Thursday, April 18, 2024

Mặc ‘áo mưa’

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi: 

Kỳ rồi bác sĩ đã giới thiệu tương đối tỉ mỉ về thế giới “áo mưa.” Khi đã có áo mưa rồi thì lúc dùng, có cần để ý điều gì không? Vì thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nói có người đã dùng “áo mưa” để tránh thai mà vẫn có bầu, hoặc vẫn bị lây bệnh hoa liễu. 

Chắc là vì dùng không đúng cách? Hay “bảo quản” không đúng cách? Hay dùng không đúng chủng loại thích hợp?

Không biết việc “mặc áo mưa” có “lắm công phu,” có điều gì cần để ý không?

Đáp:

Có câu chuyện, là một bác sĩ ở vùng quê xa xôi, một hôm bị một thân chủ tới “bắt đền,” vì đã dùng bao cao su như bác sĩ khuyên, mà bà xã vẫn có bầu. Bác sĩ rất ngạc nhiên và “điều tra” xem nguyên nhân từ đâu. Sau khi xem xét “vật chứng” là các bao cao su đúng là loại latex, còn “đát” (chưa hết hạn), không bị để ngoài nắng làm cho khô cứng, bác sĩ hỏi tiếp “khổ chủ” của áo mưa “Vậy anh dùng như thế nào?” “Thì mỗi lần tới ‘lúc đó,’ tôi thổi nó lên giống như bong bóng, rồi treo ở đầu giường để cho em bé lo chơi bong bóng không chạy qua bụng mẹ.”

Thấy giống như, chuyện giỡn chơi, nhưng ở đời, mỗi ngày, ta vẫn thấy nhiều chuyện xảy ra “ngoài sức tưởng tượng.” Và do đó, khi nói về cách phòng bệnh, tránh thai, các “huấn luyện viên,” đều phải nói, và diễn tả với dụng cụ trợ huấn, một cách cụ thể về cách dùng sao cho đúng, của việc tưởng như quá đơn giản, dễ dàng này.

Như đã kể kỳ trước, có ba loại chất liệu dùng làm bao cao su, có người gọi là “áo mưa,” tiếng Mỹ là “condom.” Loại làm bằng màng ruột của con cừu (được gọi là “lambskin”) không an toàn trong việc phòng siđa cũng như các bệnh hoa liễu khác. Còn hai loại kia tức là polyurethane và latex tương đối an toàn hơn.

Cho tới nay, “áo mưa” đàn ông làm từ latex tương đối được nhiều tổ chức sức khoẻ tin tưởng nhất, thông dụng và rẻ tiền nhất. Nếu được làm bằng chất liệu an toàn thì dù có gờ, có thêm “gai” hay vân vân và vân vân đều có tác dụng bảo vệ như nhau nếu được dùng đúng cách.

Các loại “áo mưa” với các kiểu cọ khác nhau (có gờ, có “gai,” có lông…) có tăng thêm khoái lạc hay không là một yếu tố rất chủ quan. Có người thấy có cảm giác hơn, có người không thấy như vậy. Người duy nhất có thể cho câu trả lời chính xác chính là hai người trong cuộc.

Nếu có dùng bao rồi, mà vẫn bị lây bệnh, thì có thể là vì không dùng đúng loại an toàn, hoặc/và vì dùng không đúng cách, nhất là trong những trường hợp quan hệ có nguy cơ cao bị lây bệnh, như giữa những người đồng tính nam.

Những điều quan trọng cần nhớ khi dùng “áo mưa” để bảo đảm an toàn là:

-Nhớ kiểm tra thời hạn sử dụng. Nếu “quá đát” (expired), chất latex hay polyurethane có thể bị thoái hoá và không còn an toàn.

-Cất giữ chúng ở nơi khô ráo, đừng nóng quá (như là trong bỏ trong xe bị phơi nắng ngày này qua ngày khác), hoặc lạnh quá.

-Khi mở bao giấy bên ngoài ra, nên cẩn thận đừng vô tình làm xước hoặc xé rách “áo mưa.”

-Nếu mới dùng lần đầu, nên xem xét trước (lúc còn đủ ánh sáng) xem mặc theo chiều nào là đúng, để khỏi bị “mặc ngược.” Thật ra, nếu để ý một tí, khi mang vào, nếu bị ngược ta có thể biết ngay vì không thể lăn nó vào một cách thoải mái được

-Để tránh bị bể bao, điều quan trọng nhất là chừa một khoảng trống ở phía ngoài cùng (để tinh dịch được “bắn” ra, sẽ có một khoảng “rơi tự do.” Nếu không có khoảng trống này, thể tích cũng như sức bắn của tinh dịch có thể làm bể bao). Có loại bao có chừa sẵn một khoảng thích hợp ở đầu bao với một eo nhỏ phân cách với phần thân bao (reservoir end); ở các bao khác, ta chỉ cần dùng ngón trỏ và ngón cái giữ khoảng một phần tư inch (khoảng dưới một centimet) trước khi lăn tiếp phần còn lại.

-Một điều quan trọng khác để tránh bể bao là tránh để không khí bị ứ ở phần đầu của bao (khiến nó bị phồng lên như bong bóng đã được thổi, dễ bị bể hơn). Ép khí ra bằng cách giữ giữa hai ngón tay trỏ và cái như đã kể trên trong khi tiếp tục lăn phần còn lại vào thân dương vật.

-Chỉ mang bao khi dương vật đã cương cứng, ngay từ đầu, và phải lấy dương vật và bao ra khỏi âm đạo khi dương vật vẫn còn cứng để tinh dịch (có thể chứa mầm bệnh và tinh trùng) không bị rỉ vào cửa mình bạn tình của mình.

Nếu đợi tới lúc sắp xuất tinh mới mang bao vào thì vừa không phòng được bệnh một chút nào (vì sự tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục của mỗi bên với dịch sinh dục – là chất có thể chứa mầm bệnh – của bên kia đã xảy ra), vừa không có hiệu quả trong việc ngừa thai (vì dù tinh dịch chưa được phóng ra, nhưng cũng có thể đã rỉ ra một ít đủ để đậu thai).

-Nếu gặp bữa dương vật không thể cương cứng, hay vì lý do nào khác khiến phải tạm “nghỉ giải lao” trước khi “hoàn thành nhiệm vụ,” phải thay bao khác cho an toàn.  Không bao giờ dùng lại condom đã được sử dụng.

-Các lý do thường gặp nhất khiến cho condom bị bể là do condom bị ứ hơi trong đó; âm đạo còn khô khiến cho sự ma sát làm rách bao; do quan hệ dương vật với hậu môn, thường không đủ độ trơn, không đủ độ đàn hồi, dễ bị trầy xước; hoặc do dùng chất bôi trơn không đúng làm bao bị nhũn ra và rách.

-Nếu cần dùng chất bôi trơn, phải dùng các chất hoà tan trong nước như K-Y jelly hay Astroglide, thường được bán ở các tiệm thuốc tây. Nhớ tránh dùng chất bôi trơn hòa tan trong dầu, vì nó sẽ làm hư condom.

-Ở những người đồng tính nam, vì việc giao hợp qua hậu môn, tạo ra nhiều ma sát hơn, việc bể, rách bao, dễ xảy ra hơn, nên cần phải cẩn thận hơn. Và tuyệt đối không “quan hệ” mà không dùng bao, vì “quan hệ” cách này, do vì nhiều ma sát hơn, niêm mạc hậu môn và dương vật sẽ dễ bị trầy sát hơn, nên nguy cơ bị lây bệnh hoa liễu, nguy hiểm hơn, là nhiễm HIV, sẽ cao hơn rất nhiều.

-Có rất nhiều trường hợp quan hệ đồng tính nam làm lây truyền HIV xảy ra ngay từ “một lần duy nhất” không dùng bao cao su.

Một khi condom đã bị bể, nếu biết, cần phải “lấy ra” ngay lập tức. Cả hai bên nên cấp tốc rửa sạch bộ phận sinh dục, và xả hết nước tiểu (để hi vọng đẩy được các mầm bệnh ra ngoài được chút nào hay chút đó).  Ngày hôm sau, có thể gặp bác sĩ để được cho dùng thuốc ngừa thai (morning-after birth control) và trị các bệnh hoa liễu thường gặp nếu cần.

Nếu biết cách chọn, giữ gìn, và sử dụng đúng cách, thường một “áo mưa” cũng đã đủ an toàn. Các “tai nạn” xảy ra thường là do chọn, cất giữ, sử dụng condom không đúng cách chứ không phải do chất lượng của condom không đáng tin. Cho đến nay, hình như chưa có ai nghiên cứu về việc dùng hai bao bao thay vì một bao, có hiệu quả gì tốt hơn hay không.

Mặc hai “áo” có thể làm cho “nực nội” và khiến giảm khoái lạc. Tuy nhiên, ở những người quá cẩn thận, nếu việc dùng hai “áo” giúp cho cả hai an tâm hơn và do đó dễ đạt được khoái cảm hơn, điều đó cũng tốt.

Cần nhớ rằng ngay cả với hai “áo,” nếu dùng không đúng cách, cũng không an toàn hơn là dùng một “áo” chút nào. Không nên dùng cùng lúc bao cao su dành cho đàn ông với bao dành cho đàn bà, vì sẽ làm giảm độ an toàn.

Tóm lại, mô tả thì có vẻ phức tạp, nhưng chỉ cần để ý lần đầu, việc mặc “áo mưa” (đàn ông) có thể được thực hiện một cách nhẹ nhàng, chính xác, chỉ trong chớp mắt. (BS Nguyễn Trần Hoàng)

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT