Friday, April 19, 2024

Tản mạn xung quanh 7 ngày diễn của Quốc Hội ‘phường chèo’

Lập Quyền Dân

Các cuộc thảo luận tại kỳ họp từ 21 đến 27 Tháng Mười của Quốc Hội phần lớn là những chuyện bao đồng, người dân chẳng mấy ai quan tâm. Nhưng đề tài “nóng” cử tri muốn biết lại là: Thế lực nào đã đẩy ngày càng nhiều nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền nhảy lầu? Nguyên nhân nào khiến các đội tàu đủ loại của Trung Quốc sau bốn tháng “dọc ngang” trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nay đã “tự nguyện” rút? Đại sứ Mỹ đi thăm lán đồng minh thời ông Hồ ở Tuyên Quang năm 1945 để làm gì?…

Nhưng có lẽ thời sự nóng nhất trong những ngày cuối khóa họp là vụ án 9+39. Tức là 9 “chuyên cơ nhân” do thím Ngân mang đi trót lọt cách đây một năm và 39 “container nhân” mà đa phần có thể họ là những người Việt xấu số, qua lộ trình đa quốc gia từ Trung Quốc đến Âu Châu. Ba mươi chín cái chết ấy là những tiếng kêu xé ruột. Nhà thơ Thái Bá Tân thay chúng ta, đã thắp nén tâm hương: Mẹ ơi, con khó thở/ con đang chết… mẹ ơi…/ Tổ quốc ơi, người Việt/ đang chết ở xứ người…/ Con gái ơi, con chết/ lỗi bố mẹ, ông bà/ những người đang khó thở/ ngay ở trên quê ta/ Tổ quốc ơi, hãy hỏi/ vì sao nhiều đồng bào/ phải mất tiền để chết?/ Xin hãy hỏi: Vì sao?/ 39 nạn nhân chết đau thương trong thùng container chở hàng như những con cá bị ướp lạnh rồi đưa đi xuất khẩu. Khác nhau ở chỗ, những con cá chết rồi mới bị ướp lạnh, còn 39 nạn nhân kia bị ướp lạnh ngay khi còn sống. Trong lịch sử nhân loại, hiếm có vụ án nào man rợ như thế.

Để quên đi những cú sốc tầm mức quốc gia ấy, các ông bà nghị gật đành đánh bài lờ, chỉ chúi mũi vào việc “tăng hay giảm giờ làm,” “thế nào là người tài và sử dụng người tài”… Ngay đến các vấn đề trọng đại hơn họ cũng chẳng bàn một cách công khai, như quan hệ Việt-Trung sau căng thẳng Bãi Tư Chính, hay Trung Quốc sẽ có thể tái tục các chiêu trò có thể sẽ còn khốc liệt hơn bốn tháng qua… Tất cả đều là tài liệu mật, thậm chí đóng dấu “Tối Mật” mà ngay đến cánh báo chí “bưng bô” cũng không được tiếp cận, chứ đừng nói gì đến các “phó thường dân dự khuyết.” Chỉ có các hãng thông tấn “vỉa hè,” những nhà “bình loạn” tại các quán bia hơi là có “thẩm quyền” tung ra một số tin giật gân nhưng chẳng ai thẩm định nổi. Như thường lệ, thời gian và sự quên lãng sẽ “đào sâu chôn chặt” mọi thâm cung bí sử trong chính trường cũng như tình trường của các quan chức đầu bảng, từ đảng – chính phủ cho đến – Quốc Hội.

Vè hiện đại của dân Hà Nội những ngày này vẫn là “Đố ai đếm tóc Sinh Hùng (cựu chủ tịch Quốc Hội), biết cha Ba Dũng (Nguyễn Tấn Dũng) biết chồng bà Ngân” (đương kim chủ tịch Quốc Hội), để chỉ đặc điểm và xuất xứ của từng vị. Bàn về người tài trong xã hội, ca dao mới hát: “Khi nào chị Tiến thoát Y, anh Nhạ thoát Dục mình (dân) thì vỗ tay.” Nghĩa là cử tri mong Bộ Trưởng Kim Tiến rút khỏi Y Tế và Bộ Trưởng Xuân Nhạ rút khỏi Giáo Dục. So với thời Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch và Giáo Sư Tạ Quang Bửu đứng đầu hai bộ ấy để thấy quá trình suy thoái của cái đảng và nhà nước này là vô phương cứu chữa. Tương tự, bàn về cái gọi là “chốt nhân sự” cho Đại Hội 13, người dân mỉa mai: “Tiến thì lên Bộ, thoái thì xuống Ban, nếu bị lỡ làng đành sang Quốc Hội.” Cắt nghĩa ở đây là: Nếu chạy được vào các bộ/ngành bên chính phủ thì bao giờ cũng nhiều lộc lá để “trèo hái,” vào các ban bên d0ảng thì ít “lộc rơi lộc vãi” hơn, còn Quốc Hội đương nhiên chỉ làng nhàng, “bữa đói bữa no.”

Hôm 22 Tháng Mười, khi cùng các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ông Thuận Hữu (tổng biên tập tờ Nhân Dân, cơ quan quyền lực ngang cấp bộ) buộc phải nhìn nhận một sự thật: “Cứ mở máy ra là thấy mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai. Chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay!” Phàn nàn như vậy hẳn dân biểu này cũng hiểu ra rằng “chửi” là hành vi biểu hiện sự bất ổn cả về tâm thế lẫn tư thế, nhưng do quá bức xúc nên người dân đành phải chọn phương thức không mấy tích cực này, tạo nên một “văn hoá chửi.” Ngạc nhiên hơn là sau khi Thuận Hữu phàn nàn như vậy thì công chúng lại “ném đá” cả ông lẫn đảng của ông dữ dội hơn nữa! Rất nhiều blogger giải thích tại sao cử tri lại chửi các cơ quan công quyền, chẳng hạn như Phạm Hải cho rằng: “Dân chửi như hát hay là do các ông thối nát từ trên xuống dưới, biết chừa ai bây giờ?” Không chỉ chửi, dân còn có kiến nghị đòi đưa đại biểu Nguyễn Văn Hiển đi khám tâm thần, sau khi vị này đề nghị truất lương hưu của những người bị kỷ luật do những lỗi lầm hồi tại nhiệm. Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Lập Pháp mà phát biểu như một người mù về Luật Bảo Hiểm và Luật Lao Động, thì “dân đen” dưới tay ông chết là cái chắc.

Cuối thời gian Quốc Hội họp, sáng 26 Tháng Mười, Nguyễn Phú Trọng phong quân hàm thượng tướng cho hai ông bên quân đội. Người dân lại râm ran, thời bình phong tướng làm gì nhiều thế? Cũng nhân chuyện cử tri vừa biết được Đại Tướng Lịch, Đại Tướng Cường, người thì không biết đọc bản đồ địa hình, kẻ thì không biết bắn súng, dân lại “ném đá” trên mạng xã hội: Tại sao tại Diễn Đàn Hương Sơn bên Tàu, Đại Tướng Lịch không dám đáp trả trực tiếp luận điệu xằng bậy của bộ trưởng Quốc Phòng Tàu khi y tuyên bố, tất cả các đảo trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Thậm chí ngày 27 Tháng Mười, người ta còn thấy Bộ Trưởng Lịch hội đàm Với Bộ Trưởng Quốc Phòng Nguỵ Phượng Hòa, tại đó, hai bên khẳng định, hợp tác quốc phòng vẫn giữ vai trò trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Bàn về Việt-Trung, không thể không liên hệ đến sự chững lại, sau một thời gian hy vọng về quan hệ Việt-Mỹ. Nhưng khi thấy tổng chủ không đủ sức di chuyển từ hội trường Ba Đình ra lăng ông Hồ, nhất là sau khi nghe đích thân tổng chủ phàn nàn về tuổi già và “tình trạng bệnh nhân,” dư luận đồn đoán năm nay sẽ không có Summit Mỹ-Việt và quan hệ Việt-Mỹ đang “gone with the wind” (cuốn theo chiều gió). Ngay cả quan chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam tại một số cuộc họp, tuy đánh giá rằng, trong các phản ứng quốc tế vừa qua thì các tuyên bố của Mỹ là mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất, nhưng chính các vị chức sắc ấy, chắc đã được chỉ thị (hoặc dặn trước) lại cân bằng thêm một vế thứ hai, mà dân báo chí vẫn đùa là vế “Tuy nhiên…” (However…). Quan điểm của Hà Nội là, “Tuy nhiên, Việt Nam không thể dựa vào Mỹ, vẫn phải tự mình giải quyết chuyện Biển Đông với Trung Quốc.”

Bí thư Thành Ủy Sài Gòn còn nhấn mạnh thêm, ta không thể “quay lưng” lại Trung Quốc. Khổ quá, có ai bắt các ông “quay lưng” lại quan thầy của mình đâu! Nhưng cướp vào nhà, dân chỉ muốn các ông đi ra hô hoán trước cái “xóm nhỏ toàn cầu,” “làng nước ơi, chúng tôi bị cướp!” mà cũng không dám.

Sau chuyến thăm của hai ông đại tướng Mỹ hồi Hè, nay lại đến lượt tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Esper sắp sang Hà Nội, vậy mà dư luận cũng không hề “xúc động” bao nhiêu như mỗi lần có các tiếp xúc chính thức Mỹ-Việt. Dù sao, người Mỹ vẫn chưa hết kiên nhẫn. Biểu hiện mới đây nhất là chuyến thăm thành phố Tuyên Quang của đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong thời gian Quốc Hội nhóm họp. Hôm 24 Tháng Mười, nhân kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Việt-Mỹ thân hữu (21/10/1945 – 21/10/2019), tại trung tâm hội nghị quốc tế của thành phố, Đại Sứ Daniel J. Kritenbrink tái khẳng định những mục tiêu và lợi ích chung của Hoa Kỳ-Việt Nam trong thời đại ngày nay. Hẳn nhiên, người thay mặt cho Tổng Thống Trump đã không quên ôn lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Ông Kritenbrink đã đi thăm lại nơi ở của Toán Con Nai từ Cơ Quan Tình Báo Chiến Lược Hoa Kỳ (OSS), tiền thân của CIA sau này. Người Mỹ nổi tiếng về tính thực dụng, chẳng nhẽ giữa thời buổi nước sôi lửa bỏng này mà các đại diện cho nước Mỹ bỏ thời gian lên tận Tuyên Quang và Hà Giang thăm lại khu căn cứ địa giải phóng một thời chỉ để “ăn mày dĩ vãng”?

Quốc Hội đã không có bất cứ một nghị quyết nào về Biển Đông. Điều này cũng chẳng làm các cử tri thất vọng. Họ đã vượt qua ngưỡng thất vọng ấy từ cuộc họp Trung Ương 11 hồi đầu tháng, sau khi tổng chủ “đánh trống bỏ dùi.” Điều họ muốn biết là các ông đã “thỏa thuận cấp cao” với giặc những gì? Vì trong các phát biểu chính thức, từ quân sự tới ngoại giao, các ông luôn luôn viện dẫn đến “những thỏa thuận cấp cao” mà dân đen không được biết đó là các thỏa thuận nào. Phải chăng Trung Quốc chỉ rút tàu thăm dò HD-8 sau khi giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật rời khu vực Tư Chính về Vũng Tàu? Còn một giả thuyết nữa là sau khi ông Trọng từ bỏ kế hoạch qua Mỹ để nâng cấp cái “đối tác toàn diện,” thì Bắc Kinh tự đánh giá họ đã thành công trong việc cản phá Hà Nội xích lại gần Washington, nên đã quyết định rút tàu về nước, chuẩn bị cho hiệp tới? Có thể ngay trong cả 500 vị ngồi họp ở Ba Đình cũng không mấy ai hiểu được thực hư các chuyển động quyền lực trong nội bộ đảng, chính quyền và Quốc Hội. Một bộ phận không nhỏ trong số họ cũng ngu ngơ trước các cuộc đấu đá quyền lực ở cấp độ quốc gia, vùng miền, trước những can thiệp khá sâu của người láng giềng phương Bắc vào công việc nội bộ. Và không ít trường hợp, họ cũng trở thành nạn nhân của các cuộc đấu đá ấy.

Hãy điểm qua hàng loạt những cái chết tức tưởi ngay của những người trong chính quyền hay có quan hệ gần gũi với chính quyền ta mới hình dung mức độ ghê rợn của sự sát phạt lẫn nhau giữa các nhóm mafia đỏ. Đúng như một blogger vừa tâm sự: “Đất nước này chưa bao giờ được thanh bình dù đã im tiếng súng. Nhưng tiếng súng nơi lòng người vẫn cứ nổ ngày đêm, và những viên đạn vô hình ấy đang giết dần sinh mệnh, nhân phẩm, lòng yêu thương, tự do và cả tương lai của một dân tộc có số phận vốn dĩ rất buồn!” Status của blogger này gợi nhớ lại lời của ông Hồ Chí Minh cách đây gần 70 năm khi ông viết: “Dân tộc Việt Nam từng trải qua một lịch sử bi tráng.” Thưa ông Hồ, phần bi tráng sử sách đã ghi lại nhiều, nhưng còn nhiều những bi kịch, mà cho đến giờ này, các nhà lịch sử vẫn chưa được phép viết ra, ông ạ!

Tản mạn những sự kiện, có thể hoàn toàn do tình cờ, xung quanh thời điểm kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa XIV, như một sự cảnh tỉnh những ai còn mê lú cho rằng, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay.

MỚI CẬP NHẬT