Monday, March 18, 2024

Cần loại ngay từ ‘thu giá’ ra khỏi ngôn ngữ nói và viết

Nguyễn Tường Thụy (RFA)

Vừa qua, các trạm thu phí BOT đồng loạt đổi thành “trạm thu giá.” Đây là từ do Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) Việt Nam mới “sáng tạo” ra gây nên sự phản ứng dữ dội trên công luận và trong dư luận.

Tại sao lại đổi thu phí thành thu giá? Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, người có công sáng tạo ra từ “thu giá” giải thích như sau:

“BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của nhà nước.”

Xin hỏi ông: ông căn cứ vào đâu để nói, phí là của nhà nước, còn giá là của doanh nghiệp? Ông giải thích thế nào khi phí chợ, phí giữ xe, phí đường làng, phí đi vệ sinh… do doanh nghiệp hay tư nhân đang thu vẫn dùng từ “phí.”

Ông Thể giải thích tiếp: “Từ khi chuyển qua giá thì sẽ giảm giá, giảm để cân đối được phương án tài chính, còn nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua các bộ nên rất chậm.”

Ông Thể không nói “sẽ thay đổi” mà nói “sẽ giảm giá.” Với cách nói này, có vẻ như ông lập lờ để mọi người tưởng đến cái lợi của việc dùng chữ “giá”: khi chuyển sang “giá” sẽ tốt cho người sử dụng dịch vụ, chỉ có giảm chứ không có tăng? Ông có khẳng định được điều này không? Nếu doanh nghiệp tăng “giá” thì ông có chịu trách nhiệm với lời nói của mình không? Tại sao đổi “phí” thành “giá” thì giảm được còn nếu không đổi thì không giảm được.

Còn việc thay đổi mức thu nhanh hay chậm là do cơ chế quản lý. Linh động hay không là do cơ chế, ở đây là cơ chế quản lý phí, chứ không phải đổi chữ “phí” thành “giá” mà linh động đươc. Cũng như con người đầu óc tối tăm, có đổi tên thành Thông Minh thì cũng không sáng láng ra được. Chỉ thay tên gọi của một loại phí mà đem lại kết quả tốt hơn, điều đó chỉ có trong tư duy của ông Thể.

Trước dư luận cho rằng, Bộ GTVT đang đánh tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá,” ông Thể  khẳng định: “Không phải do bộ quy định mà do nghị định của chính phủ quy định. Ví dụ, sản phẩm sản xuất nhà máy thì họ ấn định giá bán, và BOT là 1 sản phẩm của doanh nghiệp…”

Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Việt Nam. (Hình: Infonet)

Hình như ông càng nói càng bí, càng bí càng nói ẩu. Ông dựa vào chữ “ấn định giá” để bao biện cho chữ “thu giá” của ông. Khi một sản phẩm làm ra thì đương nhiên phải định giá trước khi đưa ra thị trường. Khi bán thì người ta thu tiền theo giá bán, chứ người ta không gọi là thu giá bao giờ. Điều này là một thực tế, từ các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cho đến bà bán rau ngoài chợ.

Phải chăng Bộ GTVT cho rằng, dùng chữ “phí” thì nó mang tính tùy tiện, dễ gây phản ứng, còn chứ “giá” nó thật hơn, đúng hơn. Thực ra, chữ “phí” hay chữ “giá,” bản thân nó không xấu, nó không có lỗi mà chỉ con người vận dụng nó có lỗi mà thôi. Nếu phí tính hợp lý thì vẫn chấp nhận được, còn nói “giá” cũng chẳng loại trừ được việc doanh nghiệp cố tình đưa ra “giá đểu.”

Sau hết thì dù biện luận, giải thích kiểu gì cũng không thể dùng chữ “thu giá” vì nó vô nghĩa, trái với ngôn ngữ và cách nói của người Việt.

Từ điển định nghĩa: “Phí là khoản tiền trả cho một dịch vụ nào đó,” không hề phân biệt dịch vụ do nhà nước quản lý hay do doanh nghiệp quản lý. Vì vậy, trạm thu tiền đặt trên đường BOT gọi là trạm thu phí như từ trước đến nay vẫn dùng là đúng.

Chữ “thu” và chữ “giá” đều là những từ ngữ quen thuộc nhưng khi ghép chúng lại với nhau lại trở thành vô nghĩa.

Có cái gì đó lươn lẹo, trí trá trong việc đổi “thu phí” thành “thu giá.” Facebooker Phạm Lưu Vũ phẫn nộ: “THU GIÁ” là chữ của bọn móc túi đại lưu manh, đại mất dạy và vô cùng thất đức ở Bộ GTVT và Bộ Tài Chính. Đó là sự ngang nhiên thách thức lương tri, trí tuệ của cả thời đại. Chúng thừa biết không đánh lừa được ai, mà vẫn ngang ngược đánh lừa, thì cổ kim không kẻ đại bịp nào dám làm điều tương tự. Đó là sự trắng trợn, hỗn láo với cả Trời, Người và Quỷ thần.”

Việc tạo ra và sử dụng chữ “thu giá” của Bộ GTVT, ngôn ngữ Việt không thể chấp nhận được. Nó nhạo báng ngôn ngữ Việt, phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Yêu cầu các cơ quan chức năng loại ngay chữ “thu giá” ra khỏi ngôn ngữ nói và viết.

Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc thao dượt hải quân quốc tế

MỚI CẬP NHẬT