Monday, March 18, 2024

Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình

Văn Lang

Việc dây dưa, “ngâm” luật về biểu tình đưa Việt Nam vào tình thế… chông chênh và hơn thế nữa – Tình trạng dầu sôi, lửa bỏng!

Vậy nên, Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình!

Nhất là, mới đây hôm 10 Tháng Sáu tại Việt Nam đã bùng phát cuộc “tổng biểu tình” trên nhiều tỉnh thành để phản đối dự luật về “Đặc Khu Kinh Tế” và “An Ninh Mạng” mà Quốc Hội CSVN đang bàn thảo.

Cuộc biểu tình của người dân, nhiều nơi diễn ra trong ôn hòa. Nhưng có những nơi đã xảy ra tình trạng “bạo động.” Như ghi nhận tại Bình Thuận, người dân vì phẫn nộ đã tràn vào đập phá trụ sở của Ủy ban tỉnh. Hay như ở Sài Gòn, tuy biểu tình ôn hòa nhưng cũng đã có xảy ra tình trạng dùng bạo lực để trấn áp người dân…

Thời mà chủ tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam là Trương Tấn Sang còn đang tại vị. Trước những cuộc biểu tình sôi sục của người dân chống lại việc Trung Cộng đem dàn khoan vào Biển Đông. Tuy dân chúng biểu tình bày tỏ lòng yêu nước (chính đáng), lại bị các sai nha -công quyền đàn áp dữ dội. Ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng trước giới truyền thông, là: “Quyền bày tỏ lòng yêu nước của người dân là quyền thiêng liêng.” Tuy chủ tịch nước nói vậy, nhưng hôm sau người dân đi biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng vẫn bị đàn áp, nhiều người bị bắt bớ, giam cầm…

Vì không có luật về biểu tình, nên lằn ranh giữa việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa của đông đảo người dân. Với việc đám đông giận dữ, phẫn uất chuyển qua bạo động, chỉ cách nhau trong… “đường tơ, kẽ tóc.”

Qua thực tế, từ những va chạm trong các cuộc biểu tình (dù là ôn hòa). Khi hàng rào an ninh làm bằng người (là những nhân viên công lực), bắt đầu có sự xô lấn. Người biểu tình thì muốn tràn tới, bị nhân viên an ninh đẩy ngược lại, hoặc chặn không cho đi tới địa điểm (như tòa lãnh sự Trung Cộng). Sự xô đẩy giữa hai “thế lực” này đôi khi khá căng thẳng, chỉ cần một ai đó, trong hàng ngũ bên đây hoặc bên kia, thiếu kiềm chế hoặc mất kiểm soát là những điều đáng tiếc ngay lập tức có thể xảy ra.

Chưa kể, khi thế lực thuộc phe “người lạ” cho cài cắm người, trà trộn tạo tình huống kích động, để phe người Việt “đập” lẫn nhau. Gây bạo động trên diện rộng, hòng “đục nước béo cò,” dễ bề tạo cớ thôn tính nước ta.

Nhiều trí thức tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình thấy rõ tình huống rất chông chênh. Khi không có luật về biểu tình, nhân viên thực thi công lực rất dễ “lạm dụng tình huống” để quá đà trong việc “giữ gìn trật tự” mà không sợ bị trừng phạt. Ngược lại, về phía người biểu tình chống xâm lược là thể hiện lòng yêu nước chính đáng, nhưng vì không phải là “biểu tình hợp pháp.” Nên họ không được tổ chức và huấn thị những điều cần thiết, cũng như xử lý những tình huống cố tình bị “khiêu khích,” kích động dễ dẫn tới những hành vi mất kiểm soát làm phương hại tới mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc biểu tình, tuần hành.

Một khi, súng đã nổ và máu đã đổ thì “hòa khí” giữa các bên sẽ khó bề hàn gắn.

Các nghiên cứu về tâm lý học đám đông, đều cho thấy kết quả – Khi đám đông nổi giận (ở đây là đoàn người biểu tình), bị kích động bằng phản ứng tâm lý dây truyền, thì không có gì ngăn cản được cơn “cuồng nộ” của đám đông. Việc đập phá trụ sở, đốt xe thậm chí tấn công công an, cảnh sát đều là điều… bình thường. Đám đông chỉ “hạ nhiệt”khi cơn “cuồng nộ” của họ được thỏa mãn. Ở Việt Nam điều này đã xảy ra, sau sự kiện về Formosa, đám đông đã tấn công, đốt phá các công ty có bảng hiệu bằng chữ Tàu, mà không cần phân biệt đó là công ty Đài Loan hay Nam Hàn…

Tại các nước văn minh, nhà nước hành xử bằng luật pháp, do vậy họ có luật về biểu tình. Như vậy, người biểu tình hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ, và không được phép đi quá những gì mà luật về biểu tình quy định. Và nhân viên công lực không có trách nhiệm đàn áp biểu tình hợp pháp, mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, giám sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi trái với luật biểu tình. Nên có người nói “hơi quá” là ở các nước dân chủ – văn minh, đi biểu tình cũng giống như là đi… píc-níc. Chứ không quá ghê gớm như ở Việt Nam, đi biểu tình mà giống như đi làm chuyện… động trời.

Luật biểu tình ở Việt Nam phải sớm ban hành, vì nó cấp thiết phù hợp với tình trạng xã hội đang chuyển biến ở Việt Nam. Vì chắc chắn một điều, dân chúng dù bị cấm tụ tập, biểu tình nhưng họ không cam tâm ngồi yên, khi vận nước đang hồi – dầu sôi, lửa bỏng. Như những người tham gia biểu tình chống Tàu cộng xâm lăng (hôm 10 Tháng Sáu) đã bày tỏ: “Thà làm ‘phản động’ còn hơn làm kẻ bán nước!”; “Không để Tàu Cộng thuê đất dù chỉ một ngày, đừng nói tới chuyện cho thuê đất tới 99 năm!”…

Lòng dân đã rõ, còn sự “dòm ngó” của Tàu Cộng xâm lăng, thì người dân sẽ còn xuống đường, tuần hành, biểu tình dài dài. Quyền được bày tỏ lòng yêu nước của người dân chẳng những thiêng liêng, mà đó là một quyền phải được pháp luật bảo vệ, tại bất kỳ quốc gia có chủ quyền độc lập nào. Những thế lực nào ngăn chặn lòng dân yêu nước, thì những kẻ đó đã lộ rõ dã tâm bán nước.

Nếu Quốc Hội Cộng Sản kỳ này, bỏ phiếu thông qua “Luật Đặc Khu” với thời hạn thuê đất lên tới 99 năm, thì lịch sử Việt Nam sẽ ghi rõ – quốc hội kỳ này, là một quốc hội bán nước. Vì như những đại biểu còn lương tri trong Quốc Hội Cộng Sản cũng đã chỉ rõ rằng – Thời hạn thuê đất 99 năm, không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, mà chỉ khuyến khích Trung quốc di dân xuống “làm tổ” tại ba đặc khu là: Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Để từ đó lan tỏa giấc mộng bành trướng, mà không cần nổ một phát súng, chỉ cần quăng ra một tí tiền.

Cùng với luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng (nếu được thông qua), Việt Nam sẽ sớm biến thành dê béo trên bàn tiệc của hổ Trung Hoa. (Văn Lang)

MỚI CẬP NHẬT