Thursday, March 28, 2024

Bài vọng cổ ‘Phận Làm Dâu’ của soạn giả Quy Sắc

Ngành Mai

Năm 1962 hãng dĩa hát Hồng Hoa được Bộ Thông Tin cấp giấy phép cho phát hành dĩa vọng cổ và cuốn bài ca “Phận Làm Dâu” của soạn giả Quy Sắc, do đào thương Út Bạch Lan ca thu thanh.

Đây là bài vọng cổ nói lên bối cảnh xã hội của thời xưa, cái thời mà người phụ nữ phải chịu áp chế, vô vàn cay đắng khi về làm dâu cho nhà chồng. Một số giai nhân tài tử đã học thuộc lòng và đưa vào sinh hoạt, gây ngậm ngùi cho bà con thưởng thức.

Một nhóm đờn ca tài tử nọ có một cô ca lên bài “Phận Làm Dâu,” khi ca đến câu 4: “… Có lần lỡ dại phân bua, canh đâu có mặn cơm nào có khô…” tức thì bà mẹ chồng hất chiếc mâm xuống đất, và còn ném chiếc dĩa vào đầu tuôn máu.

Khán giả hôm bữa ấy rất đông, có một cô lên tiếng: “Gặp tôi mà chê thì tôi cho chiếc mâm bay đi, khỏi ăn luôn. Còn ném dĩa hả, tôi lấy dĩa liệng trở lại, liệng luôn ba cái cho biết tay.”

Thế là mọi người cùng cười rần lên.

Dưới đây là bài vọng cổ “Phận Làm Dâu.”

Nhạc:

Phận làm dâu,

Đi lên đường đắng cay,

Qua nhịp cầu cay đắng,

Có ai may mắn,

Được mẹ chồng thương yêu,

Phận làm dâu,

Bao nhiêu niềm đớn đau,

Bao nhiêu niềm đau đớn,

Bắc thang lên hỏi Ngọc Hoàng,

Xem có bao nhiêu mẹ chồng,

Trên thế gian hết lòng thương mến con dâu.

1) Thân làm đò ngang phải ngửa nghiêng bởi sóng triều bão tố, thân làm dâu phải khổ bởi thương… chồng, vì thương chồng nên nhịn nhục cả với em chồng.

Em chồng xéo xắc chị dâu,

Dầu rằng cũng phận má đào như em.

Mẹ chồng em vô cùng khe khắt không bao giờ rộng lượng với con dâu. Tội cho em tuổi hãy còn son, vì thương mà phải chịu biết bao nhiêu điều cay đắng.

2) Mỗi lần mẹ em vào bếp, là mỗi lần em bấn loạn cả tâm hồn, giọng nói của mẹ em nặng nề đay nghiến mãi không ngừng. Quá run sợ phách hồn như tiêu tán, mẹ bảo trao vật này em mang đến vật kia. Vì thế sóng gió lại tràn ngập lên đầu dâu trẻ, cha mẹ ruột em bị mắng nhiếc lây.

Sanh con để gả cho người,

Bị người mắng nhiếc, trời già thấm chăng.

Nói lối:

Khổ sở nhứt là giờ dâng cơm nước,

Em phập phồng từ miếng nuốt của mẹ và em chồng,

Không bao giờ được khen tiếng ngọt ngon,

Chỉ nghe cá mặn, cơm khô, canh lạt.

4) Em lặng thinh nghe mẹ giằng mâm xán bát mặc cho nước mắt tuôn… trào, em cố nuốt mà sao chẳng hạ nghẹn ngào.

Có lần lỡ dại phân bua,

Canh đâu có mặn, cơm nào có khô…

Câu phân bua của em chưa dứt,

Thì mâm cơm đã xuống đất rồi,

Em khum nhặt mảnh bát rơi,

Như nhặt những mảnh tả tơi của đời.

5) Em chồng đốt thêm lời tức giận, mẹ ném vào đầu em chiếc dĩa máu tuôn dòng… Máu lệ ôm nhau thông cảm, lăn vào miệng chất mặn nồng.

Ước chi lúc ấy có chồng,

Băng giùm vết máu, cho lòng bớt đau,

Nhớ hồi thuở ở chung cha mẹ rầy,

Giận lấy chẳng thèm cơm,

Đợi cha mẹ dỗ mới dùng,

Bây giờ chỉ biết cắn răng lệ tràn.

6) Chồng em chẳng buồn han hỏi, dù thấy vết máu trên lằn băng.

Con em khóc, em vội bồng cho nó bú,

Miệng thơm tho nút sữa thấy mà thương,

Mắt ngây thơ đen nhánh ngó mắt em,

Tay búp măng quơ quơ cằm, má mẹ,

Như nó lau giùm em tủi nhục cay nồng,

Con như thế không thương sao được,

Vậy mà họ bảo rằng em chẳng thương con,

Mỗi lần con té, cả nhà,

Xúm nhau nguyền rủa em là sát nhân.


Năm 2017 đờn ca tài tử họp mặt vào ngày nào?

Đây là câu hỏi thắc mắc chung của các giai nhân tài tử trong buổi sinh hoạt cuối của năm 2016. Để biết ngày giờ nào họp mặt, mời các giai nhân tài tử theo dõi trên nhật báo Người Việt.

Họp mặt đờn ca tài tử kỳ 7 vừa qua tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, hầu như ai ai cũng tin tưởng rằng địa điểm này trong tương lai sẽ là nơi hội ngộ tài tử giai nhân khắp bốn phương.

Trong không khí đầm ấm, khá vui vẻ, nhạc sĩ Văn Cường đờn cây lục huyền cầm, và các giai nhân tài tử Diễm Ngọc, cô Nương, Hồng Châu, Quế Anh, Lan Anh… nối tiếp nhau trình bày các bài cổ nhạc nói về Lễ Giáng Sinh; bài “Lá Trầu Xanh” được hát đến hai lần; bản “Mạnh Lệ Quân” cũng hai lần hát.

Đặc biệt cô Nương, một giai nhân tài tử đã cùng một nam tài tử liên ca 12 câu Phụng Hoàng trong “Nửa Đời Hường Phấn” là bài ca mà khán giả rất ưa thích. Trong quá khứ hầu như nhóm đờn ca tài tử nào cũng có người ca lên 12 câu Phụng Hoàng nói trên.

Một tài tử nói rằng rất mong báo Người Việt cho đăng các bài vọng cổ xưa để lưu vào cuốn bài ca, mang đến các buổi sinh hoạt vừa ca vừa học sẽ có hiệu quả hơn, dễ thuộc hơn, đồng thời cũng để phổ biến luôn với các bạn đồng điệu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT