Friday, April 19, 2024

Tay ‘ăn chơi’ người Nam Tư, ý tưởng thành điệp viên James Bond

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Dusko Popov, một tay ăn chơi khét tiếng người Nam Tư, nay là Serbia, là người đã tạo cảm hứng cho Ian Flemming, tiểu thuyết gia người Anh, sáng tạo ra nhân vật trở thành huyền thoại trong làng điện ảnh thế giới: James Bond – Điệp Viên 007.

Ngày 18 Tháng Ba, 1941, một vụ tai nạn xe cộ xảy ra trên đường phố đông đúc quanh Times Square ở New York. Thường thì những tai nạn như thế này ít được báo chí để ý vì xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, vụ này lại khác, theo tạp chí National Interest.

Trong lúc còn nằm trên đường, nạn nhân bị một chiếc xe thứ hai cán qua rồi chạy mất. Ngày hôm sau, ông này qua đời trong bệnh viện ở New York. Trên người ông ta có cuốn sổ thông hành Tây Ban Nha dưới tên Don Julio Lopez Lido. Cảnh sát New York điều tra và biết được nạn nhân từng ở khách sạn Taft tại thành phố New York. Khi lục soát phòng của ông ta, cảnh sát sửng sốt tìm thấy nhiều tài liệu mật, trong đó có bản báo cáo về chiến lược phòng thủ của Quân Đội Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, và Căn Cứ Không Quân Hickam gần đó. Số tài liệu này được chuyển cho Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI).

Sau khi điều tra kỹ lưỡng, FBI xác nhận Don Julio Lopez Lido tên thật là Ulrich von der Osten, thành viên cao cấp của Abwehr, cơ quan tình báo của quân đội Đức, được phái sang Hoa Kỳ để lập mạng lưới tình báo.

Popov từng là sinh viên Trường Luật ở Belgrade trước khi sang Đức du học rồi trở thành điệp viên. Trong hồi ký “Gián Điệp/Phản Gián,” Popov tự nhận là nguồn cảm hứng để Fleming sáng tác nhân vật James Bond. (Hình: National Interest)

Nhưng lúc đó, FBI không biết rằng cái chết của Ulrich von de Osten sẽ dẫn đến một vụ gián điệp khác dính líu cả Anh, Hoa Kỳ, và Đức. Vụ này cũng sẽ liên quan hai giới chức tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ là ông William Donovan, người sau này làm giám đốc Sở Tình Báo Chiến Lược (OSS), tiền thân của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA); và ông J. Edgar Hoover, giám đốc FBI. Vụ này sau đó còn làm “lòi ra” chuyện Nhật “để ý” hệ thống phòng thủ ở Trân Châu Cảng, và chín tháng sau, Nhật tấn công căn cứ này vào ngày 7 Tháng Mười Hai, 1941.

Nhân vật trung tâm của vụ tình báo quốc tế này là Dusko Popov, một tay ăn chơi khét tiếng người Nam Tư cũ, nay là Serbia. Điều đáng chú ý, đây có lẽ là người đã tạo cảm hứng cho Ian Flemming, tiểu thuyết gia người Anh, sáng tạo ra nhân vật trở thành huyền thoại trong làng điện ảnh thế giới: James Bond – Điệp Viên 007. 

Từ sinh viên trường luật đến điệp viên hai mang

Ian Fleming, tác giả loạt tiểu thuyết nổi tiếng về Điệp Viên 007 – James Bond. (Hình: Express/Hulton Archive/Getty Images)

Theo đoạn phim tài liệu ngắn trên đài BBC hồi Tháng Ba, 2020, Dusko Popov sinh ra trong một gia đình giàu có ở Nam Tư cũ. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật của Belgrade University, ông sang Đức du học. Tại Đức, ông làm quen một số bạn bè mà sau này giới thiệu ông với Abwehr.

“Abwehr liên lạc với ông ấy và đề nghị ông ấy chuyển sang sống ở Anh để làm điệp viên cho họ vì họ không có nhiều điệp viên ngoại quốc ở Anh,” theo lời ông Dejan Tiago-Stankovic, tiểu thuyết gia người Serbia nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết chiến tranh tựa đề “Estoril.”

“Popov nhận lời, nhưng sau đó lại đi thẳng đến MI-6 (Sở Tình Báo Anh) để trình báo mọi chuyện,” ông Tiago-Stankovic cho hay.

Từ đó, Popov trở thành điệp viên hai mang.

Cuộc gặp gỡ định mệnh dẫn đến sự ra đời của “James Bond”

Khách sạn Palacio Estoril ở Bồ Đào Nha, nơi cả Fleming và Popov thường lui tới. (Hình: Patricia De Melo Moreira/AFP via Getty Images)

Sau khi được huấn luyện ở Ý, Popov được phái đến Bồ Đào Nha để gặp gỡ “sếp tình báo” người Đức của mình đang sống ở Estoril, một khu nghỉ mát trên bãi biển ngay bên ngoài thủ đô Lisbon.

“Thời Đệ Nhị Thế Chiến, Bồ Đào Nha là quốc gia trung lập. Và cũng như tất cả quốc gia trung lập khác ở Âu Châu, đây là nơi mà điệp viên ngoại quốc thường lui tới. Sảnh đón khách, quầy rượu khách sạn đầy điệp viên, phần lớn là từ Anh và Đức,” bà Irene Pimentel, sử gia người Bồ Đào Nha, cho biết. “Họ thường chào hỏi nhau, ở gần nhau để cố thu thập những chuyện bí mật.”

Ông Popov và “sếp” thường trao đổi thông tin qua những con số trên bàn “roulette” ở sòng bài Estoril. Điệp vụ kế tiếp dành cho ông là ở Hoa Kỳ.

“Đêm trước ngày lên đường sang Hoa Kỳ, ông đến Estoril chơi bài cào Baccarat. Ông đem theo rất nhiều tiền mà người Đức cung cấp cho ông để lập mạng lưới tình báo ở Anh. Có người để ý thấy ông chơi rất bạo. Vì không ai tưởng tượng được điệp viên lại làm như vậy. Khoe khoang ‘gái gú’ ngay tại chỗ này. Người theo dõi ông là Fleming,” tiểu thuyết gia Tiago-Stankovic cho biết.

Popov là người nhiều bồ bịch, nổi tiếng với sở thích dắt hai “em” vào phòng ngủ cùng lúc. (Hình: thethirdcity.org)

Ian Fleming là sĩ quan tình báo  của Hải Quân Anh và sau này trở nên nổi tiếng với loạt tiểu thuyết về “Điệp Viên 007 – James Bond.” Lúc đó, cả Fleming lẫn Popov đều đang có mặt ở Estoril. Ngày nay, giấy tờ nhận phòng của hai ông vẫn còn được trưng bày ở khách sạn Palacio Estoril. Khách sạn này là một trong những nơi quay bộ phim “James Bond” năm 1969, tựa đề “On Her Majesty’s Secret Service.” Và ngày nay, khách đến đây có thể trả tiền để ở trong phòng cao cấp James Bond.

“Chúng tôi có thông tin rằng, thời đó, cả hai ông là khách thường xuyên ở đây. Rất có thể họ cùng có mặt ở sòng bài này nhiều đêm,” ông Tiago-Stankovic nói. “Fleming không bao giờ viết về chuyện này, nên chúng tôi không biết phía Fleming như thế nào.”

Sau khi Fleming qua đời, Popov viết tiểu sử, trong đó, ông tự nhận mình là nguồn cảm hứng cho ra đời “James Bond.” Và “Sòng Bài Hoàng Gia” (phim “Casino Royale”) chính là sòng bài Estoril.

“Lịch sử không có nhiều điệp viên giống James Bond, mà Popov thì thực sự là người giống như James Bond,” ông Tiago-Stankovic nhận xét.

Ngoại trừ thói quen uống rượu…

Nữ tài tử Pháp Simone Simon và mẹ của bà từng “cặp bồ” với Popov. (Hình: Henry Guttmann/Hulton Archive/Getty Images)

“Popov tuyên bố ông không bao giờ uống rượu như James Bond vì James Bond rõ ràng là người nghiện rượu,” ông Tiago-Stankovic nói.

Những điểm khác thì khá giống, theo như ông Tiago-Stankovic tìm thấy trong lúc nghiên cứu để viết cuốn tiểu thuyết “Estoril.”

“Gu đắt tiền, lối sống xa hoa, gái đẹp. Rất có thể Fleming viết James Bond ít nhất là dựa trên Popov,” ông cho hay.

Popov là người “nhiều bồ bịch.” Danh sách những người đẹp mà ông từng hẹn hò là rất dài, trong đó có tài tử Pháp Simone Simon, và cả mẹ của bà. Khi hoạt động, Popov có mật danh là “Xe đạp ba bánh” (“Tricycle”). Nhiều người cho rằng mật danh này là do không những ông là điệp viên hai mang, mà là ba mang, vì cuối cùng, ông cũng làm việc cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tiểu thuyết gia Tiago-Stankovic tin vào giả thuyết khác.

Ông Edgar Hoover, giám đốc đầu tiên của FBI, không tin tưởng Popov, cả tin tình báo về kế hoạch của Nhật tấn công Trân Châu Cảng. (Hình: Keystone/Getty Images)

“Tôi tin giả thuyết rằng ông nổi tiếng là dắt hai ‘em’ vô phòng ngủ cùng lúc. Ông rất thích như vậy,” ông nói.

Popov từng thu thập được thông tin về nguy cơ Trân Châu Cảng bị tấn công. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, do tính cách ồn ào của Popov, nên ông Edgar Hoover, giám đốc FBI thời đó, không tin lời điệp viên này. Ông Hoover còn cho rằng Popov vẫn còn làm việc cho người Đức.

“Ông Hoover không tin Popov. Ông ta trông không giống người cung cấp thông tin đáng tin cậy,” ông Tiago-Stankovic cho hay. “Trong khi gia đình ông chết đói ở Belgrade, thì ông ấy đang ở đây (Estoril) tiêu hết hàng ngàn đô la này đến hàng ngàn đô la khác.”

Gia đình Popov bị bắt làm con tin khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Belgrade. Đó là lý do người Đức tin dùng ông làm điệp viên cho họ.

“Ông không bao giờ ngưng chơi trò hai mang, vì động cơ quan trọng nhất của ông là kiếm tiền, chứ không phải bất cứ thứ gì khác,” tiểu thuyết gia Tiago-Stankovic nói.

Sòng bài Estoril, nơi Fleming theo dõi Popov và chính là “Casino Royale.” (Hình: wef.org.in)

Những năm cuối đời, Popov viết cuốn hồi ký “Gián Điệp/Phản Gián.” Ông qua đời năm 1981 ở tuổi 69, để lại nhiều nghi ngờ mà đến ngày nay vẫn chưa được giải đáp. Một trong những nghi ngờ đó xuất phát từ việc ông tuyên bố rằng Abwehr ra lệnh ông sang Hawaii để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Oahu. Tuy nhiên, nhiều sử gia quân sự cho biết không có bằng chứng nào cho thấy người Đức từng ra lệnh cho Popov đi Hawaii.

Một nghi ngờ khác là liệu ông có bao giờ gặp ông Edgar Hoover, giám đốc FBI, trong thời gian hoạt động ở Hoa Kỳ hay không. Tài liệu FBI không cung cấp thông tin nào đáng thuyết phục về vấn đề này, và mỗi bên đều đưa ra ý kiến riêng. Trong hồi ký của mình, Popov nói ông “gặp ông Edgar Hoover tại văn phòng FBI ở New York.” Tuy nhiên, sau khi ông Hoover qua đời, FBI thẳng thừng tuyên bố không có cuộc gặp gỡ nào như vậy xảy ra. (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT