Thursday, April 18, 2024

Lý Tiểu Long và biểu tình ở Hồng Kông

Nguyễn Hùng (Blog VOA)

Ngôi sao quá cố gốc Hồng Kông Lý Tiểu Long lúc sinh thời từng nói về bí quyết để giành phần thắng trong mỗi trận đấu:

“Đừng để tâm trí vướng bận gì, hãy vô hình, vô dạng – giống như nước vậy.

“Bạn bỏ nước vào chén, nó thành cái chén. Bạn bỏ nước vào chai nó thành cái chai. Bạn bỏ nước vào ấm trà nó thành ấm trà.

“Nước có thể chảy, có thể trườn tới, có thể nhỏ giọt hay có thể nghiền nát. Hãy như nước bạn ạ.”

Gần 50 năm sau khi Lý Tiểu Long nói những lời này, hàng triệu người Hồng Kông đang dùng đúng phương châm “hãy như nước” trong cuộc đấu tranh đòi tự do suốt năm tháng qua.

Phương châm này được hai cựu sinh viên thạc sĩ học ngành Truyền Thông Chính Trị tại trường Goldsmiths, University of London trình bày rõ ràng hơn trong buổi thuyết trình hôm 16 Tháng Mười.

Hai sinh viên vừa tốt nghiệp, Janet Lui và Siushan Cheng, cũng tham gia các cuộc biểu tình kéo dài từ tháng sáu tới nay và nói rằng những đợt xuống đường thực sự không có thủ lĩnh nhưng được dẫn dắt bởi phương châm luôn bình thản, đổi mới và sáng tạo trong cách hành động.

Hai cô nói hầu hết người biểu tình đều chủ động suy nghĩ xem phải làm gì và làm như thế nào khi xuống đường.

“Điều căn bản là mọi người ủng hộ cuộc đấu tranh trong mọi tình huống và làm tất cả những gì có thể, dù là bằng cách thức ôn hoà hay quyết liệt,” cô Janet Lui nói tại buổi thuyết trình.

Một ví dụ được đưa ra là cách tổ chức sự kiện hàng vạn người nắm tay nhau tạo ra chuỗi người dài 40km để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do và dân chủ hồi Tháng Tám.

Những người tham gia dùng chức năng bỏ phiếu của mạng xã hội Telegram để chọn địa điểm diễn ra sự kiện, làm video để quảng cáo rồi cập nhật từng phút khi sự kiện diễn ra tại những nơi họ có mặt.

Một ví dụ khác là chuyện 20,000 người đã tình nguyện đóng góp tổng cộng 1.5 triệu đô la để chạy quảng cáo trên gần 20 báo quốc tế tại trên 10 nước nhân hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới ở Nhật Bản hồi Tháng Sáu. Cô Siushan Cheng nói thông điệp chính của các quảng cáo là những gì mà Trung Quốc làm ở Hồng Kông ngày hôm nay cũng chính là những gì họ sẽ làm ở các nơi khác trên thế giới về sau này.

Hai thạc sĩ nói các cuộc phản kháng trong hơn 130 ngày qua được sự ủng hộ đông đảo nhất của giới trẻ ở độ tuổi 20-30, những người sẽ thấy ngày Hồng Kông hoàn toàn thuộc về Trung Quốc vào năm 2047. Đó chính là năm mà thoả thuận giữa Anh và Trung Quốc để Hồng Kông được tự do trong 50 năm sẽ không còn hiệu lực.

Nhưng cũng có những cuộc “Tuần hành Đầu Bạc” của những người ở độ tuổi 70-80. Họ xuống đường ủng hộ giới trẻ và làm trung gian hoà giải giữa thanh niên đi biểu tình và cảnh sát.

Trước câu hỏi vì sao những người biểu tình sẵn hàng làm ảnh hưởng tới kinh tế của Hồng Kông, vốn là thế mạnh của hòn đảo này, hai cựu sinh viên của Goldsmiths, University of London nói nên hỏi người đứng đầu Hồng Kông, Carrie Lam, tại sao bà lại phản ứng chậm chạp và có những hành động đổ thêm dầu vào lửa trong thời gian dài.

Sau nhiều tháng biểu tình và nhiều tình huống bạo lực diễn ra, bà Carrie Lam cuối cùng đã rút lại dự luật dẫn độ người Hồng Kông về Trung Quốc, nơi người ta có thể bị bỏ tù cả năm mà không cần xét xử. Nhưng sự chậm trễ của bà đồng nghĩa với việc người biểu tình yêu cầu bà phải từ chức. Họ cũng đòi phải có điều tra về hành vi bạo lực của cảnh sát với những người biểu tình ôn hoà. Họ nói các cuộc xuống đường còn tiếp diễn nếu hai điều này không được chấp nhận.

Nhưng đòi hỏi lớn hơn của giới trẻ Hồng Kông là học có quyền bầu cử tự do thực sự. Hiện tại cử tri Hồng Kông chỉ có thể bầu lãnh đạo từ vài ứng viên đã được một hội đồng, được cho là do Bắc Kinh kiểm soát, chọn sẵn.

Họ cũng chỉ được tự do bầu ra một nửa trong số 70 ghế của cơ quan lập pháp. Nửa còn lại do các ngành nghề và hội đồng địa phương, vốn chỉ chiếm chưa tới 10% dân số, chọn ra.

Đây được cho là cách mà Trung Quốc dùng để thao túng chính trường Hồng Kông.

Hai cựu sinh viên người Hồng Kông nói xã hội dân sự tại hòn đảo này ngày càng lớn mạnh trước chính sách cứng tay của Bắc Kinh. Người dân cũng “thức tỉnh” và nhận ra rằng “nếu không phải mình thì ai” và “nếu không phải là bây giờ thì tới bao giờ” mới đến lúc xuống đường đòi tự do.

Hai cô cũng nói người dân Hồng Kông muốn tự do 100% chứ không muốn tự do kiểu Bắc Kinh muốn ban cho. Khi nắm tay nhau tạo ra chuỗi người kéo dài hàng chục cây số, họ có ý nhắc lại sự kiện hai triệu người nắm tay nhau dọc ba nước Estonia, Latvia và Lítva 30 năm về trước, vốn nằm trong chuỗi sự kiện khiến Liên Xô sụp đổ.

Hai thạc sĩ truyền thông chính trị nói thêm có tới một nửa người biểu tình được hỏi ý kiến nói rằng họ không còn tin vào cảnh sát và cũng không tin biểu tình ôn hoà sẽ đạt được kết quả.

Nếu còn sống, Lý Tiểu Long năm nay đang ở tuổi 79 và không loại trừ khả năng ông sẽ tham gia nhóm “Tuần hành Đầu Bạc” để ủng hộ giới trẻ. Còn những người trẻ tuổi có lẽ nghĩ rằng giai đoạn họ là nước tuôn chảy, trườn tới hay nhỏ giọt đã qua. Nhiều người nghĩ rằng cần phải nghiền nát sự tàn bạo chính trị vốn đang tước đi các quyền tự do căn bản trong đó có tự do bỏ phiếu và tự do ngôn luận. Đó là lý do họ viết lên tường khẩu hiệu: “Khi độc tài hiện hữu, cách mạng là nghĩa vụ của chúng ta.”

MỚI CẬP NHẬT