Tuesday, March 19, 2024

9 cô gái mang hơi thở tình yêu đến ‘The Concert of Love’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phượng Cầm, nhóm nhạc độc đáo gồm chín cô gái tươi mát, sẽ rực rỡ xuất hiện trong buổi trình diễn “The Concert of Love” tại hí viện trang trọng, ấm cúng The Rose Center Theater, Westminster, vào lúc 8 giờ tối Thứ Bảy, 18 Tháng Tám.

Nói về sự thành hình của Phượng Cầm, nghệ sĩ Minh Phượng, sáng lập viên, thố lộ: “Đây là niềm ấp ủ của em từ lâu lắm rồi, mà mãi đến năm 2016 mới hội tụ được những người yêu âm nhạc như mình vậy.”

Âm nhạc đưa chín cô gái trẻ này đến với nhau. Mỗi người một đóng góp, họ đem đến cho Phượng Cầm một âm sắc hết sức đặc thù.

Minh Phượng vừa là ca sĩ, vừa là dương cầm thủ. Thanh Nhã phụ trách phần âm thanh thật thấp, thật trầm với cây đàn “keyboard,” Nguyễn Thị Hậu chơi “cellist,” Gia Hân chơi tây ban cầm, Mỹ Vân và hai chị em Vân Khanh, Vân Quỳnh cùng góp tiếng ca, trong lúc Lina Thanh Nhàn và Jasmine Kim sẽ trau chuốt những thanh âm trong vắt, mượt mà và réo rắt từ hai cây vĩ cầm.

Cùng nhau nắn nót từng nốt nhạc cho “The Concert of Love,” chín nữ nghệ sĩ này sẽ bộc lộ tình yêu qua cung bậc trầm bổng để thể hiện ý nghĩa của chữ yêu thương trong đêm Tháng Tám, giữa Hè chín mọng với những làn điệu, khi mơn man ve vuốt, lúc cuồng nhiệt thiết tha.

Minh Phượng nói: “Xin hiểu chữ ‘love,’ chữ yêu thương, ở đây theo nghĩa rộng rãi nhất.”

Nghệ sĩ Minh Phượng. (Hình: Minh Phượng cung cấp)

“Âm nhạc phát xuất từ nhịp tim, từ hơi thở, từ khát vọng sâu xa nhất cùa con người để thể hiện nhịp yêu thương chan chứa trong tim. Yêu thương gia đình, yêu thương bạn bè, yêu thương đất nước. Và, dĩ nhiên, yêu thương lứa đôi,” cô nhỏ nhẹ tiếp.

Ngút ngàn âm hưởng yêu thương, “The Concert of Love” gồm những bản nhạc cổ điển Tây phương là những tác phẩm bất hủ của nhân loại được tinh tế pha trộn với âm nhạc Việt Nam, ngõ hầu đem đến cho khán giả những giờ phút giải trí vừa thoải mái, vừa lắng đọng.

“Về phần nhạc Việt, tụi em sẽ trình diễn những bản trường ca như Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và những tình ca của các nhạc sĩ cột trụ như Cung Tiến, Trần Quang Lộc mang đầy âm hưởng đặc thù Việt Nam,” cô giới thiệu.

Để lột tả được tình yêu, một tình cảm đa dạng, sâu sắc và phức tạp nhất, các cô gái mát rượi, xinh xinh, hơ hớ xuân thì này phải chiêm nghiệm lại tình yêu đầu đời của mình.

“Mối tình” với cây dương cầm của Minh Phượng bắt đầu từ năm lên sáu, khi cô được nhận vào Quốc Gia Âm Nhạc ở Huế. “Khi ‘nớ’ còn nhỏ quá, thầy cô phải lót một chồng sách cho Minh Phượng ngồi lên thì mới với phím đàn,” cô hồi tưởng.

Cô nhớ mãi những hôm quá nửa đêm mà cha cô vẫn kiên nhẫn chờ cô tập đàn. “Cả trường, ai cũng muốn tập bằng cây đàn dương cầm chính thức, cây đàn sẽ được dùng trong kỳ thi nên nhà trường sắp xếp giờ nào, mình nhận giờ đó. Em thì sợ ma nên tội ba, phải ngồi đó cho con gái yên tâm,” cô kể.

Sợ ma mà vẫn muốn ôn thi, tình yêu của cô bé lên năm, lên bảy nảy mầm từ thưở ấy… yêu đàn, yêu nhạc, yêu cha.

Nghệ sĩ Lina Thanh Nhàn và cây vĩ cầm hơn 100 tuổi. (Hình: Minh Phượng cung cấp)

Cũng đến với âm nhạc từ lúc còn thơ, Vân Khanh, một trong những giọng ca của Phượng Cầm, cho biết cô ca hát chuyên nghiệp năm chưa 16 tuổi.

“Hồi đó, đang tuổi hiếu động, em chỉ thích hát. Nhạc gì cũng hát, tiếng gì cũng hát. Ban đầu, em chọn nhạc Mỹ vì giai điệu, tưng bừng nhộn nhịp hơn.”

Cô hát tại những phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn như Rex, Majestic, Liberty.

Nhưng dần dà, khi, tình yêu chín chắn hơn, tình cảm chân chính lớn dần trong tim mình, cô ca sĩ chợt biết yêu tiếng mẹ đẻ. “Có lẽ khi đến tuổi có thể cảm nhận được sự thâm trầm của những bản tình ca Việt Nam, em thích diễn đạt tâm tư bằng nhạc Việt,” cô chia sẻ.

Rồi đến khi cùng em là ca sĩ Vân Quỳnh gia nhập nhóm Phượng Cầm, Vân Khanh càng yêu nhạc Việt hơn nữa.

Cô nói: “Khi hợp ca, em có được những cảm xúc thật bất ngờ khi nghe cách diễn đạt của các ca sĩ khác. Sự thể hiện của họ mang đến cho bản nhạc một sắc thái hết sức mới mẻ.”

Yêu nhạc, các cô yêu từ lúc chưa đọc chữ!

Nghệ sĩ Thanh Nhã. (Hình: Minh Phượng cung cấp)

Là “keyboardist,” Thanh Nhã xin học dương cầm khi còn bé. “Thấy em thích đàn quá, mẹ cho em học với các ‘soeur’ nhà dòng, nhưng ‘soeur’ bảo còn bé quá, phải đợi đến bảy tuổi. Thế là phải về ròng rã đợi. Càng học, càng thích nên sau đó, em thi vào Nhạc Viện Thành Phố. Em học nhạc 18 năm.”

Cô tâm sự: “Âm nhạc là tình yêu, trong đó có tình mẹ thiêng liêng.”

Cũng vậy, Lina Thanh Nhàn, nghệ sĩ vĩ cầm, cũng tìm đến nhạc khi còn thơ.

“Lúc ấy, em 12 tuổi. Khi thầy dạy lớp bảy đưa cây ‘violin’ cho em học thử, em thích ngay. Năm năm sau, em học với thầy Nguyễn Khánh Hồng, nhạc trưởng, phó chủ tịch Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, và đời em trở nên gắn bó với cây ‘violin’ mà thầy bán rẻ cho em từ dạo đó,” Lina kể. “Thực ra, cây đàn này do Bác Sĩ Nguyễn Bích Liên mua tặng em vì tin rằng em có triển vọng.”

“Mối tình” của Lina với cây đàn này vẫn còn “lưu luyến” đến giờ. “Lạ lắm, em mua thêm nhiều đàn khác, mới hơn và đắt tiền hơn, nhưng em không thể rời nó. Cây đàn này trên 100 tuổi rồi.”

Thế đấy. Họ biết yêu từ dạo còn bé thơ.

Tình yêu trong họ nảy nở dần dần, từ âm nhạc đến gia đình, bạn bè, đôi lứa rồi lan đến quê hương. Chín cô nghệ sĩ ăm ắp yêu thương này sẽ bộc bạch tình mình trong “The Concert of Love.”

“Âm nhạc, nếu chỉ để mua vui suông thôi thì thường quá. Âm nhạc chân chính phải khơi dậy một cảm xúc sâu lắng nào đó, chẳng hạn như một kỷ niệm xa xôi tưởng đã bị lãng quên trong lòng khán giả,” Vân Khanh nói. (Đằng-Giao)


————-
Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT