Thursday, April 25, 2024

Điện ảnh Hồng Kông – đâu rồi thời oanh liệt?

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nền điện ảnh Hồng Kông từng một thời sản sinh những ngôi sao như Lý Tiểu Long, Châu Nhuận Phát và Vương Gia Vệ. Bằng cách nào mà phim Hồng Kông “nổi đình đám” và tại sao lại suy tàn như bây giờ?

Từng là một trong những nền điện ảnh lớn nhất thế giới, nền điện ảnh Hồng Kông từng giúp Trung Quốc đại lục “lăng-xê” nhiều thể loại phim như kung fu và kiếm hiệp, bên cạnh những thể loại được làm riêng cho địa phương như phim hài “mo lei tau” và phim hành động.

Vào thời hoàng kim từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, phim Hồng Kông thống trị rạp chiếu phim ở Đông Á và cũng gây tiếng vang ở Tây phương, theo nhà báo Douglas Parkles phân tích trên tờ South China Morning Post hồi Tháng Tư.

Dù chỉ là thành phố nhỏ, Hồng Kông từng xuất cảng phim nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, trừ Mỹ. Những ngôi sao Hồng Kông như diễn viên Thành Long (Jackie Chan) và đạo diễn Ngô Vũ Sâm (John Woo) thực sự trở thành ngôi sao của Hollywood, còn những tài tử như Châu Nhuật Phát (Chow Yun-fat) và Lý Liên Kiệt (Jet Li) cũng có cơ hội tỏa sáng ở Mỹ. Theo sử gia điện ảnh David Bordwell, thời cao điểm, Hồng Kông tạo ra “nền điện ảnh có lẽ là năng động nhất và được yêu thích nhất thế giới.”

Đỉnh cao một thời 

Nhiều người cho rằng bộ phim đầu tiên “made in Hồng Kông” là “Chuang Tsi Tests His Wife,” năm 1913. Mặc dù trước năm 1939, các hãng phim Hồng Kông sản xuất hơn 100 phim một năm, cả tiếng Quảng Đông lẫn Quan Thoại, nhưng vùng thuộc địa này của Anh Quốc vẫn xếp thứ nhì sau Thượng Hải về quy mô kỹ nghệ điện ảnh.

Tình hình thay đổi sau khi cuộc Cách Mạng Cộng Sản năm 1949 khiến kỹ nghệ điện ảnh Trung Quốc rơi vào nạn quan liêu, hậu quả là nhiều nhà làm phim bỏ chạy về phương Nam.

Và Hồng Kông là điểm dừng chân lý tưởng với họ. Thành phố này đã có sẵn hệ thống phim trường quy củ, và do là thuộc địa của Anh Quốc, nên được phép sử dụng nguồn tư liệu cũng như thiết bị của Tây phương. Chính phủ Hồng Kông tôn trọng nền pháp trị và kiểm soát rất ít đối với kỹ nghệ điện ảnh. Từ năm 1988 trở về trước, vùng lãnh thổ này thậm chí không hề phân loại bất kỳ phim nào.

Các nhà làm phim ở đây tận dụng tất cả điều kiện thuận lợi đó để phát triển mạnh. Vì cộng đồng người Hoa ở khắp Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia, chưa tính đến Đài Loan, nên phim Hồng Kông có khán giả khắp Á Châu.

Châu Nhuận Phát (Chow Yun-fat) cũng góp phần đưa nền điện ảnh Hồng Kông ra thế giới. (Hình: bfi.org.uk)

Những năm 1960, bắt chước dòng phim đánh kiếm samurai nổi tiếng của Nhật, các hãng phim Hồng Kông tự làm phim kiếm hiệp kiểu Trung Hoa. Những bộ phim như “Come Drink With Me” (Đại Túy Hiệp, năm 1966) và “The One-Armed Swordman” (Độc Thủ Đại Hiệp, năm 1967) từng cực kỳ ăn khách.

Rồi Lý Tiểu Long (Bruce Lee) xuất hiện. Vai diễn đầu tiên làm nên tên tuổi của ông là trong phim “The Big Boss” (Đường Sơn Đại Huynh, năm 1971), bộ phim lập kỷ lục tiền bán vé khắp Á Châu. Tác phẩm tiếp theo của Lý Tiểu Long, “Fists of Fury” (Tinh Võ Môn, năm 1972) phá kỷ lục đó. Và bộ phim cuối cùng của ông, “Enter the Dragon” (Long Tranh Hổ Đấu, năm 1973), phát hành sau khi ông qua đời, đưa ông lên tầm ngôi sao quốc tế đến tận ngày nay.

Hầu như cùng lúc, bộ phim “Five Fingers of Death” (năm 1972) của hãng Shaw Brothers đến Mỹ cùng năm với phim “Enter the Dragon.” Cả hai bộ phim đều làm say mê vô số khán giả, giúp phim Hồng Kông vượt ra khỏi những rạp chiếu phim thường dành cho khán giả gốc Hoa ở New York, San Francisco và Vancouver. Lạ nhưng dễ xem, phim Hồng Kông thành công đến mức các nhà làm phim ở đây bắt đầu sản xuất phim kung fu dành riêng cho khán giả quốc tế mà thậm chí không chiếu ở địa phương.

Giữa lúc phim quyền cước đang làm “điên đảo” màn ảnh rộng, một cuộc cách mạng lặng lẽ hơn đang hình thành. Phim võ thuật ăn khách hầu hết là nói tiếng Quan Thoại, vì cộng đồng và thị trường nói tiếng Quảng Đông quá nhỏ. Nghe có vẻ lạ, nhưng hồi năm 1972, Hồng Kông không sản xuất bộ phim nói tiếng Quảng Đông nào.

“Come Drink With Me” (Đại Túy Hiệp) – một trong những phim kiếm hiệp thời kỳ đầu cực kỳ ăn khách của Hồng Kông. (Hình: lincolncenter.org)

Tình hình bất ngờ thay đổi vào năm 1973 khi bộ phim hài bằng tiếng Quảng Đông “The House of 72 Tenants” (Thất Thập Nhị Gia Phòng Khách) ra mắt, đứng đầu bảng xếp hạng tiền bán vé và lập nhiều kỷ lục mới ở Hồng Kông.

Những bộ phim hài bằng tiếng Quảng Đông sau đó của đạo diễn Michael Hui khẳng định xu hướng này – phim “Games Gamblers Play” của ông phá kỷ lục tiền bán vé của “The House of 72 Tenants” ngay năm sau. Liên Hoan Phim Quốc Tế Hồng Kông thành lập năm 1977, thu hút thêm nhiều khán giả ngoại quốc đến với phim Hồng Kông và khiến các nhà làm phim địa phương suy nghĩ thêm về di sản điện ảnh của thành phố này.

Tất cả những yếu tố đó làm nên phong trào điện ảnh có tên Làn Sóng Mới Hồng Kông – với những phim như của đạo diễn Hứa An Hoa (Ann Hui) và Từ Khắc (Tsui Hark) chứng tỏ phim Hồng Kông không chỉ có đấm đá – cũng như làm nên thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông.

Trong thời kỳ này (được nhiều người cho là trải dài từ năm 1986 đến năm 1993), phim Hồng Kông tiếp tục thống trị thị trường địa phương và Á Châu. Phần lớn những nhà làm phim mới của Hồng Kông ở thời kỳ này đều du học ở nước ngoài về. Họ áp dụng tiêu chuẩn làm phim Tây phương, nhờ đó, nâng phim Hồng Kông lên cao hơn nữa so với các đối thủ cạnh tranh ở Đông Á. Kết quả là “rượu Đông phương, bình Tây phương,” như lời đạo diễn Vương Tinh (Wong Jing).

Thành công của bộ phim Mỹ “Jurassic Park” được coi như đặt dấu chấm hết cho thời hoàng kim của nền điện ảnh Hồng Kông. (Hình: npr.og)

Khán giả Đông Á tỏ ra mê phim lai (hybrid) kiểu này, nên các nhà làm phim Hồng Kông cố hết sức chiều lòng khán giả. Vậy là họ tuyển diễn viên hàng đầu khắp khu vực, như Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh) của Malaysia, Lâm Thanh Hà (Brigitte Lin) của Đài Loan, và Oshima Yukari của Nhật. Đề cập một cách khôi hài phong trào làm phim này, đạo diễn Vương Gia Vệ (Wong Kar-wai) làm bộ phim “Chungking Express” (Trùng Khánh Sâm Lâm), trong đó ngôi sao nhạc pop người Nhật gốc Đài Loan Takeshi Kaneshiro đóng vai cảnh sát viên Hồng Kông nhưng lại nói tiếng Quảng Đông ngọng nghịu, còn tiếng Nhật thì vô tình học được trong thời gian đi học ở Đài Loan.

Thị trường khác thì phim cũng phải làm khác. Khán giả Đài Loan và Nam Hàn thì mê hành động, nên các nhà làm phim Hồng Kông phải kéo dài cảnh đấm đá trong phim chiếu ở hai nơi này. Còn ở Malaysia và Singapore thì không cho phép những cảnh đó, nên họ phải làm giảm tình tiết tội phạm. Chẳng hạn trong loạt phim “Young and Dangerous” (Người Trong Giang Hồ), họ phải quay thêm vài cảnh để giải thích rằng những vai chính “giang hồ” thực ra là cảnh sát chìm.

Suy tàn thậm tệ những năm gần đây

Tiếc thay, thời vàng son không kéo dài không lâu. Bước ngoặt xảy ra và năm 1993 khi bộ phim “Jurassic Park” trở nên “hiện tượng” toàn cầu và vượt lên đầu bảng xếp hạng phim ăn khách ở Hồng Kông. Cùng năm đó, Đài Loan, từ lâu là thị trường hải ngoại “ngon ăn” nhất của Hồng Kông, bắt đầu có truyền hình cáp (cable) và vệ tinh (satellite), khiến khán giả chỉ ngồi ở nhà chứ không muốn đến rạp nữa.

Kể từ những năm 1980, thị trường quốc tế dần chiếm hơn phân nửa doanh thu của Hollywood. Với dân số khổng lồ và người tiêu dùng ngày càng giàu lên, Đông Á là mục tiêu chính mà Hollywood nhắm đến để mở rộng thị trường. Sau thành công của “Jurassic Park,” đến lượt “The Fugitive” (năm 1993), “Speed” (năm 1994) và “True Lies” (năm 1994). Cùng lúc đó, các hãng phim Mỹ bắt đầu đầu tư vào rạp chiếu phim ở Nhật và những thị trường lớn khác, giúp họ thu hút thêm khán giả. Bản thân Hồng Kông cũng không thoát khỏi “cơn lốc” phim Mỹ, và vùng lãnh thổ này đành tiếp tục đứng nhìn phim “bom tấn” Hollywood càng ngày càng “gom” hết tiền bán vé ở đây.

Lý Liên Kiệt (Jet Li) có “cát-xê” đóng phim lên đến cả triệu đô la đầu những năm 1990. (Hình: kottke.org)

Sự ra đời của những hệ thống rạp chiếu hiện đại ở Hồng Kông vào những năm 1990 cũng là vấn đề lớn. Những hệ thống rạp này dù đem đến cho khán giả âm thanh, chỗ ngồi và hình ảnh phẩm chất cao, nhưng lại “giết chết” kiểu rạp cũ mà thường chứa được hơn 1,000 người. Nghĩa là mặc dù số lượng rạp ngày càng tăng, nhưng số lượng chỗ ngồi, kèm theo đó là số lượng vé bán ra, lại ngày càng giảm.

Một vấn đề lớn khác là giá vé. Ngay thời điểm số lượng chỗ ngồi giảm, chi phí làm phim lại bắt đầu tăng. Nguyên nhân chủ yếu là diễn viên ngôi sao đòi “cát-xê” cao chưa từng có. Đầu những năm 1990, tiền đóng phim của Lý Liên Kiệt đã lên đến cả triệu đô la, nghe nói ngốn hết 1/3 ngân sách sản xuất một bộ phim, khiến phim không có lời. Thêm vào đó, vì giá địa ốc ở Hồng Kông tăng chóng mặt, rạp chiếu phim lúc nào cũng đẩy gánh nặng thuê mặt bằng lên khán giả thông qua giá vé. Đó là lý do để khán giả tìm nơi khác giải trí.

Những khó khăn của nền điện ảnh Hồng Kông còn được “bồi thêm” bằng nạn sao chép lậu (piracy) dai dẳng. Tệ nạn này vốn là vấn đề hồi những năm 1980, tiếp tục lan tràn nghiêm trọng vào những năm 1990 nhờ có VCD (Video Compact Disc). Sao chép phim lậu ở Hồng Kông thời đó “kinh khủng” đến mức ông Manfred Wong, nhà sản xuất “Young and Dangerous,” mua được đĩa lậu phần 4 của loạt phim này ngay đúng ngày bộ phim chính thức công chiếu vào năm 1997.

Thời đỉnh cao hồi những năm 1990, nền điện ảnh Hồng Kông thuộc loại năng động nhất hành tinh, sản xuất nhiều phim nhất tính trên dân số. Về lý thuyết, điều này nghe có vẻ gây ấn tượng, nhưng thực ra, lại bộc lộ điểm yếu nghiêm trọng vì nhiều trăm bộ phim ra đời thời kỳ này không đạt chất lượng. Do rất nhiều nhà đầu tư chỉ muốn kiếm tiền nhanh ở thị trường này, trong đó có cả “xã hội đen,” mặt trái của những năm “bùng nổ” phim ảnh, nên hậu quả là phim làm ra quá nhiều nhưng chất lượng tệ hại.

Điều đó, cộng với việc các nhà làm phim liên tục nhảy từ xu hướng này sang xu hướng khác để tìm cái mới, khiến khán giả mệt mỏi. Bất thình lình, khả năng sản xuất phim nhanh như chớp của Hồng Kông từ “hay” chuyển thành “dở.”

Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung) và Thư Kỳ (Shu Qi) trong bộ phim Cấp III “Viva Erotica” nổi “đình đám.” (Hình: themoviedb.org)

Đây cũng là những năm “bùng nổ” phim Cấp III mới được chính quyền phân loại. Dòng phim “hở hang” này thường có tựa đề rất khêu gợi như “Raped by an Angel” (Bị Thiên Thần Cưỡng Hiếp, năm 1993), “Girls Unbutton” (Những Cô Gái Hở Hang, năm 1994), và “A Chinese Torture Chamber Story” (Mãn Thanh Thập Đại Khốc Hình, năm 1994). Thường thì những phim này có nội dung không hấp dẫn như tựa đề. “Pretty Woman” (năm 1991) trùng tên với bộ phim kinh điển của Hollywood do hai tài tử Julia Roberts và Richard Gere đóng, có nội dung xoay quanh một phụ nữ bị cưỡng hiếp, sát hại, rồi bị kẻ sát nhân thay thế bằng người khác trông giống cô.

Mặc dù vài phim Cấp III cũng được khán giả yêu thích và được giới phê bình khen ngợi, như “The Untold Story” (Bánh Bao Nhân Thịt Người, năm 1993) và “Viva Erotica” (Sắc Tình Nam Nữ, năm 1996), nhưng phần lớn dòng phim này bị khán giả “quay lưng.” Nhiều người ước tính, vào thời cao điểm, từ 25% đến 50% phim mới của Hồng Kông là phim Cấp III. Vì quá nhiều phim địa phương tỏ ra “tào lao,” khán giả ngày càng hướng sang Hollywood.

Thiệt hại có thể thấy rõ. Năm 1988, rạp chiếu phim ở Hồng Kông bán tổng cộng 65 triệu vé. Đến trước năm 1993, số lượng vé bán ra giảm còn 45 triệu, và ba năm sau, chỉ còn 22 triệu. Đầu những năm 1990, Hồng Kông sản xuất khoảng 400 phim một năm – nhiều hơn cả Nhật, trong khi Nhật có nền kinh tế và dân số lớn hơn. Tuy nhiên, đến trước năm 1997, số lượng phim “made in Hồng Kông” giảm hơn một nửa. Rồi vào năm 1997, năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, doanh thu tiền bán vé phim ngoại quốc nhiều hơn phim địa phương, lần đầu tiên trong mấy chục năm. Đó là cột mốc đánh dấu nền điện ảnh Hồng Kông bắt đầu suy tàn.

Rồi cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu nổ ra, bồi thêm một cú nặng nề cho kỹ nghệ đang lao đao này. Hồng Kông chỉ bán được vài phim trong khu vực, nhưng tiền thu được thì bị mất giá nhiều.

Không có diễn viên kế thừa 

Nói về tương lai, một vấn đề nữa đang hình thành. Từ lâu, phim Hồng Kông nổi tiếng là nhờ những ngôi sao quốc tế như Lý Tiểu Long, Thành Long, và Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung). Tiếc thay, thành phố này không bao giờ lo tìm người nối tiếp. Và khi nền điện ảnh xuống dốc, các nhà làm phim tiếp tục dựa vào tài tử đã nổi danh để bảo đảm doanh thu.

Nhưng Châu Nhuận Phát năm nay 64 tuổi, Lưu Đức Hoa (Andy Lau) 58 tuổi, và thậm chí Cổ Thiên Lạc (Louis Koo), người trẻ nhất trong số những ngôi sao hiện tại của nền điện ảnh Hồng Kông, năm nay cũng tròn 50 tuổi. Trong 20 năm qua, không có ngôi sao mới nào nổi lên thay thế người cũ. Cho dù những diễn viên kỳ cựu được ưa chuộng như thế nào ở địa phương, thì với thế giới, dường như cũng là những ngôi sao cũ trong những bộ phim cũ. So với dây chuyền sản xuất ngôi sao mới không ngừng nghỉ của Nam Hàn mấy năm gần đây, rất dễ hiểu tại sao nhiều quốc gia khác đã ngưng bỏ tiền ra để xem phim Hồng Kông.

Nền điện ảnh Hồng Kông chưa bao giờ hồi phục từ loạt đòn giáng liên tiếp nêu trên, cộng với những đòn giáng sau này như dịch SARS và Trung Quốc chèn ép. Có điều mỉa mai là vài bộ phim thuộc loại nổi tiếng nhất của Hồng Kông lại được sản xuất sau thời hoàng kim của nền điện ảnh vùng lãnh thổ này, như “In the Mood for Love” (năm 2000) và “Internal Affairs” (năm 2002), chưa kể những phim hay nhất của các đạo diễn như Hứa An Hoa và Đỗ Kỳ Phong (Johnnie To).

Nhưng xin mượn tựa đề bộ phim “nổi đình đám” năm 1993 của đạo diễn Nhĩ Đông Thăng (Derek Yee), “C’est la vie, mon chéri” (Đời là vậy, cưng ơi). [qd]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT