Friday, April 19, 2024

Học cách Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trong vụ Biển Đông

Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân

Trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, ông Antonio Carpio, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines, cho xuất bản một cuốn e-book (sách trên mạng) về vụ kiện. Cuốn này có tựa “The South China Sea Dispute: Philippine Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea,” cho các đọc giả biết cách Philippines đã chứng minh là Trung Quốc lấn áp tại Biển Đông.

Cuốn sách này gồm 140 bài và buổi nói chuyện dài gần 250 trang mà thẩm phán này đã trình cho nhiều khán giả khi phải đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền của Philippines. Theo ông, đây là một cuộc chiến cho lãnh thổ Philippines bị xâm chiếm – một cuộc chiến giữa “nước lớn và nước nhỏ” trong đó luật pháp quốc tế sẽ “thắng.”

Thẩm Phán Carpio chứng minh là việc Trung Quốc “có quyền lịch sử về Biển Đông” là một “dối trá” – đánh lầm dư luận thế giới. Trung Quốc nói có nhiều chứng cớ về sự hiện diện của họ và ông Carpio đã chứng minh là Trung Quốc và Đài Loan nhiều khi “gây dựng các chứng cớ lịch sử về Biển Đông” qua các chứng cớ dựa trên các bản đồ, hải đồ, và tài liệu.

Về chứng cớ lịch sử, Thẩm Phán Carpio đưa ra và cho thấy nhiều chứng cớ là giả tạo do các ý đồ xâm chiếm các tài nguyên Biển Đông của Trung Quốc. Dựa trên lịch sử vùng này, ông đưa ra các dẫn chứng từ những cuộc di dân của thổ dân Austronesian đến các đảo ở Đông Nam Á gọi là Pulo, cuộc xâm lược không thành của Kublai Khan năm 1289 vào Indonesia. Biển Đông trước đây được gọi là Biển Champa (của người thổ dân Chàm từ miền Trung Việt Nam), bảy cuộc hải trình của Đô Đốc Zheng Hi năm 1405-1433 và thời hiện đại với Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Biển (UNCLOS).

Lịch sử cho thấy thổ dân Austronesia dùng thuyền đi khắp Đông Nam Á đến cả Madagascar ở Phi Châu bằng những thuyền gọi là karakoa tiếng Phi và coracora tiếng Indonesia. Các thuyền này chở trên 100 người và buôn bán với nhiều xứ cả với Trung Hoa nữa. Ông đưa ra một số bản đồ được in trong thời đó. Trước khi người Bồ Đào Nha đặt tên là Nam Hải thì Biển Đông được gọi là Biển Champa (thế kỷ 2 tới 17 – miền Trung Việt Nam).

Trung Quốc coi các chuyến đi của ông Zheng Hi là các chứng cớ họ có chủ quyền trên Biển Đông. Sách nói về các chuyến đi của vị đô đốc cho thấy là ông này không bao giờ đòi chủ quyền, không để lại binh sĩ để đóng đồn, mà trái lại, sau các chuyến đi này của ông, Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” – đóng cửa hoàn toàn.

Nhiều chứng cớ của Trung Quốc là giả tạo – vì Đài Loan đã đặt những mốc chủ quyền với các ghi chú sai lầm (anti-dater) trên Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh sự hiện diện của họ trên các đảo này vào năm 1937 mà thôi. Các bản đồ và hải đồ qua nhiều triều đại Trung Quốc cho thấy là điểm cuối của Trung Hoa là đảo Hải Nam.

Sách/tài liệu của ông Carpio mất nhiều công phu đưa lên rõ ràng các định nghĩa của UNCLOS. 1) Về hải phận 12 hải lý, trong đó các nước có toàn quyền. 2) Vùng kế cận (Contiguous zone là 12 hải lý). 3) Vùng độc quyền kinh tế 200 hải lý từ đất liền (EEZ). 4) Vùng tiếp cận thềm lục địa (Extended Continental Shelf) không quá 150 hải lý từ vùng EEZ. 5) Biển cả (ngoài EEZ là thuộc về hải phận quốc tế).

Tài liệu nói về 1) đảo (có hải phận 12 hải lý, có quyền có EEZ); 2) đá nổi (khi lòi ra mặt nước có 12 hải lý hải phận; 3) đá ngầm – bị nước thủy triều bao phủ không có hải phận và EEZ.

Về “đường chín đoạn” và nguồn gốc tranh chấp Philippines và Trung Quốc: Vào năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc vẽ đường 11 đoạn và đến năm 1950 thì Trung Quốc xóa bỏ hai đoạn. Vào năm 2009 Việt Nam và Malaysia trình Liên Hiệp Quốc vùng tiếp cận thềm lục địa, Trung Quốc phản đối và đưa ra chính sách “đường chín đoạn” (còn gọi là lưỡi bò). Qua đường lưỡi bò, Trung Quốc đòi chủ quyền ngoài những gì UNCLOS cho phép.

Năm 2013, Trung Quốc đưa ra bản đồ có “đường chín đoạn” và Philippines phản đối. Theo “đường chín đoạn, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 85.7% Biển Đông, hay 3.5 triệu km2. Malaysia và Philippines sẽ mất 80% vùng EEZ trong khi đó Việt Nam sẽ mất 50%, Brunei 90%, và Indonesia 30%.

Sau Thế Chiến 2, Trung Quốc chỉ có đảo Hải Nam và không có một quân nhân nào đồn trú tại Biển Đông. Từ năm 1946, Trung Quốc dần dần chiếm nhiều đảo và đá tại Hoàng Sa và Trường Sa, và từ năm 1995 đến nay, họ xây nhiều đảo nhân tạo trên thềm lục địa thuộc Philippines. Từ năm 2012 trở đi, Hải Quân Trung Quốc đặt nhiều mốc chủ quyền trên nhiều đảo và hòn đá.

“Đường chín đoạn” là lý do Trung Quốc coi Biển Đông là “ao nhà,” gây nhiều tranh chấp trong các hợp đồng tìm kiếm tài nguyên dầu khí trong vùng biển của Philippines, kéo dàn khoan Hải Dương 981 đến khu vực EEZ của Việt Nam và tranh chấp với cảnh sát biển Indonesia.

Sách này nêu chính sách xâm lấn Biển Đông, việc quân sự hóa các đảo, chiến lược dùng cảnh sát biển và hơn 20,000 thuyền đánh cá làm dân quân và hải quân thực hiện việc xâm chiếm biển.

Tranh chấp Trung Quốc – Philippines

Tranh chấp Trung Quốc – Philippines được đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, không nói đến chủ quyền (vì tòa này không phải là nơi giải quyết các tranh chấp này) mà chỉ dính đến việc hiểu và làm rõ UNCLOS. Các tranh chấp giữa Trung Quốc – Philippines, lý do mà Philippines đưa ra tòa gồm năm điểm chính:

1-Chủ quyền dựa trên lịch sử – Việc Trung Quốc đòi quyền trên Biển Đông dựa trên lịch sử ngược với UNCLOS. Do đó “đường chín đoạn” có giá trị hay không dựa trên lịch sử? Do đó có quyền hay không trên các tài nguyên Biển Đông?

2-Các hiện tượng như đá, đảo, ở Trường Sa không cho người có thể sinh sống vậy có khu độc quyền kinh tế 200 hải lý hay không?

3-Các hiện tượng như đá, đảo, ở Trường Sa có cho phép đòi EEZ hay không?

4-Bãi đá chìm Scarborough, các ngư dân có quyền đánh cá ở đây?

5-Trung Quốc gây thiệt hại cho môi trường khi xây dựng các đảo nhân tạo.

Theo Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, về chủ quyền dựa trên lịch sử, Trung Quốc đòi hơn 80% Biển Đông dựa trên lịch sử là đi ngược với UNCLOS, ví dụ các nước như Tây ba Nha không thể đòi chủ quyền trên các đất đai họ tìm. Mông Cổ không thể đòi lãnh thổ dựa trên chủ quyền ngày xưa họ xâm chiếm nhiều nước. Quyền lịch sử không còn khi Trung Quốc ký vào UNCLOS.

Về các chứng cớ của Trung Quốc: Các tài liệu cho thấy Trung Quốc kể cả việc cắm các mốc giả (để ngày tháng sai, không đúng sự thật), các bản đồ cho thấy là phía Nam của Trung Quốc là Hải Nam. Đài Loan cho thấy là họ (thay mặt Trung Hoa) chỉ dính vào Trường Sa vào năm 1907 mà thôi. Bản đồ Selden Map được tìm thấy vào năm 2008 cho thấy là Biển Đông là vùng tự do đi lại và buôn bán, Trung Quốc không kiểm soát các vùng đó. Qua nhiều bản đồ thì lãnh thổ Trung Quốc không quá Hải Nam. Trong một trao đổi ngoại giao với Pháp (1932) Trung Quốc nói có chủ quyền trên các đảo cách Hải Nam và các đảo cách đó 147 hải lý nghĩa là không có Trường Sa (trang 90). Các bản đồ kể cả bản đồ của các triều đại Trung Hoa cho thấy họ không có Hoàng Sa hay Trường Sa. Nhiều bản đồ cho thấy là Trường Sa trực thuộc Philippines.

Từ 1999, tài liệu đưa ra chứng cớ là Trung Quốc cướp của (không phải cửa họ) qua các quy định hạn chế đánh cá phát ra từ Hải Nam. Khi tự cho mình quyền về đánh cá, Trung Quốc trở thành kẻ cướp (trang 157).

Về bãi đá chìm Scarborough, các bản đồ xưa đề nói thuộc Philippines trong khi Trung Quốc đương nhiên chiếm (trang 198).

Sách cũng cho thấy khi vơ vét xây các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã làm hư hại môi trường (trang 208).

Các tranh chấp khác:

-Trung Quốc vi phạm đến quyền đánh cá của ngư dân Philippines khi họ ra lệnh cấm đánh cá trong vùng của Phi.

-Trung Quốc vi phạm quyền tìm dầu khí trong vùng EEZ của Philippines.

-Trung Quốc vi phạm quyền của Philippines khi cho ngư dân của họ đánh cá trong vùng EEZ của Philippines.

-Trung Quốc vi phạm quyền của Philippines khi xây dựng các đảo nhân tạo (Mischief Reef) trong vùng EEZ của Philippines.

Tất cả các điều trên đều được tòa chấp nhận. Việc duy nhất tòa không xử là việc đối đầu giữa binh lính Philippines và các tàu tuần tra Trung Quốc.

Kết luận

Cuốn sách này là một công trình khá tỉ mỉ – đưa các chứng cớ cho thấy là Trung Quốc đã lạm dụng bắt ép nước nhỏ – đi trái lại các luật quốc tế mà chính họ đã ký.

Lý luận của Thẩm Phán Carpio đã làm cho “David thắng Goliath.” Luật là công cụ giúp trong cuộc chiến giữa “nước lớn và nước nhỏ.” Sách/tài liệu này cũng có thể giúp phía Việt nam bảo vệ lãnh thổ tốt hơn tránh việc “cá lớn nuốt cá nhỏ (việc nước Việt Nam nhỏ bên cạnh nước lớn) sẽ giảm nhờ vả luật pháp quốc tế.

MỚI CẬP NHẬT