Thursday, March 28, 2024

Viêm gan C


Bác sĩ của bạn


 


 


 


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


 


LTS: Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Các tin tức trong mục này và nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài New Saigon Radio1480AM ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 8 giờ 15 đến 8 giờ 45 trong chương trình Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật với bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng. Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn có mục “Ðiểm Tin Sức Khỏe” mỗi Thứ Sáu trên tuần báo “Việt Tide”.


 


Hỏi:


Tôi thử máu mới có kết quả có kháng thể với viêm gan C. Xin có biết như vậy có phải là bị viêm gan C hay không? Tôi không bao giờ chích xì ke hay bị truyền máu, tại sao lại bị bệnh này? Có cần làm thêm thử nghiệm nào khác không? Nghe nói bệnh này có thể gây ung thư phải không?


Tôi bị viêm gan C nhưng còn trẻ, và không có triệu chứng, có nên chữa không? Nghe nói nếu chức năng gan bình thường thì chỉ theo dõi chức năng gan thôi, có đúng như vậy không? Nếu chữa thì chữa khoảng bao lâu? Cần phải làm gì bên cạnh việc điều trị? Có người nói không được uống Tylenol, có đúng không?


Tôi năm nay đã 71 tuổi, bị viêm gan C và bị bác sĩ chê già không chịu chữa. Nghe nói thuốc Ðông y có thể chữa khỏi, tôi đang thử uống thuốc này. Phải làm sao để biết thuốc có thật sự hiệu quả hay không?


 


Ðáp:


Có kháng thể với viêm gan C tức là đã bị viêm gan C. Ðiều này khác với viêm gan B. Phản ứng của cơ thể với siêu vi trùng (virus) viêm gan B tạo ra nhiều loại kháng thể khác nhau, và dựa vào loại kháng thể nào dương tính hay âm tính, người ta có thể biết được là bệnh nhân có bị bệnh hay không, bị cấp tính hay mạn tính (kinh niên).


Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu, và một phần nhỏ qua đường tình dục.


Ðúng là bị truyền máu của người đã viêm gan C, dùng chung kim chích với người bị viêm gan C có thể mang máu của người bệnh vào cơ thể của mình để lây bệnh. Tuy nhiên, nhiều cách khác, miễn là có thể đem một tí huyết của người bệnh vào cơ thể ta, cũng có thể lây bệnh, thí dụ như xâm, châm cứu, xỏ lỗ để đeo khoen, dùng kim không sạch, dùng chung dao cạo (nhất là ở Việt Nam, những người hớt tóc thường có thói quen dùng một con dao cạo râu tóc cho tất cả thân chủ), dùng chung bàn chải đánh răng.


Có kháng thể với viêm gan C có thể coi như đồng nghĩa với bị viêm gan C. Tuy nhiên, nếu muốn khẳng định cho chắc cũng như để giúp cho việc điều trị, sẽ cần phải làm thêm một số xét nghiệm như đếm số lượng virus trong cơ thể (viral load, hepatitis C RNA quantity), phân nhóm virus (nếu may gặp nhóm hiền tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 80%, nếu không may lắm, gặp nhóm dữ, tỉ lệ chữa khỏi có thể chỉ ba bốn chục phần trăm hay có khi thấp hơn), đo chức năng gan, siêu âm gan định kỳ xem có bướu hay không, thử AFP (Alpha Feto Protein) để xem bệnh có thể đã phát triển thành ung thư hay chưa (người chỉ bị viêm gan C thôi mà chưa bị ung thư gan cũng có thể có mức độ của chất này hơi cao, tuy nhiên, nó cũng có thể giúp một phần để theo dõi kỹ hơn tiến triển biến chứng của bệnh, nhất là biến chứng ung thư).


Ðiều tương đối quan trọng trong việc quyết định trị liệu và xác định một cách chính xác mức độ tổn thương của gan là sinh thiết gan (thường là dùng kim đâm vào gan lấy ra một ít mô gan để nhìn trên kính hiển vi xem gan đã bị tổn thương đến mức độ nào).


Lúc trước, người ta vẫn nghĩ rằng theo dõi chức năng gan có thể giúp xác định và theo dõi mức độ tổn thương của gan, tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chức năng gan và các triệu chứng không liên quan trực tiếp đến độ tổn thương của gan ở người bị nhiễm viêm gan C. Ngay cả số lượng virus nhiều hay ít cũng có thể không liên quan mật thiết với độ tổn thương của gan.


Bị lây bệnh lúc dưới 40 đến 45 tuổi, không phải qua đường truyền máu, chưa có biến chứng, là những yếu tố thuận lợi cho việc điều trị, và do đó nên điều trị càng sớm càng tốt.


Khi bị bệnh càng lâu, càng lớn tuổi, gan đã bị tổn thương nhiều, việc chữa khỏi sẽ có tỉ lệ thấp hơn và khả năng bị biến chứng sẽ cao hơn.


Biến chứng thường gặp nhất của viêm gan C là xơ gan và ung thư gan.


Các nghiên cứu kéo dài từ mười đến hai mươi năm cho thấy rằng nếu không chữa trị, năm mươi phần trăm những người viêm gan C sẽ bị xơ gan. Và các biến chứng nặng hơn như tử vong, ung thư gan liên quan rất mật thiết với xơ gan. Tùy theo các nghiên cứu khác nhau, một khi đã bị xơ gan, tỉ lệ chuyển thành ung thư gan ở những người bị viêm gan C mỗi năm là 0-3 phần trăm. Trong số những người bị ung thư gan ở Hoa Kỳ, có một phần ba có bệnh viêm gan C.


Nếu không bị xơ gan và ung thư gan, tỉ lệ sống còn ở những người viêm gan C tương đối tốt; trong một nghiên cứu trên 384 người, tỉ lệ sống sót sau 3, 5, và 10 năm là 96, 91, và 79%. Tuy nhiên, một khi đã bị xơ gan mất bù (decompensated cirrhosis – xơ gan mà chức năng gan đã quá tệ khiến cho gan không còn có thể làm tròn nhiệm vụ), tỉ lệ sống còn sau năm năm chỉ còn dưới 50%.


Thời gian cần thiết để điều trị bệnh tùy theo từng trường hợp và sự đáp ứng với thuốc. Ðiều quan trọng nhất xác định việc đáp ứng với thuốc là phân loại xem virus thuộc nhóm nào. Một cách rất tổng quát, với các thuốc hiện nay, thời gian điều trị thường là 24 hoặc 48 tuần.


Bên cạnh việc dùng thuốc, điều quan trọng nhất để giúp bệnh không bị phát triển nhanh lên, là bảo vệ lá gan bằng cách tuyệt đối không uống rượu (nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, ở những người đã bị viêm gan, nhất là xơ gan, chỉ cần một số lượng nhỏ rượu cũng có thể có tác dụng rất tai hại), tránh hoặc hạn chế các thuốc có thể ảnh hưởng xấu tới lá gan, tránh bị nhiễm các bệnh viêm gan khác (một trong những điều cần làm là chích ngừa viêm gan A và B nếu chưa bị).


Tylenol là một thuốc có thể ảnh hưởng tới gan. Một vài nghiên cứu cho thấy, nếu chưa bị ảnh hưởng nặng tới chức năng gan, ta có thể dùng Tylenol dưới 2 gram một ngày (dĩ nhiên nếu có thể dùng thuốc khác không ảnh hưởng đến gan thì tốt hơn).


Nên nhớ là ngay cả ở người không bị bệnh gan, không bao giờ dùng Tylenol chung với rượu bia.


Một số nghiên cứu cho thấy rằng dược thảo không có tác dụng khác hơn placebo (thuốc giả) trong việc điều trị viêm gan C.


Thường thường nếu thật sự có hiệu quả, có lẽ người ta đã đăng ký với FDA sản xuất số lượng lớn để giúp cho nhiều người và cũng để có nhiều tiền hơn.


Cần chú ý rằng một số dược thảo không những không giúp ích mà còn có thể làm tệ hơn chức năng gan.


Thân mến,


Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng


nguyentranhoang.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT