Thể dục và vật lý trị liệu trong việc chữa đau khớp

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

– Có người nói là thể dục có thể giúp bớt đau khớp, có người nói là đang đau mà tập thể dục thì còn làm đau hơn và làm cho bệnh khớp nặng lên. Sự thật là như thế nào? Khi nào thì nên tập, khi nào thì không nên tập, và nếu tập, thì nên tập như thế nào?

– Tôi bị đau đầu gối. Có người nói đeo dụng cụ bó khớp sẽ giúp cho khớp vững hơn và giúp đỡ đau, có người lại nói đeo hoài sẽ làm teo khớp. Vậy tôi có nên đeo hay không? 

Ðáp:

Thể dục và vật lý trị liệu giúp cải thiện mức độ co duỗi của khớp và sức mạnh của các bắp thịt xung quanh khớp. Các bệnh nhân viêm xương khớp tập luyện đều đặn và đúng cách thường ít bị đau và hoạt động tốt hơn những người không tập.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách điều trị ở từng bệnh nhân.

Nếu bị nhẹ, ta có thể tập các động tác đơn giản sau khi được bác sĩ hay chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn.

Nếu bệnh tương đối nặng, ít nhất là trong thời gian đầu, ta nên được chuyên viên vật lý trị liệu theo dõi và hướng dẫn, sau đó khi tình trạng đã được cải thiện, ta có thể tiếp tục tự tập tại nhà.

Không tập thường không tốt, nhưng tập quá sức có khi còn có hại hơn. Ðiều quan trọng là tập đúng, vừa phải và đều đặn.

Nếu bị các bệnh gì khác, nhất là bệnh tim, cần phải tham khảo và theo dõi thường xuyên với bác sĩ để có một chương trình tập thích hợp.

Thường thường, một chương trình thể dục và vật lý trị liệu có ba mục tiêu chính:

– Giảm đau khớp và duy trì hay phục hồi chức năng hoạt động của khớp. Có một số nghiên cứu cho thấy rằng, thể dục và vật lý trị liệu có thể giúp giảm bớt nhu cầu cần phải mổ khớp gối.

– Ngăn ngừa sự tàn phế do không hoạt động: Thể dục giúp duy trì mật độ xương, độ săn chắc cần thiết của bắp thịt nhằm duy trì độ co duỗi cần thiết, giảm nguy cơ gãy xương và loãng xương. Nó cũng giúp duy trì và tăng cường chức năng hoạt động của tim. Ngoài ra, nó cũng giúp người tập cảm thấy khỏe khoắn hơn, yêu đời hơn và giảm cũng như ngừa bệnh trầm cảm. Tất cả các điều này có thể đạt được dù chỉ tập thể dục một cách vừa phải.

– Ngăn ngừa việc tổn thương nặng hơn của khớp: Các bài tập thể dục và vật lý trị liệu cũng như mức độ tập thích hợp là điều quan trọng để đạt được điều này.

Các phương pháp tập với áp lực thấp trên khớp như là bơi lội, đi trong nước, tập trong nước, đạp xe, đi bộ, các bài tập dưỡng sinh (Tai Chi) thường thích hợp hơn cho viêm xương khớp.

Nên tránh các phương pháp tạo áp lực quá mạnh trên khớp như chạy, leo thang.

Một bài tập thích hợp thường hữu ích nhất khi nó nhắm vào và đạt được ba mục tiêu:

– Duy trì và cải thiện độ co duỗi của khớp.

– Duy trì và tăng cường sức mạnh của bắp thịt.

– Duy trì tăng cường sự dẻo dai của cơ thể và của khớp.

Nói thì dễ, nhưng làm không phải dễ. Thường thì bắt đầu một chương trình thể dục không khó lắm. Ðiều khó nhất là duy trì liên tục, đều đặn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những điều sau đây có góp phần vào việc giúp cho ta duy trì các bài tập của mình một cách hiệu quả hơn:

– Chọn một bài tập đơn giản. Ví dụ nếu chưa có điều kiện để đi tập vật lý trị liệu hay học các các bài tập phức tạp, thì chỉ hỏi bác sĩ xem các các dễ dàng nào mình có thể tập mỗi ngày, rồi tập ngay tức thì và tập hằng ngày, thường sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với cứ chờ đợi đến khi có điều kiện để làm các điều nhiêu khê, khó khăn.

– Ðặt cho mình một mục tiêu thực tế và có thể đạt được. Thí dụ, nếu chưa quen tập, thì thà mỗi ngày ngồi đạp xe đạp (trong lúc coi tivi hay phim bộ hay nghe radio) hay đi bộ khoảng năm, mười, mười lăm phút, sẽ dễ để làm đều đặn hơn là phải đi đến phòng tập, tập nhiều thời gian và nhiều động tác phức tạp quá khiến mình không thể giữ được lâu. Dĩ nhiên, nếu đã quen tập và có điều kiện thì các phương pháp với nhiều dụng cụ chuyên môn hơn với “thầy” giỏi, có thể sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tập ngay hôm nay và đều đặn hằng ngày.

– Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các lợi ích của việc tập thể dục. Ngay cả ý nghĩa của từng nhịp thở và từng động tác (nếu có thể).

Ngày xưa, có người đưa ra thuyết “Tri Hành Hợp Nhất.” Diễn nôm có nghĩa là biết và thực hành là một. Nếu ta biết sâu sắc đến một mức nào đó, chính sự thấu hiểu đó sẽ là động lực bên trong mạnh nhất làm thay đổi hành vi hàng ngày của ta.

Khi đã thật sự thấu hiểu, đã tiêu hóa kiến thức, ta sẽ thực hiện những điều cần làm một cách rất tự giác và cảm thấy thích thú những gì mình làm.

Và, thay đổi sâu sắc về hành vi, cách sống hằng ngày để ngày càng lành mạnh hơn mới là cách hiệu quả nhất để duy trì và cải thiện sức khỏe nói chung, cũng như trong trường hợp viêm khớp này.

– Nếu có điều kiện thì người ta thấy rằng, chọn các phương pháp tập có giao tiếp với nhiều người khác như là tập theo nhóm, tập cùng với vợ hay chồng, với người hướng dẫn, thường sẽ giúp mang lại kết quả tốt hơn và giúp duy trì thói quen lâu dài.

– Nên thường xuyên đánh giá lại sự tiến bộ của mình để điều chỉnh cách tập.

Có rất nhiều người đạt được kết quả với các bài tập tại nhà. Các bài tập tại nhà thường cũng rất hiệu quả, ít tốn kém và lại tiện lợi hơn đi đến nơi có người hướng dẫn và tập chung. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì tập theo nhóm thường vui hơn và nhờ có người này nhắc người kia, ta sẽ dễ theo đều hơn và do đó sẽ dễ có kết quả tốt hơn. Bên cạnh việc tập luyện về thể chất, việc gặp nhau, có giao tiếp hằng ngày với người khác hàng ngày cũng rất tốt về mặt tâm thần, nhất là cho những người lớn tuổi cô đơn. 

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 16 tháng 3 năm 2017

Các dụng cụ trợ giúp

Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên ta có nên dùng các dụng cụ trợ giúp hay không. Các dụng cụ này có thể giúp nâng đỡ hoặc giữ khớp ở các vị trí thích hợp, như là các nịt khớp (braces), các nẹp giúp cố định khớp (spints). Dùng một cách thích hợp nó có thể giúp giảm đau, sưng, giữ cho khớp vững hơn (stabilize).

Tuy nhiên, sau khi đã hết cần thiết, nếu dùng lâu ngày, nó có thể lại sẽ gây hại. Do đó nên tham khảo với bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu thường xuyên để biết khi nào nên dùng, khi nào nên ngưng.

Có những điều tưởng như rất tầm thường, như một đôi giày thích hợp, chống gậy hoặc nạng khi cần thiết, dùng ghế cao, dùng các dụng cụ nâng cao bàn cầu, có thể làm giảm bớt áp lực không cần thiết trên khớp, giúp bệnh mau hồi phục, bớt đau và giúp cuộc sống hằng ngày của người bệnh dễ chịu hơn rất nhiều.

Thân mến

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930