Thursday, March 28, 2024

Tình (già) và bịnh


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


Hỏi:


-Tôi năm nay đã 71 tuổi, nhưng rất còn phong độ trong chuyện đàn ông đàn bà. Gần đây có người nói với tôi rằng coi chừng bị Siđa, nhưng tôi nghĩ những người tôi quan hệ đều đã hết kinh hoặc dùng thuốc ngừa thai, như vậy làm sao bị Siđa được? Có đúng vậy không?


-Tôi đã gần bảy mươi, nhưng mỗi lần “quan hệ”, bạn gái của tôi đòi phải xài bao để ngừa thai và ngừa bệnh. Xin cho hỏi bảy mươi còn có thể có con không, và có còn có thể bị bệnh hoa liễu hay không?



Ðáp:


Người (dù) lớn (hay trẻ) tuổi vẫn (đều) có thể bị lây Siđa (HIV/AIDS) nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa.


Hơn nữa, nếu bị nhiễm HIV, thời gian dẫn đến tử vong thường sẽ nhanh hơn ở người lớn tuổi, vì sức đề kháng của họ nói chung kém hơn lúc trẻ.


Một công bố, đăng trên tuần san của Các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Bệnh Hoa Kỳ (CDC- Centers for Disease Control and Prevention) “Morbidity and Mortality Weekly Report”, phân tích các dữ liệu từ 34 tiểu bang từ năm 1996 đến 2005, cho thấy chỉ có 45 phần trăm các bệnh nhân đã được chẩn đoán bị nhiễm HIV, được chẩn đoán trong vòng 3 năm đầu sau khi nhiễm bệnh.


Cũng theo công bố này, các trường hợp bị chẩn đoán trễ (khiến cho việc điều trị khó khăn và kém hiệu quả hơn nhiều), lại thường gặp hơn ở các sắc dân thiểu số (late HIV diagnosis was more common in racial/ethnic minorities than in whites). Ðàn ông và những người lớn tuổi khi “được” chẩn đoán đã bị nhiễm HIV, thường chuyển tiếp sang giai đoạn bị AIDS (Siđa) trong vòng 3 năm sau đó.


Theo các nghiên cứu gần đây, thì các trường hợp mới bị nhiễm Siđa đã tăng nhanh hơn ở nhóm tuổi trên 50 so với nhóm tuổi dưới 50.


Sở dĩ như vậy, vì trước đây, người ta chỉ nhấn mạnh rằng Siđa (HIV/AIDS) lan truyền ở người trẻ (đang sung sức về tình dục), ở trẻ em sanh bởi những bà mẹ bị nhiễm HIV, những người nghiện xì ke, vô gia cư… Do đó, người lớn tuổi không quan tâm lắm đến chuyện này, có một số cứ nghĩ (một cách rất sai lầm) rằng họ đã được miễn nhiễm với chúng nhờ tuổi tác.


Việc giáo dục về bệnh hoa liễu đã bị lơ là ở người lớn tuổi, vì vẫn có quan niệm (sai lầm) cho rằng người già thì không còn sinh hoạt tình dục nữa, và do đó họ không phải là nhóm nguy cơ của các bệnh hoa liễu, trong đó có căn bệnh chết người Siđa.


Thật sự, một nghiên cứu được thực hiện năm 1994 của Ðại Học Chicago cho thấy rằng nhu cầu tình dục không giảm sau tuổi 50. Trong nghiên cứu này, 60 phần trăm đàn ông và 37 phần trăm phụ nữ ở lứa tuổi từ 50 đến 59 đã cho biết là họ vẫn sinh hoạt tình dục vài lần mỗi tháng. Tuy nhiên, không may là kiến thức về tình dục an toàn của họ lại kém hơn rất nhiều so với lứa tuổi mười mấy hai mươi.


Từ thập niên những năm 1980s, tỉ lệ bị nhiễm HIV ở tuổi trên năm mươi đã là khoảng 10 phần trăm (của tổng số người bị nhiễm), và tỉ lệ đó đang tăng lên. Cách lây truyền cũng thay đổi: Trước đây đường lây chính là do truyền máu, còn hiện nay, đường lây truyền chính ở nhóm người lớn tuổi này, là qua quan hệ tình dục giữa người khác phái (heterosexual contact) và chích xì ke. Sự lây truyền HIV qua đường tình dục giữa người khác phái trên 50 tuổi, kể từ năm 1991, đã tăng 94 phần trăm ở nam giới và tăng 107 phần trăm ở phụ nữ (tức là tăng khoảng gấp đôi ở cả hai phái).


Ở người lớn tuổi, nguy cơ có bầu thường giảm hẳn ở đàn ông, và không còn là mối lo lắng của phụ nữ, do đó, họ không còn cảm thấy rõ ràng sự cần thiết phải dùng bao cao su (condom), cách duy nhất để phòng bệnh hoa liễu khi quan hệ tình dục với người mà mình không biết chắc chắn là đã không bị nhiễm bệnh. Hơn nữa việc tìm hiểu về vấn đề này ở người cao tuổi thường không cởi mở như ở người trẻ. Các bác sĩ cũng ít chú ý đến việc truy tầm các bệnh này hơn ở người cao niên.


Cần nhắc lại điều rất căn bản là thuốc ngừa thai hoàn toàn chỉ để ngừa thai, chứ không thể giúp ngừa việc lây truyền bệnh hoa liễu. Các vi trùng, siêu vi trùng của các bệnh lây qua đường sinh dục lan truyền qua việc tiếp xúc các dịch cơ thể (như tinh trùng, dịch âm đạo) với các vết trầy xước (có thể) rất nhỏ trong niêm mạc cơ thể. Và do đó, chỉ có bao cao su latex, dùng đúng cách, mới có thể giúp ngăn cản việc lây truyền này.


Còn việc lây qua đường chích xì ke ở người lớn tuổi, thường gặp là do người lớn tuổi phải lòng (hoặc “chơi bời”, “quan hệ sinh lý”, với) một người trẻ tuổi nghiện xì ke và “dính” luôn vào con đường này.


Tóm lại, các bệnh hoa liễu (bệnh lây qua đường tình dục, sexual transmitted diseases, như Siđa/HIV/AIDS, giang mai, lậu,…) không chừa một lứa tuổi nào. Tuổi càng cao thì nếu không biết tự bảo vệ, bệnh sẽ có thể càng mau nặng hơn.


Do đó, khi quan hệ tình dục với một người mà ta không biết chắc là có bị bệnh hoa liễu không, ta phải luôn luôn dùng bao cao su đúng phương pháp (sẽ trình bày ở một lần khác). Cách tốt nhất là chỉ quan hệ với người phối ngẫu (hy vọng là) hiền, lành của mình, hoặc với những người mà mình đã có thời gian tìm hiểu, biết chắc là không bị bệnh hoa liễu và không quan hệ tình dục với người nào khác.


Với dinh dưỡng đầy đủ, các phương pháp bảo vệ và duy trì sức khỏe hiện nay, tình dục hầu như (có thể) không chấm dứt ở bất cứ lứa tuổi nào. Có nghiên cứu còn cho thấy rằng nhiều người tuổi cao còn thưởng thức tình dục hơn là lúc còn trẻ hơn (quá bận rộn).


Tuy nhiên, xin nhắc lại, sự an toàn, luôn luôn phải được đặt trên hết.


Thân mến


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT