Friday, April 19, 2024

Xung quanh chuyến thăm Hà Nội của Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo

Nguyễn Quang (Nguồn: RFA)

Phán đoán xung quanh chuyến thăm Việt Nam đột ngột trong lần công du năm nước Châu Á trong sáu ngày này (từ 25 đến 30 Tháng Mười) của Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo, tờ báo chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc bình luận: “Hoặc do có một sự kiện khẩn cấp lớn mang ý nghĩa hệ trọng đối với cả hai phía, cần phải thương lượng trực tiếp; hoặc hai bên đã thương lượng rồi, nhưng vì vấn đề nhạy cảm nên không công bố trước để tránh bị can thiệp, vì vậy chỉ có thể đưa ra thông báo lúc sắp diễn ra.”

Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh hôm 30 Tháng Mười, 2020, tại Hà Nội. (Hình minh họa: Bui Lam Khanh/VNA via AP)

Triết lý đối ngoại mới?

Bình luận nói trên là một sự “ăn ốc nói mò” hay đấy là một xác quyết tình báo của tờ Global Times về một xu hướng “bẻ lái” trong triết lý đối ngoại của Hà Nội? Chắc còn phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể giải mã một cách chính xác cho vấn đề nóng bỏng này. Chỉ biết lâu nay, phẫn nộ trước sức bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã dám nâng cấp một bước về quan điểm chủ động và hành động cương quyết hơn để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự kháng cự đó khiến Việt Nam đang ngày càng được coi là một đối tác mới nổi, cùng hội cùng thuyền (like-minded) với Mỹ và thế giới phương Tây.

Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại Học New South (Úc), sự hưởng ứng ngày càng rõ nét của Việt Nam đối với “Nhóm Bộ Tứ” (Quad) đánh dấu bước tiến hóa mới trong xu hướng “bẻ lái” nói trên. Việt Nam dường như đang xây dựng một triết lý đối ngoại mới trong năm chủ tịch ASEAN và hai năm hoạt động tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tăng cường hơn nữa các mối liên hệ chiến lược với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

“Gắn kết và chủ động thích ứng” từ nay liệu có thể sẽ trở thành “nguyên lý đối ngoại nền” để ứng phó với kỷ nguyên bất định trước mắt? Giáo Sư Thayer dự báo: “Hưởng ứng ‘Quad’ sẽ là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, đó là đưa Việt Nam tham gia vào càng nhiều tổ chức đa quốc gia càng tốt và chủ động hơn trong các diễn tiến khu vực, vì lợi ích của bản thân, đồng thời thu hút các bạn bè trên thế giới.”

Tuy chuyến thăm không công bố trước trong lịch trình của ngoại trưởng Mỹ nhưng Hà Nội vẫn đón ông Pompeo là nằm trong xu hướng nói trên. Điều này cho thấy Hà Nội hiểu được bức xúc của Washington. Lần này không phải là vấn đề dân chủ-nhân quyền, mà cái chính là Mỹ cần Việt Nam có cam kết dứt khoát đối với quá trình xây dựng cấu trúc an ninh tập thể của “Bộ Tứ.”

Thái độ của Việt Nam ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn trong hai sự kiện liền kề. Một là, Hà Nội vừa thịnh tình đón tiếp tân Thủ Tướng Nhật Saga, đồng minh “ruột” của Mỹ ở Đông Á và ký kết hàng loạt các thỏa thuận về kinh tế, đặc biệt là hợp tác về an ninh, trị giá $4 tỷ. Hai là, Hà Nội vừa tổ chức xong “Diễn đàn Doanh nghiệp Indo-Pacific” lần thứ ba (IPBF-3) và cũng đã ký kết các hợp đồng, trị giá nhiều tỷ đô la.

Tiếp ông Mike Pompeo hôm 30 Tháng Mười, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Ông Phúc nhấn mạnh tầm chiến lược của lĩnh vực hợp tác năng lượng trong quan hệ song phương, trong đó có việc tăng cường nhập cảng LNG từ Mỹ.

Thủ Tướng Phúc đồng thời khẳng định Việt Nam cam kết kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Mỹ hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Cả chủ nhà lẫn khách đều ca ngợi các kết quả nổi bật tại IPBF-3 do Hà Nội và Washington đồng tổ chức. Nhưng ông Pompeo vẫn không quên yêu cầu Việt Nam phải hóa giải nhanh các bất cập và rủi ro về thặng dư thương mại gây thiệt hại cho Hoa Kỳ.

Những cản trở phía trước

Ông Pompeo vừa rời Việt Nam thì ngay lập tức, đại sứ Mỹ tại Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn suốt hai giờ đồng hồ (đúng là kỷ lục!) với truyền thông trong nước, cũng bất thường như chính chuyến công du của ông ngoại trưởng vậy.

“Việt Nam hiện là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trên thế giới. Bây giờ thì tôi ước: giá mà mình có thể ở Việt Nam mãi mãi.” Vế đầu trong phát biểu này của đại sứ là chiều kích địa-chính trị của quan hệ Việt-Mỹ trong 25 năm qua, nhưng đặc biệt hơn là từ nay về sau (Việt Nam là đối tác quan trọng nhất!) bất luận là ứng viên Dân Chủ hay Cộng Hòa sẽ ngồi vào ghế tổng thống trong những ngày tới.

Vế thứ hai có pha lẫn phần tình cảm của ông đại sứ đối với cái Châu Á, xứ sở mà ông đã tìm thấy “nửa kia” gắn bó với cuộc đời mình. Trong các phu nhân của nhiều quan chức ngoại giao và giới chuyên gia học thuật ở Mỹ có khá nhiều phụ nữ gốc Á Đông.

Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chào nhau thời COVID-19 ở Hà Nội hôm 30 Tháng Mười, 2020. (Hình minh họa: Hoang Thong Nhat/VNA via AP)

Đại Sứ Daniel J. Kritenbrink cũng không là trường hợp ngoại lệ. Nhưng bang giao Việt-Mỹ không phải là một cuộc hôn nhân bình thường. Nó luôn luôn là một biến thể trong tương quan tay ba Việt-Mỹ-Trung mà ở đấy, nhân tố các nước lớn quyết định cả chiều hướng lẫn chất lượng của cuộc các mối quan hệ, nó là tổ hợp các yếu tố thúc đẩy lẫn các chiều kích kìm hãm cuộc chơi.

Vâng, không phải ngẫu nhiên mà cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có một lời bình “chát chúa” như thượng dẫn, trước khi chuyên cơ của ông Pompeo đáp xuống sân bay Nội Bài tối 29 Tháng Mười.

Trên đại khu vực Đông Á tới đây, các quân cờ di động cần biết trước đối tác sẽ đi những nước cờ nào, và đặc biệt phải lượng định trước các giới hạn lịch sử cũng như biên cương mới tạo ra không gian vận động của mỗi bên, để có thể đáp ứng các yêu cầu nào của bên thứ ba.

Những thăng trầm trong quan hệ với các cường quốc từng khiến cựu Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm có lúc đã phải thốt lên: Trong ngoại giao nói riêng và vận nước nói chung, nếu ta để nhỡ thời cơ, có khi phải mất rất lâu, thời cơ mới xuất hiện trở lại, hạn chế rất lớn đến lộ trình thực hiện các mục tiêu tổng thể… Ông Cầm thừa nhận, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, đã có quan điểm từ thượng tầng lãnh đạo Việt Nam cho rằng, đã đến lúc nên thúc đẩy “quan hệ đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quá trình này tới nay vẫn chưa dịch chuyển được như tiến độ đôi bên mong muốn.

Từng là ủy viên Bộ Chính Trị, ông Nguyễn Mạnh Cầm từ năm 2013 đã chỉ ra lực cản đến từ đâu, làm chậm tiến trình thúc đẩy “quan hệ chiến lược” với Mỹ. Đó là do chính sách của nước lớn đối với nước nhỏ, điều mà ông gọi là “tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt… Và đấy cũng chính là cội nguồn từng gây ra bao nghịch lý cho dân tộc Việt trong lịch sử. Nay nếu ta không biết cách chế ngự nó, tương lai có nhiều chuyện khó dự đoán!”

Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo (thứ ba, từ phải) chụp hình cùng Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc (giữa), Đại Sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink (thứ ba, từ trái) và các giới chức CSVN hôm 30 Tháng Mười, 2020, tại Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Thong Nhat/VNA via AP)

Lúc bấy giờ tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng điều cựu ngoại trưởng Việt Nam lo ngại từ gần chục năm trước, giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhất là thời gian từ nay cho đến Đại Hội 13 của đảng CSVN.

Tướng Đỗ Lê Chi, tổng cục trưởng An Binh Bộ Công An, mới đây vừa công khai phát biểu: Việt Nam lâu nay vẫn luôn chủ trương chủ động hội nhập, nhưng có lúc vẫn bị động. Các nước lớn triển khai chính sách mà mình cứ phải cân đong đo đếm có tham gia hay không. Điều ấy cho thấy vai trò chủ động của Việt Nam chưa phải là cao.

Theo như đánh giá này, vừa rồi, nếu ông Pompeo có thúc giục Hà Nội phải chủ động hơn nữa thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Điều bất ngờ có thể là, nếu nay mai một đoàn cấp cao của Trung Quốc lại sang, hay một trong bảy ủy viên thường vụ của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đến Hà Nội để hâm lại mấy câu bùa chú “4 tốt, 16 chữ vàng.” Trong trường hợp ấy, liệu kết quả tưởng như đã nhãn tiền qua chuyến thăm của ông Pompeo có bị vô hiệu hóa? Chưa ai dám trả lời câu hỏi này khi cuộc tranh cãi về chiếc ghế tổng bí thư đảng CSVN ở Ba Đình vẫn chưa vào hồi kết.

MỚI CẬP NHẬT