Friday, April 19, 2024

Dư âm

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Bảo Ngọc

Trong lúc náo nức chờ đón kỷ niệm 40 năm Người Việt, dư âm kỷ niệm 35 năm chợt trở về với bao hình ảnh linh động và cảm xúc thân yêu. Đón kỷ niệm này, nhớ kỷ niệm xưa, xin có mấy dòng hồi tưởng để ca ngợi, và cám ơn về một ngày chất ngất thâm tình của quý báo đối với độc giả chúng tôi.

Ngày ấy là 11 Tháng Giêng, 2014.

Địa điểm là trung tâm văn hóa và nghệ thuật Rose Center Theater ở Westminster.

Dư âm 1: Tính hiếu khách và nét tao nhã. Tôi đến sớm để có thì giờ ngắm cảnh, nhưng thấy hai cô Ngọc Lan và Thiên An đã đứng sẵn với vẻ tươi tắn và nụ cười niềm nở chờ đón khách mời. Thấy quan trọng quá, tôi khớp, nên trở qua lối khác. Nghĩ có khi đi dự tiệc đúng giờ nhưng phải đúng lớ ngớ vì chủ tiệc chưa đến, tôi rất quý hai cô. Cô Ngọc Lan là phóng viên được ái mộ vì lối viết linh động và rất sắc bén, cô Thiên An là phóng viên trẻ nhất của Người Việt, nhưng sự từ tốn và nét tao nhã của hai cô là hình ảnh không thể nào quên.

Dư âm 2: Chỉ vắn tắt cho vui. Vừa bước vào phòng chính, tôi bị choáng vì thấy một số các ông cứ… ngắm ngực các cô. Vỡ lẽ: chỉ nhìn bảng tên gắn trên ngực để biết ai là ai. Riêng tôi là thẩm mỹ viên nên méo mó nghề nghiệp thắc mắc: sao cô Người Việt nào cũng có vòng một rất chỉnh. Đã rỉ tai nhau về một phương pháp hay… thương hiệu nào chăng? Tôi cũng đã xếp hạng, nhưng không dám nói tên người đứng đầu, người này dữ lắm, biệt danh là “Bà Chằn.”

Dư âm 3: Người khách lạ. Thấy một bác gái cô đơn ngồi bàn bên cạnh, tôi sang bắt chuyện làm quen và được nghe kể: bác ở gần đây, biết hôm nay Người Việt kỷ niệm 35 năm nên sang xem, bỗng có một cô đến giục bác vào trong vì tiệc sắp bắt đầu, bác bảo không phải là khách mời, cô ấy nói: “Bác đã đến đây, cứ vào chung vui với mấy cháu.” Bác nhìn tôi kết luận: “Mấy cô Người Việt dễ thương quá.” Tôi xúc động cám ơn. Xin đừng vội buộc tôi tội “tiếm danh.” Chính sự đón tiếp nồng hậu của quý báo đã làm ai cũng cảm cảm thấy hôm nay mình là “Người Việt!”

Dư âm 4: Cầu mong cho mai sau. Đây là một trong những dư âm ý nghĩa nhất! Luật Sư Phan Huy Đạt giới thiệu hai phóng viên trẻ Ngọc Lan và Thiên An thay ông đọc diễn văn khai mạc. Bất ngờ, nhưng cảm động về “sự tin tưởng để chuyển giao trách nhiệm của thế hệ Người Việt đi trước cho thế hệ trẻ tiếp nối…” (trích tường thuật trên báo). Đã có những tràng pháo tay tưởng như bất tận để ca ngợi quý báo và hai cô. Nghe các cô tâm tình về hoài bão của tuổi trẻ, nhìn các cô cố đọc diễn văn sao cho xứng đáng với sự kỳ vọng của người ủy thác, tôi đã chớp mắt rất nhiều lần.

Dư âm 5: Sự tế nhị ý vị nhất. Tiếp đón 1,400 khách mời, nhưng những nhân vật Người Việt đã tránh xuất hiện nhiều, và hạn chế phần phát biểu. Tất cả máy thu hình, thu âm, ánh đèn, cùng những lời giới thiệu ưu ái, đều hướng cả về khách mời. Dẫu biết ai cũng sẽ chúc tụng và ca ngợi quý vị, nhưng đây là một hình ảnh đẹp, rất ý tứ. Cảm phục!

Dư âm cuối: Tiếc thương. Không khỏi bùi ngùi tưởng nhớ đến những vị đã từng dự kỷ niệm 35 năm nhưng không dự kỷ niệm 40 năm nữa! Họ đã vĩnh biệt tờ báo họ vô cùng quý mến, như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà báo Bùi Bảo Trúc…

Dư âm và hoài niệm đã lắng đọng, xin hướng về kỷ niệm 40 năm sắp tới với lời chúc đầy phấn khởi: Người Việt Bất Diệt! (Bảo Ngọc)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT