Saturday, April 20, 2024

Trở lại ‘Mười tám thôn Vườn Trầu’



Nguyễn Ðạt/Người Việt


 


Cách đây gần hai chục năm, tôi tìm tới vùng Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu. Ðược biết qua sử sách, Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu là vùng đất ghi nhiều dấu tích lịch sử thời kỳ chống thực dân Pháp; mà vùng này nào cách xa chi mấy nơi tôi cư ngụ ở Sài Gòn.








Cau bán trong chợ Bà Ðiểm dịp Tết là cau từ Củ Chi. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Lần đầu tiên đó, cũng là lần duy nhất tới lần này, tôi khởi sự từ nội ô Sài Gòn, đi về hướng quốc lộ 22; tới Hóc Môn, có một ngả rẽ phía bên trái quốc lộ, một con đường làng. Cứ thẳng con đường làng, tôi tới Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu.


Lúc đó, Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu cũng đã thành thị hóa, cũng giống như nhiều nơi chốn ở ngoại ô Sài Gòn. Ấy tuy nhiên, vùng này vẫn giữ nhiều nét dáng của hình ảnh một Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu mà tôi hình dung tưởng tượng. Ðấy là những nếp nhà cổ kính, những hàng cau vươn cao thẳng tắp ở các sân vườn, những quán nước vách lá đơn sơ, những chiếc ghế tre thanh dài vàng óng; các cụ già râu ba chòm tóc trắng muối tiêu hay bạc trắng, có cụ để dài thõng thượt có cụ búi tó, ngồi uống cà phê nói chuyện thuở xưa…


Lần đó tôi thấy thú vị quá, ngồi uống cà phê hóng chuyện kể của những ông già Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu. Những gì các cụ nói chuyện với nhau, như nét chấm phá, điểm tô, làm sinh động thêm cho bức tranh lịch sử của Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu.


Theo sách ghi chép, Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu thuở xưa thuộc huyện Bình Long, tỉnh Gia Ðịnh; về sau Bà Ðiểm là một xã của huyện Hóc Môn. Ðặc điểm thổ nhưỡng vùng này rất thích hợp với cây trầu, 18 thôn của xã Bà Ðiểm trở thành nơi chuyên canh, cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh.


Thuở đầu, từ thế kỷ 17, khi có cuộc di dân tới đây lập nghiệp, Mười tám thôn Vườn Trầu là vùng hoang sơ, cây cỏ rậm rạp, nhiều thú dữ, nhiều nhất là cọp. Ban ngày ban mặt, cọp đi nghênh ngang ngoài đường; tối đến cọp phá phách, viếng các nhà chăn nuôi bắt heo lôi đi.


“Chắc chú đọc sách, có thấy câu ‘dữ như cọp 18 thôn Vườn Trầu’ chớ? Hồi đó tui còn nhỏ, thấy ở đây từng nhóm vài ba chục người gánh trầu đi bộ tới bán ở chợ Sài Gòn, chợ bến Nghé,…” một ông già nói với tôi.


Từ thế kỷ 19, Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu trở thành vùng dân cư trù mật; và thường họp chợ đặc biệt về trầu; báo chí thời Pháp thuộc có viết bài về những phiên chợ trầu sầm uất của Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu. Tới vùng Bà Ðiểm là thấy ngút mắt những vườn trầu bát ngát xanh tươi. Xã Bà Ðiểm còn có nghề nuôi ngựa, nuôi gà chọi.


“Chú biểu tên gọi Bà Ðiểm, bả là một nhơn vật lịch sử chống Pháp hả? Hổng phải đâu; có tên bả từ lâu trước rồi, sau mới có những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đây. Tui nghe tương truyền chớ hổng biết đích xác được: Bà Ðiểm là tên của một bà chủ quán nước chè tươi. Chè là trà đó, nói theo tiếng Bắc của chú.” Một ông già tóc búi tó nói.


Hôm nay, một ngày Tết Nhâm Thìn, tôi trở lại vùng Hóc Môn-Bà Ðiểm, không thể nhận ra một nơi tôi đã tới lần đầu, cách đây mười mấy hai chục năm.










Hàng cau thấp thoáng trong một ngõ hẻm ở Bà Ðiểm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)


Bà Ðiểm-Mười tám thôn Vườn Trầu trước mắt đã thay da đổi thịt, đã thành thị hóa hoàn toàn, trở thành một khu vực phố phường của (xã) Bà Ðiểm thị thành. Có thể xem đường Nguyễn Ảnh Thủ là đường phố chính của khu vực này. Ði sâu vào những con ngõ ngang dọc của đường Nguyễn Ảnh Thủ, và những đường phố nhỏ lân cận, sẽ thấy thấp thoáng những hàng cau vươn lên cao vút, thẳng tắp như xưa.


Vào chợ Bà Ðiểm, cũng thấy thấp thoáng ngọn cau xa xa phía sau chợ. Tôi tìm tới hàng trầu cau; bà cụ ngồi buồn thiu bên chùm cau đã héo rũ cuống, nói: “Bán trầu bi giờ cho ai mà chú hỏi. Tui hổng biết mần chi mới còn bán mấy trái cau Củ Chi này chớ. May có người mua khi có đám cưới đám hỏi, hay cúng ông bà dịp Tết mà thôi.”


Hóa ra buồng cau trong chợ Bà Ðiểm lại là cau Củ Chi; bà cụ cho biết, cau nó có mùa, cau Bà Ðiểm chỉ rộ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 mà thôi.

MỚI CẬP NHẬT