Friday, April 19, 2024

Canh tàu cua trắng

Tạ Phong Tần

Nếu như người miền Bắc gọi là bì đậu, người Sài Gòn gọi là đậu hũ, thì người Bạc Liêu kêu là tàu cua. Đậu nành xay vắt lấy nước cốt rồi nấu sôi lên sẽ là sữa đậu nành, nấu sôi nhiều hơn cho đóng màng trên mặt nồi rồi vớt màng lên phơi khô gọi là hồ ky. Cho thêm phụ gia là một chút thạch cao phi vô, nước đậu nành đặc lại như bột, lấy cái dá hớt từng lớp mỏng trên mặt cho vô chén ăn với nước đường thắng với gừng, cái này kêu là tàu hũ non. Tàu hũ non cho thạch cao phi vô hơi khá hơn một chút đổ vô khuôn có lót vải ép lại sẽ thành tàu cua trắng. Tàu cua trắng đem chiên dầu lại thì ra tàu cua chiên.

Ngày tôi còn nhỏ, trưa nào cũng có bà bán tàu hũ non gánh gánh tàu hũ đi ngang nhà, miệng rao: “Ai tàu hũ hông?” là mẹ tôi kêu lại, mua cho mỗi đứa một chén nhỏ xíu. Bà bán tàu hũ ngừng lại, để đôi gánh mây xuống đất, mở nắp cái nồi nhôm trắng bóng có bịt lớp vải trắng trên nắp cái nồi được đặt trên một đầu quang gánh. Cái nồi này được để trong một cái thúng tre, có đổ trấu dưới đáy nồi và xung quanh nồi cao lên khoảng tám phần nồi để giữ hơi nóng cho tàu hũ non trong nồi. Cái nắp nồi bọc miếng vải trắng dày cũng là để khi đậy nắp lại khít hơi nóng trong nồi không bay ra. Đầu gánh bên kia cũng có cái thúng đổ trấu giống y bên này, nhưng có cái nồi nhỏ hơn đựng nước đường thắng với mấy miếng gừng già giã nhỏ và năm sáu cái lá dứa trong nước đường cho nước đường thơm. Gánh bên này nồi nhỏ hơn nên kiêm luôn chổ để một mớ chừng hơn chục cái chén đá nhỏ xíu và muỗng nhôm nhỏ loại đầu tròn mà hơi lài lài để ăn tàu hũ non.

Bà bán tàu hũ mở nắp nồi, lấy cái dá có đầu tròn cạn lòng đã được mài phần đầu mỏng như lưỡi dao, kề vô lớp mặt tàu hũ mà hớt từng lớp mỏng tàu hũ đổ vô cái chén bà đang cầm trên tay. Hớt chừng vài lát là được nửa chén, bà ngưng lại quay qua múc một dá nhỏ nước đường vàng sánh như mật ong chan lên chén tàu hũ, bay mùi thơm của lá dứa, mùi cay nóng của gừng hòa với vị nóng của tàu hũ, nhìn vô là thấy quyến rũ với mấy người lớn rồi. Bà đưa cái chén tàu hũ cho khách, thêm cái muỗng nhỏ. Tôi thấy ai cũng vui vẻ, hí hửng đón chén tàu hũ vừa ngồi xổm xuống quanh gánh hàng của bà vừa múc từng muỗng nhỏ tàu hũ cho vô miệng ăn như sợ múc nhiều quá ăn mau hết, vừa hít hà ra vẻ thích thú lắm.

Chén tàu hũ, bay mùi thơm của lá dứa, mùi cay nóng của gừng hòa với vị nóng của tàu hũ, nhìn vô là đã thấy quyến rũ. (Hình: monanthuviblogspot.com)

Mẹ tôi nói trời nắng nóng ăn cái này cho mát. Nhưng mà hỡi ơi, lúc đó tụi con nít có thấy mát cái gì đâu, đã nắng nóng muốn chết luôn mà còn ăn tàu hũ nóng nóng chan thêm nước đường thắng với gừng nóng nóng cay cay nữa, thiệt chẳng thấy ngon chút nào, lúc đó chỉ có nước đá bào xịt xi-rô xanh đỏ vàng mới là ngon bá chấy. Đòi ăn nước đá bào mà mẹ tôi không cho ăn, nói nước đá bào ăn nóng. Nước đá người ta mát lạnh mà kêu nóng, thiệt là hiểu không nổi mấy người này luôn á.

Tàu cua trắng, tàu cua chiên của mấy ông Chệt xứ tôi làm ra mùi vị khác với đậu hũ các vùng khác, hình thức cũng khác. Nếu như miếng đậu hũ nơi khác làm có hình chữ nhật, các cạnh sắc bén, vuông góc, không thơm mùi đậu nành, thì miếng tàu cua xứ tôi hình vuông, các cạnh tròn đều và bay mùi đậu nành thơm phức. Còn một loại tàu cua nữa mà không biết họ làm cách nào, bên trong vẫn là tàu cua trắng, nhưng bên ngoài áo một lớp mỏng dính màu vàng nghệ, kêu là tàu cua vàng.

Bà bán tàu cua ngoài chợ đặt một khay lớn tàu cua trắng, chén muối tiêu rang gói sẵn thành từng gói nhỏ xíu, với cái chảo lớn đầy dầu ăn đang sôi sùng sục, vừa bán loại trắng vừa chiên bán tại chỗ. Tàu cua trắng hay tàu cua vàng đều chiên được hết. Khách đi chợ mua tàu cua chiên còn nóng hôi hổi trên cái giá kim loại đặt trên miệng chảo (để nhỏ dầu xuống chảo), xé ra chấm muối tiêu ăn tại chổ, mùi vị vừa thơm mùi đậu nành vừa béo vừa giòn giòn ở các cạnh miếng tàu cua chiên, ngon vô cùng. Ăn xong còn mua một mớ trắng, vàng đem về nhà nấu món ăn khác nữa.

Người ta hay nấu canh bằng tàu cua trắng hay tàu cua vàng ăn cho mát. Tàu cua vàng cắt miếng ra nấu canh nhìn đẹp hơn tàu cua trắng nhưng khi ăn thì thấy chất lượng ngon giống như nhau. Tôi đi nhiều nơi, Sài Gòn, miền Trung, miền Bắc nhưng không thấy các nơi đó có bán tàu cua vàng như ở Bạc Liêu.

Thời tôi còn là sinh viên trường Luật, cái chợ Bình Triệu nhỏ xíu đối diện trường học có lẽ chỉ bán món tàu cua là rẻ nhất, nên bếp ăn sinh viên ngoài trường, trong trường, quán cơm bình dân, sinh viên tự nấu ăn… đều thường xuyên túc trực món tàu cua chiên.

Ngày đó, bọn tôi thường mua tàu cua trắng nấu canh ăn cho mát mà lại dễ nấu, rẻ tiền. Nấu canh tàu cua trắng rất dễ, chỉ cần một trái cà chua ta, một cái trứng vịt tươi, một nắm hẹ xanh, một miếng tàu cua trắng là nấu được nồi canh ăn cả ngày.

Cà chua phải lựa trái lớn hơn trái chanh một chút, vừa chín tới để nó có vị chua đậm, cà chua chín quá ít chua mà ngọt nhiều nấu canh không ngon. Trước hết bắc cái xoong lên bếp, đổ vô đó khoảng một tô rưỡi nước, cà chua rửa sạch bỏ vô luộc cho đến khi mềm thì lấy đũa giẽ nó tan ra trong nồi nước. Hẹ lặt rửa sạch bỏ gốc cắt khúc dài chừng ba phân, tàu cua cắt miếng bằng ngón tay cái. Khi thấy trái cà chín mềm tan trong nồi nước sôi rồi thì bỏ tàu hũ vô xoong canh, chờ nó sôi lại tiếp tục cho hẹ vô nhận xuống cho chín đều, chờ nước sôi lên lần nữa đập cái trứng vịt vô xoong canh. Dùng đôi đũa quấy đều cho trứng tan ra trong nồi canh thành sợi dài dài. nêm gia vị (muối, bột ngọt) vô vừa miệng ăn thì nhắc xuống. Nấu canh này không được nêm đường vô ăn mất ngon.

Múc canh ra cái tô vừa đủ ăn, chờ cho canh nguội bớt một chút thì chan canh vô cơm ăn với nước mắm, hay tương hột là đủ ngon và xong bữa cơm sinh viên nghèo rồi, không cần thêm thịt cá gì nữa hết. Vị canh bùi bùi, béo béo, dai dai nhờ tàu cua, vị ngọt của hẹ, vị chua của cà chua, vị ngọt béo của trứng. Ăn hoài không ngán. Ai thích ăn kiêng giảm béo cứ ăn món này, thanh mát, nhẹ nhàng, không dầu mỡ.

Ngày xưa đi học không có tiền ăn chỉ một món canh. Bây giờ không cần phải ăn như vậy, thêm món mặn là tép rang muối, tép chấy thịt ba rọi hay thịt ướp hơi mặn mặn một chút rồi chiên ăn với canh tàu cua trắng đều rất ngon.

Chợ bên Nam Cali này tôi thấy có bán tàu cua trắng đóng gói của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam được làm tại đây, rờ vô thấy miếng tàu cua còn ấm nóng. Gói lớn khoảng nửa ký lô, đem về nấu canh ăn ngon giống tàu cua trắng ở Bạc Liêu, cũng dai, thơm, béo, không bị bở khi nấu trong nước. Nếu một người ăn thì nấu một góc tư miếng tàu cua đó là vừa, nhiều hơn sẽ bị dư. Bên này cà chua không được chua, luộc trái cà chua dầm ra là để “tạo màu” cho tô canh có trắng, đỏ, xanh, vàng nhìn vô mướt con mắt mà thôi, cho nên phải thêm một muỗng canh me chín ngâm nước nóng dầm lấy nước me, hoặc thêm vắt nước một trái chanh xanh đổ thêm vô canh thì canh mới ngon. (Tạ Phong Tần)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm nấu súp cua nhanh cấp kỳ”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT