Friday, March 29, 2024

Quyến rũ món ốc bươu hấp lá gừng

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đồng quê Việt Nam có nhiều loài cua, ốc sinh sống. Đặc biệt, ốc bươu có thể chế biến thành những món ăn dân dã, giàu chất dinh dưỡng.

Ốc bươu thường sống ở những ao, đìa… có lục bình hoặc là ao rau muống, nhất là thích bu quanh những cây cọc cắm trên ao đìa. Nên ốc bươu có khi cũng được phát âm và ghi là “ốc bu.”

Vào mùa ốc, thường là Tháng Năm hay Tháng Sáu Âm Lịch, vùng ven Sài Gòn lại thấy những xe ba gác chở đầy ốc bươu bày bán ven đường. Với giá cũng khá mềm so với mặt bằng chung hiện nay, là 20,000 đồng đến 25,000 đồng (khoảng $1) một ký ốc bươu Đồng Tháp loại to, khoảng 10-12 con.

Nếu như người miền Nam có món ốc bươu hấp sả, thì người miền Bắc lại có món ốc bươu hấp lá gừng.

Người miền Nam trước khi đem chế biến món ốc bươu thường ngâm ốc trong một “hỗn hợp” nước gồm có lá ổi vò nát và ớt hiểm xắt, trong chừng từ ba tới năm tiếng cho ốc bươu nhả hết chất dơ, chất nhớt. Tuyệt đối không ngâm qua đêm, vì như vậy con ốc sẽ ốm bớt đi, mất ngon.

Người Bắc thì ngâm qua một lần trong nước lạnh (sạch), sau đó vớt ốc bươu ra và ngâm tiếp lần hai bằng nước vo gạo (có thể ngâm qua đêm). Con ốc ngoài việc nhả hết chất dơ (chất nhớt) thì lại còn được “vỗ béo” bằng nước gạo sạch, do vậy sẽ mập hơn, trắng thịt hơn nên cũng có phần ngon hơn.

Sau khi ngâm cho nhả hết chất nhớt, ốc bươu còn phải được chà, rửa cho thật sạch phần rong rêu đóng ngoài vỏ ốc, phần này cũng khá là công phu và mất nhiều thời gian.

Món ốc bươu nhồi thịt hấp lá gừng và món bún riêu cua của một quán bình dân ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Khi ốc bươu đã được chà thật sạch, thì xếp vô nồi, đổ nước xâm xấp, thêm chút muối, luộc sơ. Khi nước sôi thêm chừng hai tới ba phút, vỏ ốc ở phần miệng ốc bung ra là được. Lúc đó cho ngay ốc bươu đã luộc vô nước lạnh nhằm làm thịt săn chắc lại và cũng để mau nguội.

Đổ ốc ra rổ, khều lấy phần thịt ốc, bỏ phần ruột ốc đi. Thái nhỏ phần thịt ốc, trộn đều với thịt heo băm nhuyễn, cũng có người mua sẵn phần giò sống người ta bán sẵn ở ngoài chợ đế nấu canh. Giò sống này được quết nhuyễn, vừa đỡ tốn công vừa ngon hơn thịt heo bằm.

Gia vị trộn chung thì có mộc nhĩ, nấm hương, tiêu xay, ớt bằm, một chút gừng và lá gừng (tất cả đều được bằm nhuyễn hoặc thái chỉ). Thêm chút bột nêm, chút muối hoặc nước mắm, cùng chút dầu ăn (nhằm tạo độ dai và bóng).

Đặt xéo hai lá gừng tươi (hoặc thành hình chữ thập) vô vỏ ốc bươu rồi dùng muỗng (hoặc tay), đưa phần thịt ốc trộn cùng giò sống và các loại gia vị ở phần trên vô vỏ ốc, dùng miệng vỏ đậy ốc lại, đặt vô xửng để hấp. Khi ăn, khách chỉ việc “túm” hai cái lá gừng “lôi” món ốc bươu nhồi thịt ra, thong thả đặt vô chén nước chấm.

Mà, để có chén nước chấm ngon, không phải dễ. Ngoài vị cay của ớt, vị chua của chanh, vị ngọt của đường, hòa quyện trong mùi nước mắm nhất tuyệt hảo, thì không thể thiếu vị thơm của lá chanh, vị gừng (có người còn thêm chút sả bằm vào).

Tùy theo khẩu vị mỗi người, có người thích nước chấm thanh (thì pha hơi loãng một chút), có người lại thích nước chấm thật đậm đà (thì pha hơi sền sệt một chút). Chỉ cần nhớ đừng quên là, chính vị của lá chanh, của gừng già càng làm cho hương vị của các món ốc đồng quê trở nên ngào ngạt hương vị đầy quyến rũ biết bao vị giác, khứu giác…

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon và cơm chiên giòn tuyệt cú mèo”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT