Wednesday, April 24, 2024

Thi sĩ Kiên Giang xếp bút nghiên

theo nghiệp… cải lương



Ngành Mai

Khoảng 1957, thi sĩ Kiên Giang đang là ký giả tờ nhựt báo Tiếng Chuông, đã bất ngờ xin thôi việc, khiến cho anh em ký giả đồng nghiệp rất đỗi ngạc nhiên. Kiên Giang rời tòa báo và quán cà phê ở hẻm Gia Long, và bắt đầu đi vào nghề mới: “Nghiệp cải lương.”



Thi sĩ Kiên Giang, trái và ký giả Thiện Mộc Lan, hình chụp năm 1994. (Hình: Ngành Mai sưu tập)


Thật vậy, nữ nghệ sĩ Thúy Nga sau khi rã hùn ở đoàn Thống Nhứt, Út Trà Ôn, cô lập gánh hát lấy tên mình dựng bảng hiệu. Giám đốc đoàn Thúy Nga đã mời thi sĩ Kiên Giang hợp tác với vai trò soạn giả và tiếp tay gây dựng đoàn hát.

Lần đầu tiên Kiên Giang và Thúy Nga đến rạp Long Phụng xem Thành Ðược trong vở tuồng kiếm hiệp. Lúc đó Thành Ðược đang là kép chánh đoàn Vĩnh Viễn, là một đoàn hát nhỏ, mới vừa về Thủ Ðô hát rạp Long Phụng, cũng là rạp nhỏ dành cho các gánh hạng B, C. Trong vở tuồng ấy, Thành Ðược trổ tài trong một pha bay rất ngoạn mục, Thành Ðược đứng trên nóc thành sau khi bay xong, còn ca vọng cổ.

Cô Thúy Nga cũng như Kiên Giang đều chọn Thành Ðược, và tiếp đó Bích Sơn được giới thiệu vào sân khấu này.

Nhưng một số người không tin tưởng Bích Sơn có thể đứng chung bên cạnh các nghệ sĩ miền Nam. Kiên Giang quả quyết Bích Sơn sẽ tạo được tư thế vững chắc trên sân khấu nầy.

Lúc bấy giờ Hà Triều-Hoa Phượng đang ở tại nhà Kiên Giang, đã hoàn thành vở hát “Lối Vào Cung Cấm” sắp đưa cho một đoàn hát nào đó. Kiên Giang liền giữ lại và trao vở ấy cho đoàn Thúy Nga. Trên sân khấu Thúy Nga vở Lối Vào Cung Cấm được biến thành “Khi Hoa Anh Ðào Nở.” Mọi người đều dồn mọi nỗ lực để hoàn thành vở “Khi Hoa Anh Ðào Nở.”

Trong lúc đoàn ăn tập tại đình Tân Kiển, Chợ Quán, một số người đến chơi đều chê trước: “Ðào kép vô danh của đoàn nầy khó thu hút khán giả.”

Thật vậy, lúc ấy Thành Ðược và Bích Sơn chưa ai biết đến tên tuổi, còn xa lạ với khán giả.

Trước thái độ phê phán khắt khe vội vàng, mọi người đều quyết tâm làm cho được việc để gây một tiếng vang tốt đẹp cho thế hệ nghệ sĩ đợt sống mới. Anh Chỉ, người làm hoa anh đào đã thức trắng ròng rã mười mấy đêm để làm cho xong công việc…

Ðoàn Thúy Nga ra đời tại Sa Ðéc, quê hương của bà bầu Thúy Nga. Tại đây cô Thúy Nga đọc bài khai trương chào mừng quê hương và nghệ thuật. Cô Thúy Nga nhấn mạnh rằng: Cô là người Sa Ðéc, đã bắt đầu đi lập nghiệp với đôi tay trắng và giọng ca. Cô đã rời bỏ quê hương trong nhiều năm tháng nổi chìm nhưng không quên quê hương khi làm nên sự nghiệp.

Khai trương đoàn hát tại quê hương là một phương cách tạ ơn đời, tạ ơn người cùng một quê hương.

Ðoàn Thúy Nga tuy là một đoàn hát mới nhưng được chăm sóc mọi mặt, để tạo một sắc thái mới. Tờ chương trình lộng lẫy đập mạnh vào nhãn quan của khán giả. Sau một vòng lưu diễn qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, đoàn về Sài Gòn khai trương vở “Khi Hoa Anh Ðào Nở” tại rạp Hưng Ðạo. Vở nầy được tái diễn liên tục suốt 8 suất hát, gây sôi nổi trong giới ca kịch.

Nhiều người trong ca kịch giới còn tô đậm giai thoại: Thành Ðược đóng vai kiếm sĩ luôn ôm khối tuyệt tình nên trong tình trường luôn tiếp nhận mọi sự tan vỡ.

Tới đây chia cách nẻo đời,
Anh về chùa cũ, em hồi thâm cung.

Khán giả khi ra về vẫn còn hình dung khung cảnh của một Tịnh Vân Tự vừa khép kín cửa khí tiếng ngâm thơ của kiều nữ Bích Sơn từ trong hậu trường vọng ra:

Cửa chùa đã khép kín rồi,
Nàng về xây lại cuộc đời dở dang,
Quên đi cánh bướm bên đàng,
Cho tôi trọn nghĩa, cho nàng trọn trinh.

Một số ít ký giả đả kích vở nầy ở lối kết thúc bi quan yếm thế, nhưng đa số ký giả kịch trường đều khen ngợi và khích lệ.Với vở này tên tuổi Thành Ðược, Tư Rọm, Phước Trọng, Sáu Nhỏ, Thúy Nga, Bích Sơn đã được đưa lên hàng đào kép ưu tú. Hà Triều ố Hoa Phượng tuy hai người là lính mới gia nhập hàng ngũ soạn giả vẫn tạo được tư thế vững chắc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT