Thursday, April 18, 2024

‘Assassins’ chứa nhiều tình tiết ly kỳ về vụ ám sát Kim Jong Nam

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cách đây bốn năm, khi nghe tin về vụ ám sát ông Kim Jong Nam tại phi trường ở Malaysia, đạo diễn Ryan White biết chắc chắn đây là câu chuyện rất hấp dẫn, nhưng anh không có ý định làm phim về vụ này.

Cô Đoàn Thị Hương về đến Hà Nội, Việt Nam, hôm 3 Tháng Năm, 2019, sau khi được thả ra ở Malaysia. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, vài tháng sau, White suy nghĩ lại, quyết tâm kể về vụ giết người gây chấn động thế giới qua phim tài liệu “Assassins” (tạm dịch: “Hai Nữ Sát Thủ”). Trong quá trình làm phim, anh phải đi sâu vào thế giới đen tối của đặc vụ tình báo và địa chính trị mà trước đó anh hầu như không có chút kiến thức nào.

White làm phim tài liệu hơn 10 năm nay, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là “The Case Against 8,” nói về cuộc đấu tranh pháp lý đòi quyền kết hôn đồng giới (gay marriage) ở California.

“Rồi năm 2017, ai nấy cũng đều nhận thấy câu chuyện Kim Jong Nam ly kỳ như thế nào,” nhà làm phim 40 tuổi nói.

“Câu chuyện kỳ lạ về người anh cùng cha khác mẹ với chủ tịch Bắc Hàn bị hai phụ nữ sát hại tại phi trường Kuala Lumpur bằng cách bôi chất độc thần kinh lên mặt ông ta – rồi khai rằng đó là trò chơi trong chương trình truyền hình thực tế. Nói thật, ngay lúc đó, tôi biết vụ này có thể làm phim. Nhưng tôi không làm,” anh nói thêm.

Ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, thiệt mạng do tiếp xúc chất độc thần kinh VX ở Malaysia thậm chí trước khi được đưa đi bệnh viện. Chỉ trong vài ngày, hai phụ nữ liên quan vụ sát hại bị bắt. Đó là cô Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam, và cô Siti Aisyah, 25 tuổi, người Indonesia.

Ông Kim Jong Nam không được người em cùng cha khác mẹ là ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn từ năm 2011 đến nay, yêu quý. Ông sống lưu vong ở Macau vài năm, và phim tài liệu “Assassins” có hình ảnh tư liệu ông Kim Jong Nam phát biểu trước báo giới.

Cô Siti Aisyah mỉm cười khi rời Tối Cao Pháp Viện Shah Alam bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hôm 11 Tháng Ba, 2019, ngày cô được trả tự do. (Hình: Mohd Rasfan/AFP via Getty Images)

Nhưng đạo diễn White chỉ bắt đầu muốn làm phim về vụ ám sát đình đám này sau khi ký giả Doug Bock Clark đến tìm anh.

“Anh Doug Clark cho biết đang viết bài phóng sự điều tra thật sâu cho tạp chí GQ. Anh ấy cho hay còn rất nhiều thứ để nói chứ không chỉ có vài thông tin như trên báo chí. Lúc đó, ông Trump mới nhậm chức tổng thống, cho nên người Mỹ không để ý nhiều đến câu chuyện này,” anh kể.

“Anh Doug giải thích rằng hai phụ nữ bị bắt ở Malaysia sắp bị đưa ra tòa để xét xử, và nếu bị kết tội, sẽ lãnh án tử hình. Lúc đó, họ vẫn giữ đúng lời khai rằng họ cứ tưởng đang tham gia chương trình truyền hình thực tế khi bôi chất độc lên ông Kim,” anh kể tiếp.

Anh nhớ lại: “Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng lời khai này khó có thể bào chữa cho hành động của họ. Và rút kinh nghiệm từ ‘The Case Agains 8,’ tôi từng thề sẽ không bao giờ làm phim dính dáng tới phiên tòa: Phim tài liệu này từng mất hơn 600 giờ để quay, chưa kể đủ thứ rắc rối khi dựng phim.

Ông Kim Jong Nam (trái) và em cùng cha khác mẹ Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn. (Hình: Toshifumi Kitamura, Ed Jones/AFP via Getty Images)

“Nhưng càng nghĩ về chuyện anh Doug nói với tôi, tôi càng nhận thấy phiên tòa này có thể làm phim tài liệu chia làm ba phần như thường lệ. Do đó, vài tuần sau, tôi bay sang Malaysia,” anh trả lòng.

“Rất lâu sau, tôi mới bắt đầu nghĩ lời khai của hai phụ nữ bị bắt nghe có vẻ không hợp lý… nhưng tôi lại bắt đầu tin. Có lẽ nào họ vô tội?” anh nói về việc làm phim.

Từ xưa đến nay, video từ máy thu hình an ninh thường là yếu tố chính trong phim tài liệu về tội phạm. Nếu không tìm được video chuyện xảy ra tại Phi Trường Quốc Tế Kuala Lumpur hôm 13 Tháng Hai, 2017, White cho biết có lẽ anh không thể làm được “Assassins.”

Suốt hơn một năm, cảnh sát và các cơ quan khác ở Malaysia từ chối cung cấp thêm tư liệu về vụ ám sát, ngoại trừ vài đoạn video ngắn được lan truyền trước đó.

Đạo diễn White không cho biết, cuối cùng, làm sao anh lấy được video từ camera an ninh, nhưng đây là phần đặc biệt trong phim.

Tuy nhiên, làm sao White biết video về vụ tấn công ông Kim cũng như diễn biến sau đó không bị chỉnh sửa?

Cô Đoàn Thị Hương (trái) và cô Siti Aisyah, hai người bị bắt liên quan vụ ám sát ông Kim Jong Nam năm 2017 và được thả ra năm 2019. (Hình: nknews.org)

“Chúng tôi phải xem từng giây video dài hàng ngàn giờ. Cảnh  nào cũng có nhiều góc máy quay. Chỉ thiếu một đoạn nhỏ, nếu không, chúng tôi có thể kể lại mọi thời điểm. Chúng tôi phải mua máy điện toán đặc biệt để sao chép lại toàn bộ DVD – và chúng tôi phải mất ba tháng để làm công việc đó,” anh nói.

Hai phụ nữ bị bắt liên quan vụ ám sát ông Kim sinh sống ở hai quốc gia khác nhau. White lặn lội đến gặp gia đình cả hai cô và họ đồng ý hợp tác với anh để làm phim.

“Tôi nghĩ họ chỉ xem tôi như là anh ký giả khác đang muốn phỏng vấn nhanh chứ không phải người đang làm bộ phim tài liệu lớn,” White nói. “Nhưng ban đầu, chúng tôi cho rằng có lẽ hai cô này nói dối. Rồi sau đó vài tháng, tôi nhận thấy lời kể của họ có lý. Tuy nhiên, đây là quá trình diễn ra rất chậm.”

Nhân viên bệnh viện đẩy xe chở thi thể đến cổng khu vực giảo nghiệm tử thi của Bệnh Viện Kuala Lumpur, nơi đang giữ thi thể ông Kim Jong Nam hôm 21 Tháng Ba, 2017. (Hình: Mohd Rasfan/AFP via Getty Images)

Hầu hết thời gian White thực hiện “Assassins,” hai phụ nữ này đang ngồi tù. Cô Aisyah được thả ra hồi Tháng Ba, 2019, và hai tháng sau, cô Hương cũng được trả tự do.

Trong hai năm rưỡi làm phim, White không lần nào liên lạc trực tiếp với chính phủ Bắc Hàn. Hay ít nhất anh nghĩ như vậy.

“Có lẽ tôi quá nghi ngờ, nhưng tôi nghĩ với một bộ phim như thế này, đôi khi mình gửi email cho người ta, nhưng có chắc họ đúng là người mình đang muốn liên lạc hay không?,” anh cho biết.

Anh kể: “Khi bộ phim công chiếu năm ngoái, có lần tôi liên lạc với cô Hương qua Facebook. Nhưng tôi nhận thấy những dòng tin nhắn đầy phẫn nộ mà cô ấy gửi lại cho tôi nghe không giống lắm với cô Hương, mà thậm chí không đúng kiểu tiếng Anh mà cô ấy thường dùng.”

Ông Đoàn Văn Thạnh, cha của cô Đoàn Thị Hương, trưng ra giấy tờ đi học của cô tại nhà riêng ở Nam Định, Việt Nam, hôm 16 Tháng Tám, 2018. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP via Getty Images)

“Cho nên tôi nhắn tin cho cô ấy trên ứng dụng (app) khác rồi hiểu ra rằng có người giả mạo cô ấy trên Facebook rất tinh vi để liên lạc với tôi. Liệu tôi có thể kết luận chính quyền Bắc Hàn thao túng tin nhắn của cô Hương hay không? Tôi không thể biết chắc chắn, nhưng có lúc xảy ra những chuyện như vậy,” anh kể tiếp.

Nhưng White có tin rằng một chính quyền cực kỳ bí ẩn như Bắc Hàn, hầu như tự cô lập với thế giới bên ngoài, lại quan tâm đến việc mình được miêu tả như thế nào trong phim tài liệu của Mỹ?

“Rất khó nói bất kỳ điều gì chắc chắn về Bắc Hàn. Nhưng họ đã chọn cách giết người công khai giữa nơi đông đúc, cho nên, có lẽ họ nghĩ rằng càng nhiều người biết càng tốt. Có đầy máy thu hình an ninh ghi lại liên tục mọi lúc ở phi trường đó.

Ông Asria, cha của cô Siti Aisyah, ngồi họp với giới chức Indonesia tại nhà riêng ở Serang, Indonesia, hôm 27 Tháng Hai. (Hình: Ed Wray/Getty Images)

“Lẽ ra, có thể giết ông Kim Jong Nam bằng cách khác ở nơi khác. Vậy thì lý do gì họ thực hiện vụ ám sát theo cách bất thường như vậy?,” anh nói.

“Ông Kim Jong Un và bộ sậu muốn giết người công khai để cho cả thế giới thấy người nào làm mất lòng hoặc cản đường ông ta sẽ lãnh hậu quả như thế nào. Cho dù đó là người trong gia đình,” anh nhận định. (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT