Friday, April 19, 2024

Tìm hiểu Luật Thương Mại Quốc Tế

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Trong khoảng một vài thập niên gần đây cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo nhiều thành công vượt bực trong lãnh vực thương mại. Rất nhiều doanh gia Việt Nam không những phát triển nghiệp vụ của mình trong nội địa Hoa Kỳ mà còn có mở mang lan rộng trên trường quốc tế trong lãnh vực xuất nhập cảng với nhiều quốc gia khắp thế giới, điển hình là Á Châu chưa kể đến Úc và Gia Nã Đại.

Thời đại mà các giao dịch quốc tế nằm độc quyền trong tay các đại công ty đã không còn nữa. Ngày nay ngay kể cả giới tiểu thương cũng có quyền xin môn bài buôn hàng hóa từ nước ngoài hoặc bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ ra ngoại quốc. Tuy nhiên không có cách giản dị nào để tóm tắt “Luật Thương Mại Quốc Tế” (International Business Law) là những luật lệ mà thương gia phải đối đầu khi giao thiệp với nước ngoài. Tối thiểu một công ty ở đất Mỹ nếu kinh doanh trong tầm quốc tế đều dưới sự chi phối của luật lệ của chính nước Mỹ – tạm gọi là “xứ nhà” (the home country) – cũng như có bổn phận tuân thủ theo luật lệ của quốc gia mà mình có ý định giao thương – tạm gọi là “xứ khách” (the host country) – cộng thêm với nhiều luật lệ quốc tế có xuất xứ từ nhiều nguồn gốc khác nhau.

Trước hết nói về “Luật Xứ Nhà” (Home Country Laws) hay nói nôm na là các đạo luật Mỹ liên quan đến việc buôn bán với nước ngoài. Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều luật lệ chi phối mọi giao dịch thương mại như xuất nhập cảng hàng hóa, sản phẩm hay dịch vụ ra ngoại quốc. Các luật này gồm có luật kiểm soát xuất cảng, nhập cảng và luật cấm hành vi mua chuộc, hối lộ.

Luật “Kiểm Soát Xuất Cảng” (Export Controls):

Nói chung các điều luật của chính phủ liên bang cho phép các thương gia được xuất cảng dễ dàng hơn là nhập cảng. Thông thường mọi người thường có quan niệm xuất cảng đem lại lợi ích cho nền kinh tế quốc nội vì nâng cao hiệu năng sản xuất. Vì lý do này chính quyền không muốn cản trở các nhà xuất cảng trong việc đem hàng sản xuất bán ra thị trường quốc tế, càng bán được nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hậu quả tốt đẹp này cũng đem lại công ăn việc làm cho nhiều nhân công trong nước và làm giảm tỉ số thất nghiệp.

Với chính sách ưu đãi xuất cảng chính quyền liên bang đã ban nhiều biện pháp khuyến khích các thương gia hiện tại gia tăng số lượng hàng xuất khẩu nhiều hơn, tìm cách giải tỏa các vấn đề có tác dụng gây chướng ngại ngăn trở công cuộc xuất cảng và giúp cho doanh nghiệp xuất cảng tìm thêm thị trường mới cho sản phẩm của họ.

Tuy nhiên đôi khi cũng có những đạo luật kiểm soát xuất cảng có tác dụng trái ngược trong việc áp đặt giới hạn số lượng hoặc ngăn cấm hẳn không cho bán ra ngoại quốc các loại hàng hóa hay sản phẩm có ấn định rõ rệt vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, hoặc vì nguyên nhân chính trị do chính sách đối ngoại thúc đẩy như việc cấm vận chẳng hạn. Ngoài ra luật kiểm soát xuất cảng còn có mục đích bảo vệ kinh tế nội địa khỏi rơi vào tình trạng thiếu hụt vật liệu trong trường hợp không đủ số lượng hàng cung ứng cho nhu cầu trong nước. Luật kiểm soát xuất cảng cũng còn qui định những ai muốn xuất khẩu hàng hóa hay sản phẩm thuộc loại nhạy cảm, hay loại kỹ thuật cao cấp, hoặc hàng có thể dùng cho mục đích quân sự hay chiến lược đều phải xin phép trước và chỉ xuất khẩu khi có giấy phép.

Phần lớn việc kiểm soát xuất cảng do “Cơ Quan Quản Trị Xuất Cảng” (Bureau of Export Administration) trực thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ. Các giới chức cơ quan này là nguồn cung cấp chi tiết rõ ràng các điều lệ phải thi hành liên quan đến xuất cảng tổng quát cũng như chỉ dẫn thủ tục xin giấy phép xuất cảng.

Ngoài ra còn có vài loại hàng hóa đặc biệt liệt kê sau đây được quản trị do nhiều cơ quan chính quyền liên bang khác trong việc xuất cảng thí dụ như:

-Các loại chim, cá và thú rừng đang gặp nguy cơ tuyệt chủng (endangered species) được luật lệ bảo tồn thí dụ như vài loài chim đại bàng hiếm quí do Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ (U.S. Department of the Interior) kiểm soát và cấp giấy phép xuất cảng.

-Hạt giống trồng thuốc lá và các sản phẩm chế từ thuốc lá tươi do Bộ Canh Nông Hoa Kỳ (U.S. Department of Agriculture) quản trị xuất nhập cảng.

-Vũ khí, đạn dược và các loại công cụ chiến tranh do Cơ Quan Kiểm Soát Thương Mại Quốc Phòng (Office of Defense Trade Controls) trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (U.S. Department of State).

-Ma túy và các loại dược phẩm nguy hiểm do Cơ Quan Công Lực Kiểm Soát Dược Phẩm (Drug Enforcement Administration viết tắt là DEA) trực thuộc Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (U.S. department of Justice).

Luật “Kiểm Soát Nhập Cảng” (Import Controls):

Như đã đề cập ở trên, chính phủ liên bang ưu đãi giúp giới xuất cảng nhiều hơn giới nhập cảng. Vì thế nhiều cơ quan chính quyền khác nhau dính dáng đến một hay nhiều khía cạnh của chính sách nhập cảng Hoa Kỳ cho nên rất dễ lẫn lộn đôi khi không biết tìm ra cơ quan nào cần đề nghị cải tiến về mặt nhập cảng.

Quan Thuế Hoa Kỳ (The United States Custom Service) có trách nhiệm đánh thuế và thu thuế nhập cảng (duties), thuế hàng hóa (taxes) và các lệ phí (fees) trên hầu hết các mặt hàng nhập cảng. Cơ quan này còn thực thi và kiểm soát thi hành mọi luật lệ về quan thuế, đồng thời giám sát một số luật hàng hải và thương ước (treaties). Quan Thuế Hoa Kỳ có ấn hành một vài cẩm nang chỉ dẫn tổng quát trong mục đích giúp giới thương gia nhập cảng hiểu biết về luật nhập cảng Mỹ. Các ấn phẩm này đều có sẵn và được phát không tại các chi nhánh quan thuế địa phương.

Các hàng hóa nhập cảng được phân thành nhiều loại và ấn định trách nhiệm kiểm soát cho một số cơ quan khác nhau trước khi được nhập cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết các loại hàng nhập cảng trong vài kỳ tới.

“Thỏa hiệp tự nguyện hạn chế” (Voluntary Restraint Agreement):

Thỏa hiệp tự nguyện hạn chế giới hạn một số hàng hóa xuất cảng từ vài nước ngoài vào Hoa Kỳ. Thỏa hiệp này đạt được qua các cuộc thương lượng giữa chính phủ Hoa Kỳ với các đại diện nước ngoài, thí dụ như thỏa hiệp giới hạn số lượng xuất cảng thép và dụng cụ máy móc từ Nhật Bản và Đại Hàn vào Mỹ.

Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (U.S. Department of Commerce) có trách nhiệm giám sát hành chánh mọi chương trình giới hạn tự nguyện hạn chế. Thương gia nhập cảng bắt buộc phải có chứng chỉ xuất cảng hoặc môn bài của quốc gia gốc trước khi được giấy phép mang các món hàng ấn định dưới thỏa hiệp này vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

“Điều Luật về Hành Vi Hối Lộ” (The Foreign Corrupt Practices Act):

Trong luật ngoại thương có một đạo luật quan trọng mang tên “The Foreign Corrupt Practices Act” viết tắt là FCPA, tạm dịch là “Điều Luật về Hành Vi Hối Lộ.” Đây là luật liên bang có mục đích cấm chỉ mọi công dân hay thường trú nhân Hoa Kỳ không được hối lộ tiền bạc hay biếu xén quà tặng cũng như bất cứ món đồ nào có giá trị cho các viên chức ngoại quốc hoặc cho các nhân vật chính trị để cố ý lấy cảm tình mua chuộc quyết định có lợi cho giao dịch ngoại thương liên hệ.

Mặc dù nội dung bản văn và mục đích của luật FCPA khá rõ ràng và giản dị; nhưng điều luật này bị nhiều thương gia chủ chốt tại Hoa Kỳ chỉ trích cho là biện pháp không cần thiết chỉ có tác dụng làm khó dễ thương gia trong nỗ lực ngoại giao buôn bán tại ngoại quốc. Giới này biện luận rằng luật FCPA là mưu toan vụng về của chính phủ muốn áp đặt quyền lực Hoa Kỳ trên giao dịch thương mại với nước ngoài bất kể đến khác biệt văn hóa. Họ cũng nói rằng ngay trong chính điều luật đã tự thừa nhận khó khăn trong việc áp đặt tiêu chuẩn đạo đức lên trên các quốc gia khác, chứng tỏ bằng ưu đãi miễn trừ cho các viên chức ngoại giao ngoại quốc nếu tiền bạc hay hàng hóa nhập cảng dùng như hình thức “thanh toán thuận lợi” (facilitative payments) cho các “hoạt động thường lệ của chính phủ” (routine government actions). Điều kiện làm thế nào để được coi là “thanh toán thuận lợi” và định nghĩa thế nào là “hoạt động thường lệ của chính phủ” thì rất mơ hồ không rõ ràng mấy. Doanh gia nào quan tâm đến ảnh hưởng của đạo luật FCPA về giao dịch của mình với nước ngoài ra sao thì nên tham khảo với luật sư chuyên môn trong lãnh vực này để được giải thích rõ ràng hơn.

Kỳ tới chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết về các loại hàng hóa chi phối dưới luật kiểm soát xuất cảng. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT