bến bờ bên kia là nước VN, cùng một dòng nước, nơi mình chào đời và lớn lên với sóng biển của ngày nào. Bên đây sao họ giàu sang quá, còn bên kia con người mình, làng quê mình sao vẫn còn lầm than quá! Biển động, lưới quẹt (xuồng vô không cá), mùa bấc đã về quay xuồng lên bờ nghỉ biển, chờ ra giêng mùng bốn tết mới xuất hành đi biển…Những câu nói, câu than của thân nhận, bạn bè dưới quê thường nghe ngày nào nay như vẫn còn văng vẳng bên tai, dù có xa họ cả nửa vòng trái đất.






Redondo beach. Hình minh hoạ. Nguồn: destination-southern-california.com



Đang đứng xem một người câu cá gở con cá màu trắng ra khỏi lưỡi câu vừa được anh kéo lên, tiếng trực thăng tạch tạch từ xa nhưng nghe thật rõ. Hình như trong không gian loảng tiếng trực thăng vang vội to hơn. Tiếng kêu lớn như vậy nhưng tôi vẫn không thấy bóng dáng trực thăng đâu, dù đoán được hướng trực thăng đang đến. Tiếng trực thăng đã đưa tôi trở lại thờ kỳ trẻ thơ còn ở trong ấp du lịch, nằm dưới rặng núi cao, dài, vào những năm cuối của thập niên sáu mươi.



Ngày ấy, sáng sáng xuống vườn, vào vườn với ông già, vào thời chiến tranh này, vùng đất nơi đây mất an ninh, sáng chính quyền cho đi xuống thăm vườn, nhưng chiều phải về lại làng. Ngày ấy, đang làm việc vườn ở ấp, tiếng trực thăng và tiếng của phi cơ quan sát từ những làng lân cận bay ngang qua ấp là những tiếng làm tôi lo lắng nhất. Tiếng tạch tạch từ cánh quạt trực thăng, hay tiếng ù ù của chiếc phi cơ L19, phi cơ quan sát, máy bay bà già đem đến cho tôi nỗi lo sợ, bồn chồn. Ông già thì tỉnh queo, nhưng tôi lại lo sợ. Ông dặn, thấy máy bay bay qua, cứ đứng yên, việc gì đang làm cứ làm, không được vào núp trong gốc cây, nó thấy tưởng Việt Cộng nó sẽ bắn. Nhưng tôi vẫn sợ, vì đã có lần khi đang bay qua ngang mình, ‘bà già’ này đánh một vòng bay lại để nhìn xuống, rồi sau đó mới bay tiếp, làm mình cũng đứng tim. Cũng không ít lần đã thấy phi cơ quan sát bay quần trên đỉnh núi, lưng chừng núi, rồi phát hiện ra điều gì đó, đã bắn trái khói và kêu phi cơ phải lực F5 đến oanh kích, bỏ bom. Những lúc ấy hai cha con không còn lòng dạ nào đứng yên, mà dắt xe đạp chạy thẳng ra hướng biển, bờ biển, để quay đầu lại nhìn phi cơ phản lực đang đánh bom trên núi. Tôi thoát được những cảnh đánh bom hú hồn này là kể từ ngày về thị xã để học. Nơi yên ổn chỉ học tập chơi đùa. Nơi chỉ có trường lớp và bạn bè. Nơi tắm suối tắm sông. Nơi bình yên về mọi mặt.



Tôi và Thanh chụp chung và riêng vài tấm hình, như một kỷ niệm một lần ra biển ở Nam Cali. Ngày ấy, Thanh học dưới tôi một lớp. Mái tóc cậu bồng bềnh, khuôn mặt đẹp trai, nay cũng còn vậy, cũng bồng bềnh mái tóc. Buổi trưa trước khi vào lớp mình, Thanh hay đi ngang lớp tôi nên tôi nhận ra Thanh ngay khi vừa gặp lại lần đầu ở Nam Cali, dù đã hơn 40 năm.



Ngày ấy, tôi và Thanh khác lớp nên không quen nhau, nhưng nay gặp lại, thấy Thanh hỏi han, ân cần như người bạn cùng lớp ngày nào làm lòng tôi cũng thấy vui vui. Thú thật bây giờ tôi cũng không còn nhớ mặt chi Lan, chị của Thanh, học chung lớp tôi, nhưng chắc gặp là nhận ra ngay. Tôi có hỏi chị Lan, qua Thanh, được biết chị và gia đình vẫn còn ở trên con đường Bạch Đằng cũ. Cuộc sống gia đình vẫn bình thường. Bình thường chắc cũng như những con đường phố ở thị xã ngày nào trong những mùa hè ran rát làn da. Những con đường mang tên các tiền nhân Phan Thanh Giản, Nguyễn Du, Lê Lợi, Phạm Hữu Chí…là những con đường yên vắng trong những buổi trưa lộng đầy ánh nắng. Có xôn xao, chuyển động, ồn ào trên những con đường ở trong thị xã thường là khoảng sau 3, 4 giờ chiều, khi ánh nắng đã khuất sau những hàng cây có ngọn cao đang run trong gió.



Nhiều người bạn ngày nào, nay hỏi lại là nhớ ngay từ khuôn mặt tính tình, nhưng cũng có những người bạn sao không nhớ ra nổi một vết tích. May mà tôi vẫn còn nhớ và cũng đã gặp lại bốn người bạn cùng học trong lớp ngày đó, Diệp Phước Ngà, chị Thới, chị Lộc Nga, chị Hiền. Gặp rất vui vì vẫn còn nhớ hình ảnh bạn và các chị từ thời còn 13, 14 tuổi. Thời gian đã làm thay đổi tất cả, các chị đã thay đổi khác, tôi và Ngà cũng vậy, đã thay đổi theo luật tuần hoàn. Được cái là vẫn vui cười với nhau như đã từng vui cười như ngày nào, thời của áo trắng quần xanh, áo trắng quần đen trong sân chơi của nhà trường…




MỚI CẬP NHẬT