Thursday, March 28, 2024

‘Kim Cổ Soi Gương’ chuẩn bị… lên sàn

WESTMINSTER (NV) – Khi viết những dòng chữ này gởi đến bạn đọc, chương trình chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là chính thức lên sàn diễn. Hầu như các nghệ sĩ đều hồi hộp chờ đợi, họ đặt hy vọng rất nhiều vào khán giả trong ngày 12 Tháng Sáu sắp tới.

Nghệ sĩ Công Minh đang thử quần áo diễn cho nghệ sĩ Bảo Quốc. (Hình: Trần Nhật Phong cung cấp)

Các trích đoạn đã được tập dợt liên tục, và nhiều nghệ sĩ rất nghiêm túc khi tập dợt từng “mảng,” “miếng” trong các trích đoạn.

Nhìn nỗ lực của các nghệ sĩ, tôi lại thấy… lo lắng. Dường như không phải chỉ riêng khán giả, các nghệ sĩ đều đặt niềm tin vào… tôi – một “bầu Cải Lương” bất đắc dĩ. Họ tin rằng tôi sẽ kéo đầy khán giả đến rạp. Họ tin rằng tôi có “phép thần thông 72 biến của Tôn Ngộ Không,” để khán phòng không còn một chỗ trống.

Cho đến hôm nay, ngồi viết những dòng này, số lượng vé mà tôi giao đến tận tay khán giả chỉ có trên dưới… 350, so với sức chứa của rạp là gần 600 ghế.

“Ghét ai xúi hắn làm bầu,” câu nói quen thuộc trong giới nghệ sĩ đã trở thành câu nói đầy ám ảnh đối với tôi, không lẽ tôi bị… “ghét” đến vậy sao? Lo từ phục trang, cảnh trí, dàn dựng cho đến việc “chạy vé” gần như làm tôi bị… hụt hơi.

-Thôi em! Cho anh xin, ba cái vụ Cải Lương không hợp với anh lắm.

-Tháng Sáu anh chị… mắc đi dự lễ ra trường của con ở tiểu bang xa rồi.

-Tôi nói với cậu, giờ chả ai quan tâm Cải Lương đâu, cậu cứ thích “chèo ngược dòng.”

Đau không? Đó là những gì mà tôi được nghe trong mấy tuần qua, mặc dù vẫn có những khán giả rất dễ thương, khi nghe, xem quảng cáo trên đài, trên báo, đã chủ động gọi tôi để đặt vé. Nhưng các bạn bè, những người thích sinh hoạt trong cộng đồng thì dường như hoàn toàn… vô cảm, với Cải Lương.

Nghệ sĩ Công Minh trong vai một “tham quan” bán nước, bị “thanh quan” Bảo Quốc xét xử. (Hình: Trần Nhật Phong cung cấp)

Chỉ còn hơn nửa năm là bước sang năm 2017, đánh dấu đúng 100 năm sân khấu Cải Lương. Tôi tự hỏi, có phải tuổi thọ của bộ môn văn hóa dân tộc chỉ có thể kéo dài đến đây? Một suất hát diễn của các nghệ sĩ với nhiều tháng ngày tập dợt vẫn không đủ thuyết phục lôi kéo mọi người đến rạp?

Khi đứng xem người nghệ sĩ đổ mồ hôi trên sàn diễn, tôi mới cảm nhận được cái “lửa” yêu nghề của họ đến mức nào, từng động tác, từng lời “thoại,” từng lời ca, tất cả đều được các nghệ sĩ “đào sâu”… tới bến.

Nghe họ phân tích nhân vật, nhất là những nhân vật thuộc về lịch sử, thuộc về văn hóa dân gian, rồi đưa ra phương cách diễn cho phù hợp, tôi mới hiểu ra: Cải Lương không dễ nuốt.

Đoạn nào lời ca đầy hào khí, đoạn nào là những lời tâm tình nhẹ nhàng bóng bẩy, phần nhạc sẽ phải chọn ra sao cho phù hợp, vai nào lộ rõ chất anh hùng, vai nào lột tả chất gian manh của nhân vật. Chỉ xem họ tập diễn mà tôi đã ngẩn ngơ.

Sau những buổi tập diễn của nghệ sĩ, họ lại quay về với đời sống vội vã, “cơm áo gạo tiền.” Họ cũng giống như mọi người khác, vẫn có những tấm bills phải trả, vẫn phải làm tròn trách nhiệm với gia đình. Nhưng lòng họ luôn canh cánh hướng về cái nghề của ông cha để lại, họ lo lắng cho show diễn còn hơn cả… ông “bầu.”

Nhìn thấy “lửa” nghề của các nghệ sĩ, tôi thật không dám nói nhiều cho họ biết những “nỗi đau” tôi vấp phải khi cố gắng “chạy vé” cho Kim Cổ Soi Gương.

Dù mệt mỏi và căng thẳng trong các buổi tập diễn, ánh mắt họ nhìn tôi đều… tràn trề hy vọng, và tôi lại… im lặng và tiếp tục nỗ lực đi “ép vé” mọi người.

Các nghệ sĩ “chạy kịch bản” cho trích đoạn Nam Quốc Sơn Hà, với Đại Thống Soái Lý Thường Kiệt. (Hình: Trần Nhật Phong cung cấp)

Lần này, Kim Cổ Soi Gương được xem là quy tụ con cháu của Tam Đại Gia Tộc của ngành Cải Lương và Hồ Quảng.

Phượng Mai, người được xem là thế hệ thứ 5, thứ 6 của Gánh Phước Cương – Phước Tường thuộc gia đình của nghệ sĩ Tiền Phong Quốc Tế Cao Long Ngà, đã có mặt ở miền Nam Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ trước, được xem là một trong những gánh Cải Lương đầu tiên. Nghệ sĩ Bảo Quốc, nghệ sĩ Hồng Loan, những thế hệ sinh ra trong Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga của gia đình bà Bầu Thơ – ông Năm Nghĩa thành lập từ thập niên 40 của thế kỷ trước và được xem là đoàn hát Cải Lương hàng đầu của miền Nam Việt Nam. Và sau cùng là Công Minh, con trai thứ 9 của gia đình Bầu Thắng – Minh Tơ, Ban Cải Lương Hồ Quảng vốn đã chinh phục trái tim của người Sài Gòn từ thập niên 50.

Cả ba gia tộc này, nếu trước năm 1975, chỉ cần treo tên của họ, thì cũng đủ “cháy vé” mỗi đêm diễn, thế mà hôm nay trên đất khách, sự qui tụ của 3 gia tộc lớn vẫn chưa đủ hấp dẫn để kéo khách đến đầy ngôi rạp chưa tới 600 chỗ ngồi.

Năm trích đoạn, lấy lịch sử, lấy văn hóa dân gian ngày xưa để nhìn lại con người hôm nay, đó là chủ đề của chương trình Cải Lương – Hồ Quảng “Kim Cổ Soi Gương” ngày 12 Tháng Sáu tại rạp Saigon Performing Arts Center. Mỗi một trích đoạn, mỗi một vai diễn, đều phản ánh những tấm gương hào hùng của cha ông, phản ảnh những “lạm quyền,” “chạy án” cậy quyền thế, quen biết, chèn ép của những kẻ được gọi là “quan lại,” nói lên một phần nào thực trạng hiện này của vùng lãnh thổ chữ S bên kia bờ đại dương.

Chỉ còn hơn hai tuần là show diễn bắt đầu, áp lực của tôi lại từ từ tăng lên, chi phí cho show diễn, lượng khán giả đến xem, làm thế nào lôi kéo thêm khán giả mới, sắp xếp với rạp hát, dựng cảnh trí, thiết kế các đạo cụ, tất cả đều… đè nặng lên trái tim của tôi, một người ngày xưa vốn xa lạ với ngành Cải Lương. Nhưng nay lại “ăn cơm Tổ” một cách bất đắc dĩ.

Mong rằng sau bài viết này, có ai đó đồng cảm với hoàn cảnh của tôi, mà bốc điện thoại gọi thì chắc áp lực của tôi sẽ giảm đi nhiều, mái tóc cũng bớt bạc đi một chút.

Hơn hai tuần, còn gần 200 vé, niềm hy vọng mong manh nhưng vẫn phải hy vọng, vì tôi không tin rằng tuổi thọ của Cải Lương diễn tuồng chỉ kéo dài 99 năm. Tôi vẫn có niềm tin mọi người sẽ không để cho bộ môn văn hóa dân tộc không bị mai một.

(“Ông Bầu” Trần Nhật Phong: 714-580-9873) (P.T.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT