Friday, April 19, 2024

Lời của trái tim

Hải Nguyễn, San Jose

(Viết thay một lời cám ơn sau năm tuần mẹ chồng tôi điều trị tại Valley House Rehabilitation Center Santa Clara, CA)

Lúc xe bị trật vỉa hè, cô nhân viên phải thuyết phục thật lâu mới được bà cho đẩy ông vào trong. Ông làm bạn với xe lăn suốt ba năm nay, không nghe, không nói và không nhìn thấy… Bà cũng đã phải dùng gậy, chân thấp chân cao đẩy chiếc xe có gắn dụng cụ báo động để được trợ giúp kịp thời.

Bàn tay dịu dàng luôn vuốt ve ngực chồng mỗi khi ngồi nghỉ mệt. Bàn tay ấy chỉ tôi xem cái đồng hồ đo bước chân đeo bên thắt lưng, “Tôi có 1,800 bước chân bên ông ấy mỗi ngày, cho đến bao giờ thì chưa biết nữa!”

Tôi không muốn hỏi thêm một lời nào khi nhìn đôi mắt long lanh không tuổi lúc bà hôn khắp gương mặt ông. Khuôn mặt da trắng nhễ nhại mồ hôi kề sát gương mặt da đen đờ đẫn. Khi tình yêu bất diệt của hai người ấy bừng lên theo cách riêng, tôi nghe tiếng lòng mình bắt nhịp rưng rưng thổn thức!

Tên tuổi, địa vị, tài sản, sự nghiệp có khi chẳng là gì cả! Từng khoảnh khắc của hai tâm hồn bên nhau mới thật là vô giá. Với tôi, đó là một định nghĩa tình yêu đẹp nhất mà tôi được đọc bằng chính hai con người bằng xương bằng thịt. Tình yêu và hạnh phúc là những khoảnh khắc của riêng hai người dù thần chết rình rập, dù đớn đau nhọc nhằn bủa vây.

Bà nói với tôi, “Cô sẽ không biết điều gì xảy ra dù chỉ năm phút nữa, chúng tôi có nhau lúc này là hạnh phúc.”

Cũng trong trung tâm ấy, tôi đọc một chương khác của quyển sách cuộc đời hai người xa lạ, chương sách dạy tôi cách tìm ý nghĩa của sự trao tặng để nhận lãnh niềm vui.

Bà ngồi bên walker cầm tay ông đặt vào máy, kiên nhẫn từng động tác cùng với kỹ thuật viên. Bà khuyến khích bằng tiếng cười reo vui. Ông ngồi đó, lúc nào thích thì làm, khi trí nhớ rong chơi ông không hợp tác.

Má tôi tập ở máy kế bên chỉ cho tôi biết:

“Tội nghiệp quá con, vợ tập phụ cho chồng, hai vợ chồng đều yếu chân tay. Nhưng thôi họ ở bên nhau hủ hỉ như vậy còn đỡ hơn là một mình không có ai!”

Chiều gặp bà đi dạo trên sân, tôi hỏi chồng bà đâu mà bà chỉ có một mình?

“Không phải chồng, chúng tôi cùng ở đây bốn năm rồi, ông ấy so với ban đầu khá hơn, thỉnh thoảng ông ấy đã nhận ra tôi.”

Tôi xin lỗi, bà nói không có gì rồi cười vui như mọi khi, đôi mắt xanh thẳm ánh lên sắc pha lê long lanh:

“Tôi có một người để quan tâm chăm sóc. Tôi thấy mỗi ngày ở đây có cái gắn bó với mình.”

Nếu dùng lý trí phân tích thường tình, có lẽ bà sẽ cân đo đong đếm mình được gì và thấy toàn điều vô nghĩa. Nếu dùng cái đầu để quan sát bà chỉ thấy trước mặt mình là một người nhớ nhớ, quên quên. Bà còn nặng nề walker lê bước sao dám hàng ngày gánh vác thêm một người mà suy nghĩ đã “rong chơi cuối trời quên lãng.”

Trong cái chốn 80% những người có mặt được chăm sóc như trẻ thơ, mọi sinh hoạt hàng ngày, tiền bạc danh vọng địa vị tiếng tăm là quá khứ xa lạ đặt lại ở ngoài cổng. Chỉ còn những tấm lòng sống với nhau bằng nhịp tim thật nhất? Làm sao đi tới những tận tụy hy sinh như vậy nếu không phải trái tim đang dẫn lối cho bà? Trái tim đưa người lạc bước rong chơi tìm lối trở về thỉnh thoảng nhận ra một người đợi mình để cười vui, để reo mừng như trẻ thơ thấy vui nhất đời chỉ khi có bè có bạn. Niềm vui thiên thần ấy là niềm vui không tuổi.

Nhớ buổi đầu bước vào phòng chào và hỏi thăm, “How are you this morning?” tôi đã nghe câu trả lời rất Mỹ: “I don’t know yet.”

Con trai của bà vào thăm mỗi tuần, mua đủ loại quà cáp, nhiều bó hoa tươi và quần áo đắt tiền. Anh nói với tôi bà bị lẫn, có hố đen trong một con mắt và khô tuyến lệ, liệt hai chân đã bảy năm rồi.

Hai tuần lễ đủ để bà chờ tôi mỗi ngày, để cười và để hai người nhớ tên nhau. Tôi được một kẻ đã quên đời dạy cho biết sự khác nhau giữa tiếng chim ríu rít chào buổi sớm và tiếng bịn rịn của nó chia tay buổi chiều. Tôi đứng cạnh một người chỉ còn biết làm bạn với cội cây già thâm nâu bên cửa sổ, trò chuyện với bông hoa nắng nhảy múa lung linh ngoài sân và trao đổi với người chung quanh những điều xa lạ.

Một lần bà nói với tôi con gái bà chết rồi và bà nhớ cô ấy lắm. “Vì Thượng Đế cần cô ấy trước chứ chưa cần đến tôi.”

Tôi nắm bàn tay bà chia buồn và bất ngờ nhìn thấy nước mắt chảy dài trên gương mặt người khô tuyến lệ.

Hôm qua bà lại nói:

“Tôi và mẹ cô không cùng ngôn ngữ nhưng tôi biết bà rất thương tôi, cô cũng thương tôi như vậy.”

“Sao bà biết?”

“Tôi nghe bằng trái tim của mình. Mỗi sáng cô đến đây tôi biết Thượng Đế cho phép con gái về thăm tôi và mẹ cô sẵn lòng nhường cô cho tôi vài phút.”

Lời của trái tim cất lên khi yêu thương đã tràn đầy để trao tặng vô điều kiện nên tôi chỉ biết ôm bà thật chặt và gọi, “My Mommy.”

Lạ lùng, tôi cảm thấy trên vai bà có cái mùi hương vướng trong chiếc áo dài cũ mà 40 năm trước mấy chị em tôi thường úp mặt vào khóc nhớ mẹ mỗi chiều hôm. Tôi nghe trái tim thầm mách bảo đây là nhân duyên tự muôn kiếp trước mãi cho đến hôm nay mới được gặp ở một nơi xa lắc xa lơ, trong một tình cờ.

Những ai phải chọn cái trung tâm nhiều người sợ này làm nhà đều ít nhiều mang xác thân phế tàn, rệu rạo. Đớn đau kinh hãi đẩy trí tuệ họ vào nơi xa xôi khuất nẻo, hơn thua, tranh cạnh cũng dạt lại đàng sau. Đến cùng tận cuộc đời, họ như trẻ thơ không phải lo toan những nỗi nhân thế thường tình nữa. Uổng phí tiếc nuối ư? Không! Đó là món quà bất ngờ rơi xuống hay cũng là phần đời bắt buộc mỗi người phải sống thêm ngoài dự liệu.

Những trái tim nguyên sơ, nối kết mong manh, níu kéo từng sợi niềm vui như tơ trời lửng lơ đậu xuống. Trái tim tỉnh thức đập lại nhịp tinh khôi những lần sau cuối như ráng chiều rực lên thắm hồng trước khi lụi tàn trong buổi hoàng hôn…

Trái tim dẫn đường không biện bạch dài dòng, không có lý do, không cần mục đích, không phê phán hơn thua, không bao giờ nghi ngờ, thử thách. Con đường có sẵn trong tim không nghi thức ràng buộc, tồn tại tự nhiên, giống hệt nhau như triệu triệu giọt nước trắng trong chứa đựng vẻ đẹp của bảy sắc cầu vồng.

Ngày xưa mê say tiểu thuyết “Hoàng Tử Bé” (Le Petit Prince – Antoine de Saint-Exupéry) nên nhớ hoài câu nói bất hủ, “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.”

Giờ nếm gần đủ vị đời đau lại muốn mình được trở về làm trẻ thơ một lần nữa.

Làm sao nhìn đời bằng trái tim và tìm ra những lời của trái tim ngọt ngào trao lại vẹn nguyên cho cuộc đời chung thủy.

Có lẽ đó là khi tôi lại được trở về làm tôi “ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…”* Chỉ khi đó thôi!

*Trịnh Công Sơn – Gọi tên bốn mùa.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 20 tháng 9 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT