Thursday, April 25, 2024

Thấy gì qua vụ bị ‘bắt cóc’ hay ‘đầu thú’ của ông Trịnh Xuân Thanh?

Song Chi (Nguồn: RFA)

Thấy gì qua vụ bị “bắt cóc” hay “đầu thú” của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch phụ trách công nghiệp – thương mại Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC)?

Sự thê thảm của một nền báo chí chính thống bị trói tay

Từ khi có Internet, nhất là từ khi Facebook phát triển, trở thành kênh trao đổi, chia sẻ thông tin chính của các nhà báo tự do và những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam, chúng ta thấy báo chí chính thống thường xuyên phải chịu thua Facebook và báo chí bên ngoài trong việc đưa tin, bình luận về nhiều sự kiện ở Việt Nam. Không phải tất cả các nhà báo chính thức đang ăn lương của nhà nước đều kém tài, nhưng ai cũng biết họ đã bị nhà cầm quyền trói tay, trước mỗi sự việc, cái nào được phép nói, cái nào không, khi nào nói và nói như thế nào, tất cả đều được chỉ đạo.

Trong vụ Trịnh Xuân Thanh cũng vậy. Thông tin Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam xuất hiện đầu tiên trên Facebook của nhà báo Huy Đức-Trương Huy San tức blogger Osin từ sáng Chủ Nhật, 30 Tháng Bảy, với một dòng status ngắn ngủi: “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”

Nhưng cùng ngày hôm đó, khi báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn về việc này, Thượng Tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công An vẫn trả lời: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì.” Qua ngày hôm sau, Thứ Hai, 31 Tháng Bảy, thì hàng loạt tờ báo của nhà nước đồng loạt đưa tin “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú” với nội dung gần y hệt nhau, do phía công an cung cấp!

Nhưng cũng ngay sau đó, từ tờ Thời Báo-tạp chí của cộng đồng người Việt tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, tiếp theo là BBC Việt Ngữ, câu chuyện Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” ngay tại Berlin chứ không phải tự nguyện “đầu thú” được bung ra. Ngày 2 Tháng Tám, đến lượt chính phủ Đức chính thức lên tiếng qua bản tuyên bố của văn phòng Bộ Ngoại Giao Đức về quan hệ Việt Nam – Đức với ngôn ngữ chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời cho biết:

“Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức. Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển.” (“Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh,” BBC).

Để đối phó lại với sự chỉ trích trên, đúng như dân mạng dự đoán, video và cả thư viết tay của Trịnh Xuân Thanh khẳng định mình ra đầu thú xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia VTV. Nhìn khuôn mặt phờ phạc, thần sắc khác hẳn một trời một vực của Trịnh Xuân Thanh trên TV so với khi còn ở Đức, có thể hiểu được rằng đám công an sốt ruột, muốn nhanh có “bằng chứng” Trịnh Xuân Thanh thú nhận “đầu thú” chắc chắn đã phải sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” khá mạnh tay, chứ không chỉ là những lời đe dọa nhắm vào tính mạng vợ con, bố mẹ Trịnh Xuân Thanh chẳng hạn.

Và tất nhiên, các báo khác cũng đồng loạt đưa tin y hệt.

Cứ thử hình dung mọi chuyện giống như cách đây mười lăm, hai mươi, ba mươi năm, không có Internet, không có mạng xã hội, chắc là cái “kịch bản đầu thú” này sẽ được ít nhất trên 90% dân chúng tin như thật.

Còn bây giờ, báo chí chính thống đã, đang và sẽ luôn luôn thua trong cuộc chiến thông tin với báo chí bên ngoài và mạng xã hội.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã dấn thêm một bước trên con đường tự bôi nhọ mình

Việc nhà cầm quyền Việt Nam dám tổ chức “bắt cóc” người ngay tại Đức-một quốc gia tự do, dân chủ, nổi tiếng tôn trọng luật pháp, một cường quốc đứng đầu khối EU và thường có tiếng nói phản đối mạnh mẽ đối với các quốc gia độc tài, chả đạp nhân quyền… cho thấy Hà Nội đã dấn thêm một bước trên con đường rời xa lộ trình tự thay đổi theo hướng tích cực, tốt đẹp, và bất chấp dư luận quốc tế.

Nếu chúng ta theo dõi tình hình thì thấy, trong năm nay, sự thay đổi chính sách đối ngoại, co cụm với những vấn đề nội bộ, vô hình trung từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới tự do của Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump khiến Hà Nội hiểu ra rằng không còn có thể hy vọng gì vào Mỹ trong lúc sức ép từ Trung Cộng càng lúc càng tăng. Nhưng thay vì lựa chọn con đường dân chủ hóa để trở thành một thành viên của các nước tự do, dân chủ, có bạn bè, có đồng minh, đồng thời thoát ra khỏi gọng kìm của Trung Cộng, thì Hà Nội đã chọn con đường đối ngoại dứt khoát thần phục Bắc Kinh, đối nội cương quyết bám giữ quyền lực đến cùng.

Đối với Bắc Kinh, Hà Nội càng lúc càng “nhũn,” mà sự việc trong Tháng Bảy vừa qua, Hà Nội lẳng lặng cho ngừng khoan thăm dò dầu khí tại lô 136-03 ngoài khơi phía Đông Nam của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc, cho dù sẽ chịu thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, chỉ là một trong những ví dụ gần đây nhất.

Đối với người dân, nhà cầm quyền tăng cường đàn áp mọi tiếng nói phản kháng. Từ đầu năm đến giờ mới có bảy tháng mà đã gần 20 người bị bắt. Ít nhất bốn người đã bị kết án nặng nề, trong đó có hai trường hợp được thế giới lưu tâm nhiều vì hoàn cảnh của họ, đó là hai người mẹ đơn thân có các con còn nhỏ: blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỷnh bị 10 năm tù, năm năm quản chế và nhà hoạt động Trần Thị Nga 9 năm tù, năm năm quản chế.

Ngoài ra Hà Nội đã bắt giữ hàng loạt người, một số từng là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, như Luật Sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Trương Minh Đức, nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn… với tội danh rất nặng là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” mà bản án co dãn từ năm năm tù đến tử hình.

Trong khi tất cả chúng ta đều biết những con người này chỉ đấu tranh bằng lời nói, bằng những bài viết, một vài hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc, phản đối vụ Formosa, lên tiếng cho dân oan… Làm sao có thể kết tội họ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” khi trong tay họ không có bất cứ vũ khí, lực lượng, tổ chức, lẫn cơ sở tài chính gì?

Điều đó chỉ chứng tỏ nhà nước Cộng Sản Việt Nam ngày càng trở nên bất chấp dư luận quốc tế, ngày càng khắc họa rõ nét hình ảnh một chế độ tồi tệ, man rợ, phản động khiến thế giới càng thiếu thiện cảm.

Nhà cầm quyền thiệt hại một, người dân Việt thiệt hại mười

Thật ra, nhà cầm quyền Việt Nam đã từng “bắt cóc” người ngay tại đất Cambodia, Thái Lan… Như trường hợp của anh Lê Trí Tuệ, bị mất tích ngày 16 Tháng Năm, 2007, khi đang tị nạn chính trị tại Cambodia, từ đó đến nay không ai biết còn sống hay đã chết; hay vợ chồng bà Phạm Thị Phượng, Phạm Bá Huy bị theo dõi từ bên Thái Lan rồi bị bắt ngày 21 Tháng Tư, 2010, ngay khi vừa quay trở về Việt Nam và bị kết án 11 năm… Cambodia, Lào hoặc ngay cả Thái Lan đều không phải là những nơi tuyệt đối an toàn cho những ai muốn chạy trốn khỏi Việt Nam và tìm đường tị nạn.

Nhưng lần này lại là Đức.

Nhà cầm quyền Việt Nam cứ tưởng mình cũng như Trung Cộng! Trung Cộng có lẽ sẽ không ngại gì cái trò lẻn vào một quốc gia dân chủ, thượng tôn pháp luật để “bắt cóc” người, nhưng với Trung Cộng, một số nước có thể buộc phải cho qua vì còn phải làm ăn với Tàu, vả lại, Tàu bây giờ cũng to, mạnh lắm rồi, không thể không kiềng mặt. Chứ còn vị thế của Việt Nam trên thế giới khác xa Trung Quốc, Việt Nam lại chỉ nhờ vả, đi xin, đi vay nước người ta là chính, ai người ta sợ!

Phản ứng mạnh của Đức một phần là do họ đã nắm đầy đủ bằng chứng việc Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc,” phần khác, việc Việt Nam ngang nhiên vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, ngang nhiên coi thường mối quan hệ ngoại giao giữa hai bên này đã làm ảnh hưởng đến uy tín, đến hình ảnh về sự an ninh, an toàn của nước Đức, và có thể sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia độc tài hay ngay cả các tổ chức khủng bố có những kế hoạch tương tự nên họ phải lên tiếng. Cho dù Trịnh Xuân Thanh có tham nhũng, có là tội phạm kinh tế như cáo buộc của nhà nước cộng sản Việt Nam thì đối với Đức, việc làm của nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Còn Việt Nam? Uy tín của Việt Nam từ trước đến nay với thế giới hay lòng tin của người dân vào sự minh bạch, trung thực của nhà cầm quyền đều đã tụt xuống độ âm nên có mất mặt thêm hay dân có tin hay không, họ cũng chả quan tâm. Có chăng cái họ lo ngại, chỉ là sợ mất đi những quyền lợi về kinh tế, sự giúp đỡ hào phóng từ Đức và các nước văn minh khác mà thôi.

Thiệt thòi nhất vẫn là người dân, không chỉ mang nỗi nhục phải sống trong một quốc gia có một nhà cầm quyền luôn hành xử như côn đồ, bất chấp luật pháp trong nước và quốc tế, luôn dối trá, lươn lẹo, sử dụng mọi mưu hèn kế bẩn miễn đạt được mục đích; nhưng điều đáng nói hơn, một khi thế giới càng xếp hạng Việt Nam vào loại không thể tin, không thể chơi được, thì Việt Nam càng ngả hẳn về phía Trung Cộng, và đó là ác mộng lớn nhất cho dân tộc này.

MỚI CẬP NHẬT