Thursday, March 28, 2024

Những phim giúp điện ảnh Nam Hàn vươn ra thế giới

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phim Nam Hàn bắt đầu bùng nổ ở rạp chiếu phim vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đó một phần là nhờ thành công vang dội của bộ phim hành động “Shiri” năm 1999.

“Shiri” được xem là góp phần tạo nên sự bùng nổ phim Nam Hàn. (Hình: imfda.org)

Trước thời kỳ được gọi là “Làn Sóng Mới” này, Nam Hàn không sản xuất được phim nào đáng chú ý, do đó, mỗi khi đến rạp, khán giả trong nước chuộng xem phim Hollywood và mê tài tử Mỹ hơn.

Tuy nhiên, thành công của phim “Shiri” mở đường cho giai đoạn bùng nổ phim thương mại và làm xuất hiện thuật ngữ “phim bom tấn Nam Hàn” (Korean blockbuster) để chỉ những phim có số tiền đầu tư cao, thu hút nhiều khán giả và thu được lợi nhuận khổng lồ.

Giai đoạn bùng nổ đó bắt đầu khiến khán giả thế giới chú ý đến “Làn Sóng Mới Nam Hàn,” hiện tượng văn hóa đại chúng giúp phim truyền hình và âm nhạc nước này trở nên nổi tiếng, ban đầu là ở Á Châu, rồi sau đó là cả thế giới.

Phim “Shiri” có gì đặc biệt?

Câu trả lời nhanh nhất là tiền bán vé thu được. “Shiri” do Jacky Kang Je Gyu làm đạo diễn, kinh phí sản xuất khoảng $5 triệu, nhưng tiền bán vé đạt $26 triệu, là phim nội địa có doanh thu nhiều nhất tính đến năm 1999. Sáu triệu khán giả ở Nam Hàn đổ đến rạp để xem bộ phim hành động này, trong đó chỉ riêng ở thủ đô Seoul là 2.4 triệu người.

“Shiri” là phim về đề tài gián điệp pha trộn tình cảm và hành động. Thực ra, phim không quá xuất sắc, nhưng chạm được “nỗi lòng” của khán giả Nam Hàn.

Họ thích “Shiri” ở chỗ phim được quay và dàn dựng đẹp như phim Hollywood, và thành công của phim về mặt kỹ thuật cũng như thương mại khiến cả nước cảm thấy tự hào. Người dân Nam Hàn bất chợt cảm thấy phim của họ cũng có thể cạnh tranh với phim Mỹ, do đó, họ đổ đi xem để bày tỏ sự ủng hộ.

“Shiri” kể về một đặc vụ Bắc Hàn đem lòng yêu thương chàng điệp viên Nam Hàn đang tìm cách bắt giữ cô ta.

Nội dung phim mang tính hiện tượng ở chỗ miêu tả một đảng viên Cộng Sản Bắc Hàn là người sống có tình cảm, mặc dù nhiệm vụ của cô là ám sát các nhà lãnh đạo Nam Hàn. Trước đó, trong phim Nam Hàn, dân Bắc Hàn chỉ được mô tả là độc ác, tàn bạo.

“Shiri” công chiếu vào thời kỳ Nam Hàn đang thực hiện “Chính Sách Ánh Dương,” giúp mọi người thêm hy vọng hai miền Triều Tiên có thể hòa giải.

Những phim nào khác quan trọng trong “Làn Sóng Mới Nam Hàn?”

Trước “Shiri,” Nam Hàn sản xuất vài bộ phim kinh phí đầu tư thấp như phim tình cảm “The Contact.” Những phim này nhìn chung cũng được khán giả trong nước đón nhận, dù chưa đến mức trở thành hiện tượng như “Shiri.”

Vài nhà phê bình phim quốc tế, như chuyên gia phim Á Châu Derek Elley của tạp chí Variety, bắt đầu viết bài nhận xét về những phim đó trên báo chí Tây phương.

Chẳng bao lâu sau, nhà phê bình cả trong lẫn ngoài nước nhận ra phong cách phim Nam Hàn mới. Họ khen ngợi khả năng pha trộn thể loại của đạo diễn Nam Hàn, chẳng hạn kết hợp yếu tố kinh dị với đề tài học sinh, hoặc băng đảng chém giết với hài hước. Ngoài ra, phim thời kỳ này còn có cốt truyện chặt chẽ giống phim Mỹ, nhưng nội dung và thái độ là rặt Nam Hàn.

Sau đây là vài phim đáng chú ý của thời kỳ đó.

“An Affair” là tác phẩm mang tính đột phá của diễn viên chính Lee Jung Jae. (Hình: kccuk.org.uk)

An Affair (1998)

“An Affair” (tạm dịch: “Ngoại Tình”) vừa giống câu chuyện tình chắc chắn tan vỡ thuộc kiểu của đạo diễn người Đức Douglas Sirk, vừa giống phim truyền hình ủy mị. Đây là phim đầu tay của đạo diễn E J-Yong và tác phẩm mang tính đột phá của diễn viên chính Lee Jung Jae.

Nữ tài tử kỳ cựu Lee Mi Sook đóng vai một phụ nữ đem lòng yêu thương chồng sắp cưới đẹp trai của em gái. Cách phụ nữ này can đảm kiểm soát số phận bản thân gây xúc động cho khán giả nữ ở Nam Hàn.

“Christmas in August” đầy chất lãng mạn, được giới phê bình so sánh với phim của đạo diễn người Pháp Francois Truffaut. (Hình: filmlinc.org)

Christmas in August (1998)

Thời đó, đạo diễn Hur Jin Ho hơi đứng bên ngoài “Làn Sóng Mới Nam Hàn,” và bộ phim tình cảm đầy cảm động và đau thương này được xem là hơi khác biệt. “Christmas in August” đầy chất lãng mạn, được giới phê bình so sánh với phim của đạo diễn người Pháp Francois Truffaut, một trong những người làm nên “Làn Sóng Mới Của Pháp.” Đến nay, phim vẫn còn được khán giả yêu thích. “Christmas in August” mở ra con đường trở thành ngôi sao lớn cho diễn viên Han Suk Kyu.

“Happy End” bắt đầu bằng câu chuyện tình bình thường rồi bất ngờ chuyển sang bạo lực ác liệt. (Hình: themoviedb.org)

Happy End (1999)

Bạo lực ác liệt là đặc điểm phổ biến trong nhiều phim thuộc “Làn Sóng Mới Nam Hàn.” Bộ phim của đạo diễn Jung Ji Woo bắt đầu bằng câu chuyện tình bình thường rồi bất ngờ chuyển sang bạo lực gay cấn.

“Lies” được ca ngợi vì dám thách thức chuẩn mực tình dục bảo thủ. (Hình: kccuk.org.uk)

Lies (1999)

“Lies” là phim nghệ thuật nghiêm túc của đạo diễn Jang Sung Woo, nói về mối tình đầy nhục dục giữa ông trung niên với cô gái còn tuổi học trò.

“Lies” thất bại về mọi mặt, nhưng chủ đề hấp dẫn của phim thời đó vẫn là đề tài bàn tán trong giới phê bình lẫn khán giả khi công chiếu lần đầu tiên tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Busan.

Đạo diễn Jang được ca ngợi vì dám thách thức chuẩn mực tình dục bảo thủ, là điển hình về tính sẵn sàng chấp nhận rủi ro của một số nhà làm phim thuộc “Làn Sóng Mới Nam Hàn.”

“Peppermint Candy” là một trong những phim Nam Hàn hay nhất thập niên 1990. (Hình: moma.org)

Peppermint Candy (1999)

Đây có lẽ là phim hay nhất của đạo diễn từng là tiểu thuyết gia Lee Chang Dong. “Peppermint Candy” cho thấy áp lực từ bạn bè đồng trang lứa cũng như cách dạy dỗ giáo điều có thể làm hư hỏng ngay cả tâm hồn nhạy cảm nhất như thế nào.

Khả năng diễn xuất của tài tử Sol Kyung Gu và tài làm phim của đạo diễn Lee được đánh giá là tuyệt vời. “Peppermint Candy” là một trong những phim Nam Hàn hay nhất thập niên 1990.

“Il Mare” hay đến mức Hollywood phải làm phim tương tự, lấy tựa đề “The Lake House.” (Hình: themoviedb.org)

Il Mare (2000)

“Il Mare” là phim tình cảm dễ thương dường như lấy cảm hứng từ phim của đạo diễn Nhật Bản Shunji Iwai. Phim kể về đôi tình nhân liên lạc với nhau xuyên thời gian, thông qua thư từ bỏ ở hộp thư cũ. Tất nhiên, bi kịch sẽ xuất hiện.

“Il Mare” giúp khán giả bắt đầu biết đến diễn viên từng là người mẫu Jun Ji Hyun, và được yêu thích đến mức Hollywood phải làm lại, lấy tựa đề “The Lake House” do hai tài tử Keanu Reeves và Sandra Bullock đóng vai chính.

Vào thời điểm “Friend” trình chiếu, khán giả bắt đầu nhận xét phim Nam Hàn “làm rất hay.” (Hình: koreandrama.org)

Friend (2001)

Bộ phim có số tiền đầu tư rất lớn này giống phim băng đảng Hồng Kông, mafia Nhật, và phim của đạo diễn Martin Scorsese. “Friend” kết hợp bạo lực ác liệt với tình cảm lãng mạn, đặc điểm phổ biến của “Làn Sóng Mới Nam Hàn.”

Vào thời điểm “Friend” trình chiếu, khán giả bắt đầu nhận xét phim Nam Hàn “làm rất hay.”

“Taegukgi” là một trong những phim dùng chiến tranh Triều Tiên thu hút khán giả trẻ không sống qua thời chiến. (Hình: shuqi.org)

Taegukgi (2004)

Đây là “phim bom tấn” tiếp theo “Shiri” của đạo diễn Jacky Kang Je Gyu.

Phim cho thấy các đạo diễn thuộc “Làn Sóng Mới Nam Hàn” dùng chiến tranh Triều Tiên làm bối cảnh cho nghệ thuật giải trí chứ không phải để tuyên truyền chính trị, nhờ đó thu hút được thế hệ khán giả trẻ không sống qua thời kỳ chiến tranh. Khán giả cũng ngưỡng mộ sự dàn dựng đẳng cấp cao của “Taegukgi.” (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT