Thursday, April 25, 2024

Vì sao lễ hội của người Việt chủ yếu rơi vào hai mùa Xuân-Thu?

Tôn Phi (Nguồn: VOA)

Tổ tiên người Việt xưa sống theo nông nghiệp, nên phải theo dõi thời tiết để gieo trồng cho kết quả, cha ông chúng ta không dừng lại đó mà còn tìm mọi cách sống theo nhịp điệp huyền vi của vũ trụ, vì thâm cảm rằng “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong.”

Hội Vật Cầu trong Tết Nguyên Đán ở Hà Nội. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Thời gian ăn Tết trải dài theo các mùa trong năm, chủ yếu vào hai mùa Xuân và Thu. Mùa Đông, đêm dài hơn ngày, nghiêng nặng về đất, mùa Hạ ngày dài hơn đêm, nghiêng nặng về trời. Người Việt Nam ăn Tết vào mùa Xuân và mùa Thu, vì thời gian ngày và đêm hai mùa này ngang bằng nhau, thuộc về trục nhân của con người, tức là đối tượng phụng sự chủ yếu trong Nho, nguyên nghĩa Nho là nhu thuận, nho nhã, mà Nho cũng có nghĩa là nhu yếu, thứ đường hướng giáo dục con người đáp ứng được các nhu yếu thâm sâu của con người.

Vào mùa Xuân và mùa Thu, công việc gieo trồng đã thu hoạch xong, là lý do thực tiễn. Đây là thời gian tốt nhất để nghỉ xả hơi, ăn ngon mặc đẹp. Nhất là phải làm mới lại tất cả, làm mới lại mối giao hòa với trời đất, tổ tiên và lân nhân. Vì vậy đáp ứng được cả con người vật chất cần miếng ăn và con người tâm linh cần đời sống tinh thần vui vẻ.

Tết hay đi kèm với hội, hội là các cuộc vui tổ chức cho dân làng, liên làng hay hàng tổng. Mục đích là tập trung đông con người lại vui chơi với nhau, để làm phát triển tinh thần cộng đồng. Hội của người Tây Âu hay diễn ra vào mùa Hè hoặc mùa Đông, nơi thời tiết khắc nghiệt, còn hội của người Viễn Đông, trong đó có người Việt, lại hay diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu, nơi thời tiết tương đối ấm áp và dễ chịu cho việc ra ngoài.

Trong những đợt này người ta khuyến khích nam nữ tự rèn luyện thể xác và tinh thần để trở thành những người trai hùng, gái đảm. Vào thời mà luân lý chưa khắt khe, có những hội cho nam nữ trao duyên, chẳng hạn như hội trống quân sau khi đối đáp thì đôi trai gái được hợp thân ngay trên bãi cỏ. Đến tận ngày nay, tại nhiều nơi vẫn còn các hội như thế này. Theo Việt tộc thì chuyện trai gái yêu đương là chuyện quan trọng hàng đầu trong những mối nhân luân-quân tử chi đạo tạo đoàn hồ phu phụ.

Khi gặp nhau thì khởi đầu bằng lời hát giao duyên, hai bên đối đáp nhau bằng lời thơ câu hát. Sau khi hát xong thì ưng ý lội qua sông, tặng nhau bó hoa hay cành cây, rồi thì hợp thân trên thảm cỏ xanh, gọi là đạp thanh. Cả làng khuyến khích trai gái tự do tìm hiểu nhau, phát triển tính cộng đồng. Lúc này là mùa Xuân, đến mùa Thu mà người con gái có mang thì hai bên cưới nhau, kết nghĩa vợ chồng.

Ý nghĩa hai mùa Xuân Thu sâu đậm như vậy. Thời hiện đại, khi luân lý thay đổi, ước muốn ấy vẫn còn dó nhưng tạm chưa có hình thức thay thế ứng hợp với luân lý đời mới. Tính phồn thực của các hội vơi đi, chờ dịp sinh sôi trở lại.

Hội có thể được bảo lưu, còn lễ thì dần dần vắng bóng. Lễ là cung và kính. Lễ là bản chất sự sống của Việt tộc, gồm hai lối xuất nhập, xuất thì kính (trọng người khác), nhập thì cung (trọng chính mình). Cung là trọng mình và kính trọng người. Trọng tha nhân nên thăm viếng, quà cáp, chúc mừng, để hiện thực được những điều tốt đẹp học được nơi lân nhân. Dịp lễ là dịp để tâm hồn vươn lên bắt gặp những tâm hồn cao thượng.

Có hai lễ rất quan trọng đã thất truyền là lễ Gia Quan và lễ Cài Trâm. Lễ Gia Quan dùng cho con trai lúc trưởng thành, đánh dấu cậu trai trở thành đại nhân chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình. Lễ Cài Trâm đánh dấu lúc cô thiếu nữ trở thành người đoan chính, học được hết các phép tắc từ người mẹ.

Gốc có vững mạnh thì ngọn mới xum xuê, cậu nam cô nữ ra đường đời mới vững vàng. Nhưng các lễ đã thất truyền, gọi là thất truyền vì đến nay chẳng có nơi nào còn giữ lễ Gia Quan và lễ Cài Trâm, họa may có nhà nào giữ cũng chưa chắc hiểu được đúng tinh thần của nó. Muốn phục hồi được hai lễ ấy, nhất thiết phải có được sự hướng dẫn của các vị bô lão hiền triết đang lẩn khuất trong dân. Lễ Gia Quan và lễ Cài Trâm cũng được tổ chức vào mùa Xuân.

Những lễ hội tôn vinh con người nhân chủ của Việt tộc, những nẻo đường hướng nội đi vào tâm linh, dẫn con người vào đường đại đạo, để xây dựng con người đại ngã, con người văn hiến. Người ta làm đẹp lại các mối nhân luân với cha mẹ, anh em, bạn bè, họ hàng, làng xóm. Qua một năm, con dân Việt đã sống theo tiết nhịp của vũ trụ, qua sự giao hội của không gian và thời gian, nhờ đó mà sự sống được viên mãn, hay cách khác là mẹ tròn con vuông (mẹ biểu thị thời gian, tròn, con biểu thị không gian, vuông). Nét lương hợp xuyên suốt bên trong như vậy nên gọi người Việt là người lưỡng thê, hay người Giao Chỉ (chỉ đất giao nhau với chỉ trời).

Nhìn ra xa xôi một chút và ôn cố tri tân, xây dựng xã hội nhân bản để phục vụ con người, đáp ứng được hai nhu yếu thâm sâu của con người, đó là quyền được ăn và quyền được nói. Người mạnh, người trung bình, người yếu, thậm chí có người tàn tật không làm được gì, tất cả đều được vui chung.

MỚI CẬP NHẬT