Tuesday, April 16, 2024

Những bộ phim giúp giảm ‘stress’ thời COVID-19

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hàng triệu người khắp thế giới bị cách ly, đang phải ở nhà, và chịu nhiều biện pháp hạn chế khác vì COVID-19. Nhưng có một cách dễ thực hiện, giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng trong thời kỳ khó khăn này, đó là xem phim.

Từ lâu, phim ảnh luôn là nơi khán giả tìm đến để tạm tránh xa những vấn đề mà họ đang đối mặt. Đài BBC chọn ra vài bộ phim được đánh giá là giúp giảm “stress” tốt nhất, và chia thành 10 thể loại khác nhau. Khán giả chỉ cần thủ thêm tấm mền và hộp kem lạnh là có thể quên hết những lo âu về đại dịch.

Dành cho khán giả thích được chăm sóc, âu yếm 

Đôi khi, tất cả chúng ta đều cảm thấy như mình còn nhỏ, cần được người lớn chăm sóc. Ai có thể làm việc đó tốt hơn Gấu Baloo và Báo Bagheera trong phim “The Jungle Book” (năm 1967)?

Baloo và Bagheera hết mực yêu thương đứa con nuôi là Mowgli, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cậu bé, mặc dù họ đều biết cậu bé sẽ rời xa họ, như con cái nói chung thường làm. Những ca khúc nhịp nhàng cùng hình ảnh hoạt họa sống động góp phần tạo cho người xem cảm giác vô cùng thoải mái.

Nhưng nếu khán giả nào thích được con người chăm sóc, xin mời gặp gỡ cô bảo mẫu hoàn hảo trong phim “Mary Poppins” (năm 1964), chàng giữ trẻ võ nghệ cao cường Luke Wright (do Jason Statham đóng) trong phim “Safe” (năm 2012), hoặc Thầy Lopez, ông giáo sắp về hưu dạy cho 12 học sinh từ 4 đến 11 tuổi trong cùng một lớp học nhỏ bé ở nông thôn Pháp, trong phim tài liệu “Être et Avoir” (To Be and to Have) (năm 2002).

Dành cho khán giả muốn xem phim hài “chỉ có hài” 

“This Is Spinal Tap” là phim hài “chỉ có hài,” không lồng ghép nội dung gì khác. (Hình: rochester.edu)

Phim hài đôi khi được dùng làm phương tiện phê bình sắc bén thói hư tật xấu của con người, bất công xã hội. Nhưng hãy tạm quên tất cả những chuyện đó. Thứ chúng ta cần nhất bây giờ, và chỉ cần như vậy, là liều thuốc giúp chúng ta cười sảng khoái. Một trong những bộ phim làm tốt việc này là “This is Spinal Tap” (năm 1984) của đạo diễn Rob Reiner.

Đây là phim tài liệu hài về ban nhạc rock heavy metal không may mắn, gồm ba nghệ sĩ thiên tài chơi biến tấu là Christopher Guest, Michael McKean và Harry Shearer, đang khó nhọc giành lại vị trí trên bảng xếp hạng. Có lẽ nhiều khán giả đã thuộc lòng các câu nói trong phim này, nhưng đó cũng là lý do phim đủ sức hấp dẫn để xem lại.

Những bộ phim khác khá hài hước là “Duck Soup” (năm 1933), “The Return of the Pink Panther” (năm 1975), “The Jerk” (năm 1979), “Airplane!” (năm 1980), “Borat” (năm 2006), “What We Do In The Shadows” (năm 2014), và “Penguins of Madagascar” (năm 2014).

Dành cho khán giả vừa mê phim hài vừa mê phô mai 

“Wallace & Gomit: Curse of the Were-Rabbit” thích hợp với khán giả vừa mê hài, vừa mê phô mai. (Hình: Toby Melville/Reuters)

Bộ phim “Wallace & Gromit: Curse of the Were-Rabbit” (năm 2005) sẽ lôi cuốn khán giả vừa mê phim hài vừa mê phô mai từ đầu đến cuối. Đây là bộ phim dài duy nhất trong loạt phim hài được làm bằng kỹ thuật stop-motion (hoạt họa tĩnh vật) “Wallace & Gromit” của hãng Aardman Animations.

Loạt phim nói về Wallace, một nhà phát minh đam mê phô mai, tính tình lập dị nhưng tốt bụng, và người bạn thân thiết của ông là chú chó Gromit vừa trung thành vừa thông minh.

Nếu cảm thấy yêu thích phong cách của Aardman Animations, hãy thử xem “Chicken Run” (năm 2000), “The Pirates! In An Adventure With Scientists!” (năm 2012), “Early Man” (năm 2018), và “A Shaun the Sheep Movie: Farmageddon” (năm 2019).

Dành cho khán giả mê ca hát 

Khán giả mê ca hát bảo đảm sẽ không thể ngồi yên khi xem những màn trình diễn trong “Singin’ in the Rain.” (Hình: csosoundsandstories.org)

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy xem những cảnh trình diễn “Fit as a Fiddle,” “Make ‘em Laugh,” “Moses Supposes,” hay “Good Morning” mà không thể không vui lên, nhưng thực tế là đúng như vậy. Do đó, khán giả nên xem bộ phim có những cảnh ca hát, nhảy múa vui nhộn này ít nhất mỗi ngày một lần trong những tuần tới.

Tựa đề “Singin’ in the Rain” bộ phim năm 1952 với ba minh tinh Gene Kelly, Debbie Reynolds và Donald O’Connor, là phim ca nhạc (musical) hay nhất mọi thời đại của Hollywood. Đây là phim hài tươi sáng về thời kỳ chuyển đổi đầy khó khăn từ phim câm sang phim có tiếng.

Nhưng thật ra, hầu như phim ca nhạc nào hấp dẫn có lẽ cũng đủ vui nhộn để nâng tinh thần người xem, từ “Easter Parade” (năm 1948) và “The Band Wagon” (năm 1953), đến “The Blues Brothers” (năm 1980”) và “Little Shop of Horrors” (năm 1986).

Dành cho khán giả đang yêu 

Nhiều tình huống khôi hài trong “Pillow Talk” sẽ đem đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả. (Hình: beingalivela.org)

Một bộ phim chỉ cần nghe tựa đề là cảm thấy êm ái: “Pillow Talk” (tâm sự vợ chồng trước khi ngủ) (năm 1959).

Phim kể về cô nàng Jan Marrow (do Doris Day đóng), làm nghề thiết kế nội thất, không chịu đựng nổi ông nhạc sĩ hàng xóm “ăn chơi” Brad Allen (do Rock Hudson đóng) cứ chiếm đường dây điện thoại mà họ dùng chung. Sau khi Marrow kiện Allen không thành công, Allen giả làm một ông chủ trang trại Texas chân thành và bắt đầu chinh phục Marrow. Nhiều tình huống khôi hài xảy ra sẽ đem đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả.

Hai bộ phim tương tự cũng đáng thưởng thức là “Four Weddings and a Funeral” (năm 1994) và “When Harry met Sally” (năm 1989).

Dành cho khán giả thích tự do, không vướng bận 

“For Heaven’s Sake” là một trong những phim thành công nhất về doanh thu thời phim câm. (Hình: silentfilm.org)

Vào thời buổi đủ thứ chuyện xảy ra, nhìn những người không vướng bận chuyện gì cũng có thể giúp nâng tinh thần chúng ta lên đôi chút. Một trong những người đó là ông J Harold Manners, nhà triệu phú vui tính (do Harold Lloyd đóng) trong bộ phim câm “For Heaven’s Sake” (năm 1926).

Trong khi vai chính của những phim câm khác thường bị vùi dập trong tội phạm và gian khổ, vai triệu phú Manners nổi tiếng của Lloyd tràn đầy vô tư, sẵn sàng rút ngân phiếu ra ký không chút do dự, cho dù là mua xe hơi hay giúp đỡ người nghèo.

Một ví dụ khác là anh chàng Charles Pike (do Henry Fonda đóng) trong phim “The Lady Eve” (năm 1941). Pike là người thừa kế gia tài kếch xù của một ông chủ lò rượu, chẳng có gì để lo âu, ngoại trừ việc bị cô nàng “đào mỏ” Jean Harrington (do Barbara Stanwyck đóng) “quấy rối.”

Tuy nhiên, những vai vô tư nhất trong phim ảnh có lẽ là của hai tài tử Fred Astaire và Ginger Rogers trong phim “Top Hat” (năm 1935) và “Carefree” (năm 1938). Họ đã đem đến cho khán giả thời Đại Suy Thoái một cái nhìn thoáng qua hấp dẫn về xã hội cao cấp.

Dành cho khán giả muốn tham gia một cộng đồng 

“Mid-August Lunch” cho thấy chăm sóc người cao niên quan trọng như thế nào, đề tài phù hợp thời COVID-19! (Hình: events.wm.edu)

Sau thành công với “Gomorrah,” người viết kịch bản cho loạt phim mafia nổi tiếng này là Gianni Di Gregorio tiếp tục viết, đạo diễn, và đóng vai chính trong phim “Mid-August Lunch” (năm 2008).

Đây là phim hài dễ thương về một ông khoảng 60 tuổi, chưa vợ, phải chăm sóc mẹ và ba phụ nữ lớn tuổi khác trong căn nhà nhỏ của mình trong khi mọi người khác đã rời khỏi Rome đi chơi lễ Ferragosto.

Dù nhẹ nhàng, ngắn gọn, chỉ dài 75 phút, nhưng “Mid-August Lunch” cho thấy chăm sóc người cao niên quan trọng như thế nào, cũng như lẻn nhanh ra đường “làm một ly” với bạn quan trọng như thế nào. Tóm lại, phim nhắc nhở những “nghĩa vụ” quan trọng khi sống trong một cộng đồng.

Muốn có thêm bằng chứng về việc tham gia một cộng đồng nào đó là quan trọng như thế nào, hãy xem “It’s a Wonderful Life” (năm 1946), “Amelie” (năm 2001), “The Full Monty” (năm 1997), và những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Jane Austen. Tất nhiên, khán giả cũng có thể xem cảnh cả khu phố đứng lên bênh vực Gấu Paddington trước Ông Curry trong phim hoạt họa “Paddington 2” (năm 2017).

Dành cho khán giả muốn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm 

“Wall-E” cho chúng ta hy vọng trong thời kỳ ảm đạm của COVID-19. (Hình: intofilm.org)

Ngay đoạn đầu trong phim “Wall-E” (năm 2008) của hãng Pixar, Trái Đất là vùng đất hoang, rác chất cao như núi, và chỉ có một cư dân là con robot gỉ sét. Cuối cùng, con người đi du hành vũ trụ xong quay trở về và bắt đầu trồng trọt lại mùa màng. Quá hay!

Dành cho khán giả đang ước mơ có người nào đó cứu cả thế giới 

“The Spy Who Loved Me” sẽ làm hài lòng các “fan” của “Bond.” (Hình: events.ucsb.edu)

Phim về điệp viên James Bond lúc nào “dễ chịu” với khán giả Anh Quốc ở lứa tuổi nào đó vì nó làm họ nhớ lại cái thời ngồi xem chăm chú trước ti vi vào ngày Giáng Sinh.

Nhưng không cần phải là dân Anh Quốc mới bị một người hùng đầy tài năng, bản lĩnh, luôn nói những câu đùa thú vị trong lúc trừ gian diệt ác lôi cuốn.

“The Spy Who Loved Me” (năm 1977) là phim về điệp viên 007 kết hợp tài tình những màn hành động nguy hiểm thực tế với những màn chọc cười rất có duyên của James Bond.

Không phải là “fan” của Bond? Vẫn còn nhiều người hùng khác có thể làm khán giả hài lòng, như John McClane (do Bruce Willis đóng) trong phim “Die Hard” (năm 1988), Indiana Jones (do Harrison Ford đóng) trong “Raiders of the Lost Ark” (năm 1981), hay Siêu Nhân trong “Superman: The Movie (năm 1978), bộ phim có thể đưa chúng ta về những ngày xưa hạnh phúc.

Dành cho khán giả muốn chắc chắn rằng phim giúp giảm “stress” 

“Be kind rewind” chắc chắn làm khán giả “cười lăn cười bò.” (Hình: mcavender.org)

“Be Kind Rewind” (năm 2008) của đạo diễn Michel Gondry là phim hài bảo đảm cười ngả nghiêng ngả ngửa về hai anh bạn (do Jack Black và Mos Def đóng) vô ý xóa hết mọi cuộn băng tại cửa hàng cho thuê băng video, rồi cố che giấu lỗi lầm này bằng cách tự làm lại những phim nổi tiếng như “Ghostbusters,” “When We Were Kings,” “2001: A Space Odyssey,” và nhiều phim khác.

Qua những tràng cười sảng khoái, “Be Kind Rewind” còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ lại thời kỳ muốn xem phim là phải chạy ra cửa hàng thuê băng, cũng như  thời hàng xóm láng giềng gần gũi với nhau hơn. Ngoài ra, bộ phim này cũng là lời nhắc nhở cảm động về cái hay của việc nhiều người cùng ngồi ngồi xem chung một bộ phim trên màn ảnh rộng – cái hay mà nhiều người hiện đang chối bỏ.

Phim “Sullivan’s Travels” (năm 1941) của đạo diễn Preston Sturges và phim “Cinema Paradiso” (năm 1988) của đạo diễn Giuseppe Tornatore cũng ca ngợi cái hay đó. (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT