Friday, April 19, 2024

Bài vọng cổ ‘Thiên Thần Áo Trắng’

Ngành Mai

Khoảng gần cuối năm Mậu Thân 1968, bài vọng cổ “Thiên Thần Áo Trắng” xuất hiện ở các chợ làng quê nông thôn, gây sự tò mò cho nhiều người, đặc biệt là giới đờn ca tài tử rất khó bỏ qua, bởi hình bìa hấp dẫn.

Do chữ “Thiên Thần” ở bìa cuốn bài ca, lại thêm hình vẽ nàng tiên có cánh nên mới nhìn vào tưởng đâu là bài ca mang ý nghĩa tôn giáo. Thế nhưng, khi mua về đọc qua hai câu đầu thì người ta mới rõ là bài ca nói về tâm trạng người thương binh và cô nữ y tá trong câu chuyện.

Người sáng tác bài ca là nghệ sĩ lão thành Năm Châu, ông gây bất ngờ cho bà con mộ điệu và giới soạn giả thời ấy. Bởi vì suốt thời gian mấy chục năm hoạt động sân khấu và điện ảnh, Năm Châu chỉ soạn tuồng cải lương, vừa viết tuồng, vừa làm kép hát, nổi tiếng một thời gian dài với các vở tuồng xã hội như “Vợ Và Tình,” “Chàng Đi Theo Nước”…

Năm Châu cũng có thời gian khoảng 10 năm hoạt động trong làng điện ảnh như viết truyện phim. Cuốn phim “Người Đẹp Bình Dương” do Năm Châu viết đã đưa cô nữ sinh Thẩm Thúy Hằng trở thành tài tử điện ảnh sáng giá.

Năm Châu cũng hợp tác với hãng phim Mỹ Vân cho ra đời cuốn phim ăn khách “Quan Âm Thị Kính,” do người nhà của ông là Kim Lan, Kim Cúc, Bảy Nhiêu, và luôn cả ông đảm trách các vai trò chính yếu của phim. Ban Năm Châu lại chuyên môn chuyển âm phim Nhật, phim Ấn Độ thời bấy giờ.

Nói chung suốt hơn ba thập niên Năm Châu chưa bao giờ viết bài ca vọng cổ. Đến năm Mậu Thân cải lương khủng hoảng trầm trọng, nếu viết tuồng thì đâu có gánh hát nào nhận đưa lên sân khấu. Do vậy mà giờ đây Năm Châu mới viết bài ca vọng cổ, và bài “Thiên Thần Áo Trắng” được ra đời khoảng gần cuối năm 1968 như đã nói.

Bài ca nói lên tâm trạng của người thương binh nằm bệnh viện, được bàn tay tận tình của cô y tá chăm sóc cho mình mà tưởng tượng như là Thiên Thần Áo Trắng. Lời ca khá hay, nhưng cái xui xẻo cho Năm Châu là bài ca ra đời vào thời điểm luật tổng động viên ban hành, giới thanh niên đờn ca tài tử nếu không nhập ngũ thì cũng lẩn trốn, đâu dám xuất đầu lộ diện tham gia đờn ca xướng hát. Do vậy mà bài vọng cổ “Thiên Thần Áo Trắng” rất ít người học, hiếm thấy người ca ở thời buổi mà sinh hoạt đờn ca bị hạn chế này.

Dưới đây là bài vọng cổ “Thiên Thần Áo Trắng”:

Thơ:

Chiếc khăn thập đỏ cài lên tóc,

Áo trắng dán vào thân mảnh mai,

Gió lạnh ru hồn đêm quạnh quẽ,

Trong mơ bỗng vẳng tiếng rên dài.

Vọng cổ:

1-Em vội ngồi lên bỏ chân vào đôi dép nhỏ, qua hai dãy giường lặng lẽ em thấy một thương binh thổn thức giữa đêm… tàn. Em tưởng là mộng chinh nhân đang hiện lên trong giấc ngủ mơ màng… Em đứng kề bên chăm chú nhìn từng phản ứng, thấy im lặng em toan trở gót thì bỗng nghe anh gọi: Cô ơi! Cô… Rồi đôi mắt mệt mỏi của anh nhìn em với một niềm trìu mến thiết tha, bàn tay khẳng khiu của anh đưa ra như van xin một chút mơn man để làm dịu cơn đau đớn.

2-Lòng em thấy xót xa, em mới ngồi bên anh mà hỏi han an ủi: Nào, bịnh tình có giảm thuyên đôi chút, hay vết thương anh hành hạ suốt đêm ngày? Anh gượng ngồi lên rồi buông thở một hơi dài. Anh bảo rằng: Thân anh dầu có nát tan vì non nước thân yêu, anh cũng không bao giờ hối tiếc, nhưng lòng anh sao cứ luôn luôn thổn thức mỗi khi anh nhớ đến đôi bàn tay óng chuốt của vị thiên thần áo trắng, săn sóc êm ả như gió nhẹ buổi chiều thu…

Thơ:

Lòng rung cảm thấy thầm yêu người chiến sĩ,

Thân thép gang mà hào kiệt vẫn đa tình,

Giữa sa trường, sông máu lửa nhẹ thân chinh,

Về gối nệm lại bàng hoàng yêu chất “đẹp.”

Vọng cổ:

3-Trong ánh mắt tuy sáng ngời màu sắt thép, mà đôi môi rung như chờ đợi chiếc hôn… nồng, em cũng mến tặng cho ai một chút hương lòng. Nhưng phận sự của một y tá có lương tâm là thoa dịu những vết thương đau, an ủi những tấm lòng cô đơn lạnh lẽo, giúp ánh sáng cho người mù dò thấy lối, và giúp tiện nghi cho những phế nhân day trở nặng như cùm.

4-Nhạc:

Em tiêm một mũi thuốc để chế ngự cơn đau,

Em thay một cuộn băng khi vết thương rỉ máu,

Em tiếp một chén nước để hạ dần cơn sốt,

Em đưa tay vuốt ve cho lòng dạ đỡ băn khoăn.

Rồi thì đằng này gọi cô, đằng kia kêu chị, em thoăn thoắt chạy khắp các giường không bén gót, lắm lúc mồ hôi tuôn ướt áo, mà thân em không quản nhọc, lòng em cũng không buồn… Phận sự thiêng liêng với đức tin cao cả, em ban phát tình thương cho mọi người xấu số, chuyển không khí trầm ưu ra phấn khởi, tạo nguồn vui cho đau khổ hóa tươi cười.

Mời độc giả xem phóng sự “Mùa hoa dại hiếm hoi ở Riverside”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT