Thursday, March 28, 2024

Phong tục ngày Tết Việt Nam


Pao Lâm


 


Nếu cuộc sống thường nhật đầy tất bật không cho người ta nhiều thời gian để chú ý tới nó thì “đến hẹn lại lên,” mỗi độ Xuân sang, những ước vọng, niềm tin về một khởi đầu tốt đẹp, may mắn vào năm mới lại đưa mọi người tìm về với những phong tục Tết truyền thống.










Vàng mã ông Táo. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Dù theo thời gian, có những phong tục vẫn được lưu giữ đến ngày nay, có những phong tục đã bị thay đổi hoặc biến mất cùng sự phát triển của đời sống xã hội, ngày Tết ôn lại phong tục đón tết dường như đã trở thành “một phần không thể thiếu.”


 


Tiễn ông Táo về trời


 


Ngày 23 Tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Ðây là “hoạt động” đầu tiên trong những ngày cuối năm báo hiệu một cái Tết sắp đến. Theo dân gian, ông Táo là người canh giữ bếp và nắm mọi hoạt động trong nhà. Ngày 23 Tháng Chạp là ngày ông về trời để báo cáo hoạt động một năm qua của gia chủ với Ngọc Hoàng Thượng Ðế.


Ðể ông Táo “đi” được nhanh chóng và báo cáo tốt thì buổi tiễn phải long trọng với đầy đủ lễ vật, gồm có: nhang (hương), nến, hoa quả, mũ đàn ông, đàn bà và giấy tiền đều bằng vàng mã, cá chép sống bơi trong chậu nước. Cá chép sẽ giúp ông Táo vượt vũ môn để lên trời gặp Thượng Ðế. Ngày nay, đôi khi cá chép sống cũng được thay bằng vàng mã. Tiễn ông Táo đi, người ta cũng không quên đón ông về vào chiều ngày 30 (hoặc 28, 29 nếu là tháng thiếu), trước Giao Thừa.


 


Tống cựu nghinh tân


 


Có thể hiểu nôm na là “đón cái mới – tiễn cái cũ,” bằng cách dọn dẹp sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, hoặc những đồ cũ không dùng tới, để dành chỗ đón cái mới – quần áo mới, vật dụng mới.


Từ đêm Giao Thừa, người lớn tuổi trong nhà đã nhắc nhở anh em, con cháu không được cãi nhau, gây bất hòa, trẻ nhỏ không nghịch phá, đánh nhau, mọi người tránh nói những điều gở, tránh nói tục chửi bậy, gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói cười vui vẻ, hòa nhã, mong năm mới sẽ được tốt đẹp. Phong tục này là một thói quen tốt, vẫn được duy trì dù ở thôn quê hay thành phố.


 


Trồng cây nêu


 










Câu nêu ngày Tết. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Trong dân gian, phong tục trồng cây nêu của người xưa tức là trồng một cây tre cao khoảng 5-6m trước nhà, mỗi bên một cây, trên ngọn cây treo những thứ có thể tạo ra tiếng động hoặc hình ảnh phất phơ trong gió (khác nhau tùy theo vùng miền), với ngụ ý là để đánh động, xua đuổi ma quỷ không dám đặt chân vào nhà. Ngày nay, phong tục này ở thành phố ít người còn làm vì khó thực hiện được. Không có cây tre nên nhiều nhà dùng hai cây mía để hai bên trên bàn thờ, bên trên ngọn cây mía treo một cành cây như xương rồng hay cay khác mang tính tượng trưng.


 


Gói bánh chưng bánh tét


 










Bánh chưng ngày Tết. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)


Phong tục gói bánh chưng, bánh tét là để nhớ về cội nguồn cũng như cầu mong cho năm mới mọi thứ sinh sôi nảy nở (như hạt nếp), no đủ, mọi sự thành công, vuông tròn, tốt đẹp. Ở miền Bắc, người ta gói bánh chưng còn miền Nam gói bánh tét. Công việc gói bánh trải qua nhiều công đoạn, cần sự hợp tác của nhiều người, mỗi người phụ trách một khâu như rửa lá, lau lá, vo gạo, ngâm gạo, nấu đậu, ướp thịt, rồi lại cùng nhau ngồi trông nồi bánh, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới,sum họp đầm ấm. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, điều kiện ở thành phố hạn chế nên phần nhiều người ta không tự gói bánh mà mua ở ngoài hàng hoặc được biếu để dùng.


 


Cúng giao thừa


 










Mâm cỗ cúng giao thừa. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Theo dân gian, nguồn gốc của phong tục này là để tạ ơn trời đất. Hầu như nhà nào cũng có một mâm cỗ cúng giao thừa với một con gà luộc để nguyên không chặt, trái cây, mứt, bánh kẹo mỗi thứ một ít, hai cây nến, giấy tiền vàng mã và nhang (hương). Khi thời khắc Giao Thừa đến thì đặt mâm cúng ở trước sân, đối diện giữa cửa chính, người chủ gia đình sẽ thắp nhang lạy tạ trời đất và cầu xin mọi điều tốt lành cho gia đình mình.


 


Hái lộc đầu xuân


 










Hái lộc đầu Xuân. (Hình: Ciao Travel cung cấp)


Vào đêm Giao Thừa hoặc sang mùng Một, hái một cành lộc mới, đem chồi non về nhà để mong sao năm mới mọi thứ nảy lộc đâm chồi tươi tốt. Ngày nay ở thành phố, việc hái lộc là một điều khó khăn vì biết hái lộc ở đâu bây giờ? Thế nên nhiều nhà chùa thường bị bẻ sạch cành cây trong đêm 30 khi người ta đến viếng. Phong tục hái lộc hầu như ít thấy ở thành phố.


 


Xông nhà, xông đất










Xông nhà đầu năm. (Hình: Ciao Travel cung cấp)

 


Theo dân gian, kể từ sau đêm Giao Thừa, người nào đặt chân đến nhà đầu tiên gọi là xông đất (xông nhà). Người được chọn xông nhà thường là hàng xóm láng giềng, lớn tuổi, có đạo đức, thành công, tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn, có uy tín trong cộng đồng. Hầu như người được mời xông nhà đều không từ chối vì có niềm tin, niềm vui là mình đang làm điều tốt.


Nếu không tìm được người xông nhà thì người chủ gia đình – thường là người đàn ông năm vai trò trụ cột – sẽ tự xông nhà mình, để “phần” cho người khác “nặng vía” hoặc có điều xui xẻo, có tang xông. Những người gia đình có tang cũng kiêng không đến nhà người khác chúc Tết. Mặc dù mang yếu tố tâm linh, không có cơ sở khoa học, đa phần người ta đều theo vì tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”


 


Chúc Tết


 


Ngày Tết chúc nhau những điều tốt đẹp là một trong những phong tục không thể thiếu. Trẻ nhỏ cũng được dạy để chúc những lời hay đến ông bà, cha mẹ, anh chị, người thân quen. Thường thì người ta chúc nhau sức khỏe, tiền tài, chúc làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc, thành công. Chỉ lưu ý để lời chúc có ý nghĩa, phù hợp từng đối tượng, chẳng hạn người lớn tuổi thì chúc có sức khỏe, sống lâu, nhiều phúc, người làm ăn thì chúc phát tài, trẻ con thì chúc hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi.


 


Mừng tuổi


 


Ði kèm với chúc Tết là phong tục mừng tuổi. Người lớn sẽ mừng tuổi trẻ con một ít tiền nhỏ để trong một phong bì đỏ (gọi là bao lì xì) để “tặng lộc” cho bé. Món tiền chỉ là tượng trưng, không nặng về vật chất, miễn sao đồng tiền mới, phẳng phiu, không dùng tiền cũ nát. Ngày nay, đây có lẽ là phong tục chịu “thương mại hóa” nhiều nhất vì khá nhiều người tạo cho mình, con em mình thói quen đòi nhận tiền mừng tuổi với giá trị lớn, và một phần người lớn biến việc mừng tuổi thành việc trao đổi khi tặng món tiền giá trị lớn cho trẻ em nhằm “lấy lòng” cha mẹ chúng để được cái lợi nào đó.


Phong tục ngày Tết, việc biếu quà Tết, tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò mừng tuổi thầy giáo, bệnh nhân cám ơn thầy thuốc, con rể chúc Tết bố mẹ vợ… không nên đánh giá theo giá cả thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó câu nệ vì như thế sẽ hạn chế tình cảm, không có quà ngại không đến.


Ở Việt Nam, vào dịp đầu Xuân, người ta thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thất tuần, bát tuần, cửu tuần, tính theo tuổi âm lịch. Ngày Tết cũng là dịp mọi người rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui. Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, nông, công, thương (“Tứ dân bách nghệ”) của dân tộc Việt Nam vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ.


Sau ngày mùng Một Tết, dù có mải vui Tết cũng chọn ngày “khai nghề,” “làm lấy ngày.” Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì Giao Thừa xong, chọn giờ Hoàng Ðạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa được ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt, nên phiên chợ đầu Xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi Xuân.


 


CIAO TRAVEL


Add: 1st Floor, 3 Phan Huy Ich Street, Hanoi, Vietnam


Tel: 84 4 39290270; Fax: 84 4 39290271


E-mail: [email protected]


Website: www.ciaotravels.com


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT