Tuesday, May 7, 2024

Khám phá thế giới ẩm thực qua các phim tài liệu của Netflix

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Hãng phim Netflix không chỉ sản xuất nhiều bộ phim rất đáng xem, mà còn có rất nhiều phim tài liệu rất hay, và một chủ đề thu hút nhiều khán giả là ẩm thực.

Sư cô và cũng là đầu bếp Jeong Kwan ở Nam Hàn trong một cảnh của “Chef’s Table.” (Hình: asktherightquestions.org)

Trong nhiều năm qua, nhiều người muốn tìm hiểu về các món ăn, hay tìm hiểu về nhiều đầu bếp, khiến các hãng phim sản xuất những tác phẩm về chủ đề ẩm thực rất đáng xem.

Qua các phim tài liệu ẩm thực đó, khán giả có thể thấy được câu chuyện của những đầu bếp nổi tiếng ở khắp thế giới, hay câu chuyện của những người bán thức ăn trên vỉa hè, hoặc có thể tìm hiểu sâu hơn về những món ăn vô cùng hấp dẫn. Những phim tài liệu đó còn đưa khán giả vào thế giới sản xuất thực phẩm, thậm chí cho họ thấy được những mặt xấu của thế giới đó.

Chef’s Table

Nhắc đến phim tài liệu ẩm thực thì phải nhắc đến đạo diễn David Gelb với tác phẩm “Jiro Dreams of Sushi” của năm 2011, nói về đầu bếp làm sushi lừng danh của Nhật Bản là ông Jiro Ono.

Đến năm 2015, đạo diễn Gelb hợp tác với Netflix để vừa làm tác giả và đứng sau ống kính cho phim tài liệu nhiều tập “Chef’s Table” rất thành công.

Phim tài liệu nhiều tập này có đến sáu mùa, tổng cộng 30 tập, và mỗi tập nói về một đầu bếp nổi tiếng ở khắp thế giới.

Bộ phim này đưa khán giả vào một thế giới ẩm thực sang trọng của các đầu bếp lừng danh, và chia sẻ câu chuyện của từng đầu bếp.

Khán giả biết được cách từng đầu bếp chọn nguyên liệu, nguồn gốc của họ ảnh hưởng đến cách nấu từng món ra sao, hay họ lấy cảm hứng từ đâu để sáng chế ra một món ăn mới.

Không chỉ nói về những đầu bếp tại các nhà hàng cao cấp, “Chef’s Table” còn có nhiều tập nói về những quán ăn bình thường ở nhiều nước, với những đầu bếp nấu nhiều món ăn truyền thống rất hấp dẫn.

Phim tài liệu nhiều tập này được khen ngợi vì có cách quay theo kiểu phim thường, chứ không phải quay theo phim tài liệu, lại có những góc quay rất đẹp và nhạc nền rất hay.

Vì vậy, từ năm 2015 đến nay, “Chef’s Table” nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Emmy dành cho phim truyền hình của Hoa Kỳ.

Một cảnh trong tập nói về các trại gà của phim tài liệu “Rotten.” (Hình: sciencesmeetsfood.org)

Rotten

Không chỉ có phim tài liệu nói về vẻ đẹp của thế giới ẩm thực, Netflix còn có những tác phẩm nói về mặt xấu của các công ty sản xuất thực phẩm, và một phim về chủ đề này thành công nhất là “Rotten,” công chiếu vào năm 2018.

Đây là một phim tài liệu điều tra do hãng phim Zero Point Zero sản xuất, và công chiếu trên Netflix vào đầu năm 2018.

Bộ phim này tập trung vào các công ty sản xuất nhiều loại thực phẩm, như mật ong, đậu phộng, hay các lò mổ thịt. Như tựa phim, tác phẩm này đào sâu vào mặt “thối nát” của thế giới sản xuất thực phẩm, và có thể thay đổi cách người tiêu dùng nhìn những loại thực phẩm được bán tại chợ hay các siêu thị.

Mùa đầu tiên với sáu tập được khen ngợi vì cho khán giả thấy được lòng tham của các tập đoàn lớn làm ảnh hưởng đến cách họ sản xuất các loại thực phẩm ra sao. Không chỉ vậy, “Rotten” còn được khen ngợi vì cách quay độc đáo, lại tập trung nói về con người trong vấn đề sản xuất thực phẩm.

Nhóm ký giả của bộ phim này gồm có ba người là Christine Haughney, Erin D. Cauchi, và Gretchen Goetz, đoạt giải thưởng ẩm thực James Beard cho mục truyền thông.

Đầu bếp lừng danh Jay Fai ở Bangkok, Thái Lan, trong phim “Street Food.” (Hình: npr.org)

Street Food

Không chỉ đưa khán giả vào thế giới ẩm thực sang trọng, đạo diễn David Gelb trở lại Netflix nào năm 2019 với tác phẩm “Street Food” để đưa khán giả vào thế giới ẩm thực đường phố.

Với tám tập đầu tiên tập trung vào Á Châu, mỗi tập đưa khán giả đến một thành phố ở Á Châu, và nói về ba hay bốn đầu bếp bán thức ăn ngoài đường thành công nhiều năm, từ Thái Lan đến Việt Nam, Singapore và Nhật Bản.

Qua tác phẩm này, khán giả sẽ hiểu được câu chuyện của những đầu bếp không được đào tạo chính quy, nhưng vẫn chinh phục được thực khách trong nhiều năm qua các món ăn phá cách hoặc đầy truyền thống.

Sau khi xem “Street Food,” khán giả sẽ thèm thuồng nhiều món ăn như các món ốc của Việt Nam, lẩu đầu cá của Đài Loan, các loại cà ri của Thái Lan hay Ấn Độ, và sẽ thèm muốn du lịch nước ngoài để tìm đến những quán ăn trong bộ phim này.

Sau sự thành công vang dội của mùa đầu, đạo diễn Gelb và Netflix sản xuất mùa thứ hai nói về các nước Mỹ Latinh, và cũng ấn tượng không kém mùa đầu về các nước Á Châu.

Cũng như “Chef’s Table,” tác phẩm “Street Food” cũng được quay như kiểu phim thường, không giống nhiều phim tài liệu khác, và có những góc quay rất đẹp.

Một cảnh trong phim “Taco Chronicles.” (Hình: motionpictures.org)

Taco Chronicles

Nhắc đến ẩm thực Mexico thì lúc nào cũng phải nhắc đến món taco, và khán giả sẽ hiểu hơn về món ăn này sau khi xem “Taco Chronicles.”

Công chiếu vào năm 2019, phim tài liệu nhiều tập này có hai mùa với tổng cộng 13 tập, và là phim tài liệu nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhắc đến taco thì ai cũng biết đó là bánh tortilla kẹp một loại nhân ở giữa, nhưng taco có đủ loại, từ mùi vị đến màu sắc và lịch sử.

Mỗi tập sẽ cho khán giả thấy một loại taco độc đáo, từ bánh kẹp thịt nướng al pastor có nguồn gốc từ Trung Đông, đến bánh kẹp các loại thịt hầm, và thậm chí còn nói về món “taco Mỹ” thường thấy tại các tiệm thức ăn nhanh như Taco Bell.

Tập nào của “Taco Chronicles” cũng có sự xuất hiện của chủ các tiệm lâu năm, các chuyên gia ẩm thực và những ký giả hay sử gia ẩm thực để nói về nguồn gốc của từng loại taco.

Vì vậy, “Taco Chronicles” được khen ngợi vì vừa bổ ích, vừa làm khán giả đói bụng và muốn chạy đi mua taco ăn ngay.

Đầu bếp David Chang (trái) trong phim tài liệu “Ugly Delicious.” (Hình: npr.org)

Ugly Delicious

Qua phim tài liệu “Ugly Delicious,” khán giả sẽ đi theo đầu bếp nổi tiếng David Chang đến nhiều nơi để nói về văn hóa ẩm thực, cũng như nói về nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Đầu bếp David Chang từng đoạt giải thưởng James Beard, và là một người đầy cá tính. Ông dùng cá tính để làm phim tài liệu rất khác so với những phim nói về văn hóa ẩm thực khác.

Với sự dẫn dắt của đạo diễn Morgan Neville, từng đoạt giải Oscar phim tài liệu hay nhất vào năm 2014, “Ugly Delicious” cho khán giả thấy được những món ăn tuy ngon nhưng không phải ai cũng biết, trong đó có nhiều món “xấu mà ngon” như tựa phim.

Khán giả sẽ cùng đầu bếp Chang và nhiều khách mời nổi tiếng khám phá nhiều món ăn như pizza, thịt nướng Đại Hàn, và crawfish kiểu Cajun lai Việt Nam.

Đầu bếp Chang còn muốn dùng “Ugly Delicious” để thay đổi cách khán giả suy nghĩ về các món ăn trong phim và nhiều món khác.

Đối với những khán giả từng quen thuộc với các phim tài liệu do cố đầu bếp Anthony Bourdan dẫn chương trình, “Ugly Delicious” sẽ là một bộ phim không xa lạ gì với họ vì có cách dẫn truyện, các góc quay và những suy nghĩ rất giống. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT