Friday, April 19, 2024

Khắp nước Mỹ biểu tình chống sắc lệnh di dân của Trump

WASHINGTON, DC (AP) – Biểu tình tiếp tục diễn ra khắp Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật, chống lại sắc lệnh của Tổng Thống Donald Trump, tạm thời cấm nhập cảnh công dân bảy quốc gia có đa số dân Hồi Giáo, từ các phi trường nhỏ như Rapid City Regional Airport ở South Dakota, cho tới phi trường quốc tế Hartfield-Jackson Atlanta, một trong những phi trường bận rộn nhất nước Mỹ.

Các cuộc biểu tình này nổ ra hôm Thứ Bảy, một ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm công dân các nước như Iraq, Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia, và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong ba tháng.

Tổng thống cũng tạm ngưng chương trình nhận người tị nạn trong bốn tháng.

Tại thủ đô Washington, DC, hàng trăm người tập trung bên ngoài Tòa Bạch Ốc, một số người cầm biểu ngữ có hàng chữ “Chúng ta tất cả là di dân tại Mỹ.”

Một số người khác kéo đến biểu tình trước khách sạn Trump International Hotel, do tổng thống làm chủ, cách Tòa Bạch Ốc không xa.

Các cuộc biểu tình cũng xảy ra tại các phi trường Detroit ở Michigan, và phi trường quốc tế Minneapolis-St. Paul ở Minnesota, cũng như tại vùng ngoại ô ở Chicago, nơi một nhóm người Do Thái biểu tình ủng hộ người Hồi Giáo.

Biểu tình cũng xảy ra tại các phi trường lớn ở nước Mỹ như Los Angeles, Boston, New York, Dallas-Fort Worth, và phi trường quốc tế Dulles ở Virginia.

Tại phi trường Seatle-Tacoma International ở thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, khoảng 3,000 người mang biểu ngữ và hô khẩu hiệu như “Không Thù Ghét, Không Sợ Hãi, Di Dân Đón Nhận Nơi Này” và “Cho Họ Vào,” bắt đầu tụ tập vào tối ngày Thứ Bảy và tiếp tục cuộc biểu tình tới sáng sớm ngày Chủ Nhật.

Cô Aayah Khalaf, một nữ công dân Mỹ theo Hồi Giáo, khi thấy hình ảnh về cuộc biểu tình trên truyền hình, quyết định cùng với một người bạn học gốc Ai Cập đến tham dự biểu tình. Đây là lần thứ nhì cô tham dự vào một cuộc biểu tình. Lần đầu tiên là cuộc tuần hành ở phụ nữ ở Washington.

“Điều này không chỉ nhắm vào người Hồi Giáo. Điều này đi ngược lại nhân quyền. Tôi nghĩ mọi người đều phải đứng lên chống lại,” theo lời cô Khalaf, 29 tuổi.

Cơ quan điều hành các phi cảng và hải cảng ở Seattle, đưa ra bản thông cáo chỉ trích sắc lệnh của ông Trump, nói rằng các uỷ viên điều hành bày tỏ sự lo ngại về sắc lệnh cấm di dân được đưa ra tối hôm trước và đây là điều đi ngược lại giá trị của nước Mỹ, vốn là đất nước của người di dân.

Tại New York, đám đông khoảng hơn 2,000 người tham dự biểu tình tại phi trường John F. Kennedy, nơi 12 người tị nạn bị bắt hôm Thứ Bảy. Một người biểu tình, tên là Pamela French, nói rằng: “Điều mà Donald Trump làm trong 24 giờ qua là điều đáng xấu hổ và hoàn toàn ngược lại với giá trị Mỹ do đó tôi đến đây để phản đối.”

Tại các phi trường ở Newark, tiểu bang New Jersey, cũng như Fairfax tại tiểu bang Virginia, có hơn 100 người biểu tình, gồm cả các luật sư, vốn đến để bảo vệ quyền lợi của người tị nạn và người di dân bị bắt và không cho nhập cảnh.

Thống đốc tiểu bang Virginia, ông Terry McAuliffe, cho hay trong cuộc họp báo rằng ông yêu cầu bộ trưởng tư pháp tiểu bang, ông Mark Herring, hãy tìm hiểu các phương cách nhằm trợ giúp những người có thể bị bắt giữ ở Virginia.

Tại Chicago, một đám đông biểu tình và ngăn cản giao thông tại phi trường quốc tế O’Hare. Có 17 người bị bắt sau khi máy bay của họ đáp xuống phi trường nhưng đều được thả ra vào khuya ngày Thứ Bảy.

Trong số những người bị bắt có ông Hessan Noorian, một cư dân ở khu Park Ridge, trở về cùng với gia đình từ Iran.

Ông Noorian là công dân song tịch Anh và Iran, có thẻ xanh ở Mỹ. Bà vợ ông, Zahra Amirisefat, là một công dân Mỹ nên không bị bắt.

Phi trường quốc tế O’Hare ở Chicago phải đóng hai đường băng đón máy bay đến.

Một phụ nữ tham gia biểu tình ở Boston, Massachusetts, hôm Chủ Nhật, chống sắc lệnh di dân của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: RYAN MCBRIDE/AFP/Getty Images)
Một phụ nữ tham gia biểu tình ở Boston, Massachusetts, hôm Chủ Nhật, chống sắc lệnh di dân của Tổng Thống Donald Trump. (Hình: RYAN MCBRIDE/AFP/Getty Images)

Các luật sư ở Chicago cũng có mặt rất đông tại phi trường này tối Thứ Bảy, một số đi bộ lòng vòng, tay cầm tấm bảng cho biết sẵn sàng giúp ai cần giúp.

Một luật sư tình nguyện, cô Julia Schlozman, đi xe điện từ nhà đến phi trường.

“Tôi chỉ cảm thấy là tôi phải làm một điều gì đó,” cô nói với nhật báo The Chicago Tribune.

Một chánh án liên bang Mỹ hôm Thứ Bảy ra phán quyết tạm thời, theo đó, cấm chính phủ trục xuất những người từ các quốc gia trong danh sách cấm đến Mỹ của Tổng Thống Donald Trump.

Các tòa án liên bang ở ba tiểu bang Virginia, Massachusetts, và Washington cũng đưa ra phán quyết tương tự.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lẫn lộn là không biết ai được nhập cảnh và ai không được.

Cho tới chiều Chủ Nhật, Bộ Nội An cho biết, không còn bất cứ di dân ngoại quốc nào bị giữ tại các phi trường.

Hồng Y Blase Cupich, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Chicago, một người nổi tiếng rất trầm lặng, ít khi phát biểu những gì liên quan đến chính trị, nhưng hôm Chủ Nhật đưa ra một tuyên bố, nói về sắc lệnh của Tổng Thống Trump như sau: “Sắc lệnh này được chuẩn bị và thực hiện quá vội vã, và trên thực tế, gây hỗn loạn, tàn ác, và không đếm xỉa gì đến các thực tế” của vấn đề an ninh.

Hồng y cho biết thêm: “Họ quá gấp rút trong một ‘giai đoạn đen tối của lịch sử Hoa Kỳ.’”

Linh Mục John I. Jenkins, viện trưởng đại học University of Notre Dame, là một trong những người chỉ trích sắc lệnh của tổng thống mạnh mẽ nhất.

“Nếu sắc lệnh này được áp dụng, nó sẽ dần dần làm giảm mức độ và sức mạnh của các cố gắng giáo dục và nghiên cứu của các đại học tại Hoa Kỳ,” vị linh mục nói hôm Chủ Nhật. “Chúng tôi kính cẩn yêu cầu tổng thống rút lại sắc lệnh này.”

Một giới chức Bộ Nội An hôm Thứ Bảy cho giới truyền thông biết, có 109 người bay đến Mỹ bị từ chối nhập cảnh, và có 173 người không được lên máy bay tại quốc gia của họ để bay đến Mỹ.

Không có thường trú nhân Hoa Kỳ nào bị cấm nhập cảnh tại các phi cảng của Mỹ hôm Thứ Bảy, giới chức này cho biết, mặc dù có một số người bị giữ nhiều giờ trước khi được thả ra.

Trước khi ông Trump ký sắc lệnh, hơn 67,000 người tị nạn đã được chính quyền liên bang chấp thuận cho nhập cảnh, bà Jen Smyers, giám đốc phụ trách chính sách tị nạn của tổ chức Church World Service, nói. Có hơn 6,400 người đã mua vé máy bay, trong đó có 15 gia đình từ Ethiopia, Eritrea, Iran, Syria, và Uganda sẽ đến vùng Chicago trong vài tuần lễ.

Những người tị nạn vào Hoa Kỳ thường do các tổ chức tôn giáo giúp ổn định trong thời gian đầu.

Và bây giờ, tất cả các hoạt động này đều ngưng lại sau khi Tổng Thống Donald Trump ký ban hành sắc lệnh. (V.Giang, Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT