Thursday, April 25, 2024

‘Method acting,’ cách đóng buộc diễn viên ‘hành xác’ cho từng vai diễn

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Điện ảnh Hoa Kỳ đã để lại không biết bao nhiêu kiệt tác cho thế giới và một phần lớn là do diễn xuất của các diễn viên. Để có thể làm cho diễn xuất của mình thu hút được khán giả, một số diễn viên phải dùng kỹ thuật diễn xuất “method acting” để hóa thân nhân vật một cách thật nhất.

“Method acting” giúp các diễn viên thể hiện được tâm trạng và cảm xúc của nhân vật thật hơn. Tuy vậy, cách diễn này bắt họ phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có sức khỏe. Chính vì vậy, nhiều người thắc mắc các bộ phim có đáng để diễn viên làm như vậy hay không.

Tại sao nhiều diễn viên lại đóng phim theo cách này? 

Đây là một kỹ thuật diễn xuất kịch hay phim rất thật do tài tử kiêm đạo diễn người Nga Konstantin Stanislavski sáng tạo ra trong những năm đầu của thập niên 1900. Các diễn viên đóng theo “method acting” phải biến cuộc sống của mình thành cuộc sống của các nhân vật do họ thể hiện trên màn ảnh.

Ông Stanislavski sáng tạo ra cách đóng này để làm các nhân vật trên màn ảnh rất thật trong mắt khán giả. Chính vì vậy, ông cho rằng những trải nghiệm của các diễn viên trong đời sống của nhân vật sẽ giúp họ làm được điều đó.

Đến thập niên 1930, hai đạo diễn người Mỹ là Lee Strasberg và Elia Kazan mang “method acting” đến Hoa Kỳ và phát triển sâu hơn nữa.

Khi không xuất hiện trước ống kính, các diễn viên cũng phải hóa thân thành nhân vật và phải làm như vậy trong một thời gian dài. Để thành công, họ phải trải qua nhiều thay đổi như tăng hoặc giảm cân, thay đổi cách ăn ngủ, cách sống thường ngày và thậm chí phải trải qua tình trạng tâm lý của nhân vật.

Điều này làm các diễn viên phải hy sinh rất nhiều cho một bộ phim, gây hại cho thể chất, cũng như tinh thần của họ. Tuy vậy, sự hy sinh đó đã để lại cho thế giới nhiều kiệt tác.

Các diễn viên thành công qua “method acting” 

Adrian Brody

Trong phim “The Pianist,” tài tử Adrian Brody đóng vai một dương cầm thủ gốc Do Thái ở Ba Lan trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông phải sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, sau đó bỏ trốn và phải chịu nhiều khó khăn.

Để đóng vai này, ông phải giảm cân rất nhiều cho giống một người Do Thái trốn diệt chủng. Ông còn phải học đánh dương cầm và tập luyện bốn tiếng mỗi ngày.

Không chỉ vậy, tài tử này còn tắt điện thoại, không liên lạc với ai trong khoảng thời gian chuẩn bị. Ông không sống ở nhà nữa, và qua Âu Châu sống để gần gũi với nhân vật hơn.

Quá trình chuẩn bị cho vai diễn này làm ông mất người tình, nhưng giúp ông thắng giải Oscar vai chính xuất sắc nhất của năm 2003.

Christian Bale

Tài tử Christian Bale (trái) trong “The Machinist” của năm 2004 và trong “Batman Begins” của năm 2005. (Hình: markmovies.org)

Tài tử Christian Bale được nhiều người biết đến vì liên tục thay đổi thân hình để hóa thân thành nhân vật.

Trong các phim trước năm 2004 như “American Psycho” hay “Reigns of Fire,” tài tử này có thân hình vạm vỡ với cân nặng lý tưởng 184 pound.

Đến năm 2004, ông đóng một thợ tiện bị thiếu ngủ trong “The Machinist” và phải giảm cân xuống còn 121 pound. Trong phim này, nhân vật của ông gần như là “da bọc xương.”

Đến năm 2005, ông đóng vai anh hùng Batman trong “Batman Begins.” Ông phải ăn uống cho lên cân lại và tập luyện để lấy lại thân hình vạm vỡ hơn trước. Trong phim này, ông nặng 190 pound vì có nhiều cơ bắp hơn trước.

Tác phẩm mới nhất khiến ông biến thành một người khác là “Vice” của năm 2018. Trong phim này, ông đóng vai Phó Tổng Thống Dick Cheney trong hai nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush. Tài tử Bale lại phải lên cân, phải cạo đầu và nhuộm cả lông mày.

Ông còn xem hàng trăm thước phim của Phó Tổng Thống Cheney để học cách ăn nói và cử chỉ.

Daniel Day-Lewis

Tài tử Daniel Day-Lewis trong “Gangs of New York.” (Hình: handlebarclubforum.org)

Cách chuẩn bị cho từng vai diễn của tài tử Daniel Day-Lewis không thể nào theo “method acting” hơn được nữa. Vì vậy, khán giả cho rằng nhắc đến cách diễn này thì không thể nào không nhắc đến ông được.

Cách đóng này bắt ông phải chuẩn bị quá nhiều và không thể đóng nhiều phim được.

Trong phim “The Crucible,” ông quyết định sống tại phim trường được biến thành một ngôi làng trong thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của Anh trong thế kỷ 17. Ngôi làng này hoàn toàn không có điện nước, và ông Lewis phải dùng nhiều công cụ của thế kỷ 17 để tự xây một ngôi nhà ngay tại phim trường.

Trong “Gangs of New York,” để gần với nhân vật hơn, ông không chịu mặc áo ấm và suýt mất mạng vì bị viêm phổi. Không chỉ vậy, ông còn nhờ một đồ tể dạy ông cách chặt thịt để đóng vai người chặt xác chết.

Trong “Lincoln,” ông đóng vai Tổng Thống Abraham Lincoln, và hóa thân thành nhân vật này trong vòng bảy tháng trời trong từng cử chỉ và giọng nói. Ông làm như vậy cho đến khi chấm dứt quay phim. Ông còn gửi tin nhắn cho bạn diễn là minh tinh Sally Field theo cách viết của Tổng Thống Lincoln.

Trong tác phẩm cuối cùng của sự nghiệp là “Phantom Thread” của năm 2017, ông đóng vai một thợ may ở Anh trong thập niên 1950. Để đóng được vai này, ông phải đi học may hơn một năm và tự may được nhiều bộ đầm không khác gì các thợ may nổi tiếng.

Sau khi đóng “Phantom Thread,” tài tử Day-Lewis công bố giải nghệ hồi năm 2017.

Dustin Hoffman

Cảnh tài tử Dustin Hoffman bị tra tấn trong “Marathon Man.” (Hình: filmlinc.org)

Tài tử Dustin Hoffman đóng vai một sinh viên của đại học lừng danh Columbia ở New York trong phim “Marathon Man.” Trong phim này, nhân vật chính phải vượt qua nhiều bí ẩn và điều đó làm anh bị mất ngủ rất nhiều.

Để đóng vai này thành công, ông Hoffman phải tự đặt mình trong tình cảnh của nhân vật và thiếu ngủ trầm trọng. Ông kể từng thức trắng hai ngày trời trước khi quay vài cảnh.

Theo ông, bạn diễn Laurence Oliver từng hỏi tại sao không đóng như bình thường mà lại đóng theo cách “method acting.”

Heath Ledger

Cố tài tử Heath Ledger trong vai Joker của “The Dark Knight.” (Hình: theboar.org)

Cố tài tử Heath Ledger sẽ luôn được khán giả nhớ đến vì vai Joker trong “The Dark Knight.”

Để hóa thân thành vai phản diện này, ông phải tự nhốt mình trong nhà suốt một tháng trời. Trong khoảng thời gian cô độc này, ông tập cách cười cho giống nhân vật và ghi những suy nghĩ không ai hiểu được của Joker vào sổ tay.

Cách ăn nói và cử chỉ của ông làm nhiều người tại phim trường sợ. Không chỉ vậy, ông không hề tiếp xúc với những người gọi ông bằng tên, mà không chịu gọi ông là Joker.

Ông qua đời ở tuổi 29 hồi năm 2008, nhưng đã chinh phục được khán giả vì cách thể hiện nhân vật Joker và sự tận tụy cho vai diễn.

Hilary Swank

Minh tinh Hilary Swank trong vai người chuyển giới của “Boys Don’t Cry.” (Hình: npr.org)

Minh tinh Hilary Swank đóng vai một phụ nữ chuyển giới thành đàn ông trong “Boys Don’t Cry” và phải sống một tháng trời như một thanh niên.

Bà phải giảm cân rất nhiều để gò má hóp lại, phải quấn ngực lại và phải độn vớ vào ống quần để nhìn giống đàn ông hơn.

Marlon Brando

Tài tử Marlon Brando trong phim “The Men.” (Hình: filmfanatic.org)

Cố tài tử Marlon Brandon là một trong những người đầu tiên sử dụng “method acting” trong Hollywood.

Trong phim “The Men,” ông phải nằm trong bệnh viện suốt một tháng trời để có thể hiểu được tâm lý của vai cựu chiến binh bị thương mình đóng ra sao.

Trong các phim thành công nhất của ông, khán giả có thể cảm thấy như ông không hề diễn, mà hoàn toàn hóa thân thành nhân vật.

Robert De Niro

Tài tử Robert De Niro trong “Taxi Driver.” (Hình: imdb-pro.org)

Tài tử Robert De Niro là một diễn viên gần như sẽ làm mọi cách để nhân vật của mình thật trong mắt khán giả. Những phim thành công nhất của ông đều có sự hiện diện của “method acting.”

Trong “Taxi Driver,” ông phải làm việc tại phim trường 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Không chỉ vậy, trong lúc nghỉ, ông phải đi lái taxi chở khách ở New York để hóa thân thành nhân vật.

Trong “Raging Bull,” ông phải “biến dạng” cho đoạn cuối, tăng cân đến 70 pound. Theo ông, cơ thể mình nặng lên như vậy rất khó chịu, nên mới giúp ông thành công trong phim này, và cho rằng hóa trang không thể nào chinh phục được khán giả. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT