Friday, April 19, 2024

Chuyện đánh giày ở Sài Gòn


Trần Tiến Dũng/Người Việt


 


Sau biến cố 1975, đa số người Sài Gòn phải mang dép lê suốt mấy thập niên và phải đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước mới bắt đầu ra phố với đôi giày.










Một chàng trai đánh giày trên đường Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ), Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Trong bối cảnh đất nước bị dép râu áp bức, ý nghĩa này đáng gọi là cuộc cách mạng giày. Vậy rồi từ ngày ngó chân mình thấy có mang giày Tây thì nhiều người lại phát sinh cái thói quen mỗi khi ra phố, ngồi tiệm ăn… lại ngó quanh tìm bóng dáng của anh đánh giày. Chuyện đôi giày Tây Sài Gòn phục sinh kéo theo việc tái sinh nghề đánh giày.


Như thời trước, đội quân đánh giày đa số là thanh thiếu niên, khu vực hoạt động thường xuyên là các quận trung tâm Sài Gòn.


Cái vẻ ngoài của một tay đánh giày vẫn không có gì thay đổi, chân dép lê, quần áo lôi thôi, tay xách cái hộp gỗ (có khi là hộp nhựa) đựng bàn chải, giẻ rách, xi… Có vẻ như nghề đánh giày là độc quyền của cánh thanh niên mới nhập cư từ các tỉnh phía Bắc, vì khó mà tìm một giọng dân khác có gan cạnh tranh. Về kỹ thuật đánh giày thì cũng chẳng có gì mới nếu không nói là làm ẩu, làm dối hơn ngày xưa.


Nếu bạn đang ngồi quán phở mà kêu đánh giày thì lập tức những cái vỏ chanh dưới bàn ăn sẽ được tay đánh giày tận dụng để tẩy chất dơ trên đôi giày, có khi nếu chủ quán ăn sơ ý thì tay đánh giày sẽ xé khăn giấy trên bàn ăn để phục vụ đôi giày. Qui trình đánh một đôi giày tùy vào sự tử tế hay cà chớn của tay đánh giày nhưng không bao giờ quá 5 phút; trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nếu bạn là người lơ mơ thì đôi giày của bạn và túi tiền sẽ bị xẻ thịt không thương tiếc.


Làm cách nào để biết một tay đánh giày có trân trọng đôi giày đắt tiền mới cáu hoặc đôi giày vốn là của để dành đi ăn đi nói của bạn. Xin thưa là mọi tay đánh giày đều dẻo miệng về lương tâm nghề nghiệp nhưng chỉ có Thượng Ðế mới biết thấu cái ma thuật làm cho bạn và đôi giày của bạn đau khổ đến muốn chửi.


Hành khúc đau khổ bắt đầu từ việc bạn nghe tay đánh giày hát bài ca: “Ðánh giày nhé sếp, giày dơ thế thì hỏng, đánh giày giúp chúng em kiếm ổ bánh mì, khổ thân em đi rã cả chân, bụng cứ sôi ùng ục…”


Nếu gật đầu đồng ý trả tiền công 10,000 VNÐ/đôi giày, thì sau khi cởi giày bạn sẽ được nhận đôi dép mang tạm, sau đó nữa bạn nên chuẩn bị thêm ít trăm ngàn để nhận lại đôi giày.


Tại sao phải tốn thêm tiền để nhận lại giày? Bạn hãy nghe một ông khách trong khi ngồi chờ bạn ở một quán cà phê thuộc khu Ðệ Nhất khách sạn kể. “Tôi mãi lo nói chuyện điện thoại nên sơ ý, thì thoáng một cái thằng đánh giày lột ngay cái đế giày của tôi, móng tay chúng như dao ấy (thật ra không phải móng tay mà là dao thật giấu trong thùng đồ nghề), thằng ấy đến banh đế giày ra trước mắt tôi bảo rằng giày bác tệ thế này. Bố chúng nó, đôi giày mấy triệu bạc của tôi thế là vứt, đã thế còn phải chi cho thằng í trăm rưởi ngàn tiền dán keo, tôi giận điên người, nhưng không có giày thì đi công việc làm sao.”


Khác với thời xưa, trong hộp đồ nghề của các tay đánh giày thời nay được trang bị một loại bùa đó là típ keo dán hiệu con voi để dán sau khi ra chiêu cạy đế giày, tách mỏ giày, rạch chỉ giày… Chỉ cần vài giọt keo là đôi giày xịn tiền triệu của bạn có thể tạm lành thương tích mà đưa bạn về tới nhà. Tất nhiên, tùy theo mặt khách mà vài giọt keo được tay đánh giày tính với giá mấy trăm ngàn hay vài chục ngàn.


Một anh sinh viên muốn đôi giày bóng đẹp để đi đến điểm hẹn hò với người tình đã khóc ròng khi đôi giày anh bị chơi chiêu. Anh kể, “Chẳng lẽ đánh nhau với hắn, nên cháu cho hắn đôi giày luôn, hắn biết giày bèo, nên chẳng lấy mà nhất định đòi lấy tiền keo. Cháu nói cháu có đồng ý để anh dán keo bao giờ, hắn nói không cần mày đồng ý tao cứ dán, mày không đưa tiền tao thì mấy giọt keo của tao thành máu của mày tức thì đấy. Thế là cháu phải đưa anh ta năm chục ngàn, chẳng còn tiền để đi uống nước với bạn gái nữa.”


Hẳn nhiên trong thế giới dân đánh giày đường phố không phải ai cũng cà chớn. Nếu hiểu sâu hơn về nghề đánh giày, người ta sẽ biết đây là phương tiện kiếm cơm buổi đầu đi giang hồ rồi sau đó tìm cơ hội lập nghiệp của các lưu dân trẻ. Nghề đánh giày vốn là một nghề nghiêm chỉnh và không có gì quá đáng khi cho rằng quanh cái nghề đánh giày còn hé lộ văn hóa đánh giày.


Anh T., người thường đánh giày ở quanh các quán cà phê lề đường quận 3 nói, “Bố em có chút tiền đền bù đất đai cờ bạc gái gú đến hết sạch, đang học lớp 12, em nhảy tàu vào Nam. Cả năm nay em sống nhờ bằng nghề này. Em coi phim, thấy ở nước ngoài trên phố có chỗ cho người làm nghề, khách cứ gác chân đọc báo, chẳng những có văn hóa mà cả người đánh giày như chúng em cũng nhận được đồng tiền tử tế. Ao ước thế mà biết đến bao giờ nước mình mới được thế hả chú.”










Ðánh giày là nghề mưu sinh của nhiều thanh niên trẻ nhập cư vào thành phố. (Hình: Trần Tiến Dũng)


Trong một đất nước mà nạn tham những, lũng đoạn… đào sâu khoảng cách giàu nghèo và có khi người này nhìn vào đôi giày người khác cũng thấy rõ sự bất công; thì cả mặt tốt và mặt xấu của người hành nghề đánh giày cũng chỉ là nạn nhân.


Với người Sài Gòn, sau hàng thập niên bị cướp mất cảm giác tự tin nay được diện đôi giày bóng loáng thì dù có chút điều không vừa ý với người đánh giày, họ vẫn thấy thú vị khi cất tiếng kêu: “Ê, đánh giày!”

MỚI CẬP NHẬT