Thursday, March 28, 2024

Bài vọng cổ ‘Sương Khói Quê Nghèo’ của soạn giả Viễn Châu

Ngành Mai

Năm 1961, Bộ Thông Tin cấp giấy phép cho phát hành dĩa hát và xuất bản cuốn bài ca mang tên “Sương Khói Quê Nghèo” của soạn giả Viễn Châu. Bài ca được phổ biến cùng khắp và giới đờn ca tài tử thời đó cũng có người ca.

Theo lời soạn giả Viễn Châu thì ông viết bài vọng cổ sáu câu này từ khoảng năm 1949-1950 và do ở thời Pháp thuộc nên giấu đi không dám phổ biến.

Mãi đến cuối năm 1954 chiến tranh chấm dứt, ông trao cho các hãng dĩa nhưng không hãng dĩa nào chịu thu thanh phát hành. Người ta nói lúc bấy giờ Viễn Châu còn là nhạc sĩ Bảy Bá chưa nổi tiếng thành ra không ai dám bỏ tiền ra làm, chưa biết có thành công hay lỗ vốn.

Bài vọng cổ “Sương Khói Quê Nghèo” dựng lên bức tranh thời loạn lạc, với những cảnh khói lửa đao binh, làng quê xơ xác dưới gót giày của quân xâm lược, với cảnh người dân tản cư trên những chiếc thuyền rời quê hương đi lánh nạn.

Lúc trò chuyện với nghệ sĩ Năm Châu, soạn giả Kiên Giang nói rằng bài vọng cổ sáu câu “Sương Khói Quê Nghèo” là tâm trạng của Viễn Châu, là người trong cuộc nên lời văn sống thực, gợi cho người nghe hình ảnh đất nước quê hương trong cuộc chiến, mà hầu như ai ai cũng biết.

Lời văn của Viễn Châu rất dễ ca, sắp chữ của ông rất dễ xuống hò. Ðặc biệt những bài ca sau này ông thường sử dụng những vần thơ, dân đờn ca tài tử thích nhất là bốn câu thơ lục bát áp dụng cho tám nhịp chót, nên người ca dứt câu không bị rớt.

Viễn Châu là người tỉnh Trà Vinh gần biển, thể hiện lên ở đầu câu nói lối: “Quê hương tôi ở miền nước mặn…” ông tản cư lên Sài Gòn và vào nghiệp cầm ca, nên câu thứ tư gần như nói rõ: “Năm tháng trôi đi giữa kinh kỳ hoa lệ…” sau đó trở thành thầy đờn với tên nhạc sĩ Bảy Bá, trước khi viết bài ca, viết tuồng cải lương để rồi nổi danh với cái tên “Viễn Châu.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 16 tháng 12 năm 2016

Nhằm đem đến cho tài tử giai nhân những bài vọng cổ sáu câu, kỳ này chúng tôi xin đăng trọn bài “Sương Khói Quê Nghèo” của Viễn Châu.

Nói lối:
Quê hương tôi ở miền nước mặn,
Tháng ngày quen mưa nắng giữa đồng xanh,
Bao năm qua vui sống yên lành,
Bỗng đổ nát tan tành vì chiến họa.

1) Nhà nội tôi lấy lá làm phên, lấy tre bện cửa, phải oằn oại trong khói lửa mấy năm… dài, tôi nhớ một mùa Thu lá rụng mái hiên ngoài, giữa gian nhà cũ kỹ có tiếng thạch sùng chắt lưỡi thâu canh. Nằm bên cạnh bà nội tôi, lắng nghe tiếng súng nổ vang, tôi thì mới lên tám tuổi đầu, còn nội tôi thì mái tóc xanh đã lần hồi điểm trắng.

2) Cha tôi một người trai hiền hậu đã thác đi sau trận đánh quân thù, nội tôi khi hay tin con đã đáp nợ sơn hà, hai tay già bỗng dưng run rẩy, đôi mắt hiền từ giọt lệ trào dâng. Người mới ôm chặt lấy tôi và khe khẽ nói rằng, cháu ôi cha cháu từ đây không còn về với nội, nỡ để cho tre già đành chịu khóc măng.

3) Ðêm ấy khi trăng non vừa khuất bóng, tàu chuối xanh ướt đẫm giọt sương khuya, trên chiếc thuyền tản cư tôi ngồi co ro sau lái, mắt nhìn lên ngôi nhà cũ kỹ lòng bồi hồi mến tiếc nơi cắt rún chôn nhau. Nội tôi an ủi tôi rằng, nội già rồi có chết cũng không sao, cháu còn trẻ ráng làm nên sự nghiệp. Con thuyền từ từ tách bến, tiếng mái chèo khuấy nước nhặt khoan, trong ánh dương tôi còn nhìn thấy nội tôi đang run run trong làn áo mỏng, lệ sầu rơi trên đôi má khô gầy.

(Thơ):
Mười lăm năm đăng đẳng,
Ðầu xanh vướng nợ nần
Mười lăm năm bấy nhiều lần
Xuân qua mấy độ phong trần mấy nơi.

4) Năm tháng trôi đi giữa kinh kỳ hoa lệ, tôi đã thành ra một kẻ giang… hồ, tôi đã mượn mấy vần thơ để gợi sự mong chờ, tôi đã phổ vào trong tiếng nhạc những cung đàn khóc gió than mây. Có biết đâu trong khi ấy quê nội tôi vẫn rền than dưới gót giày của quân xâm lược và hãi hùng trong súng trận kinh hoàng.

5) Mười năm qua khi thanh bình đã trở lại tôi quay gót về đây để thăm viếng quê nghèo, gió thổi rung rinh trên mặt nước ao bèo, nhà nội tôi còn đâu nữa chỉ thấy trước thềm cỏ mọc rêu phong. Một nắm đất vàng quạnh quẽ đìu hiu nằm dưới tàn cây cổ thọ, đó là nơi yên nghỉ của nội tôi sau những năm vất vả cơ hàn.

6) Hò… hơ trách ai gây cảnh đao binh để cho quê nội tan tành xác xơ… tiếng ai hò văng vẳng như nỗi cảm hoài người thất thổ ly gia, mười năm qua mấy cuộc biển dâu, cảnh tang tóc khiến quê nghèo thêm xơ xác, tôi lắng đếm từng chiếc lá rơi lạnh lùng trên mặt nước như những hồn oan của mấy vạn dân lành. Hỡi ôi những chiến sĩ vô danh, những tâm hồn yêu nước, đã ngã gục giữa sa trường để bảo tồn mảnh đất quê hương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT